Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Các cặp thành phố kết nghĩa, tại sao không?
Đăng Bảo
Ngoại giao thành phố
Thành phố kết nghĩa là những thành phố có mối quan hệ hữu nghị thường xuyên để hai bên tìm hiểu lẫn nhau về đời sống cư dân, lịch sử, văn hóa và xúc tiến thương mại, du lịch. Khái niệm về các thành phố kết nghĩa đã có từ rất lâu, nhưng dấu mốc để nó trở thành xu hướng có thể tính là ngày 14-11-1940, khi thành phố Coventry của Anh bị máy bay Đức oanh kích dã man trong chiến dịch Coventry Blitz. “Bới tìm những gì còn lại dưới đống đổ nát mà các phi công Đức để lại cho thành phố, chúng tôi ngậm ngùi nhận ra mình cần những người bạn đến mức nào”, Thị trưởng Coventry Alfred Robert Grindlay viết.
Cảm xúc đó day dứt trong lòng ông sâu sắc đến nỗi khi phát xít Đức tấn công Stalingrad (nay là Volgograd), ông đã gửi một bức điện tín đến nhân dân thành phố Xô Viết ấy đề nghị thiết lập mối quan hệ đoàn kết giữa các thành phố ở các nước đồng minh đã và đang trải qua những sự kiện tàn khốc tương tự. 830 phụ nữ ở Coventry, dẫn đầu bởi thị trưởng kế nhiệm Emily Smith, đã thêu tên họ của mình lên chiếc khăn trải bàn cùng dòng chữ “Sự giúp đỡ nhỏ hơn nhiều cảm thông lớn”. Họ quyên góp mỗi người 6 xu và thông qua Đại sứ quán Liên Xô tại London gửi nhân dân Stalingrad đang anh dũng đối chọi với mưa bom bão đạn của phát xít Đức. Mối quan hệ kết nghĩa giữa Coventry và Stalingrad được chính thức hóa vào năm 1944 và tiếp tục ngay cả khi cuộc Chiến tranh lạnh căng thẳng đến mức “cả 2 thành phố đều lo ngại một đòn tấn công hạt nhân vào nhau”.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Conventry còn kết nghĩa với các thành phố của cựu thù Đức từng bị tàn phá trong chiến tranh tương tự như Kiel (năm 1947) và Dresden (năm 1956) như là một hành động hòa bình, hòa giải và quyên góp nhiều đợt cho việc khôi phục những thành phố này. Thành phố của Anh còn kết nghĩa với Thủ đô Belgrade của Nam Tư: Belgrade tặng thành phố Anh toàn bộ gỗ làm nội thất nhà hát trung tâm, đổi lại, chính quyền Conventry lấy tên The Belgrade đặt cho nhà hát ấy.
Trong giai đoạn 1986 - 1990, nhiều cặp thành phố Đông Đức - Tây Đức đã hình thành như Chemnitz của Đông Đức với Dusseldorf của Tây Đức; Eisenhuttenstadt của Đông Đức với Saarlouis của Tây Đức... Các cặp thành phố kết nghĩa ấy đã làm dịu đi rất nhiều căng thẳng giữa hai bên, giúp nhân dân hiểu, cảm thông với nhau hơn, góp phần không nhỏ vào việc thống nhất sau đó. Ngày nay, các cặp thành phố kết nghĩa đó vẫn còn tồn tại dù họ đã thuộc về cùng một quốc gia.
Bước vào thế kỷ XXI, việc kết nghĩa giữa các thành phố ngày càng được sử dụng để hình thành các liên kết thương mại, du lịch, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Các mối liên kết ấy mở rộng ra tới các phạm vi khác như làng xã, tỉnh và các đơn vị hành chính khác. Các cặp thành phố kết nghĩa thường xuyên trao đổi các đoàn đại biểu, các đội văn nghệ và thể thao, tổ chức các triển lãm, trưng bày, tuần lễ phim, trao đổi kinh nghiệm quản lý thành phố của hai bên. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có tới hơn 3.500 cặp thành phố kết nghĩa đang vận hành, trong đó riêng các thành phố của Mỹ đã có tới 1.800 quan hệ thành phố kết nghĩa với các đối tác ở 138 quốc gia.
Sự sôi động của hoạt động kết nghĩa giữa các thành phố hình thành nên một khái niệm ngoại giao mới - ngoại giao thành phố. Nó phát triển song song với hệ thống hiệp ước quốc tế cùng các đại sứ quán và các hiệp định ở tầm quốc gia. Vấn đề quan trọng nhất của ngoại giao thành phố là hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa cư dân hai bên. Tuy nhiên, không ít các cặp thành phố kết nghĩa quan tâm đến những vấn đề vĩ mô hơn như biến đổi khí hậu, hoặc bảo tồn đa dạng sinh học. Thượng viện Anh cho rằng, các cặp thành phố kết nghĩa có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy thương mại và du lịch, cũng như văn hóa và hòa giải hậu xung đột. Còn Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khẳng định, chính sách ngoại giao cấp thành phố rất quan trọng trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế, du lịch và thu hút nhân tài.
Những cuộc kết giao đầy hứa hẹn
Theo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, ngay từ năm 1994, cựu Thị trưởng San Francisco Frank Jordan đã khởi xướng việc thảo luận với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức Hội chợ thương mại Việt Nam tại Fort Mason cùng năm. Ông đã đến thăm và ký thỏa thuận kết nghĩa chính thức giữa 2 thành phố với Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Trương Tấn Sang vào ngày 10-4-1995. Thỏa thuận kết nghĩa chính thức này được ký 3 tháng trước khi 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Từ đó đến nay, 2 thành phố đã triển khai nhiều hợp tác. Ủy ban Kết nghĩa San Francisco - Thành phố Hồ Chí Minh cũng như lãnh đạo của cả 2 thành phố đã tổ chức nhiều chuyến thăm chính thức; các chuyên gia, nhà giáo và công dân của 2 thành phố đã tham gia các chuyến thăm song phương với mục đích thúc đẩy mối quan hệ nhân dân và môi trường hợp tác giữa 2 thành phố. Ngoài ra, San Francisco được lựa chọn là địa điểm đặt Tổng Lãnh sự quán Việt Nam đầu tiên tại Mỹ và trụ sở tại Bắc Mỹ của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
Mới đây, ngày 22-9, tại New York, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng Thị trưởng New York Eric Adams đã ký kết bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa 2 thành phố. Ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh và New York có nhiều điểm tương đồng, nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác. Cả 2 đều có vai trò đặc biệt đối với 2 quốc gia. Trên nền tảng quan hệ kết nghĩa này, hai bên sẽ tập trung vào thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, môi trường (đặc biệt liên quan đến biến đổi khí hậu), khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục. Ông hy vọng, việc kết nghĩa có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 thành phố và hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Cũng trong chuyến thăm Mỹ nói trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Nina Hachigian - Phó Thị trưởng thành phố Los Angeles - bày tỏ mong muốn tăng cường mạnh mẽ hợp tác với Việt Nam và mong chờ sớm được kết nghĩa với thành phố Hà Nội. Bà cho biết, Los Angeles có một cộng đồng người Việt rất lớn, thế hệ người Việt Nam mới sinh ra ở đây rất đông đảo. Đồng thời, Việt Nam đang có nhà máy ô tô của hãng Vinfast ở đây, dự kiến sẽ có đường bay thẳng của hãng Vietjet, nhiều tập đoàn, công ty của Việt Nam sẽ mở chi nhánh tại đây. Đây là những điều quan trọng để hình thành nên một cặp thành phố kết nghĩa.
Bên cạnh những cặp thành phố kết nghĩa nói trên, rất nhiều thành phố của Việt Nam có tiềm năng kết giao với các thành phố của Mỹ. Trong tương lai không xa, chúng ta hoàn toàn có thể được thấy những cặp thành phố kết nghĩa như Hạ Long - Miami, Thủ Dầu Một - Seattle, Chu Lai - Michigan, Cần Thơ - Atlanta...
Việt Nam và Mỹ có rất nhiều thành phố tương đồng và sự kết nghĩa sẽ mở ra những cơ hội to lớn để phát triển du lịch, giao thương. Ngoại giao cấp thành phố cần được đẩy mạnh để thiết lập những mối quan hệ thiết yếu cho cả đôi bên và hướng tới một tương lai bền vững./.