21/11/2024 | 17:10 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và những thảm họa

Nguyễn Trí Dũng
Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và những thảm họa Trong thời gian lắp đặt cầu phao, người dân xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) di chuyển bằng xuồng cứu sinh qua địa bàn lũ lụt_Ảnh: TTXVN
Có không ít nguyên nhân khiến thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, với những thảm họa mưa bão, lũ lụt, hạn hán,... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên toàn thế giới. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan, mà sự tàn phá của cơn bão số 3 (bão Yagi) mới đây là minh chứng rõ nét.

Bão lũ ngày càng dữ dội

Cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay cho tới hiện tại, bão Yagi, đổ bộ đất liền vào tuần đầu tháng 9-2024 khiến tổn thất và thương vong ở miền Bắc nước ta rất nặng nề. Tốc độ gió đạt hơn 200km/h, theo Trung tâm Cảnh báo bão nhiệt đới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gây ra thiệt hại rất lớn. 

Trước khi đổ bộ vào Việt Nam, siêu bão Yagi đã tàn phá đảo Hải Nam của Trung Quốc, đồng thời để lại hậu quả tàn khốc ở Philippines. Ít nhất 20 người được cho là đã thiệt mạng ở Philippines và 4 người ở miền Nam Trung Quốc. Hàng chục người vẫn mất tích giữa những cây cầu bị phá hủy, lở đất và lũ lụt. Hàng triệu người trên khắp khu vực bị mất điện, nhiều người buộc phải rời bỏ nhà cửa. 

Với tốc độ gió tối đa là 203km/h, Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai trên thế giới trong năm nay, sau bão Beryl. Những cơn bão tấn công Đông Á và Đông Nam Á trong những năm gần đây dường như đang trở nên mạnh hơn, theo các nhà khoa học, đại dương ấm hơn đang góp phần tăng sức mạnh hủy diệt của chúng.

Siêu bão cũng giống như bão cấp 5 - cấp dữ dội nhất trong thang đo. Mặc dù được gọi tên khác nhau trên thế giới, song tất cả các cơn bão nhiệt đới đều có tốc độ gió rất mạnh, lượng mưa lớn, làm mực nước biển dâng cao trong thời gian ngắn. 

Cuồng phong, bão nhiệt đới và lốc xoáy đều là những khối gió quay khổng lồ được cung cấp năng lượng bởi không khí ấm và ẩm. Chúng bắt đầu ở vùng biển nhiệt đới gần đường xích đạo, khi không khí bốc lên và di chuyển ra xa bề mặt đại dương, với ít không khí hơn ở bề mặt tạo ra vùng áp suất thấp và không khí xung quanh xoáy vào để thay thế. 

Các cơn bão nhiệt đới thường bắt đầu suy yếu khi chúng đổ bộ vào đất liền vì không còn năng lượng từ nước biển ấm để nuôi dưỡng. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản chúng gây ra thiệt hại to lớn trước khi chúng biến mất.

Có rất nhiều yếu tố quyết định xem một cơn bão có hình thành hay không, nó phát triển như thế nào, cường độ, thời gian kéo dài và đặc điểm chung của nó. Điều này làm cho vai trò của biến đổi khí hậu trong một cơn bão riêng lẻ trở nên khó xác định. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết bão, lốc xoáy và cuồng phong nói chung đã trở nên mạnh hơn do biến đổi khí hậu. Điều này là do nước biển ấm hơn cho phép bão hấp thụ nhiều năng lượng hơn dẫn đến tốc độ gió cao hơn. 

Ví dụ, dự báo về các cơn bão Đại Tây Dương năm 2024 sẽ “hoạt động sôi nổi” do nhiệt độ bề mặt biển kỷ lục. Bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, nghĩa là lượng mưa lớn hơn. 

Một ước tính cho thấy, lượng mưa cực lớn từ cơn bão Harvey đổ bộ vào Mỹ năm 2017 có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 3 lần do biến đổi khí hậu. 

Mực nước biển dâng cao cũng có thể đóng vai trò trong mức độ nghiêm trọng của các cơn bão nhiệt đới. Bão lớn có thể tàn phá các cộng đồng ven biển và mực nước biển dâng cao chỉ khiến tình trạng lũ lụt trở nên tồi tệ hơn.

Vào năm 2023, nhiệt độ bề mặt biển ở Tây Bắc Thái Bình Dương đạt mức cao nhất từng được ghi nhận. Ngay cả Bắc Băng Dương cũng trải qua đợt nắng nóng trên biển. Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình của thế giới; kể từ năm 1961 đến năm 1990, tốc độ nóng lên đã tăng gấp đôi. 

Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho biết: “kết luận của báo cáo rất đáng lo ngại. Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng nhất từng được ghi nhận vào năm 2023, cùng một loạt điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão. Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng như vậy, tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống của con người và môi trường mà chúng ta đang sống”. 

Theo Cơ sở dữ liệu sự kiện khẩn cấp, năm 2023, có 79 thảm họa liên quan đến các sự kiện nguy hiểm về khí tượng thủy văn được báo cáo ở châu Á. 

Trong số này, hơn 80% liên quan đến lũ lụt và bão, với hơn 2.000 người tử vong và 9 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Mặc dù rủi ro sức khỏe ngày càng tăng do nhiệt độ cực cao gây ra, nhưng tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ thường không được báo cáo.

Hậu quả lớn do những hiện tượng thời tiết cực đoan giao nhau

Năm 2023 là năm nóng nhất mà con người từng ghi nhận, thúc đẩy một số sự kiện - sóng nhiệt, mưa lớn, hỏa hoạn - đạt đến quy mô chưa từng có. Các đám cháy phá kỷ lục của Canada tiếp tục âm ỉ trong suốt mùa đông và bắt đầu mạnh trở lại. 

Hoạt động của bão ở Đại Tây Dương có khả năng cao hơn bình thường một phần là do lượng nhiệt cực lớn mà đại dương hấp thụ vào năm ngoái. Thảm họa ở nhiều loại hình khác nhau cũng có thể phức tạp hơn. 

Cháy rừng có thể làm bật gốc cây và đốt cháy lớp phủ mặt đất, làm trơ trụi cảnh quan và khiến nó dễ bị sạt lở đất. Nhiều năm hạn hán có thể làm khô đất, nén chặt đất và khiến đất không thấm nước, vì vậy khi mưa lớn ập đến, chúng sẽ gây ra lũ lụt trên diện rộng hơn.

Châu Á là khu vực chịu nhiều thảm họa nhất thế giới do các mối nguy liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước vào năm 2023. Lũ lụt và bão gây ra số lượng thương vong và thiệt hại kinh tế được thống kê cao nhất, trong khi tác động của tình trạng nắng nóng, hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn, theo báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). 

Báo cáo Tình hình khí hậu châu Á năm 2023 nhấn mạnh tốc độ gia tăng của các chỉ số chính về biến đổi khí hậu như nhiệt độ bề mặt, băng tan và mực nước biển dâng sẽ gây ra những tác động lớn đến xã hội, nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực.

Lượng khí nhà kính do con người thải ra đang làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, do đó làm tăng khả năng và cường độ của nhiều loại sự kiện thời tiết cực đoan. 

Tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tạo ra chế độ mà trong đó nhiều thảm họa không phải là những sự kiện riêng lẻ, độc lập mà được hình thành dựa trên nền tảng của các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa lớn trước đó. 

Không chỉ có thảm họa xảy ra liên tiếp, mà những hiện tượng thời tiết cực đoan còn đẩy những thảm họa tiếp theo lên mức độ tàn phá lớn hơn. Nó tạo ra hiệu ứng tích lũy không nhất thiết phải thiết lập lại theo từng năm và ngày càng có nhiều người phải đối mặt với những hiệu ứng kết hợp này. 

Theo một ước tính, hơn 90% dân số thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn của các đợt nắng nóng và hạn hán kết hợp, do những thay đổi trong hệ thống khí hậu cũng như sự thay đổi trong sử dụng nước và đất. Thêm vào đó, dân số ngày càng tăng và tiếp tục gia tăng ở những khu vực dễ bị tổn thương. 

Kết quả là các thảm họa xảy ra thường xuyên hơn, nguy hiểm hơn và thiệt hại nhiều hơn. Hiểu được cách thời tiết cực đoan xảy ra có thể giúp con người dự đoán và chuẩn bị cho các mối đe dọa trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang vật lộn để thu thập thông tin cơ bản mà họ cần để tìm ra cách các hiện tượng ảnh hưởng lẫn nhau.

Có một số cách mà các thảm họa có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Một ví dụ là hạn hán khắc nghiệt có thể dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng hơn. Miền Tây nước Mỹ vẫn đang vật lộn với hạn hán kéo dài nhiều thập niên - đợt khô hạn tồi tệ nhất trong 1.200 năm qua. 

Việc thiếu mưa cùng với nhiệt độ trung bình tăng cao đã làm khô đất và thảm thực vật. Độ ẩm trong đất thấp khiến đất bị nén chặt, kém khả năng giữ nước. Cỏ, bụi rậm và cây cối héo úa cũng không thể hấp thụ được lượng mưa bằng rễ của chúng. 

Vì vậy, khi những trận mưa như trút nước xảy ra, giống như những con sông khí quyển ở California vào đầu năm 2024, những cơn bão sẽ đổ nhiều nước hơn vào đất liền, nơi ít có khả năng hấp thụ nước hơn, dẫn đến lũ lụt nhiều hơn.

Chu kỳ luân phiên giữa hạn hán và lũ lụt tạo ra hiện tượng mà một số nhà khoa học mô tả là sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Cháy rừng sau đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Hỏa hoạn thiêu rụi cây cối và các loại thực vật khác neo giữ đất bằng rễ của chúng, vì vậy khi mưa lớn, chúng gây ra lở đất. 

Điều đó được minh họa sống động vào năm 2018 tại Montecito, California. Năm trước đó, một mùa đông ẩm ướt dẫn đến sự nở hoa đầu mùa dồi dào của thảm thực vật, sau đó nhanh chóng khô héo vào những tháng mùa xuân và mùa hè nóng nực, khô hanh. 

Những loại cỏ, cây bụi đó bắt đầu và tiếp thêm nhiên liệu cho đám cháy Thomas, thiêu rụi 280.000ha thực vật, do gió mùa thổi mạnh. Vào thời điểm đó, đây là đám cháy lớn nhất được ghi nhận ở California. 

Ngày 9-1-2018, sau một trận mưa lớn, cư dân Montecito thức dậy và thấy một làn sóng bùn cao tới 15 feet (khoảng 4,57m) trượt về phía họ. Trận lở bùn đã làm 23 người chết và phá hủy hơn 400 ngôi nhà.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan giao nhau này gây hậu quả rất lớn. Ngoài tác động trực tiếp đến tính mạng và tài sản của con người, một trong những tác động quan trọng nhất là đến an ninh lương thực. 

Đối mặt với những điều khó lường này, việc đầu tư vào các biện pháp có thể cứu sống con người là điều khôn ngoan, đó là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để có khả năng phục hồi tốt hơn, phát triển các mô hình dự báo mạnh mẽ hơn và triển khai các hệ thống cảnh báo sớm để đưa mọi người ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Nhưng để ngăn chặn sự nóng lên không ngừng của hành tinh, nhân loại phải loại bỏ triệt để lượng khí thải nhà kính. Nếu không, nhiều thảm họa hơn sẽ xảy ra trong tương lai./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện