Giải mã Shein - hiện tượng của làng thời trang nhanh
Gia Ngọc
Phát triển thần tốc
Shein - một thương hiệu thời trang nhanh đến từ Trung Quốc - đã trở thành hiện tượng trong ngành thời trang toàn cầu. Thành lập vào năm 2008, Shein đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc, với doanh thu hằng năm vượt 30 tỷ USD và được định giá lên đến 66 tỷ USD vào năm 2023.
Trong vòng chưa đến 1 thập niên, doanh thu của Shein tăng từ 610 triệu USD vào năm 2016 lên 22,7 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ vượt qua 50 tỷ USD vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) khoảng 92,6% từ năm 2016 đến năm 2023.
Shein đã vượt qua các thương hiệu thời trang lớn như H&M và Zara về doanh thu. Năm 2022, H&M đạt doanh thu khoảng 22 tỷ USD, trong khi Shein đạt 22,7 tỷ USD. Năm 2024 là năm dự kiến Shein vượt qua Inditex - chủ sở hữu của Zara. Tại Mỹ, Shein chiếm khoảng 50% thị trường thời trang nhanh, trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này.
Shein ra mắt trung bình 2.000 sản phẩm mới mỗi ngày, bán hàng ở hơn 220 quốc gia, có mạng lưới hơn 4.000 nhà cung cấp, cho phép họ duy trì một chuỗi cung ứng linh hoạt và rộng lớn. Còn bản thân họ lại không hề tự vận hành một nhà máy sản xuất nào.
Người ta còn đồn rằng, Shein là thương hiệu thời trang không có một nhà thiết kế thời trang nào. Điều này không đúng, vì họ vẫn có ít nhất 200 nhà thiết kế. Tin đồn đó đến từ việc Shein sử dụng công nghệ rất nhiều trong việc nắm bắt xu hướng để thiết kế các sản phẩm thời trang của họ.
Không chỉ áp dụng công nghệ để nắm bắt xu hướng và tối ưu hóa sản xuất, Shein cũng sử dụng công nghệ hiệu quả trong quản lý chuỗi cung ứng và tận dụng các kênh tiếp thị kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng toàn cầu.
Nắm bắt xu hướng ngay tức thì, hỗ trợ thiết kế thông minh
Mặc dù sinh sau đẻ muộn so với 2 “đàn chị” H&M, Zara và xuất hiện trong lĩnh vực thời trang nhanh chậm tới 20 năm so với 2 thương hiệu lớn trên, chính Shein mới là kẻ đẩy khái niệm “thời trang nhanh” đến giới hạn mới. Truyền thông gọi Shein là thương hiệu thời trang “thời gian thực” (realtime fashion).
Shein rất tích cực sử dụng mạng xã hội, Internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) để nắm bắt nhanh nhất xu hướng thời trang trực tuyến. Dữ liệu họ thu thập bao gồm cả thời trang từ các web đối thủ, từ Google trends. Shein cũng theo dõi và dùng AI phân tích các cú nhấp chuột, các mặt hàng được thêm vào giỏ hàng của khách để dự đoán nhu cầu và xu hướng sắp tới.
Nhờ AI và dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu thời gian thực, Shein có thể “bắt trend” và tạo ra mẫu thiết kế mới chỉ trong vài ngày. Chính xác hơn là 3 ngày. Điều này giúp Shein luôn ở top đầu về tốc độ phản ứng với các nhu cầu thời trang mới nhất.
Nhờ liên tục cập nhật xu hướng mới, Shein không bao giờ thiếu ý tưởng và thường xuyên cho ra mắt sản phẩm thời trang với số lượng kinh ngạc: tối thiểu 500 và có thể lên tới 2.000 mẫu mới mỗi ngày. Năm 2024 tuy chưa có con số chính xác, nhưng dự tính Shein có thể đã tung ra tới 730.000 sản phẩm mới. Số lượng mẫu mới của họ là áp đảo so với các đối thủ, ước tính gấp 37 lần so với Zara và 65 lần H&M.
Để tối ưu lợi thế từ việc nắm bắt xu hướng thời trang thời gian thực, Shein áp dụng một hệ thống hỗ trợ thiết kế thông minh có khả năng đẩy nhanh tốc độ ra sản phẩm. Hệ thống này nhận các dữ liệu xu hướng và đưa vào quy trình tự động hóa thiết kế, sau đó đưa thẳng các mẫu thiết kế đến dây chuyền sản xuất và lắp ráp.
Không những vậy, hệ thống hỗ trợ thiết kế của Shein được cho là có thể “may đo” cho các khách hàng cá nhân, đưa ra khuyến nghị cho từng khách hàng dựa trên phân tích xu hướng, vừa tối ưu hóa quy trình sản xuất vừa giúp quản lý chuỗi cung ứng, giảm tỷ lệ hàng tồn kho ở mức thấp nhất so với các đối thủ.
Shein cũng không bỏ qua ứng dụng AI trong việc hỗ trợ tạo ra các mẫu thiết kế mới, cho phép họ vừa tăng tốc độ sáng tạo và thử nghiệm sản phẩm, vừa tăng cường đáng kể khả năng sáng tạo của đội ngũ thiết kế.
Mô hình “đơn hàng nhỏ, phản hồi nhanh”
Dù là hãng thời trang khổng lồ, nhưng Shein lại hoạt động dựa trên mô hình “đơn hàng nhỏ, phản hồi nhanh”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó lại chính là cách “người khổng lồ” tối ưu chi phí, giảm lượng tồn kho của họ.
Do số lượng mẫu mới ra mắt hằng ngày có thể lên đến hàng nghìn, Shein luôn bắt đầu với những đơn hảng nhỏ 100 sản phẩm cho mỗi mẫu thiết kế mới nhằm giảm rủi ro và hạn chế tồn kho. Sau đó, họ theo dõi dữ liệu bán hàng và phản hồi của người dùng trên trang web và ứng dụng di động.
Nếu một sản phẩm được ưa chuộng, họ sẽ nhanh chóng tăng đơn đặt hàng sản xuất. Họ cũng phải quản lý các nhà cung cấp sao cho việc điều chỉnh sản lượng dựa trên nhu cầu diễn ra thật nhanh chóng. Điều này không đơn giản, vì Shein có tới hàng nghìn nhà cung cấp hoạt động không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới.
Mô hình này cho phép Shein duy trì tỷ lệ tồn kho thấp hơn các đối thủ, chỉ khoảng 10% trong khi Zara có tồn kho 15%. Không những giảm chi phí, mô hình còn giúp Shein phản ứng rất nhanh với thị trường. Dễ dàng nhận thấy để mô hình hoạt động hiệu quả, Shein cần sự hỗ trợ từ công nghệ số từ khâu theo dõi dữ liệu bán hàng và phản hồi của người dùng cho đến việc quản lý các nhà cung cấp.
Không có sự trợ giúp hiệu quả của công nghệ số, Shein khó có thể quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng với hàng nghìn đầu mối trên toàn cầu. Họ sử dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) để kết nối trực tiếp nhà xưởng với người dùng, giúp cập nhật gần như ngay lập tức khi có đơn hàng mới, theo dõi dữ liệu tồn kho và năng lực sản xuất theo thời gian thực.
Họ còn xây dựng nền tảng “nhà máy đám mây”, số hóa chuỗi cung ứng, cho phép các nhà cung cấp tương tác và đặt giá thầu trên nền tảng. Shein cung cấp dữ liệu danh sách sản phẩm, đơn đặt hàng và quản lý hàng tồn kho cho các nhà cung cấp trên trang web Geiwohuo, với khả năng tự động sắp xếp lại đơn hàng từ nhà máy để bảo đảm bổ sung lượng hàng mới nhanh chóng.
Trung tâm Đổi mới sản xuất hàng may mặc
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động từ nắm bắt xu hướng, thiết kế đến sản xuất và bán hàng, Shein thành lập Trung tâm Đổi mới sản xuất hàng may mặc (CIGM). CIGM được coi là một phần quan trọng trong chiến lượng phát triển bền vững của Shein. Tại đó tiến hành các hoạt động nghiên cứu công nghệ và phát triển các phương pháp sản xuất hiệu quả và linh hoạt, với mục tiêu tạo ra hệ sinh thái sản xuất bền vững hơn thông qua việc phát triển các giải pháp tinh gọn và sáng tạo cho ngành may mặc.
CIGM là nơi Shein chia sẻ kiến thức với các đối tác sản xuất để thúc đẩy cải tiến quy trình và tổ chức sản xuất. Shein cung cấp các khóa đào tạo và nâng cao kỹ năng cho chuỗi cung ứng toàn cầu của họ thông qua các khóa học, hội thảo về ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn. CIGM, kết hợp với Chương trình trao quyền cho cộng đồng nhà cung cấp (SCIP) mà Shein đã rót vào tới 55 triệu USD, tạo ra cho họ một hệ sinh thái sản xuất bền vững hơn.
Một số mảng công nghệ mà CIGM tập trung nghiên cứu bao gồm: các phương pháp sản xuất tối ưu hóa, cải thiện quy trình, giảm thiểu lãng phí; các giải pháp sản xuất linh hoạt cho phép điều chỉnh nhanh chóng theo nhu cầu thị trường; tích hợp công nghệ thông tin vào sản xuất, giúp kết nối nhu cầu người tiêu dùng với hoạt động sản xuất; các giải pháp sản xuất bền vững.
Mỗi nhánh này đều bao gồm hàng loạt công nghệ chi tiết. Chẳng hạn trong nhóm công nghệ cải thiện quy trình sẽ có: áp dụng tự động hóa, robot hóa để tăng tốc độ sản xuất, giảm thời gian chết; phân tích dữ liệu thông minh để tối ưu quy trình, xác định điểm yếu, cải thiện hiệu suất; hệ thống quản lý sản xuất tích hợp để kết nối và theo dõi toàn bộ quy trình sản xuất theo thời gian thực; phương pháp Six Sigma cải thiện chất lượng, ngăn ngừa phát sinh lỗi; tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng công nghệ...
Bằng việc đạt được thành công thần kỳ trong lĩnh vực thời trang với thời gian ngắn kỷ lục, Shein đã chứng minh tác dụng cực kỳ to lớn của việc ứng dụng hiệu quả công nghệ vào một lĩnh vực tưởng chừng là địa hạt của những sáng tạo và cảm hứng chỉ thuộc về các nghệ sĩ./.
Các bài cũ hơn



