Chiến lược chuyển đổi số nhờ mô hình SOCOI
Tường Linh
SOCOI là viết tắt của các từ tiếng Anh “see, operate, communicate, optimize và improve”, tức là “xem, vận hành, giao tiếp, tối ưu hóa và cải thiện”. Đây là mô hình phác thảo phương pháp tiếp cận một cách có hệ thống đối với quá trình chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp dệt may có thể kiểm soát và điều chỉnh quá trình phức tạp này một cách hiệu quả.
Về bản chất, SOCOI cung cấp bản thiết kế cấu trúc tích hợp công nghệ số, nhấn mạnh cách các công nghệ có thể giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng thông qua các trải nghiệm cá nhân hóa.
Hãy xem từng yếu tố của mô hình SOCOI giúp hợp lý hóa quá trình chuyển đổi số như thế nào.
Xem: Tích hợp dữ liệu để kiểm soát quy trình sản xuất
Chuyển đổi số trong ngành dệt may bắt đầu bằng việc tích hợp và phân tích dữ liệu để có thể đưa ra quyết định chính xác. Điều này có nghĩa là cần tích hợp dữ liệu các giai đoạn khác nhau trong quy trình sản xuất trên một nền tảng tập trung để có được cái nhìn toàn diện về hoạt động của doanh nghiệp.
Hệ thống điều hành sản xuất MES (Manufacturing execution system) là công cụ hữu hiệu để giải quyết nhiệm vụ trên. Đây là một giải pháp phần mềm với 4 nhóm chức năng chính, gồm: quản lý hoạt động và các nguồn lực sản xuất, quản lý máy móc thiết bị và các thông tin về sản phẩm.
Chẳng hạn, khi kết nối với các thiết bị Internet vạn vật (IoT), phần mềm MES sẽ cung cấp cụ thể thời gian hoạt động của máy chạy, thời gian máy dừng, sản lượng sản xuất... Nhờ đó, người quản lý có thể kiểm soát được tình trạng hoạt động của nhà máy theo thời gian thực.
MES cũng cho phép mã hóa các thông tin sản phẩm thành mã QR/Bar để dán trên các lô sản phẩm. Khi cần truy xuất nguồn gốc, hệ thống sẽ cung cấp thông tin về nhà sản xuất, nhà cung cấp và nhà phân phối, giúp người dùng có được thông tin toàn diện, xuyên suốt chuỗi cung ứng.
Hoạt động: Giải pháp ERP trên nền tảng đám mây
Tuy nhiên, việc phải áp dụng nhiều phần mềm trong hoạt động của một doanh nghiệp thường khiến công việc này trở nên phức tạp. Áp dụng Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) trên nền tảng đám mây được thiết kế riêng cho ngành dệt may là giải pháp lý tưởng tháo gỡ khó khăn trên.
ERP là một phần mềm tích hợp, cho phép kết nối tất cả các bộ phận và chức năng khác nhau của doanh nghiệp. Dữ liệu được nhập vào hệ thống một lần, sau đó được chia sẻ với tất cả các bộ phận có liên quan.
Nhờ ERP, thay vì phải làm việc trên các module riêng lẻ và độc lập như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, lương thưởng, quản lý và chăm sóc khách hàng..., người dùng chỉ cần sử dụng một hệ thống ERP.
Với sự trợ giúp của ERP, các doanh nghiệp sẽ có được cái nhìn toàn diện về hoạt động của mình. Loại tích hợp này cho phép giám sát và ra quyết định theo thời gian thực, cải thiện khả năng và hiệu quả hoạt động trên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ưu thế của ERP là khả năng liên kết. Ví dụ: bộ phận kho nhờ có ERP mà kiểm soát được số lượng hàng hóa, nguyên vật liệu còn bao nhiêu. Bộ phận sản xuất thông qua báo cáo số lượng nguyên vật liệu trong kho để lên kế hoạch sản xuất. Bộ phận bán hàng tạo đơn hàng cùng thông tin khách hàng trên hệ thống. Bộ phận chăm sóc khách hàng dựa vào thông tin này để có thể gọi điện tới khách hàng...
Điều này giúp giảm thiểu sự dư thừa, trùng lặp của dữ liệu, cải thiện quy trình vận hành và tăng hiệu quả hoạt động.
Giao tiếp: Tăng cường quan hệ với các đối tác
Giao tiếp hiệu quả là nền tảng của bất kỳ mối quan hệ thành công nào và điều này cũng đúng trong các doanh nghiệp dệt may, nơi có mối quan hệ rộng rãi với các đối tác đa dạng. Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin theo cách thủ công như trước đây có thể gây ra nhiều bất cập như mất thời gian, dễ sai sót và kém hiệu quả. Các công cụ như Trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) và nền tảng Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) sẽ giúp thiết lập các kênh giao tiếp rõ ràng và nhất quán hơn.
Với EDI, thay vì sử dụng giấy tờ hoặc email để gửi và nhận thông tin, công cụ này cho phép truyền tải các tài liệu kinh doanh như hóa đơn, đơn đặt hàng, thông báo vận chuyển,... dưới dạng kỹ thuật số. EDI thay thế quy trình thủ công truyền thống trong việc chuẩn bị và xử lý thông tin, chẳng hạn như phải tạo hóa đơn bằng việc in ra bản sao để gửi cho khách hàng. Nếu truyền thông tin hóa đơn qua EDI, sau khi nhận được, khách hàng có thể nhập thông tin trực tiếp trên hệ thống máy tính của mình một cách dễ dàng.
Còn phần mềm CRM là giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp lưu trữ và phân tích dữ liệu khách hàng, tự động hóa quy trình bán hàng và tối ưu hóa doanh thu. Thông qua CRM, các doanh nghiệp có thể cung cấp trải nghiệm cho khách hàng một cách hoàn hảo, từ tương tác khách hàng tiềm năng lần đầu tiên đến lúc chốt giao dịch.
Các doanh nghiệp cũng có thể xây dựng mối quan hệ cá nhân với khách hàng để xác định nhu cầu và yêu cầu của họ, từ đó cung cấp các dịch vụ được cá nhân hóa. Đây là chìa khóa để kinh doanh thành công.
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, một nhánh của AI có khả năng tạo ra nội dung như hình ảnh, thiết kế và hoa văn, cũng đang nổi lên như một lực lượng chuyển đổi trong ngành dệt may kỹ thuật số. Bằng cách tận dụng các thuật toán học máy (machine learning), đặc biệt là các mạng đối nghịch tạo sinh, công nghệ này cho phép sáng tạo, tùy chỉnh với hiệu quả chưa từng có.
Các công ty như Adobe và Clo Virtual Fashion đã tích hợp AI tạo sinh vào phần mềm thiết kế của họ, cho phép những người sáng tạo vải kỹ thuật số áp dụng các mẫu phức tạp và các bảng màu thích ứng ngay lập tức.
Những khả năng này mở ra cơ hội mới cho việc cá nhân hóa, cho phép các thương hiệu thời trang đáp ứng các thị trường ngách hoặc thậm chí là sở thích của từng khách hàng.
Tối ưu hóa: Cải thiện dự báo và kiểm soát hàng tồn kho
Ngày nay, “tối ưu hóa hoặc trở nên lỗi thời” đã trở thành câu thần chú với các doanh nghiệp dệt may. Để biến tình trạng tồn kho và khủng hoảng thiếu hụt thành chuyện của quá khứ, các nhà sản xuất hàng may mặc và dệt may đã tập trung vào việc tối ưu hóa dự báo và kiểm soát hàng tồn kho.
Tận dụng các công cụ kỹ thuật số như mô hình dự báo do AI điều khiển sẽ thay đổi hoạt động quản lý hàng tồn kho. Các công cụ này cung cấp dữ liệu thời gian thực, cho phép đưa ra quyết định chính xác.
Thêm vào đó, bằng cách sử dụng AI để phân tích dữ liệu về lịch sử bán hàng, một nhà bán lẻ thời trang có thể dự đoán xu hướng tương lai với độ chính xác cao hơn, giảm nguy cơ sản xuất quá mức và điều chỉnh hàng tồn kho theo nhu cầu hiện tại của thị trường.
Cải thiện: Tự động hóa các quy trình thủ công
Thời gian và độ chính xác là yếu tố cốt lõi đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng đặc biệt là trong ngành dệt may, nơi tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường là chìa khóa thành công của doanh nghiệp.
Tự động hóa các mảng công việc như tạo danh mục vật liệu (BOM), tính toán công thức, theo dõi thành phần, kiểm tra và kiểm soát chất lượng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn giảm đáng kể rủi ro do lỗi của con người, tránh được sự chậm trễ.
Bằng cách triển khai tự động hóa, các công ty có thể bảo đảm rằng quy trình của họ đáng tin cậy hơn, hiệu quả hơn và có khả năng mở rộng quy mô khi doanh nghiệp phát triển.
Tự động hóa có thể giúp tạo ra một quy trình làm việc mà dữ liệu chảy liền mạch, các ước tính đạt độ chính xác cao, còn các quy trình sản xuất thì hoạt động như một cỗ máy trơn tru./.
Các bài cũ hơn



