16/10/2024 | 01:19 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc: Cần gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội

TỪ THỊ LOAN
GS, TS, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc: Cần gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội Một góc phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TL
Với bề dày truyền thống hàng nghìn năm văn hiến, đất nước ta sở hữu kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc. Đây là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay vừa bảo tồn, vừa kế thừa, khai thác, phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.

Cần thay đổi tư duy bảo tồn “đóng băng” di sản

Nước ta đã kiểm kê được hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng (119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.551 di tích quốc gia, 6.340 di tích cấp tỉnh); 64.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, 396 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). 

Cùng với đó là gần 8.000 lễ hội gắn với các tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, các làng nghề thủ công truyền thống... Đây là hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, có thể trở thành nguồn lực quý giá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương giàu di sản văn hóa có thể khai thác, phát huy, nhưng vẫn tư duy theo lối mòn, không năng động đổi mới, không dám nghĩ, dám làm, dẫn tới tình trạng để di sản nằm “đắp chiếu”, sống trên di sản mà không khai thác được giá trị di sản. 

Một số bảo tàng sở hữu những cổ vật, bảo vật quốc gia quý giá, nhưng do lo mất trộm, hư hại, nên chủ yếu thiên về cất giữ, thậm chí cho vào kho khóa kỹ, cách ly với đời sống xã hội. 

Cách ứng xử này có nguyên nhân do sức ỳ, do tư duy bao cấp nên không năng động, không đổi mới trong cơ chế thị trường, hoặc do sợ trách nhiệm, sợ làm sai nên “ngồi yên” để vừa an toàn, vừa nhàn hạ (nhất là tại các bảo tàng vẫn được Nhà nước chu cấp, chưa chuyển sang cơ chế tự chủ), hay xuất phát từ nhận thức cứng nhắc, quan điểm bảo tồn di sản theo kiểu cũ, bảo tồn “đông lạnh”, nguyên trạng.

Có thể thấy, với các công trình kiến trúc, điêu khắc, di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì không thể nhân danh “bảo tồn phát triển” để làm mới hiện vật, xâm hại di tích, phá vỡ cảnh quan danh lam thắng cảnh. 

Làm như vậy sẽ là một sự phá hoại di sản, là có tội với cha ông, là tự mình đánh mất những kho tàng vô giá của quá khứ. Bảo tồn nguyên trạng ở đây được hiểu là cần giữ nguyên trạng thái khi nó được phát hiện, được xếp hạng di tích. 

Tuy nhiên, bảo tồn tốt không có nghĩa là giữ nguyên di sản mà không biết khai thác, phát huy giá trị. Thực tế cho thấy, nếu chỉ quan tâm đến bảo tồn di sản, giữ gìn truyền thống mà khước từ mọi yếu tố mới, bảo tồn “đóng băng” di sản thì sẽ rất khó phát huy giá trị, không khai thác được phương diện kinh tế, không phục vụ được mục tiêu phát triển.

Tránh khai thác cạn kiệt di sản

Bên cạnh đó, thực tế có khuynh hướng chỉ khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết mà khai thác cạn kiệt di sản, thậm chí xâm hại, bóp méo di sản để thu lợi. 

Quan điểm này dẫn đến khuynh hướng hoành tráng hóa di sản, cố gắng làm mọi cách để di sản thu hút du khách. Các địa phương đua nhau tôn tạo, làm mới di tích, “nâng cấp di sản”. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được làm cho “hoành tráng” hơn với việc lập ra các “kỷ lục Guinness”.

Ngoài ra còn có xu hướng thương mại hóa di sản, thể hiện ở những nỗ lực mở rộng quy mô lễ hội, thậm chí bóp méo bản chất của các sinh hoạt dân gian để thu hút càng nhiều du khách càng tốt nhằm thu lợi từ các dịch vụ ăn theo. 

Điều đó làm dung tục hóa, tầm thường hóa, giải thiêng hóa di sản, thậm chí làm du khách trong nước và quốc tế có thể có những nhận thức sai lạc về di sản văn hóa của Việt Nam.

Tình trạng đó tạo nên những “thực hành xấu” trong bảo tồn di sản văn hóa, thậm chí có khi trở nên phản văn hóa, đi ngược lại tinh thần bảo tồn di sản của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “sân khấu hóa”, “sáng tạo truyền thống” làm thay đổi bản chất, nội dung, ý nghĩa của di sản. 

Về lâu dài, việc quá coi trọng mục tiêu kinh tế, đặt doanh thu, lợi nhuận lên trên hết mà không chú ý đến yêu cầu bảo tồn giá trị di sản có thể tạo nên những hệ lụy về phát triển văn hóa - xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Cần hài hòa giữa giữ gìn và khai thác

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, những địa phương nào bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, giữa giữ gìn và khai thác thì sẽ đạt được kết quả khả quan và bền vững. Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) là một ví dụ tiêu biểu về sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. 

Các ngôi nhà cổ, đền, chùa, hội quán với những nét kiến trúc đặc sắc đa phần được quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo vệ đúng cách. Những đêm rằm phố cổ vừa giữ được không khí cổ xưa, vừa mang hơi thở của cuộc sống mới. 

Các món đồ lưu niệm đặc sắc, đa dạng, mang đậm dấu ấn riêng của địa phương. Nhờ đó, du lịch Hội An đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 với việc đón 4 triệu lượt khách năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 3 triệu lượt (tăng 327,63% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, quần thể di tích Cố đô Huế cũng được bảo tồn khá tốt các giá trị cảnh quan, kiến trúc, nghệ thuật và các giá trị văn hóa phi vật thể. Những kỳ festival với sự góp mặt của các làng nghề thủ công truyền thống, ẩm thực Huế, trang phục áo dài, áo ngũ thân, được phối hợp với các sự kiện văn hóa mới đã ngày càng khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế. 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám (thành phố Hà Nội) cũng là mô hình vừa bảo tồn tốt các giá trị của di tích, hiện vật, cảnh quan, vừa kết hợp tổ chức hiệu quả những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, hoạt động du lịch đa dạng, tạo được nguồn thu lớn và sức sống cho di sản.

Do vậy, thời gian tới, để phát huy vai trò di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, cần thay đổi nhận thức, tư duy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Trước hết, đối với di sản văn hóa vật thể phải ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, hoạt động bảo tồn và phát huy chính là để giữ gìn những vốn quý của văn hóa truyền thống, đồng thời thổi luồng sinh khí mới tiếp sức trong cuộc sống đương đại. Như vậy, bảo vệ di sản chính là “giữ lửa và tiếp lửa” cho di sản.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn và các công ước của UNESCO. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các văn bản quản lý, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và có chế tài nghiêm minh, đủ sức răn đe. Thực hiện nghiêm các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo đảm có năng lực chuyên môn và kỹ năng xử lý tốt các vấn đề thực tiễn.

Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức cho cộng đồng là chủ thể của di sản. Tăng cường phổ biến pháp luật, trang bị cho người dân những hiểu biết, kiến thức về giá trị của di sản, các nguyên tắc ứng xử với di sản, góp phần khắc phục tình trạng thương mại hóa, hoành tráng hóa, giải thiêng hóa di sản. 

Giáo dục ý thức và hành vi ứng xử với môi trường, như không xả rác bừa bãi, không phá vỡ cảnh quan, không làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Phát huy vai trò tự quản, ý thức tự giác và chủ động của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Xử lý hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản. 

Bảo đảm các hoạt động mưu sinh bền vững cho cộng đồng, phân bổ lợi ích thỏa đáng cho tất cả những người được hưởng lợi từ di sản, từ đó kích thích họ tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản, tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng với di sản, qua đó góp phần phát huy nguồn lực di sản trong phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững./.

12 March 2024