21/11/2024 | 16:53 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giải pháp tháo gỡ áp lực người di cư bất hợp pháp ở châu Âu

Tuệ Minh
Giải pháp tháo gỡ áp lực người di cư bất hợp pháp ở châu Âu Người di cư chờ được giải cứu tại vùng biển ngoài khơi bờ biển Calabria, miền Nam Italia, ngày 10-3-2023_Ảnh: AFP
Hằng năm, người di cư trái phép trên thế giới có xu hướng tăng và tình trạng này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đây là bài toán khó khi vấn đề người di cư đang nóng trở lại, gây ra căng thẳng mới giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), buộc phải có giải pháp cấp bách để tháo gỡ.

Vấn đề nhức nhối

Tại châu Âu, tình trạng người di cư bất hợp pháp trở thành vấn đề nhức nhối. Theo Cơ quan Bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu (Frontex), châu Âu đang đối mặt với làn sóng di cư trái phép tăng cao. Năm 2022, theo số liệu của Frontex, có hơn 155.000 người di cư trái phép vào châu Âu, tăng 86% so với năm 2021. Người di cư trái phép tập trung dọc tuyến đường chính ở khu vực Balkan (Hungary). Có khoảng 15.460 người di cư bất hợp pháp đã bị bắt tại tuyến đường này, cao gấp 3 lần so với năm 2021. Cùng với đó, số người tìm cách đến khu vực Địa Trung Hải tăng đột biến, với khoảng 42.800 người, tăng 44% so với năm 2021. Một trong những nguyên nhân gia tăng di cư bất hợp pháp là bởi vấn đề khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các diễn biến leo thang xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các khu vực liên quan đến EU. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, tình trạng thất nghiệp, biến đổi khí hậu,... là những yếu tố làm số lượng người di cư trái phép tăng cao ở EU.

Trong thập niên qua, Đức luôn dẫn đầu châu Âu về tiếp nhận số lượng người di cư bất hợp pháp. Theo trang tin tức dành cho người di cư Infomigrants.net, năm 2022, có khoảng 115.400 đơn xin tị nạn, tăng hơn 35% so với năm 2021, do nền kinh tế Đức luôn duy trì mức độ ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Bên cạnh đó, thị trường lao động Đức đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng, do đó người di cư có cơ hội tìm kiếm được việc làm dễ dàng hơn các nước khác. Theo cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (IFO) tổ chức, có gần 50% số công ty tại Đức đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân khiến người di cư bất hợp pháp từ các quốc gia vào Đức gia tăng. Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ Đức tập trung hạn chế lượng người đến bằng cách chặn các tuyến đường di cư, đặc biệt là từ Tây Balkan.

Tại Italia, theo Hãng thông tấn Reuters, năm 2022 có khoảng 105.140 người di cư bằng đường biển tới quốc gia này, tăng mạnh so với 67.477 người năm 2021 và tăng hơn 3 lần so với con số 34.154 người của năm 2020. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italia, từ ngày 1-1 đến ngày 23-2-2023, có khoảng 13.067 người di cư trái phép bằng đường biển đến quốc gia Nam Âu này, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Do số lượng người di cư bất hợp pháp vào Italia tăng cao, quốc gia này đã thông qua Đạo luật kiểm soát người di cư mới, với mục đích giúp kiểm soát người di cư bất hợp pháp tốt hơn. Điểm quan trọng của Đạo luật di cư mới là yêu cầu các tàu cứu nạn trong khu vực phải di chuyển và cập cảng “không chậm trễ” sau khi giải cứu được người di cư, thay vì lênh đênh trên biển để tìm kiếm thêm các thuyền chở người di cư gặp nạn khác rồi mới vào bờ. Điều này cho thấy, Italia đang thực hiện những biện pháp hỗ trợ với người di cư trái phép, nhưng chưa góp phần giải quyết căn nguyên vấn đề người di cư trái phép.

Mặc dù một số nước thành viên EU đã có những kế hoạch hành động, tuy nhiên chưa đạt được nhiều kết quả do sự đồng thuận trong việc triển khai các kế hoạch chung giữa các nước thành viên chưa cao. Vì vậy, để vấn đề di cư được giải quyết, cần có sự đồng lòng và tinh thần trách nhiệm từ các nước thành viên, góp phần đem lại kết quả cao trong giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp ở EU. Trong thập niên tới, lượng người di cư bất hợp pháp tiếp tục tăng nhanh do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội luôn xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến người dân ở các quốc gia kém phát triển, làm hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương sang quốc gia khác để có môi trường sống tốt hơn. Liên minh châu Âu với nhiều nước thành viên có nền kinh tế phát triển, có môi trường sống tốt, luôn được người di cư bất hợp pháp hướng đến. Tuy nhiên, EU đang gặp nhiều khó khăn như lạm phát tăng cao, khan hiếm năng lượng, đời sống người dân trong nước bấp bênh, đặc biệt chính phủ các nước EU còn gánh chịu những sức ép về an ninh và an sinh xã hội.

Cần nhiều giải pháp cấp bách

Để giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp, EU kêu gọi cải cách quy chế tỵ nạn, cơ chế phân bổ người tị nạn cho các nước thành viên, khuyến khích các nước thành viên chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận số lượng người di cư. EU cũng đề ra một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ tình trạng người di cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng ở EU.

Thứ nhất, thiết lập một chính sách chung về di cư cho EU, chính sách bảo đảm an ninh cho mỗi quốc gia. Trong bối cảnh mới, để ứng phó với số lượng di cư ngày càng tăng, đòi hỏi EU và các nước thành viên cần có sự điều chỉnh chính sách phù hợp và có chiến lược quản lý người di cư của quốc gia mình nhằm hạn chế người di cư bất hợp pháp đến các quốc gia khác.

Thứ hai, tạo điều kiện cho những người di cư bất hợp pháp được tham gia chương trình hồi hương. Người di cư được mua toàn bộ vé máy bay cho các chặng đường về đến quê hương; hộ chiếu tạm được cấp lại; một khoản tiền từ vài trăm đến khoảng 2.000 euro để tìm việc làm hoặc mở việc kinh doanh khi hồi hương.

Thứ ba, EU cần có biện pháp phòng ngừa buôn lậu, tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, điều tra và truy tố để kiểm soát các mạng lưới buôn người. Đặc biệt, thông qua cơ chế hợp tác giữa các nước thành viên, EU cần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội tại nơi người di cư sinh sống.

Thứ tư, cần có cơ chế, chính sách để các nước giàu dành thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ các hoạt động tiếp nhận người di cư, tăng cường cung cấp tài chính cho các nước thành viên có biên giới gần nguồn người di cư, hỗ trợ quản lý biên giới ngoài EU. Đặc biệt, EU cần xây dựng hệ thống pháp lý để tái định cư cho những người dân di cư bất hợp pháp. Từ nguồn lao động di cư, EU có thể thu hút được nguồn nhân lực bổ sung cho lao động đang thiếu ở các nước thành viên.

Có thể nói, về lâu dài, áp lực người di cư bất hợp pháp không chỉ xảy ra ở các quốc gia châu Âu, mà còn diễn ra ở các quốc gia trên thế giới. Để ngăn chặn vấn đề này, châu Âu cần đoàn kết, hợp tác có hiệu quả trong quản lý và kiểm soát người di cư, cần đưa ra những chính sách di cư mới để phù hợp với bối cảnh quốc tế mới./.