Theo dõi, theo dõi, toàn phần theo dõi
Nguyễn Sơn
Chúng ta đã biết đến, thậm chí quá quen với việc bị theo dõi, giám sát. Từ hàng triệu năm trước, chúng ta đã bị các loài thú dữ rình mồi theo dõi. Đây là vấn đề sinh tử. Áp lực thoát ra khỏi sự theo dõi này lớn đến mức nỗi sợ đi sâu vào tiềm thức loài người, tạo nên những vết sẹo hằn sâu trong não bộ.
Cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn sợ bóng tối, góc khuất, bụi cây,... trong khi thực tế hầu như chẳng có ai đó, con thú dữ hay bóng tà linh nào ẩn trong đó đang theo dõi mình cả.
Ở chiều ngược lại, chính chúng ta cũng đang theo dõi. Những người thợ săn lần theo các con mồi; người mẹ “trông” con để biết chúng có ổn không; thủ trưởng cơ quan xem cấp dưới có chuyên tâm vào công việc hay chỉ lướt mạng ba hoa tán gẫu hoặc theo dõi giá vàng và tiền ảo lên xuống... Các cặp vợ chồng cũng theo dõi nhau để bảo đảm “đối tác” của mình “trong khuôn khổ”.
Trong cộng đồng, chúng ta cũng theo dõi lẫn nhau để hiểu nhau, đấu tranh và chia sẻ yêu thương, từ đó tạo ra những cộng đồng tốt đẹp, gắn kết. Trong quốc gia, bộ máy chức năng luôn phải giám sát được quần chúng để có những thông tin cho việc hoạch định chính sách đoàn kết, phát triển, nâng cao mức sống và dịch vụ công cộng, cũng như thu thuế và ngăn trở những kẻ gây rối, chống đối.
Theo dõi, giám sát để có thông tin đầy đủ về kẻ thù và con mồi, về vợ chồng và những người xung quanh, về các công dân, khách hàng, tín đồ..., về biến động thời tiết, lở đất, sóng biển,... là ước vọng mà nhân loại khát khao trong suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, những giới hạn kỹ thuật như tảng đá đè nặng nhốt ước mơ đó. Ngày nay, AI mở ra cơ hội hiện hữu để biến ước mơ đó thành hiện thực.
Cách đây 20 năm, một chuyên gia báo chí Pháp sang Việt Nam giảng dạy nói rằng người ta gắn những cảm biến (sensor) trên một trang báo để theo dõi chuyển động của ánh mắt người đọc báo, từ đó quyết định sắp xếp trang báo như thế nào để “thuận tiện cho ánh mắt độc giả”.
Hồi ấy, đó là điều rất mới lạ. Ngày nay, việc đó trở nên hiển nhiên. Các màn hình điện thoại, tivi, máy tính từng phút từng giây theo dõi và ghi nhận đồng tử của bạn rồi chuyển về các trung tâm xử lý dữ liệu để phân tích nhằm “giúp bạn có những trải nghiệm nghe nhìn phù hợp hơn”.
Người ta còn đồn rằng từng có một công ty nghe nhìn xin phép được “nghe trộm” tiếng tivi mà bạn xem để hiểu và phục vụ tốt hơn nhưng bị từ chối cấp phép. Tuy nhiên, chỉ cần ngồi cà phê sáng bàn chuyện cúp đạp xe, hay khen chê mấy cái xe thể thao vừa băng qua, thì ngay sau đó điện thoại bạn sẽ tràn ngập lời chào bán xe mới, du lịch Pháp xem giải đua xe, hoặc lối sống an nhiên bằng cách đạp xe trêu cá sấu trong vườn quốc gia Nam Cát Tiên.
Các ánh mắt theo dõi bạn không còn núp trong lùm cây hay bóng đêm nữa, chúng ở ngay trong nhà bạn, bên cạnh bạn và lập tức bật dậy theo dõi bạn mỗi khi màn hình các thiết bị điện tử của bạn sáng lên. Bạn cũng không còn xa lạ với các camera theo dõi giao thông. Bố mẹ có thể dễ dàng theo dõi con mình trong nhà trẻ qua màn hình điện thoại.
Cảnh sát đạo đức Iran sẽ có ngay số điện thoại một cô gái chơi ngông bỏ khăn trùm đầu ở Tehran và gửi cho cô một tin nhắn cảnh cáo. Những kẻ theo thuyết âm mưu còn tin rằng Elon Musk cầm đầu một nhóm các “đại gia độc tài số” cấy hàng vạn cảm biến vào não người để theo dõi cả những khi ta ngủ, tuy nhiên kết quả không được như mong đợi, vì hệ thống miễn dịch của chúng ta coi các cảm biến đó là kẻ thù và tấn công bao vây phá hủy chúng.
Ngày nay, bạn để lại dấu vết điện tử mọi lúc, mọi nơi. Mỗi khi bạn trình hộ chiếu ở sân bay, xin học cho con cái, bấm vân tay ra vào cơ quan, rút tiền từ cây ATM, đặt bữa trưa online..., dữ liệu của bạn đều bị lưu lại. Biển dữ liệu khổng lồ đó được các phần mềm AI phân tích, đưa ra những cảnh báo cho người quản lý về hành vi đáng ngờ, người mất tích, người mang mầm bệnh hoặc nghi can khủng bố.
Chẳng hạn, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phân tích các dữ liệu theo dõi bằng công cụ AI và đưa hàng loạt kẻ đập phá Điện Capitol Mỹ ngày 6-1-2021 ra ánh sáng, dù nhiều người trong số đó đeo khẩu trang kín mít. Một cuộc điều tra của báo Washington Post sau đó tiết lộ, FBI không chỉ nghiên cứu các cảnh quay của hệ thống camera an ninh Điện Capitol, mà còn dựa vào các bài đăng trên mạng xã hội, các thiết bị đọc biển số xe hơi của bên giao thông, dữ liệu các trạm thu phát sóng điện thoại di động để tìm ra họ.
Mới đây, hàng loạt sinh viên quá khích đập phá và chiếm giữ các tòa nhà công sở Mỹ trong các cuộc biểu tình chống Israel cũng bị phát hiện bằng cách tương tự và bị thu hồi thị thực.
Năm 2009, một bé 3 tuổi bị bắt cóc ở Tứ Xuyên và đem bán ở Quảng Đông (Trung Quốc). Năm năm sau, băng bắt cóc bị bắt, nhưng bé lớn nhanh đến mức cha mẹ không nhận ra con nữa. Đến năm 2019, một công cụ AI dựa trên những tấm ảnh hồi bé của cậu đã nhận dạng được khuôn mặt cậu bé này và chỉ cho cảnh sát và bố mẹ cậu chính xác một cậu bé 13 tuổi chính là cậu bé 3 tuổi bị bắt cóc ở Tứ Xuyên 10 năm trước.
Lợi ích của hệ thống theo dõi, giám sát sử dụng AI là không thể chối cãi. Nhưng nó đang xâm phạm quyền riêng tư và tự do cá nhân, điều mà pháp luật nhiều nước nghiêm cấm. Nó tạo ra những kho dữ liệu khổng lồ và có thể dễ dàng bị “các nhà độc tài số” và hacker lợi dụng.
Nghiêm trọng hơn nữa, nó hoạt động liên tục, khiến chúng ta, những người “mười phân không vẹn mười” cũng phải liên tục thể hiện mình chuẩn tắc. Điều đó mâu thuẫn với bản chất con người - những sinh thể sống và sinh hoạt theo chu kỳ với những khoảnh khắc bổn phận và khoảnh khắc riêng tư, những khoảnh khắc gắng sức và nghỉ ngơi nối tiếp nhau.
Phá vỡ chu kỳ đó có thể dẫn đến những biến đổi sinh học lớn hơn giới hạn kỹ thuật mà chúng ta có thể đón nhận. Thành thực mà nói, chúng ta đang gắng sức nhấc tảng đá lên mà chưa có phương án đối phó với con rắn trốn dưới đó./.
Các bài cũ hơn



