Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII - Nhìn từ việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Bước phát triển về chất
Phạm Thúy Quỳnh
Bằng chứng thuyết phục
Đại hội Đảng lần thứ XIII (tháng 1-2021) xác định cho đối ngoại sứ mệnh phục vụ đất nước phát triển thịnh vượng, vươn tới những mục tiêu cao xa vào những mốc thời gian cụ thể là năm 2030 và 2045. Đại hội khẳng định những nguyên tắc nền tảng, tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới; xác định mục tiêu và phương hướng đối ngoại; chỉ ra những nhiệm vụ trung tâm của đối ngoại. Đặc biệt, Đại hội nhấn mạnh vai trò tiên phong của đối ngoại, coi trọng việc đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động đối ngoại. Đại hội làm sâu sắc thêm nhận thức về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với hoạt động đối ngoại; về sự cần thiết phải kiến tạo được sức mạnh tổng hợp của cả đất nước về đối ngoại, cũng như gây dựng nên hiệu ứng cộng hưởng từ tất cả các hoạt động đối ngoại.
Diễn biến của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian vừa qua là minh chứng cho thấy tiến trình, kết quả của việc triển khai thực hiện cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có một số vấn đề nhạy cảm và khó xử lý đối với cả hai bên. Thứ nhất, nó thuộc diện các mối quan hệ đối ngoại nhạy cảm bởi Hoa Kỳ từng tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, có thời kỳ dài chống phá Nhà nước Việt Nam. Nói cách khác, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ có thể phát triển bình thường được, trước khi có thể phát triển tốt đẹp, khi trước hết hai bên phải hòa giải được với nhau. Thứ hai, nó thuộc diện các mối quan hệ đối ngoại khó xử lý nhất trước hết vì chuyện hòa giải hoàn toàn không dễ dàng, nhanh chóng. Đó là vì sự khác biệt rất cơ bản giữa hai bên về hệ thống chính trị, vì đồng thời liên quan trực tiếp đến mối quan hệ của từng bên với các đối tác khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hoa Kỳ và Trung Quốc thuộc diện những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển rất tích cực, trong khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trắc trở, phức tạp. Xưa nay, việc xử lý ổn thỏa mối quan hệ với các đối tác lớn như Hoa Kỳ hay Trung Quốc luôn là vấn đề lớn đặt ra cho đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995. Hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Nhân chuyến thăm chính thức cấp nhà nước Việt Nam vừa rồi của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hợp tác song phương lên cấp độ cao nhất là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hoa Kỳ là quốc gia thứ 5 trên thế giới, sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, có được cấp độ quan hệ hợp tác song phương ấy với Việt Nam.
Bước phát triển quan trọng về chất này của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là bằng chứng rất xác thực, thuyết phục của việc triển khai thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhờ thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn có thể chủ động, linh hoạt vận hành chính sách đối ngoại, xử lý các mối quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng có lợi nhất cho mình. Vấn đề đặt ra cho đối ngoại Việt Nam ở đây không phải cân bằng về cơ học các mối quan hệ với các đối tác, mà chủ động kiến tạo cục diện quan hệ đối ngoại ổn định bền vững nhất, có lợi nhất cho Việt Nam. Thúc đẩy quan hệ hợp tác, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, vì lợi ích thiết thực của hai bên và không gây tổn hại cho bên thứ ba nào, trái lại còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác của từng bên với bên thứ ba.
Bài học đối ngoại
Bài học đối ngoại đặc biệt giá trị từ việc thúc đẩy, nâng cấp quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ là bài học thành công về đồng thời xử lý quan hệ của Việt Nam với các đối tác lớn bên ngoài. Việt Nam có thể phát triển, nâng cấp mối quan hệ với các đối tác lớn bên ngoài, trong khi không để bị thúc ép buộc Việt Nam phải chọn bên.
Ở những dấu mốc của tiến trình thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đều có thể thấy vai trò tiên phong của đối ngoại và đóng góp rất quyết định của sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; cũng như sự tham gia tích cực, hiệu quả của đối ngoại văn hóa, quốc phòng, an ninh và tôn giáo. Phía Hoa Kỳ đã cần nhiều năm để đi tới nhận thức là phải công nhận chế độ chính trị ở Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Rất nhiều bước tiến nhỏ trên nhiều lĩnh vực, phương diện của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiều thập niên mới đưa lại được cấp độ, tầm vóc mới cho mối quan hệ hợp tác song phương này.
Hoa Kỳ là đối tác rất quan trọng của Việt Nam. Vì thế, việc xử lý quan hệ với Hoa Kỳ luôn được Việt Nam đặc biệt coi trọng. Nhưng Việt Nam không xử lý mối quan hệ với Hoa Kỳ biệt lập với xử lý các mối quan hệ đối ngoại khác, mà đặt việc này vào trong tổng thể tiến trình triển khai thực hiện cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Toàn bộ tiến trình này phục vụ cho mục tiêu cao nhất của hoạt động đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định là: bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Toàn bộ tiến trình này được dẫn dắt bởi phương hướng đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ là: chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương.
Việc nâng cấp quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ đưa lại bằng chứng xác thực mới nhất về tính đúng đắn, hợp thời của đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Một là, nó cho thấy, thực hiện thành công đường lối đối ngoại có lợi to lớn như thế nào đối với Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai là, góp phần rất tích cực, quan trọng vào việc thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả thiết thực hơn nữa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Ba là, tạo động lực mới cho Việt Nam tiến bước mạnh mẽ hơn nữa trong việc củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống, trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế./.