An ninh phi truyền thống
Thành Nam - Trí Dũng - Khôi Nguyên - Công Minh (thực hiện)
An ninh phi truyền thống
Vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ; đại dịch SARS, rồi đến đại dịch toàn cầu COVID-19; cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu; các trận bão nhiệt đới, lũ lụt tàn phá nhiều nơi trên thế giới; cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008; tình trạng thiếu nguồn cung khiến giá năng lượng, lương thực leo thang;... là những ví dụ dễ hình dung nhất về những thách thức an ninh phi truyền thống mà thế giới đã và đang phải đối mặt.
Điều đáng lo ngại là, không chỉ giới hạn ở một số ví dụ trên, các mối đe dọa có thể hủy hoại những nhân tố nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của con người, cộng đồng xã hội, quốc gia và cả nhân loại đang có nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và mức độ ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng... Bởi vậy, bên cạnh việc chú trọng giải quyết các mối đe dọa an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống đã trở thành một trong những mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia; đồng thời đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ, thực chất trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
I. “NHẬN DIỆN” AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG
An ninh là gì?
Theo cách hiểu đơn giản nhất, an ninh là khả năng giữ vững sự an toàn trước các mối đe dọa. Trong chính trị quốc tế, khái niệm an ninh thường gắn liền với bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang, được hiểu như khả năng của một quốc gia có thể ngăn chặn được các cuộc xâm lược vũ trang đến từ bên ngoài. Người ta cũng thường quan niệm an ninh là sự bảo vệ hay bảo đảm chủ quyền của mỗi nước trước sự tấn công hay ảnh hưởng của nước khác. Trong đó, nhà nước đóng vai trò là người duy nhất trong việc bảo vệ và duy trì an ninh, thông qua sức mạnh, khả năng quân sự.
Hiệp hội Nghiên cứu An ninh phi truyền thống khu vực châu Á (NTS Asia) định nghĩa an ninh phi truyền thống là “những thách thức đối với sự tồn tại và hạnh phúc của các dân tộc và các quốc gia phát sinh chủ yếu từ các nguồn phi quân sự”, với những ví dụ bao gồm “biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường xuyên biên giới và cạn kiệt tài nguyên, bệnh truyền nhiễm, thiên tai, di cư trái phép, thiếu lương thực, buôn lậu người, buôn bán ma túy và các hình thức tội phạm xuyên quốc gia khác”. |
Từ an ninh truyền thống đến an ninh phi truyền thống
Từ một khái niệm truyền thống xoay quanh các chủ đề quân sự, chiến tranh và trực tiếp liên quan đến an ninh quốc gia, trong những năm gần đây, người ta đã chia an ninh thành 2 loại: an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Trong khi an ninh truyền thống chủ yếu đề cập tới những mối đe dọa quân sự và bảo vệ quốc phòng, có cốt lõi là an ninh chính trị, an ninh quân sự, lấy nhà nước làm trung tâm của an ninh, đề cao mối đe dọa đến từ ngoại xâm đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia cùng những biện pháp để đối phó với những nguy cơ đó..., khái niệm an ninh phi truyền thống được dùng để chỉ nhiều vấn đề có thể trở thành một mối đe dọa đối với an ninh cuộc sống của một cộng đồng hay một quốc gia như những mặt trái, diễn biến tiêu cực từ các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội như tình trạng nghèo đói, kém phát triển, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, tội phạm, khủng bố...
“Định hình” an ninh phi truyền thống
Dưới góc độ xã hội học, cốt lõi của an ninh phi truyền thống gồm 2 nhóm: an ninh xã hội và an ninh con người, lấy xã hội, con người làm trung tâm của an ninh. Dưới góc độ tội phạm học, an ninh phi truyền thống gồm nhóm an ninh phi truyền thống có yếu tố bạo lực cao (tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, các mối đe dọa dẫn tới tình trạng khẩn cấp) và nhóm an ninh phi truyền thống có yếu tố bạo lực thấp hoặc phi bạo lực (an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh y tế, an ninh du lịch, an ninh giao thông...).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều học giả chia an ninh phi truyền thống thành các nhóm vấn đề: (1). Vấn đề an ninh liên quan đến phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên, môi trường sinh thái toàn cầu và kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. (2). Những mối đe dọa đến sự ổn định an ninh khu vực và quốc tế, bao gồm an ninh kinh tế, an ninh xã hội, quyền con người và người tị nạn. (3). Tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người và buôn bán ma túy trái phép. (4). Các tổ chức phi nhà nước, phi quốc gia thách thức trật tự quốc tế, lớn nhất là các tổ chức khủng bố quốc tế. (5). Vấn đề an ninh gây ra bởi phát triển công nghệ và toàn cầu hóa, trong đó có an ninh mạng, an ninh thông tin...
Các đặc điểm chủ yếu
An ninh phi truyền thống có những đặc điểm chủ yếu sau.
- Có tính chất xuyên quốc gia liên quan đến nguồn gốc, tác động,... của chúng. Theo đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn ra ảnh hưởng trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu, mang tính xuyên quốc gia. Nó có thể phát sinh từ một quốc gia này nhưng có khả năng lan tỏa với tốc độ nhanh, phạm vi rộng đến quốc gia khác (biến đổi khí hậu, tội phạm mạng, dịch bệnh...).
- Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường do các tác nhân tự nhiên hoặc do các tổ chức ngoài nhà nước, nhóm người hoặc cá nhân tiến hành, uy hiếp trực tiếp đến cá nhân con người hoặc cộng đồng, quốc gia - dân tộc; bao gồm cả những vấn đề mang tính phi bạo lực (kinh tế, văn hóa, môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh...) và những vấn đề mang tính bạo lực phi quân đội (khủng bố, tội phạm có tổ chức...).
- Đối tượng của an ninh phi truyền thống không chỉ là nhà nước (chủ quyền quốc gia hoặc toàn vẹn lãnh thổ), mà còn là người dân (sự sống còn, hạnh phúc, phẩm giá) cả ở cấp độ cá nhân và xã hội. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống tuy không trực tiếp thách thức chủ quyền quốc gia, nhưng sẽ gián tiếp đe dọa, hủy hoại an ninh quốc gia dần dần và lâu dài, vì nó tác động đến các yếu tố mang tính hạt nhân hoặc bệ đỡ cho ổn định và phát triển (cá nhân con người, cộng đồng xã hội, hệ thống thể chế, hạ tầng kỹ thuật chiến lược và môi trường sống).
- Các giải pháp quốc gia thường không đầy đủ để giải quyết những thách thức an ninh phi truyền thống và do đó về cơ bản sẽ đòi hỏi sự hợp tác khu vực và đa phương.
II. CÁC MỐI ĐE DỌA AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG: NHỮNG THÁCH THỨC TOÀN CẦU
Một số mối đe dọa an ninh phi truyền thống
An ninh khí hậu
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống nghiêm trọng và phức tạp nhất hiện nay. Nhiều nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến mực nước biển tăng; số cơn bão mạnh, có diễn biến bất thường cũng có chiều hướng gia tăng; nắng nóng, hạn hán, rét đậm rét hại có xu hướng mở rộng... Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan này đã làm trầm trọng thêm các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường, có thể góp phần gây mất an ninh ở các cấp độ khác nhau, từ địa phương cho tới quốc tế. Các mối lo ngại về an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu còn bao gồm các tác động đối với nguồn cung cấp lương thực, nước và năng lượng, gia tăng cạnh tranh đối với tài nguyên thiên nhiên, làm đảo lộn cuộc sống và sinh kế, gây ra tình trạng di cư..., khiến các cộng đồng dễ bị tổn thương hơn, làm trầm trọng thêm các nguy cơ bất ổn và xung đột. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy 8 trong số 10 quốc gia - nơi diễn ra các hoạt động gìn giữ hòa bình đa phương lớn nhất vào năm 2018 - nằm ở những khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Ví dụ, ở Afghanistan, nơi 40% lực lượng lao động làm nông nghiệp, sản lượng thu hoạch giảm đẩy người dân vào cảnh nghèo đói và mất an ninh lương thực, khiến họ dễ bị các băng nhóm tội phạm và nhóm vũ trang tuyển dụng. Tại một số quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu đã buộc nhiều cộng đồng phải di dời, gây ra những hệ lụy khủng khiếp đối với sinh kế, văn hóa và di sản của họ.
Theo Liên hợp quốc, các thảm họa liên quan đến khí hậu làm gia tăng mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương của nhiều cộng đồng trên thế giới, góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Trong số 15 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước khủng hoảng khí hậu, trong 8 năm qua, Liên hợp quốc đã phải tiến hành các phản ứng nhân đạo quốc tế tại 12 quốc gia. Theo dự báo, vào cuối thế kỷ này, số người chết do nhiệt độ cao được dự đoán là tương đương với số người thiệt mạng do các bệnh ung thư hoặc các bệnh truyền nhiễm. |
An ninh sức khỏe
Khởi phát từ đầu tháng 12-2019, đại dịch toàn cầu COVID-19 khiến thế giới chao đảo bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan siêu nhanh của nó. Đại dịch đã gây thiệt hại nặng đến mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh,... trên phạm vi toàn cầu.
Trước đại dịch COVID-19, thế giới cũng đã trải qua hàng chục đại dịch nguy hiểm, tàn khốc khác, điển hình như: dịch hạch Justinian (541- 750 Sau công nguyên), cướp đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người, chiếm một nửa dân số thế giới lúc bấy giờ; dịch hạch “Cái chết đen” xảy ra vào thế kỷ XIV khiến trên 75 triệu người phải bỏ mạng; bệnh đậu mùa thế kỷ XV - XVII làm khoảng 20 triệu người chết, chiếm gần 90% số dân bản địa châu Mỹ khi đó. Đại dịch tả lần đầu tiên được giới y học ghi nhận vào năm 1563 tại Ấn Độ, sau đó lan ra thế giới làm hàng chục triệu người tử vong. Đại dịch cúm: Tây Ban Nha (1918), Hong Kong (1968) làm khoảng 1 triệu người chết. Dịch SARS (2003), dịch cúm H1N1 (đầu năm 2019) làm hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người chết.
Hiện nay, dù đại dịch COVID-19 đang được kiểm soát hiệu quả, nhưng diễn biến và những hậu quả mà nó để lại tiếp tục gióng lên “hồi chuông” cảnh tỉnh thế giới về tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm - một trong những mối đe dọa đáng lo ngại nhất đối với sức khỏe con người từ trước đến nay và cả trong tương lai. Ngoài ra, đại dịch cũng được xem là nguyên nhân gia tăng xung đột ở các khu vực “nóng” của thế giới; đồng thời có thể hủy hoại toàn bộ thành quả của nhân loại trong gần 1 thế kỷ qua. Chẳng hạn như trong thời gian đại dịch COVID-19, tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ sơ sinh đã giảm nhiều nhất trong vòng 30 năm qua; các hoạt động xét nghiệm, điều trị và phòng ngừa quan trọng đối với các bệnh truyền nhiễm và HIV cũng giảm mạnh.
Theo kết quả điều tra dịch tễ học, trong thế giới đương đại, số ca nhiễm từ những bệnh truyền nhiễm mới, như: SARS, HIV, virus Ebola và COVID-19 tăng gấp 4 lần so với thế kỷ trước; từ năm 1980, số vụ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi năm gần như tăng gấp 3 lần.
Theo kết quả điều tra dịch tễ học, trong thế giới đương đại, số ca nhiễm từ những bệnh truyền nhiễm mới, như: SARS, HIV, virus Ebola và COVID-19 tăng gấp 4 lần so với thế kỷ trước; từ năm 1980, số vụ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi năm gần như tăng gấp 3 lần. |
An ninh năng lượng
Tình trạng giá năng lượng tăng kể từ năm 2021 do kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhanh chóng sau đại dịch
COVID-19, đặc biệt là từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraina vào tháng 2-2022 đã đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu mới rất nghiêm trọng. Khác với cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng đang diễn ra không chỉ giới hạn ở dầu mỏ mà còn liên quan đến tất cả nhiên liệu hóa thạch và mức độ nghiêm trọng của nó được đánh giá là lớn hơn, do sự liên kết giữa các nền kinh tế hiện nay rộng và chặt chẽ hơn nhiều hơn so với 50 năm trước.
Thống kê cho thấy, trong cuộc khủng hoảng năng lượng này, giá khí đốt tự nhiên đã đạt mức cao kỷ lục vào giữa tháng 8-2022 (tăng tới 600% so với cùng kỳ năm 2021); giá dầu đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Với mức giá này, nhiều trạm phát điện không đủ khả năng hoạt động lâu dài; giá điện chuẩn ở châu Âu đã tăng với tốc độ kỷ lục lên gần 300% vào năm 2022. Tổng hợp lại, giá năng lượng ở châu Âu cao gấp 10 lần so với mức trung bình 5 năm trước đó.
Giá năng lượng cao đã góp phần gây ra lạm phát cao nghiêm trọng, đẩy các gia đình vào cảnh nghèo đói, buộc một số nhà máy phải cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí đóng cửa và làm chậm tăng trưởng kinh tế đến mức một số quốc gia đang tiến tới suy thoái nghiêm trọng. Ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển - nơi tỷ trọng ngân sách hộ gia đình chi cho năng lượng và thực phẩm vốn đã lớn - hóa đơn năng lượng cao hơn đã làm gia tăng tình trạng nghèo cùng cực và cản trở tiến trình đạt được khả năng tiếp cận năng lượng phổ cập và hợp túi tiền.
An ninh lương thực
Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại đang diễn ra có nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn do xung đột, những cú sốc khí hậu và mối đe dọa suy thoái toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính đang leo thang và đến cuối năm 2022, ít nhất 222 triệu người trên 53 quốc gia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính và cần được hỗ trợ khẩn cấp. Nạn đói là một nguy cơ rất thực tế đối với 45 triệu người ở 37 quốc gia.
Ô nhiễm môi trường biển là thách thức lớn đối với các quốc gia_Ảnh minh họa
An ninh tài nguyên - môi trường
Trong các vấn đề an ninh tài nguyên - môi trường, an ninh nguồn nước được xem là vấn đề đáng quan tâm nhất. Tiếp cận với nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh là nhu cầu cơ bản nhất của con người. Tuy nhiên, nhu cầu về nước ngày càng tăng cùng với việc quản lý nước yếu kém đã khiến nguồn cung cấp nước trở nên khan hiếm; nhiều nguồn nước ngày càng ô nhiễm. Thống kê cho thấy, hiện còn khoảng 2 tỷ người trên thế giới vẫn không được tiếp cận với nước uống an toàn; 80% lượng nước thải chưa được xử lý thải ra môi trường... Tình trạng mất an ninh nguồn nước đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình, trang trại, nhà máy và nhiều cộng đồng trên mọi châu lục, buộc hàng chục triệu người phải di cư mỗi năm...
Mối đe dọa từ các cuộc tấn công khủng bố
Kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ, các hoạt động khủng bố quốc tế được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh của nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những năm qua chủ nghĩa khủng bố phát triển mạnh ở các quốc gia có hệ sinh thái nghèo nàn và phải gánh chịu những cú sốc do khí hậu. Một báo cáo do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố đầu năm nay cho thấy, hiện hoạt động khủng bố tập trung ở khu vực Nam Á và châu Phi cận Sahara. Các hành động khủng bố ở cả 2 khu vực này đã khiến nhiều người thiệt mạng hơn kể từ năm 2018.
Trên phạm vi toàn thế giới, báo cáo của IEP cũng cho thấy, các cuộc tấn công khủng bố ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, với mức độ sát thương tăng 26%. Ngoài Afghanistan - nơi Taliban từ nhóm khủng bố thành chủ thể nhà nước - số người chết vì khủng bố đã tăng 4% ở phần còn lại của thế giới. Số vụ tấn công khủng bố toàn cầu tăng lên 5.226 vụ vào năm 2021. Số trường hợp tử vong do các cuộc tấn công của các phần tử thánh chiến vô danh trên toàn cầu cao gấp 8 lần so với năm 2017.
Mặc dù những năm gần đây các hành động khủng bố ở phương Tây giảm đáng kể, nhưng theo dự báo của IEP, cuộc xung đột tại Ukraina có khả năng làm gia tăng các phương thức khủng bố truyền thống và khủng bố trên mạng, đảo ngược những cải thiện trước đây trong khu vực. Bên cạnh đó, một điều đáng lo ngại khác là những kẻ khủng bố đang có xu hướng gia tăng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn, bao gồm máy bay không người lái, hệ thống GPS và dịch vụ nhắn tin được mã hóa...
Nguy cơ từ những mặt trái của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Bên cạnh việc tạo ra những tác động tích cực trong quá trình phát triển của nhân loại, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức an ninh phi truyền thống như tình trạng mất việc làm, gia tăng khoảng cách bất bình đẳng kinh tế - xã hội, nguy cơ xâm phạm dữ liệu cá nhân, nguy cơ lợi dụng công nghệ mới cho các hoạt động bất hợp pháp...
Thách thức toàn cầu
Lịch sử loài người đã trải qua nhiều thời kỳ đói kém, phải đối mặt với những căn bệnh khủng khiếp cướp đi sinh mạng của hàng triệu người hay trải qua những cuộc di cư lớn... Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và toàn cầu hóa mạnh mẽ, biên giới địa lý trở nên “mềm” hơn, dễ dàng vượt qua hơn..., những vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội - nền tảng của an ninh phi truyền thống - ngày càng trở nên trầm trọng, phức tạp và có quy mô lớn hơn. Những tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ và lợi ích an ninh của một quốc gia. Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bắt đầu từ Mỹ, đại dịch toàn cầu COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước, khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Những thách thức khác về môi trường, thiếu tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước sạch hay vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng,... đôi khi đe dọa nhiều hơn đến đời sống nhân dân ở những quốc gia không phải là “thủ phạm” gây ra những nguy cơ đó. Các hoạt động tội phạm, khủng bố quốc tế, dịch bệnh,... cũng có quy mô xuyên biên giới.
Những vấn đề an ninh phi truyền thống không chỉ biểu hiện ở mức độ gây tổn hại, sức tàn phá đối với đời sống từng cá nhân mà còn tạo ra thách thức đối với ổn định xã hội, sự bền vững của cộng đồng, hiệu quả của hợp tác quốc tế. Bởi vậy, các vấn đề an ninh phi truyền thống không chỉ vượt qua phạm vi an ninh của từng quốc gia mà còn trở thành thách thức toàn cầu.
III. ĐẨY MẠNH HỢP TÁC ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG THÁCH THỨC AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG
Hợp tác khu vực ASEAN
Trong những năm qua, khuôn khổ an ninh khu vực Đông Nam Á (ASEAN) liên tục bị thử thách bởi các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa, an ninh y tế, an ninh hạt nhân, mua bán người và cưỡng bức di dời... Biểu hiện rõ nhất là khu vực này đã chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, sự bùng phát của dịch SARS năm 2002 - 2003, dịch cúm gia cầm năm 2007, đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020...
Chính vì vậy, ngay trong Hiến chương ASEAN - văn bản khai sinh ra tổ chức ASEAN - dù chủ yếu quy định những vấn đề thuộc về cơ cấu, tổ chức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và không đề cập trực tiếp đến khái niệm an ninh phi truyền thống, nhưng các mục tiêu mà những quốc gia thành viên hướng đến cũng là nội dung của vấn đề này. Đó là: duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình khu vực; duy trì ASEAN là một khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt; đối phó hữu hiệu với tất cả các mối đe dọa, các loại tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới phù hợp với các nguyên tắc an ninh toàn diện; tăng cường hợp tác trong việc xây dựng cho người dân ASEAN một môi trường an toàn, an ninh và không có ma túy...
Trên thực tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống thường xuyên nằm trong chương trình nghị sự của các thể chế khu vực như ASEAN, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) cũng như các mạng lưới không chính thức như Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) và các cơ chế khác như Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Vấn đề ma túy (AMMD), Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR)...
ASEAN cũng đã thiết lập những cơ chế để đối phó với các thách thức khác nhau.Ví dụ, Hiệp định ASEAN về Quản lý thiên tai và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) đóng vai trò là xương sống chính sách để các quốc gia thành viên tăng cường nỗ lực chung trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với thiên tai trong khu vực. Trong khi đó, ARF là nơi các thành viên thảo luận về những vấn đề an ninh hiện tại và xây dựng các biện pháp hợp tác nhằm tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực thông qua các hoạch định chính sách phù hợp. Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) đã mở đường cho các quốc gia tiến hành hợp tác an ninh và theo đuổi liên kết chính trị.
Kế hoạch hành động của ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, vạch ra các kế hoạch hành động cụ thể trong phạm vi luật pháp và chính sách trong nước của các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các nghĩa vụ quốc tế có liên quan.Đầu năm 2020, các quốc gia thành viên ASEAN cũng đã ban hành Lệnh hạn chế di chuyển (MRO) và triển khai chia sẻ thông tin nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19...
Diễn đàn Hợp tác quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN (ACF-MNS) tổ chức tại thành phố Hà Nội, ngày 17-10-2022_Ảnh: baotintuc.vn
Tính cấp thiết và tầm quan trọng của an ninh phi truyền thống thể hiện rõ qua nhiều hội nghị chính thức của ASEAN và các thành viên đều thể hiện nhu cầu tăng cường hợp tác trong việc ứng phó. Chẳng hạn như tại Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2010, các bộ trưởng đã thảo luận những vấn đề an ninh phi truyền thống như lương thực và an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, di cư bất hợp pháp, ma túy và buôn bán người, vi phạm bản quyền; nhất trí về sự cần thiết phải hành động cụ thể và tăng cường hợp tác để giải quyết những thách thức này; đồng thời ủng hộ các nỗ lực khu vực và toàn cầu tiếp tục chống buôn lậu, nhập cư và buôn bán người, bảo đảm an ninh hàng hải... |
Hợp tác liên khu vực trong an ninh phi truyền thống
Không chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực, trên cơ sở những mối quan tâm chung, trong nhiều năm qua hoạt động hợp tác liên khu vực nhằm giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống cũng được đẩy mạnh. Trong số này, hợp tác giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có những bước phát triển thực chất. Chẳng hạn vào năm 2016, ASEANPOL và EUROPOL đã ký Ý định thư nhằm tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn tốt nhất trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia như đưa người di cư trái phép và buôn bán người. Năm 2018, các tổ chức cảnh sát 2 khu vực gặp nhau để trao đổi về việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Mạng lưới điều tra gian lận thẻ thanh toán EURASEAN, nhằm chống lại các nhóm tội phạm lừa đảo mạng có tổ chức từ châu Âu thành lập các chi nhánh ở châu Á.
Về thông tin và an ninh mạng, năm 2019, ASEAN và EU thông qua Tuyên bố về Hợp tác an ninh mạng. Để ghi nhận sự hợp tác hiện có trong các chủ đề an ninh phi truyền thống này, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - EU lần thứ 23 (năm 2020) ghi nhận rằng EU đã tích cực tham gia cùng ASEAN trong việc giải quyết tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố và bảo đảm an ninh hàng hải, an ninh mạng.
Việc nâng tầm quan hệ ASEAN - EU lên đối tác chiến lược vào cuối năm 2020 được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong hợp tác liên khu vực. Bổ sung cho quan hệ đối tác là “Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU (2023 - 2027)”, trong đó phác thảo các chủ đề mà cả 2 tổ chức khu vực sẽ hướng tới hợp tác sâu rộng hơn để đạt được kết quả cùng có lợi trong 5 năm tới như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác. Đây cũng là cơ sở để các nhà lãnh đạo quốc gia và quan chức cấp cao trao đổi quan điểm về những vấn đề an ninh phi truyền thống được phản ánh trong các tài liệu chiến lược tương ứng của họ, chẳng hạn như Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) 2025 và Định hướng Chiến lược của EU về An ninh và Quốc phòng. Ví dụ, Định hướng Chiến lược của EU tuyên bố rằng EU nên hợp tác với ASEAN để “tăng cường nhận thức chung và trao đổi thông tin về chủ nghĩa cực đoan bạo lực; các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân; an ninh mạng, an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ nhân đạo - thảm họa và quản lý khủng hoảng”. Đây là những lợi ích chung của ASEAN và hứa hẹn nhiều hoạt động hợp tác thiết thực cùng có lợi hơn nữa trong thời gian tới.
IV. NỖ LỰC TOÀN CẦU
Ứng phó với những thách thức về biến đổi khí hậu
Cùng với việc duy trì các chính sách và hành động hướng đến những mục tiêu ban đầu như bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhân quyền, thiết lập khuôn khổ công lý quốc tế và thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội..., trong hơn 70 năm kể từ khi thành lập, Liên hợp quốc đã dành nhiều nguồn lực vào việc giải quyết những thách thức an ninh phi truyền thống trên phạm vi toàn cầu, trong đó nổi bật là những nỗ lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Ngay từ năm năm 1992, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trái đất đã thông qua Công ước Khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC) - bước đi đầu tiên rất quan trọng nhằm ngăn chặn sự can thiệp “nguy hiểm” của con người vào hệ thống khí hậu, từng bước giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tính đến nay, 198 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này.
Năm 1995, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tiến hành đàm phán để tăng cường các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu và 2 năm sau đó đã thông qua Nghị định thư Kyoto. Nghị định thư Kyoto đưa ra những ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham gia trong việc giảm phát thải.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 21 tổ chức tại Paris (Pháp) năm 2015, các bên tham gia UNFCCC đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm chống lại biến đổi khí hậu, đẩy nhanh và tăng cường các hành động cũng như đầu tư cần thiết cho một tương lai carbon thấp bền vững. Các mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris là giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng trong thế kỷ này ở mức dưới 20C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ hơn nữa ở mức 1,50C. Vào Ngày Trái đất 22-4-2016, 175 nhà lãnh đạo thế giới đã ký Thỏa thuận Paris tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Đây là số lượng quốc gia lớn nhất từng ký 1 thỏa thuận quốc tế trong 1 ngày. Hiện đã có 194 quốc gia phê chuẩn Hiệp định Paris.
Hướng đến cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả mọi người
Kể từ khi thành lập, Liên hợp quốc đã tích cực tham gia vào việc thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Dẫn đầu nỗ lực đó trong hệ thống Liên hợp quốc là Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngay từ đầu, các ưu tiên hàng đầu của WHO là thanh toán bệnh sốt rét và bệnh lao, nâng cao sức khỏe phụ nữ và trẻ em, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường... Nhiều bệnh trong số đó hiện vẫn nằm trong chương trình nghị sự của WHO, bên cạnh các bệnh khác như HIV/AIDS, tiểu đường, ung thư và các bệnh mới nổi như SARS, Ebola và virus Zika. WHO vẫn đang dẫn đầu các phản ứng quốc tế đối với đại dịch COVID-19.
Với những nỗ lực của mình, WHO góp phần tạo ra nhiều thành tựu lịch sử trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng toàn cầu như việc phổ biến thuốc kháng sinh, giảm hơn 99% số ca bại liệt nhờ tiêm chủng, loại trừ bệnh đậu mùa, cứu sống hàng chục triệu bệnh nhân lao, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tim, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi mãn tính và các bệnh không lây nhiễm khác... WHO cũng thực hiện các hoạt động can thiệp cần thiết trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế như thiết lập các quy định y tế quốc tế mà các quốc gia phải tuân theo để xác định các đợt bùng phát dịch bệnh và ngăn chặn chúng lây lan.
Cùng với WHO, nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng được giải quyết bởi các cơ chế, tổ chức khác của Liên hợp quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế và Xã hội hay Chương trình Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)... Đặc biệt, các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã xác định mục tiêu sức khỏe rộng lớn hơn, đó là “bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi” và đạt được bảo hiểm y tế toàn cầu.
Giải quyết cuộc khủng hoảng nước
Liên hợp quốc đã sớm bắt tay vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu do nguồn cung cấp nước không đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người. Hội nghị về nước (năm 1977), Thập niên cung cấp nước uống và vệ sinh quốc tế (1981 - 1990), Hội nghị quốc tế về nước và môi trường (1992), Hội nghị thượng đỉnh Trái đất (1992),... đều tập trung vào việc giải quyết nhu cầu của con người đối với nguồn tài nguyên quan trọng này. Thập niên hành động quốc tế “Nước cho cuộc sống” 2005 - 2015 đã giúp khoảng 1,3 tỷ người ở các nước đang phát triển được tiếp cận với nước uống an toàn và thúc đẩy tiến bộ về vệ sinh như một phần trong nỗ lực đáp ứng các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Ngoài ra, các thỏa thuận quan trọng gần đây còn bao gồm Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Khung Sendai 2015 - 2030 để giảm thiểu rủi ro thiên tai, Chương trình hành động Addis Ababa 2015 về tài chính cho phát triển và Thỏa thuận Paris 2015 trong Khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh việc thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết những thách thức trên, những năm qua, Liên hợp quốc cũng luôn đi đầu trong triển khai các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn, xử lý những vấn đề an ninh phi truyền thống khác ở nhiều quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu thông qua các hoạt động cứu trợ thiên tai, thảm họa; xóa đói, giảm nghèo; phòng chống tội phạm, khủng bố; phát triển giáo dục và tăng cường bình đẳng giới... |
Giảm thiểu rủi ro do di cư
Năm 2016, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã triệu tập một cuộc họp toàn thể cấp cao về giải quyết những thách thức trong vấn đề tị nạn và di cư; đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị về vấn đề này. Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cũng thông qua một loạt cam kết, được gọi là Tuyên bố New York về người tị nạn và người di cư, trong đó công nhận sự cần thiết về một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề di cư; đồng thời thừa nhận những đóng góp tích cực của người di cư đối với sự phát triển bền vững, toàn diện và cam kết bảo vệ sự an toàn, nhân phẩm, quyền con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả người di cư, bất kể tình trạng di cư của họ.
Theo Tuyên bố New York, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã đồng ý hợp tác để phát triển Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và thường xuyên (năm 2018). Việc thực hiện Hiệp ước thể hiện sự tiến bộ trong quản lý di cư theo cách làm tăng lợi ích cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho tất cả mọi người.
V. VIỆT NAM: CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI CÁC MỐI ĐE DỌA AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG
Những “bước chuyển” từ nhận thức
Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), tuy chưa chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống trong các văn kiện chính trị, nhưng Đảng ta đã chỉ ra những dấu hiệu, những vấn đề thuộc nội hàm của an ninh phi truyền thống như môi trường suy thoái, bùng nổ dân số, sự phát triển của những bệnh tật hiểm nghèo...; đồng thời lưu ý đây là những vấn đề không quốc gia nào có thể tự giải quyết, mà phải có sự hợp tác đa phương. Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 17-12-1998, của Bộ Chính trị khóa VIII về Chiến lược an ninh quốc gia đã cảnh báo và chỉ ra một số thách thách thức an ninh phi truyền thống đối với an ninh quốc gia.
Đến Đại hội IX, Đại hội X (năm 2006), Đảng ta tiếp tục bổ sung và phát triển nhận thức về an ninh phi truyền thống một cách rõ ràng hơn, đó là: “nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức phối hợp giải quyết; khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng tăng”.
Tuy nhiên, phải đến Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta mới chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống. Tiếp đó, tại Đại hội XII (năm 2016), lần đầu tiên, Đảng đã đặt an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh truyền thống và chỉ ra một số vấn đề toàn cầu, như: “... an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh” với nhiều diễn biến phức tạp”. Đồng thời, lưu ý đến vấn đề “an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới” với hàm ý khả năng chuyển hóa một số vấn đề an ninh phi truyền thống thành an ninh truyền thống.
Đặc biệt, tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta nhấn mạnh những vấn đề an ninh phi truyền thống toàn cầu, như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp...; đồng thời đặt ra yêu cầu “sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống”; coi việc giữ vững an ninh quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để phát triển bền vững đất nước.
Đại hội XIII cũng khẳng định: “chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”; “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu” và “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”... Điều này thể hiện tư duy, nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện của Đảng ta về vai trò, vị trí của an ninh phi truyền thống đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phù hợp với chủ trương “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Chủ động trước thách thức
Những “bước chuyển” về nhận thức cũng như việc “định vị” rõ các vấn đề an ninh phi truyền thống của Đảng chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương chủ động triển khai những giải pháp giải quyết các thách thức đặt ra trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, để sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu và không ngừng biến đổi, điều quan trọng là phải tiếp tục chú trọng nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, lực lượng và toàn xã hội về những biểu hiện mới và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống để từ đó định hướng thái độ, hành vi và hành động ứng phó phù hợp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo kịp thời để nhận diện, nắm bắt những nguy cơ này từ sớm, từ xa cũng như các tác động tiêu cực của nó để thiết kế những mô hình, kịch bản ứng phó phù hợp, hiệu quả nhất. Đặc biệt, cần chủ động ngăn ngừa các nguy cơ, nhất là nguy cơ gây đột biến từ an ninh phi truyền thống. Điều đó đòi hỏi phải không ngừng chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thực tiễn cho thấy, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có nhiều nguyên nhân: từ tự nhiên, do phát triển kinh tế - xã hội “nóng” hay những hạn chế trong điều hành của chính phủ... Vì vậy, cần phải tập trung giải quyết tốt những tồn tại trong thể chế, chính sách của quốc gia; đồng thời có cơ chế để huy động sự hợp tác của cả cộng đồng, các tổ chức, quốc gia, khu vực và thế giới. Nội dung hợp tác rất phong phú, trong đó trực tiếp nhất là chia sẻ thông tin trung thực, kịp thời về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; chia sẻ các thành tựu khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực và huy động mọi nguồn lực cho phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.../.
Thành Nam - Trí Dũng - Khôi Nguyên - Công Minh (thực hiện)