21/11/2024 | 16:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

K-Pop, K-Drama và sức ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc

Nguyễn Trí Dũng
Hàn Quốc đã kiếm được 1,7 tỷ USD từ xuất khẩu âm nhạc, video và các dịch vụ liên quan vào năm 2022, đạt mức thặng dư kỷ lục trong xuất khẩu nội dung, thông tin được cung cấp bởi Ngân hàng Hàn Quốc. Xuất khẩu K-Pop Hàn Quốc vào năm 2022 đã tăng 47,9% so với 1,2 tỷ USD 1 năm trước đó, nhờ vào sự nổi tiếng của các nhóm nhạc siêu sao BTS và BlackPink, cũng như số lượng người xem các chương trình truyền hình Hàn Quốc trên các nền tảng OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet) ngày càng tăng.

Tiết mục biểu diễn của nhóm K-pop NCT DREAM tại Dream Concert 2022_Ảnh: TTXVN

“Làn sóng Hàn Quốc”

Trong cùng thời kỳ, kim ngạch nhập khẩu văn hóa phẩm của Hàn Quốc đạt 467 triệu USD vào năm 2022, tăng 9,7% so với 421 triệu USD 1 năm trước đó. Thặng dư trong danh mục này lên tới 1,2 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2006 khi dữ liệu được tổng hợp lần đầu tiên. Cán cân thanh toán quốc tế (BOP) cho âm nhạc, video và các dịch vụ liên quan so sánh xuất khẩu và nhập khẩu nội dung văn hóa, bao gồm chương trình truyền hình, phim, chương trình phát thanh, nhạc kịch và bài hát. Khi các nội dung do Hàn Quốc tạo ra trở nên phổ biến, đôi khi được gọi là “Hallyu BOP” (làn sóng Hàn Quốc trong cán cân thanh toán quốc tế).

Chính phủ đang cung cấp hỗ trợ toàn diện cho việc sản xuất nội dung của Hàn Quốc nhằm giúp ngành công nghiệp nội dung tăng doanh thu lên 30 nghìn tỷ won vào năm 2027, theo kế hoạch 5 năm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố vào cuối năm 2022. “Nội dung của Hàn Quốc là một mặt hàng xuất khẩu chính mới của nền kinh tế. Chúng tôi đã đưa ra các chiến lược chi tiết để nắm bắt cơ hội và vượt qua rủi ro nhằm giúp nội dung truyền thông và phát sóng trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trong xuất khẩu của chúng tôi trong vòng 5 năm tới”, Thứ trưởng Jeon Byeong-geuk cho biết.

Thặng dư trong Hallyu BoP đã tăng lên 520 tỷ USD vào năm 2016, từ 80 tỷ USD năm 2014 và 240 triệu USD năm 2015, chủ yếu là do sự bùng nổ của các nội dung Hàn Quốc ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Tuy nhiên, thặng dư đã giảm kể từ năm 2017 sau lệnh cấm các chương trình truyền hình và nhạc pop Hàn Quốc của Chính phủ Trung Quốc nhằm trả đũa quyết định của Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, đạt 291 triệu USD vào năm 2018, 282 triệu USD vào năm 2019 và 202 triệu USD vào năm 2020. Một số yếu tố đằng sau thặng dư ngày càng tăng trong danh mục, trong đó có thể kể đến sự phổ biến ngày càng rộng rãi của K-pop do BTS và BlackPink dẫn đầu đã mở rộng ra toàn cầu, vượt ra ngoài phạm vi châu Á.

Fortune - một tạp chí kinh tế của Mỹ - đã phát hành một bài viết vào ngày 17-10-2022 về việc Hàn Quốc sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm hàng tỷ USD với việc nhập ngũ của các thành viên BTS. Fortune trích dẫn một báo cáo được xuất bản vào năm 2018 bởi Viện nghiên cứu Hyundai và tuyên bố: “BTS đã đóng góp hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm, tương đương với sự đóng góp của 26 công ty cỡ trung bình”. Viện nghiên cứu Hyundai tiết lộ rằng, BTS “chịu trách nhiệm” cho 1 trong số 13 khách du lịch đến thăm Hàn Quốc vào năm 2017 và “chịu trách nhiệm” về khoảng 1,1 tỷ USD từ hàng hóa lưu niệm và mỹ phẩm trong 1 năm.

Fortune giải thích: “từ năm 2014 đến năm 2023, các nhà phân tích dự đoán BTS sẽ đóng góp 41,8 nghìn tỷ won (29,4 tỷ USD) cho nền kinh tế Hàn Quốc nếu ban nhạc duy trì sự nổi tiếng của mình”. Cũng trong khoảng thời gian đó, Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc báo cáo: “nếu BTS thường tổ chức các buổi hòa nhạc tại Hàn Quốc trong thời kỳ hậu COVID, hiệu ứng gợn sóng kinh tế trên mỗi màn trình diễn của BTS sẽ đạt từ 619,7 tỷ won (khoảng 435 triệu USD) đến 1.2207 nghìn tỷ won (khoảng 856 triệu USD)”. Theo thông báo của công ty giải trí HYBE, các thành viên của nhóm nhạc BTS sẽ nhập ngũ, bắt đầu là Jin, vì vậy nhóm đặt mục tiêu khởi động lại các hoạt động vào năm 2025. Giám đốc điều hành HYBE Park Ji Won giải thích trong một bức thư gửi các cổ đông: “trong thời gian ngắn, các thành viên sẽ có lịch trình cho các hoạt động cá nhân cho đến nửa đầu năm 2024. Ngoài ra, người hâm mộ sẽ tiếp tục có thể thưởng thức nhiều nội dung khác nhau của BTS được ghi hình trước”.


Các chương trình truyền hình và phim Hàn Quốc được yêu thích trên dịch vụ xem video trực tuyến Netflix_Ảnh minh họa

“Gã khổng lồ” phim truyền hình ăn khách

Ngoài ra, các chương trình truyền hình và phim Hàn Quốc cũng được yêu thích trên Netflix (dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ, nội dung chủ yếu là phim và các chương trình truyền hình, rất phổ biến ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới) và các nền tảng OTT khác. Sau khi bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) phát hành vào tháng 9-2021 của Netflix chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng lượt xem toàn cầu, chương trình truyền hình Hàn Quốc Extraordinary Attorney Woo lại đứng đầu bảng xếp hạng trong vài tuần vào năm 2022. Extraordinary Attorney Woo thuộc sở hữu của công ty sản xuất Hàn Quốc, được cho là nhờ sự phát triển của làn sóng Hallyu BOP.

Netflix đã vươn lên trở thành nền tảng mang tiêu chuẩn cho K-Drama (thể loại phim truyền hình chính kịch ngắn tập của Hàn Quốc) dễ tiếp cận một cách chậm rãi, nhưng đều đặn trong suốt nhiều năm. Thư viện khổng lồ các tựa phim truyền hình Hàn Quốc được cung cấp bởi “gã khổng lồ” phát trực tuyến cung cấp cho cả người xem nước ngoài và lượng khách hàng Hàn Quốc không ngừng tăng lên với tùy chọn đơn giản nhất để xem các phim bộ được yêu thích nhất hiện có. Disney+ và Apple TV+ - 2 nền tảng cạnh tranh trực tiếp - đã nhảy vào làn sóng K-Drama bằng cách tài trợ cho các sản phẩm gốc của riêng họ, tuy vậy, có những yếu tố quan trọng tiếp tục ủng hộ Netflix cả về số lượng và chất lượng. Không có bằng chứng nào cho thấy Netflix sẽ giữ được lợi thế này, bất chấp việc tăng giá gây tranh cãi, cấp bậc thành viên và chia sẻ mật khẩu.

Trước khi biết tới Netflix, người xem phim truyền hình châu Á có một số tùy chọn phát trực tuyến, nhưng không thực sự tiện dụng. Ngoài ra, không có kế hoạch kinh tế khả thi nào để quảng bá các nội dung Hàn Quốc ra quốc tế. Đối với những tín đồ trung thành của phim truyền hình nói tiếng nước ngoài, Warner Bros sở hữu cổng thông tin DramaFever hiện đã không còn tồn tại. Không có nhiều sự hấp dẫn khi tham gia DramaFever nếu bạn chưa quan tâm đến truyền hình nước ngoài, không giống như Netflix hoặc một giải pháp thay thế tương đương cung cấp quyền truy cập vào cả phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.

Tương tự như cách Netflix hợp lý hóa menu của mình, Viki Rakuten (một dịch vụ stream video của Mỹ) cung cấp nội dung dành riêng cho nền tảng nhưng không đưa ra các lựa chọn dựa theo sở thích của người xem. Vào khoảng năm 2016, tập đoàn bắt đầu thử nghiệm các chương trình giải trí Hàn Quốc và nhận được quyền cấp phép từ các mạng khu vực thay vì các tổ chức sản xuất lớn hơn, nhưng đã từ chối Netflix. Kingdom - bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên do Netflix sản xuất và chỉ có trên Netflix - ra mắt vào tháng 1-2019. Một loạt phim kinh dị về thây ma lấy bối cảnh lịch sử thời Joseon của Hàn Quốc đã nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình cũng như người xem, dẫn đến việc sản xuất phần thứ hai vào năm 2020, một tập mở rộng và một tập đặc biệt vào năm 2023. Love Alarm - bản gốc thứ hai của Netflix - được phát sóng sau Kingdom, nhưng không có phần thứ hai do quá nổi tiếng. Năm 2021, Love Alarm là bộ phim truyền hình Hàn Quốc được xem nhiều thứ 6 trên Netflix (đứng sau Squid Game, Hellbound, My Name, Vincenzo và Sweet Home - 4 trong số đó mang dấu ấn bản gốc của Netflix). Cùng năm đó, Netflix công bố mối quan hệ hợp tác 3 năm với công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc - CJ ENM và công ty con của họ - Studio Dragon. Thỏa thuận cho phép Netflix lưu trữ một số danh mục sau của hãng phim và bảo đảm cho họ quyền phát trực tuyến các tựa phim đang phát sóng và sắp ra mắt. Tự mô tả mình là “hãng phim truyền hình có kịch bản hàng đầu Hàn Quốc”, Studio Dragon và nhiều công ty con của họ hoạt động dựa trên mô hình studio cho phép giám sát các sáng tạo của mình từ trên xuống dưới. Điều đó bao gồm sử dụng và hỗ trợ các công ty sản xuất địa phương của Hàn Quốc thay vì thuê ngoài, quản lý diễn viên và duy trì quan hệ đối tác lâu dài với những tài năng hàng đầu, chẳng hạn như huyền thoại Kim Eun Sook (biên kịch của bộ phim đồng sản xuất gần đây của Netflix/Studio Dragon the Glory). Tính đến năm 2017, Studio Dragon tuyên bố sản xuất 20% - 25% tổng số phim truyền hình Hàn Quốc; nhìn vào sự thống trị hiện tại của công ty trên thị trường K-Drama, cho thấy con số tăng lên một cách ngoạn mục. Được biết, Netflix sẽ phát hành 34 chương trình Hàn Quốc trong năm nay - con số lớn nhất trong 1 năm, theo CNN. Nền tảng này đã phát hành 25 chương trình Hàn Quốc vào năm 2022 và 15 chương trình vào năm 2021./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện