21/11/2024 | 16:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát triển du lịch biển, đảo vùng Tây Nam Bộ theo hướng bền vững

HUY VŨ
Phát triển du lịch biển, đảo vùng Tây Nam Bộ theo hướng bền vững Một góc thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)_Ảnh: TTXVN

Đa dạng tiềm năng

Chỉ riêng vùng biển và hải đảo ngoài khơi các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có hơn 150 hòn đảo nổi; các huyện đảo, xã đảo với dân số khoảng 155.000 người, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch biển đảo. Khu vực này có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên tiêu biểu như bãi Khem, bãi Dài, bãi Sao, bãi Trường, bãi Bàng, bãi Bấc, bãi Chén; các đảo và quần đảo: Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa, hòn Thơm, hòn Tre, hòn Sơn Rái (Kiên Giang); hòn Chuối, hòn Khoai, hòn Buông,... (Cà Mau). Nơi đây còn có Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (rộng 1.188.000ha), Khu dự trữ sinh quyển Cà Mau (rộng 371.506ha) đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, có nhiều giá trị về đa dạng sinh học, rất thuận lợi để tổ chức các loại hình du lịch lặn biển, câu cá giải trí,...

Đến với các tỉnh ven biển Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, du khách có cơ hội tham quan, tìm hiểu các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đa dạng của cư dân ở vùng biển, đảo như: nuôi tôm (chuyên canh, đa canh), nuôi sò (nuôi chuyên canh, nuôi dưới tán), nuôi cua biển, nuôi nghêu, nuôi hàu, nuôi rùa biển, nuôi trai nhân tạo, nuôi cá lồng, cá bè, nuôi vẹm xanh,... Bên cạnh đó là các làng nghề thủ công đặc trưng như: chế tác hàng mỹ nghệ (điển hình như nghề nuôi cấy ngọc trai ở đảo Phú Quốc); chế biến thực phẩm từ thủy hải sản (nước mắm, cá khô, tôm khô, ruốc khô, mắm ba khía,...); đóng, sửa chữa tàu, ghe đi biển; sản xuất lưới và chế tạo dụng cụ đánh bắt các loại thủy hải sản (cua, ghẹ, mực...);...

Bên cạnh những tiềm năng tự nhiên, vùng biển, đảo Tây Nam Bộ còn có nhiều tiềm năng văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch biển đảo. Đó là các lễ hội văn hóa và dân gian như: lễ hội Đình thần Dương Đông, thần Cửa Cạn, thần An Thới, lễ hội Thủy Long Thánh Mẫu (đảo Phú Quốc); các lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng gắn với các di sản văn hóa như: Lăng Ông và lễ hội lăng Ông ở Vàm Láng (Tiền Giang), Lăng Ông - Miếu Bà ở thị trấn Trần Đề (Sóc Trăng), Quán Âm Phật Đài ở Nhà Mát (Bạc Liêu), Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Ông Nam Hải ở Rạch Gốc (Cà Mau),...

Phát triển trong thế bấp bênh

Tiềm năng du lịch phong phú đã tạo cho các tỉnh ven biển vùng Tây Nam Bộ có điều kiện phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: du lịch tắm biển kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch thể thao; du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo; du lịch lễ hội và tham quan di tích văn hóa - lịch sử; du lịch lặn biển kết hợp với nghiên cứu khoa học và thưởng thức các món ăn đặc sản vùng biển đảo.

Những năm gần đây, điểm du lịch biển, đảo nổi bật nhất là “Đảo Ngọc” Phú Quốc. Tính đến cuối tháng 6-2019, huyện đảo Phú Quốc có 178 dự án đầu tư du lịch được cấp chứng nhận đầu tư với quy mô 5.062 ha, tổng vốn đầu tư 187.822 tỷ đồng; 38 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 3.525 ha, tổng vốn đầu tư 127.867 tỷ đồng; 46 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 1.200 ha, tổng vốn đầu tư 13.472 tỷ đồng. Trên đảo hiện có nhiều điểm vui chơi giải trí đặc sắc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Vinpearl Land, Vinpearl Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, Khu Du lịch Suối Tranh, các bãi tắm biển, các làng nghề truyền thống...

Từ đầu năm 2019 tỉnh Cà Mau khai trương tuyến du lịch xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau-Khu Ramsar và Khu Dự trữ Sinh quyển của Thế giới. Một trong những định hướng lớn trong phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau trong những năm gần đây là phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Đất Mũi để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan loại hình khám phá, trải nghiệm du lịch biển.

Tuy có bước phát triển nhưng du lịch biển, đảo vùng Tây Nam Bộ đang phát triển trong thế thiếu tính bền vững, đang đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập. Cụ thể là:

Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế biển nói chung, du lịch biển, đảo nói riêng, của nhiều cấp ủy, chính quyền và người dân ở nhiều địa phương trong vùng tuy có được nâng lên nhưng chưa đầy đủ, chưa sâu sắc.

Do chưa chú trọng đến công tác quy hoạch; chưa có chương trình, kế hoạch đầu tư, quản lý bài bản nên không gian du lịch của nhiều vùng ven biển và hải đảo đang có nguy cơ bị phá vỡ; nhiều bãi biển đẹp đã và đang bị phá hoại, phát triển manh mún, khó điều chỉnh, khó phục hồi.

Dịch vụ phục vụ du lịch biển, đảo ở nhiều địa phương còn ít ỏi, nghèo nàn, nhất là các dịch vụ hỗ trợ du khách vui chơi, mua sắm; công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý giá cả tại một số khu, điểm du lịch biển, đảo chưa được quan tâm đúng mức; trình độ nhân lực phục vụ du lịch biển, đảo còn nhiều hạn chế...

Một số vùng biển có tiềm năng du lịch lớn nhưng rất khó đưa khách đến với số lượng đông như: Hòn Chông, đảo Nam Du, đảo Hải Tặc (Kiên Giang), Hòn Đá Bạc, Hòn Khoai (Cà Mau) do thiếu hệ thống kết cấu hạ tầng, dịch vụ - đặc biệt là hệ thống giao thông (thủy, bộ, hàng không) chưa thuận lợi, thiếu tính kết nối.

Tạo thế bền vững cho du lịch biển, đảo

Để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập, thúc đẩy du lịch biển, đảo vùng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, cần chú trọng thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chú trọng quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo; đầu tư phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch biển, đảo; bảo vệ môi trường biển, các khu bảo tồn biển, đảo; củng cố và mở rộng thị trường khách du lịch tàu biển; xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch biển, đảo trong thời kỳ hội nhập quốc tế và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tạo ra sự khác biệt và đặc sắc của từng loại hình du lịch, từng sản phẩm du lịch để thu hút du khách;...

Thứ hai, chú trọng ứng dụng quy hoạch không gian biển trong phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo. Theo đó, cần có chính sách hợp lý để thúc đẩy đầu tư nhân lực, vật lực cho việc thực hiện các chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ để điều tra, khảo sát, thu thập đầy đủ thông tin về không gian biển, nhất là đặc thù về tài nguyên du lịch, thị trường, các sản phẩm du lịch hiện có cũng như đánh giá đúng các tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo của vùng; thực trạng và nhu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội... gắn với kinh tế biển và du lịch biển, đảo.

Thứ ba, các địa phương trong vùng - trên cơ sở xác định đặc trưng chung của du lịch biển, đảo của vùng và lợi thế riêng của địa phương mình - chủ động liên kết theo từng tiểu vùng để phân định trách nhiệm trong đầu tư, khai thác du lịch biển, đảo, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, gây lãng phí, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn vùng... Sự liên kết trong phát triển du lịch biển, đảo không chỉ bó hẹp giữa các tỉnh với nhau mà cần mở rộng sự liên kết, hợp tác giữa tỉnh ven biển với tỉnh, thành trong nội địa.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch biển, đảo vùng Tây Nam Bộ - nhất là các cảng biển, bến neo đậu, cầu cảng, các đô thị ven biển kết nối với các đảo, điện và nước sạch trên các đảo. Quan tâm đầu tư, nâng cấp, trang bị mới và cải tạo đội tàu du lịch để phục vụ du khách với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế... Về lâu dài, nên xem xét đầu tư xây dựng một số cảng du lịch với ga đón khách hiện đại, đầy đủ tiện nghi dành cho du lịch tàu biển...

Thứ năm, phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển, bảo vệ môi trường biển, đảo. Vì thế, phải chú trọng đầu tư bảo quản, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa ở vùng biển, đảo Tây Nam Bộ để các di tích lịch sử, văn hóa này trở thành một yếu tố đặc sắc để thu hút du khách. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để cộng đồng xã hội nhận thức đúng đắn và luôn quan tâm đến việc tôn vinh văn hóa biển, ẩm thực biển, tạo sức hấp dẫn du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các vùng biển, đảo của Việt Nam nói chung - biển, đảo Tây Nam Bộ nói riêng.

Thứ sáu, Nhà nước có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch biển, đảo; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo xa; hỗ trợ các chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển du lịch biển, đảo giữa doanh nghiệp du lịch với các địa phương ven biển; với ngành thủy sản, nuôi trồng và đánh bắt xa bờ; với ngành giao thông, vận tải biển, dịch vụ hàng hải;... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng cần chủ động tạo ra những sản phẩm mới lạ, đa dạng cho nhóm du khách tàu biển với những chương trình tour du lịch biển, đảo đặc sắc và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách.../.

(HSSK 407: 25/9/2019)

Chuyên mục: Bên lề sự kiện