21/11/2024 | 19:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đối ngoại nhân dân thúc đẩy quan hệ song phương

Nguyễn Hùng Sơn
Đối ngoại nhân dân thúc đẩy quan hệ song phương Triển lãm ảnh: Quan hệ Việt - Mỹ và nước Mỹ qua ống kính nhà nhiếp ảnh Việt Nam_Ảnh: TL
Trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, mối quan hệ nhân dân giữa 2 nước đã có những đóng góp nhất định vào việc thúc đẩy quan hệ song phương đạt được những thành tựu như ngày nay.

Sớm thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu

Từ những năm cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam đã cùng Mỹ và các nước đồng minh tham gia mặt trận chung chống phát-xít. Với nhãn quan chiến lược và hiểu biết sâu sắc tình hình, cục diện quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân tới thành phố Côn Minh (Trung Quốc) bắt liên lạc với các lực lượng Mỹ trong lực lượng đồng minh chống phát-xít tại khu vực, từ đó thiết lập mối quan hệ hợp tác có hiệu quả giữa lực lượng đồng minh và lực lượng Việt Minh. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Thiếu tá Archimedes Patti - một trong những chỉ huy của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) tại thành phố Côn Minh - đã đến Việt Nam với sứ mệnh làm trưởng phái bộ tiền trạm của lực lượng quân đội Mỹ, thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giới quân đội Nhật tại khu vực Bắc Đông Dương. Có thể nói, sự có mặt của đại diện lực lượng quân đội Mỹ đã phần nào kiềm chế sự hung hãn, âm mưu sớm quay trở lại thôn tính Việt Nam của các thế lực thực dân, đế quốc và tay sai.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, tình thế khó khăn ngàn cân treo sợi tóc, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã đề ra và thực hiện hàng loạt biện pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài với mục tiêu giữ gìn nền độc lập non trẻ, tiến hành công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nhằm tận dụng sự ủng hộ, hỗ trợ của các nước đồng minh, trong đó có Mỹ, đối với nền độc lập của Việt Nam, bên cạnh các hoạt động ngoại giao chính thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân. Trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ vào ngày 1-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị cử một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang thăm Mỹ với ý định thiết lập quan hệ văn hóa với thanh niên Mỹ và xúc tiến nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp và các lĩnh vực chuyên môn khác. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chủ động thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu, với điều lệ rõ ràng do Chính phủ thông qua và cho thi hành. Hội Việt - Mỹ thân hữu, tiền thân của Hội Việt - Mỹ ngày nay được thành lập vào ngày 17-10-1945, chỉ 45 ngày sau khi đất nước giành được độc lập. Đây cũng là hội hữu nghị song phương đầu tiên của nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Sự thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu là một sách lược về đối ngoại của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quan hệ với Mỹ, thể hiện Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức được vai trò của Mỹ trên trường quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Việt Nam vẫn tiếp tục tranh thủ mọi cơ hội để duy trì quan hệ với nhân dân Mỹ. Cuộc chiến tranh phi nghĩa do chính quyền Mỹ phát động ở Việt Nam đã bị chính nhân dân Mỹ lên án. Cuộc gặp gỡ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ vào tháng 9-1967 tại Bratislava (Tiệp Khắc) và việc thành lập Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ (gọi tắt là Ủy ban Việt - Mỹ) vào tháng 10-1968 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và quan hệ nhân dân 2 nước, góp phần định hướng cho sự phát triển của phong trào hòa bình và phản đối chiến tranh tại Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ. Đỉnh cao của các phong trào này là hành động tự thiêu của ông Norman Morison - một người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình - trước trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ để phản đối chiến tranh xâm lược do Chính phủ Mỹ đang tiến hành ở miền Nam Việt Nam. Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đã tác động mạnh vào chính sách xâm lược của các chính quyền Mỹ và góp phần vào sự thất bại của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Thúc đẩy trao đổi, giao lưu nhân dân hiệu quả, thiết thực

Năm 1992, Ủy ban Việt - Mỹ đổi tên thành Hội Việt - Mỹ, chuyên trách về hoạt động đối ngoại nhân dân giữa 2 nước. Hội Việt - Mỹ cùng các tổ chức nhân dân Việt Nam tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân ở mọi tầng lớp, góp phần quan trọng vào việc phá thế bao vây, cấm vận, thúc đẩy hòa giải, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Cùng với giao lưu giữa các cựu chiến binh, học giả của 2 nước, nhiều tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là hậu quả của chất độc da cam/dioxin và bom mìn/vật liệu chưa nổ, các dự án xã hội về xóa đói, giảm nghèo...

Xuất phát từ mong muốn hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam và hàn gắn vết thương chiến tranh, các cựu chiến binh Mỹ, như Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain,... đã trở thành những người tiên phong trong các hoạt động đối ngoại nhân dân của Mỹ, thúc đẩy quan hệ 2 nước tiến tới bình thường hóa hoàn toàn. Hợp tác, giao lưu văn học giữa các nhà văn Việt Nam và Mỹ cũng là một điểm sáng trong giao lưu nhân dân 2 nước. Năm 1986, cựu chiến binh Mỹ, nhà thơ Kevin Bowen - Giám đốc Trung tâm William Joiner (nay là Viện William Joiner) - đã có chuyến trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh. Chứng kiến một Việt Nam sau cuộc chiến tranh với nhiều vết thương vẫn chưa thể lành lại theo năm tháng, ông Kevin Bowen quyết định “phải làm một điều gì đó để góp phần sửa chữa lỗi lầm mà đế quốc Mỹ đã gây ra”. Năm 1987, một hội thảo giao lưu văn học đầu tiên giữa 2 nước được tổ chức, tại đó, các nhà văn, cựu chiến binh và sinh viên đã chia sẻ quan điểm, ý kiến về việc hàn gắn nỗi đau và tìm ra giải pháp thông qua văn học. Năm 1987 cũng là năm đầu tiên một nhà văn Việt Nam đồng thời là một cựu chiến binh đã đặt chân đến nước Mỹ, đó là nhà văn Lê Lựu. Kể từ sau các hoạt động giao lưu trên, nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ; đồng thời, nhiều nhà văn, nhà thơ 2 nước lần lượt có những chuyến thăm, gặp gỡ, giao lưu, thông qua văn chương giúp thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa 2 nước.

Kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 12-7-1995, đặc biệt là thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào tháng 7-2013, mối quan hệ giữa nhân dân 2 nước có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên những nấc thang mới. Ngoại giao nhân dân giúp tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần hiện thực hóa chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, từ đó tạo động lực thúc đẩy quan hệ 2 nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Có thể nói, thông qua giao lưu nhân dân, nhiều người Mỹ, bạn bè Mỹ có cơ hội quay trở lại thăm Việt Nam, chứng kiến sự đổi thay ngày càng tốt đẹp ở đất nước Việt Nam, đã có những cảm nhận sâu sắc, từ đó đưa ra những đóng góp thiết thực giúp thúc đẩy quan hệ 2 nước. Sự ủng hộ, viện trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ Mỹ trong công tác xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh rất đáng ghi nhận, là điểm sáng trong quan hệ 2 nước...

Ngày 10-9-2023, việc Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không chỉ là sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ 2 nước, là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của chính phủ, nhân dân 2 nước, mà còn là động lực để quan hệ 2 nước tiếp tục đạt được những bước tiến mới, vì lợi ích của nhân dân 2 nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, cũng như trên thế giới./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện
Chủ đề: nâng tầm