16/10/2024 | 01:03 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tương đồng và khác biệt

Phạm Nhẫn
Tương đồng và khác biệt Thiếu nhi Hà Nội vẫy cờ chào mừng Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Việt Nam, tháng 9-2023_Ảnh: Trí Dũng
Theo nghĩa rộng của khái niệm, văn hóa chính trị phản ánh bản chất, thực trạng, định hướng phát triển của quốc gia trong tương lai. Nhìn vào văn hóa chính trị có thể nhận ra được sự tương đồng và khác biệt giữa các quốc gia với nhau, giữa quốc gia với thế giới bên ngoài.

Vai trò quan trọng

Trong thế giới hiện đại ngày nay, các quốc gia không thể tồn tại, phát triển biệt lập với thế giới bên ngoài, mà cần tương tác với và tùy thuộc vào thế giới bên ngoài. 

Từ giác độ đối ngoại, các quốc gia muốn phát triển thịnh vượng đều cần có môi trường chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại thuận lợi; đều phải và cần không ngừng thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương, tăng cường chủ động hội nhập quốc tế. 

Từ giác độ quan hệ quốc tế nhìn nhận, văn hóa chính trị đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định, lành mạnh hóa và tăng cường quan hệ quốc tế. Thế giới càng biến động, cục diện quan hệ quốc tế càng không ổn định, vai trò này của văn hóa chính trị càng thêm quan trọng.

Cả về lý thuyết lẫn trong thực tiễn, việc xử lý ổn thỏa các mối quan hệ đối ngoại có khả thi hay không, sau đó sẽ thành công đến mức độ nào tùy thuộc vào 3 nhân tố. 

Một là cùng mục tiêu và lợi ích (bao gồm song trùng và đan xen lợi ích); hai là tin cậy lẫn nhau; ba là thể chế hóa và cơ chế hóa mối quan hệ hợp tác. 

Ba nhân tố này tương tác với nhau và bổ sung cho nhau; đồng thời cũng có thể biến động, tác động cả theo hướng triệt tiêu lẫn nhau. Chẳng hạn như tăng cường đan xen lợi ích sẽ giúp củng cố, tăng cường lòng tin lẫn nhau. Nhưng một khi không tin cậy lẫn nhau, chưa thể có sự sẵn sàng đủ mức để thúc đẩy quan hệ hợp tác. Văn hóa chính trị tác động trực tiếp tới cả 3 nhân tố này.

Sự tương đồng về văn hóa chính trị sẽ giúp các đối tác dễ dàng tìm kiếm được tiếng nói chung trong các khía cạnh của quan hệ đối ngoại, việc hiểu biết lẫn nhau dễ dàng được tạo dựng và tăng cường. 

Cho nên, để thúc đẩy được mạnh mẽ các mối quan hệ đối ngoại, cần phải đồng thuận hóa hoặc hài hòa văn hóa chính trị của các đối tác; thu hẹp như có thể được sự khác biệt về văn hóa chính trị giữa các đối tác; ít nhất cũng ngăn ngừa mọi mức độ, dạng xung khắc về văn hóa chính trị.

Chẳng hạn như nhìn vào mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và giữa Việt Nam với Mỹ có thể thấy được rất rõ vai trò, tác động của sự tương đồng, dị biệt về văn hóa chính trị. 

Mức độ tương đồng về văn hóa chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn hơn mức độ khác biệt, trong khi giữa Việt Nam và Mỹ vẫn nhỏ hơn mức độ dị biệt. Vì thế, việc thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc cơ bản dễ dàng hơn việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ.

Cũng từ đó có thể thấy cách thức Việt Nam vận dụng văn hóa chính trị trong xử lý quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ có khác nhau chứ không thể giống nhau, có nét chung nhưng cũng bao hàm nội dung riêng. 

Với Trung Quốc, những đồng thuận về văn hóa chính trị sẽ tạo nền tảng, động lực cho phát triển quan hệ hợp tác song phương. Trong khi đó, với Mỹ, vấn đề đặt ra trước hết cần phải được giải quyết ổn thỏa là hạn chế tối đa tác động tiêu cực của những khác biệt về văn hóa chính trị, đặc biệt về ý thức hệ, hệ giá trị, mô hình tổ chức hệ thống chính trị,... tới quan hệ hợp tác song phương, không cản trở 2 nước thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Một khâu then chốt

Văn hóa chính trị hiện thân cho lợi ích, định hướng phát triển tương lai cho quốc gia, nên trên thực tế quyết định thành công hay thất bại của việc xây dựng và không ngừng tăng cường lòng tin lẫn nhau giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Nói cách khác, lợi ích quốc gia và định hướng phát triển của quốc gia quyết định văn hóa chính trị của các bên có thể được vận dụng trong thực tiễn theo hướng không xung khắc mà dung hòa với nhau được hay không. Dùng văn hóa chính trị, vì thế, có thể giúp gây dựng nên lợi ích chung và đan xen lợi ích trong khi vẫn bảo tồn được lợi ích riêng.

Nhờ có được lợi ích chung và đan xen lợi ích mà dần gây dựng được lòng tin lẫn nhau, từng bước thể chế hóa và cơ chế hóa quan hệ hợp tác song phương, cũng như đa phương. 

Xây dựng lòng tin, tăng cường lòng tin lẫn nhau, cũng như tăng cường thể chế hóa và cơ chế hóa quan hệ hợp tác sẽ giúp củng cố, gia tăng mức độ ổn định bền vững của lợi ích chung và đan xen lợi ích; từ đó thúc đẩy sự đồng thuận về văn hóa chính trị, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của khác biệt hay xung khắc giữa các đối tác về văn hóa chính trị.

Trong việc xử lý các mối quan hệ đối ngoại, việc công nhận và chấp nhận văn hóa chính trị của nhau là một khâu then chốt. Bước đi đầu tiên phải là làm cho đối tác hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về văn hóa chính trị của mình; hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về văn hóa chính trị của đối tác. 

Trên nền tảng sự hiểu biết lẫn nhau ấy, hai bên xác lập cách tiếp cận chung là công nhận, chấp nhận văn hóa chính trị của nhau để có thể gây dựng nên mối quan hệ hợp tác mà không đặt điều kiện tiên quyết, hoặc ép buộc lẫn nhau phải thay đổi văn hóa chính trị; cũng như không để sự khác biệt về văn hóa chính trị cản trở việc gây dựng, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương.

Sự tin cậy lẫn nhau càng thêm bền vững và tăng cường khi quan hệ hợp tác càng phát triển, càng thiết thực. Ở mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ có thể thấy được rất rõ điều này. 

Khác biệt về ý thức hệ, hệ giá trị, mô hình tổ chức hệ thống chính trị quyền lực và xã hội là vấn đề nhạy cảm nhất, nan giải nhất trong mối quan hệ song phương này suốt thời gian dài. 

Với việc đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ vào năm 2015, phía Mỹ trên thực tế đã công nhận hệ thống chính trị ở Việt Nam và vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà nói theo ngôn từ khác là công nhận văn hóa chính trị của Việt Nam.

Từ sự công nhận này, phía Mỹ cùng phía Việt Nam mở ra được thời kỳ phát triển mạnh mẽ, hiệu quả quan hệ hợp tác song phương. Nhờ đó, chỉ sau 10 năm, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp từ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - cấp độ quan hệ đối tác cao nhất của Việt Nam - bỏ qua bước trung gian là mối quan hệ đối tác chiến lược.

Giữa các quốc gia trong thế giới hiện đại ngày nay, việc có được sự đồng thuận, hài hòa về văn hóa chính trị không đơn giản và dễ dàng. 

Khi có được lòng tin lẫn nhau, sự khác biệt về văn hóa chính trị giữa các bên liên quan luôn khả thi. Khi gây dựng được sự song trùng lợi ích và đan xen lợi ích, các bên liên quan sẽ đều chịu áp lực từ sự cần thiết phải và sẽ cùng nhau tìm ra cách thức thích hợp làm cho sự khác biệt về văn hóa chính trị không cản trở việc thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại. 

Tiếp cận theo chiều ngược lại sẽ lại có thể vận dụng văn hóa chính trị để phục vụ đắc lực việc xử lý các mối quan hệ đối ngoại./.

31 March 2024