21/09/2024 | 07:46 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Khía cạnh “toàn diện” và bước đột phá trong nhận thức

Hồng Minh
Khía cạnh “toàn diện” và bước đột phá trong nhận thức Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh trưng bày ảnh nhân Kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 16-7-2020_Ảnh: tuoitrenews.vn

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ngày 10-9-2023, theo lời mời của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, 2 nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tính chất “toàn diện” không đơn thuần phản ánh sự thay đổi về cấp độ quan hệ mà còn cho thấy bước đột phá trong nhận thức của cả 2 nước trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế và chiến lược.

“Toàn diện” về cả chính trị và kinh tế

Xuyên suốt gần 30 năm kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ (năm 1995), kinh tế luôn được coi là lĩnh vực hợp tác chủ đạo trong quan hệ song phương dựa trên nhu cầu phát triển mang tính thực tiễn của 2 nước, cũng như do một số vướng mắc trên các lĩnh vực khác, như chính trị, quốc phòng - an ninh, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền... Tuy nhiên, trải qua các giai đoạn khác nhau, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từng bước được khai thông và có những chuyển biến đáng chú ý, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị. Nếu như trước đây, ý thức hệ được coi là rào cản chính trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì ngày nay, việc 2 nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện thể hiện hàm ý Hoa Kỳ có sự tôn trọng hoàn toàn đối với thể chế chính trị của Việt Nam, trong đó có vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam và mong muốn thúc đẩy hợp tác dựa trên mối quan hệ chính trị đó; sâu hơn là dựa trên niềm tin giữa hai 2 chế chính trị khác nhau. Việc tiếp cận trực tiếp như vậy sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách về nhận thức; từ đó có thể nâng cao sự hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa 2 nước. Đường hướng đối ngoại này cũng giúp Việt Nam dần tạo lập vị thế “cân bằng” giữa các cường quốc. Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ đã được ghi nhận trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ (tháng 7-2015), khi 2 nước đang ở cấp độ quan hệ Đối tác toàn diện. Tuy nhiên, chỉ đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden thì 2 nước mới có thể hiện thực hóa mong muốn chung về thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực chính trị.

Bên cạnh sự thay đổi nhận thức trong lĩnh vực chính trị, ý nghĩa của thành tố “toàn diện” cũng biểu hiện sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao nhân dân. Trên thực tế, kinh tế vẫn là nhân tố chủ chốt thúc đẩy Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ. Nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, cũng như nhận được sự hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực để chuyển đổi tăng trưởng sang hướng có chất lượng và bền vững hơn, từ đó mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của Việt Nam. Tuyên bố chung giữa 2 nước nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng phản ánh tính “toàn diện” của quan hệ song phương khi những nội dung chính đều bao phủ một loạt vấn đề hợp tác, từ thương mại, giải quyết hậu quả của chiến tranh cho đến những hành động chung về chống biến đổi khí hậu, hợp tác trong khoa học - công nghệ, đầu tư song phương và giao lưu nhân dân.

Những lĩnh vực ưu tiên trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ gồm: một là, trao đổi các đoàn cấp cao, các chuyến thăm lẫn nhau, các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị khu vực và quốc tế, phát huy tối đa các kênh quan hệ, từ kênh Đảng, Nhà nước, Nghị viện cho đến giao lưu nhân dân, quan hệ giữa các địa phương; hai là, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục chiếm ưu tiên cao. Trong đó, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ là khâu đột phá; hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực là những lĩnh vực ưu tiên cao. Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục được coi trọng, như hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác xử lý vấn đề mang tính toàn cầu, như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, y tế, nguồn nước, chống khủng bố...

 

Một ý nghĩa quan trọng khác của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ là củng cố xu hướng mở rộng thị trường thu hút đầu tư của Việt Nam khi các doanh nghiệp trên toàn cầu đang dần rút khỏi thị trường Trung Quốc. Trong đó, cơ hội mang lại từ sản xuất chất bán dẫn mới là bước phát triển đặc biệt quan trọng, với việc doanh nghiệp Intel (Mỹ) khai trương nhà máy quy mô lớn nhất thế giới ở Việt Nam (tháng 10-2023) với trị giá 1,6 tỷ USD. Tiềm năng phát triển to lớn như vậy sẽ là cơ sở để Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung đóng vai trò ngày càng quan trọng trong kế hoạch thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ. Việc chuyển hướng sang Đông Nam Á sẽ là hướng đi mới góp phần tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ và giảm bớt tính dễ bị tổn thương, cũng như sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Toàn diện” là cách nhìn tổng thể về quan hệ giữa Việt Nam và các nước

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là cấp quan hệ cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước. Trước đó, Việt Nam chỉ thiết lập cấp quan hệ này với 4 nước là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện không phải là quan hệ đồng minh, cũng không phải là một sự thay đổi cơ bản đối với hiện trạng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Điều này rất quan trọng bởi Việt Nam luôn chú trọng chính sách cân bằng quan hệ với các nước để phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển, duy trì môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế đất nước, đúng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, xét trong bối cảnh chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ không có nghĩa là Việt Nam đang “liên kết” với Hoa Kỳ và “rời xa” Trung Quốc. Thay vào đó, “toàn diện” phản ánh cái nhìn tổng thể về mối quan hệ song phương, là dấu hiệu nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ như một phần trong chiến lược cân bằng giữa các cường quốc của Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy lợi ích chung giữa 2 nước chứ không mang hàm ý nhằm vào một nước thứ ba.

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng là phương thức để Hoa Kỳ thực hiện chiến lược cân bằng của mình ở khu vực Đông Nam Á. Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhấn mạnh rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, tôn trọng những lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là những nguyên tắc cơ bản luôn có ý nghĩa quan trọng cho quan hệ 2 nước và quan hệ quốc tế.

Nhìn chung, nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là một sự ghi nhận mối quan hệ đang được cải thiện nhanh chóng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Dù phải đối diện với nhiều thách thức trong việc cân bằng chính sách giữa các nước lớn, Việt Nam vẫn luôn kiên trì mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ để bảo đảm xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế, xã hội vì mục tiêu cuối cùng là bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Với phương châm đó, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang được cải thiện trên mọi phương diện, từ hợp tác về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, hàng hải đến biến đổi khí hậu. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không phải là một liên minh, mà đây là một mối quan hệ mang tính toàn diện và nhằm thúc đẩy lợi ích chung của 2 nước, phù hợp với xu thế chung của thời đại là thúc đẩy hợp tác, giảm thiểu cạnh tranh./.