05/04/2025 | 17:03 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Những bước phát triển toàn diện, thực chất, có chiều sâu

Quỳnh Trang
Những bước phát triển toàn diện, thực chất, có chiều sâu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng đoàn đại biểu cấp cao 2 nước tại hội đàm ở Thủ đô Hà Nội, ngày 10-9-2023_Ảnh VGP
Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12-7-1995. Trải qua không ít khó khăn, thử thách, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Dấu ấn của sự hợp tác, phát triển toàn diện       

Một là, quan hệ hợp tác chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được những bước tiến ngoài mong đợi, tạo điều kiện cho quan hệ song phương phát triển lên những tầm cao mới, tin cậy hơn và toàn diện hơn. Đáng chú ý, từ năm 2000 đến nay, hai bên đã trao đổi 16 chuyến thăm cấp cao. Mỗi chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước đều là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời kỳ mới. Đơn cử như, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7-2013), hai bên đã ra Tuyên bố chung xác lập quan hệ Đối tác toàn diện với 9 lĩnh vực hợp tác chủ chốt nhất của quan hệ 2 nước(1), trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.

Bước tiến quan trọng tiếp theo trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được ghi nhận vào tháng 7-2015, khi lòng tin chiến lược giữa 2 nước thực sự được thúc đẩy thông qua chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ nhân dịp 2 nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm không chỉ đánh dấu sự hoàn tất một chương sử hai bên bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, theo tinh thần “hợp tác đầy đủ”, như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra một chương mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; mà còn là minh chứng điển hình cho bước phát triển và sức mạnh tổng thể của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân.

Quan hệ song phương càng được củng cố, thắt chặt và làm sâu sắc thêm bởi chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (tháng 9-2023), với việc lãnh đạo hai bên ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Chuyến thăm được thực hiện đúng vào dịp 2 nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện một lần nữa khẳng định Hoa Kỳ luôn tuân thủ cam kết, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và tôn trọng lãnh đạo Việt Nam - tiền đề quan trọng để 2 nước củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác song phương ở tầm vóc mới trong khi tiếp tục xử lý những khác biệt trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Hai bên cũng tích cực triển khai các cơ chế đối thoại, tham vấn trước đó(2), từng bước đi vào các nội dung cụ thể hơn và thiết lập một số cơ chế đối thoại, tham vấn mới(3). Quan hệ kênh Đảng, kênh Quốc hội được củng cố; hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp từng bước được mở rộng. Hợp tác trên các vấn đề quốc tế, khu vực có nhiều bước tiến nổi bật. Hai bên tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động quốc tế, khu vực quan trọng; triển khai hiệu quả các sáng kiến, cơ chế trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam và đẩy mạnh triển khai nhiều động thái, chính sách cơ bản phù hợp với lợi ích của Việt Nam liên quan đến vấn đề Biển Đông, tiểu vùng sông Mekong, ứng phó với biến đổi khí hậu; coi trọng phối hợp với Việt Nam trong nhiều vấn đề khu vực quan trọng khác...

Hai là, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư được đánh giá là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa 2 nước. Kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 5 lần trong vòng 10 năm qua, từ 25 tỷ USD (năm 2012) lên gần 139 tỷ USD (năm 2022) và tăng hơn 300 lần so với năm 1995 (450 triệu USD). Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Đặc biệt, Mỹ luôn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, đó là chưa kể đầu tư thông qua chi nhánh của doanh nghiệp Mỹ từ các nước thứ ba. Điểm mới so với trước đây là một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Hoa Kỳ với tổng số vốn lên đến hàng tỷ USD, góp phần tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động Mỹ.

Ba là, hợp tác quốc phòng - an ninh có những bước tiến cụ thể. Sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Williams Cohen, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ 2 nước, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đã dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm Hoa Kỳ (tháng 11-2003). Kể từ đó, hằng năm tàu quân sự của Mỹ đều thực hiện các chuyến thăm cảng Việt Nam. Tháng 9-2011, hai bên ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ và tiếp tục ra Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ vào tháng 5-2015. Việc Hoa Kỳ chính thức tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương (tháng 5-2016), cung cấp trang thiết bị hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ, nhất là trên biển; phát triển công nghiệp quốc phòng; ký kết và triển khai một số thỏa thuận mới về hợp tác quốc phòng;... cũng là những bước đột phá trong quan hệ quốc phòng - an ninh giữa 2 nước.

Bốn là, hợp tác giáo dục - đào tạo được coi là điểm sáng trong quan hệ 2 nước và là một trong những lĩnh vực ưu tiên mà Hoa Kỳ dành cho Việt Nam. Hằng năm, có từ 23.000 - 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng sinh viên theo học ở Mỹ. Nhiều trường đại học của Mỹ đã có những mối quan hệ, hợp tác với các trường đại học của Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu, mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác giáo dục - đào tạo của 2 nước.

Năm là, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên cao và đạt nhiều kết quả cụ thể. Hai bên dành nhiều nguồn lực và đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, xác minh hài cốt của bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh, tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ người khuyết tật, những người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Các cơ quan Việt Nam đã phối hợp cùng phía Mỹ tìm kiếm, xác định và trao trả cho phía Mỹ hài cốt của 733 quân nhân mất tích.

Sáu là, hợp tác khoa học - công nghệ, y tế, du lịch,... ngày càng mở rộng, thực chất hơn trên những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu. Về khoa học - công nghệ, hai bên mở rộng các lĩnh vực hợp tác thông qua các khuôn khổ, cơ chế mới, trong đó có một số lĩnh vực mang tính chiến lược, như hạt nhân, vũ trụ, công nghệ số... Về y tế, hai bên đẩy mạnh hợp tác về y tế công cộng và một số lĩnh vực mới; tích cực phối hợp triển khai chương trình an ninh y tế toàn cầu... Về hợp tác du lịch, số lượng khách du lịch Mỹ vào Việt Nam liên tục tăng mạnh từ năm 2012 đến nay (không kể thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát) và có nhiều tiềm năng sau đại dịch.

Vẫn còn những tồn tại, khác biệt cần nỗ lực giải quyết

Nhìn chung, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được những thành tựu như hiện nay là do: 1- Hai nước luôn cùng nhau nỗ lực phát triển quan hệ với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng và hướng tới tương lai”; 2- Hai nước luôn cùng nhau chia sẻ nhiều lợi ích song trùng và đan xen, đồng thời nỗ lực gây dựng những lợi ích chiến lược lâu dài chung mới; 3- Độ tin cậy chính trị giữa 2 nước có những bước cải thiện đáng kể; 4- Quan hệ 2 nước phát triển dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; 5- Quan hệ 2 nước phát triển trong bối cảnh hòa bình, hợp tác là xu thế chủ đạo ở khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, có thể thấy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn tồn tại một số khác biệt. Xuất phát từ sự khác biệt của hệ thống chính trị, sự chênh lệch về trình độ phát triển và sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ở cả 2 nước. Vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo vẫn là những lĩnh vực nhạy cảm, gây khó khăn, cản trở trong quan hệ song phương. Lòng tin chiến lược giữa hai bên đã được tăng cường song chưa cao. Vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn cần tiếp tục được thúc đẩy. Mặc dù có những bước tiến quan trọng, song hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa 2 nước vẫn thiếu khuôn khổ để phát triển ổn định, bền vững. Đơn cử như, hai bên chưa có thỏa thuận thương mại tự do song phương. Hoa Kỳ chưa áp dụng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với Việt Nam. Trong khi đó, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) được triển khai từ năm 2007 đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp, chưa bao quát những vấn đề khó, mới nảy sinh, buộc hai bên phải sử dụng nhiều cơ chế, thỏa thuận mang tính thời điểm, vụ, việc... Bên cạnh đó là sự biến động nhanh, hết sức phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực tác động không nhỏ đến quan hệ giữa 2 nước...

Trong giai đoạn mới, để mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển ổn định và đi vào thực chất, cách thức tốt nhất để hai bên vượt qua những khác biệt, tồn tại, không để những khác biệt, tồn tại cản trở đà phát triển, đó là tiếp tục đối thoại một cách xây dựng, thẳng thắn. Đặc biệt, hai bên cần triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong đó, tiếp tục phát triển quan hệ song phương theo thứ tự ưu tiên với hợp tác phát triển (kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo) là trọng tâm đột phá, chiến lược và ưu tiên cao nhất; hợp tác quốc phòng - an ninh là động lực thúc đẩy quan hệ 2 nước.

Trong thời gian tới, với thiện chí của cả hai bên, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, hai bên sẽ tiếp tục gạt bỏ khác biệt, tôn trọng lịch sử và hướng về phía trước, vì một tương lai chung lòng tin, hòa bình và thịnh vượng./.

---------------------
(1) Chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường - y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ - thúc đẩy quyền con người và văn hóa - du lịch - thể thao.
(2) Đối thoại Việt Nam - Hoa Kỳ về châu Á - Thái Bình Dương, Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ, Đối thoại về chất độc da cam/dioxin...
(3) Ý định thư thành lập Nhóm Công tác về sáng kiến dự trữ thiết bị y tế và nhân đạo (CHAMSI, năm 2016), Đối thoại về An ninh năng lượng (năm 2018), Đối thoại về hợp tác vũ trụ dân sự (năm 2021)...

Chuyên mục: Bên lề sự kiện

Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau