DOGE có thể làm gì với bộ máy chính phủ của nước Mỹ?
Gia NgọcNhiệm vụ của DOGE: Cắt giảm và tiết kiệm
Theo thông báo gần đây nhất, DOGE sẽ được lãnh đạo bởi 2 tỷ phú: Elon Musk và cựu ứng viên Tổng thống Vivek Ramaswamy. Tuy nhiên, ông D. Trump không định huy động túi tiền khổng lồ của 2 tỷ phú, mà trao cho họ một nhiệm vụ khác: kiếm ra hàng nghìn tỷ USD cho nước Mỹ bằng cách tiết kiệm.
Cụ thể, DOGE có nhiệm vụ chính là “tinh gọn bộ máy hành chính”, bao gồm việc cắt giảm số lượng cơ quan liên bang từ hơn 400 xuống còn không quá 99, nghĩa là cắt giảm tới 3/4 số cơ quan.
Một trong 2 người đứng đầu DOGE, tỷ phú Elon Musk, nhấn mạnh rằng Chính phủ Mỹ cần phải hoạt động hiệu quả hơn và giảm thiểu nạn quan liêu.
Ông tuyên bố DOGE sẽ thực hiện các biện pháp cắt giảm ngân sách lên tới 2.000 tỷ USD - một con số đầy tham vọng nếu so sánh với tổng ngân sách liên bang cho năm tài chính 2024 ước tính 6.750 tỷ USD.
Theo ông D. Trump, DOGE sẽ hợp tác với Văn phòng Quản lý và Ngân sách để thúc đẩy các cải cách quy mô lớn nhằm loại bỏ những quy định thừa thãi và cắt giảm chi tiêu lãng phí.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Ủy ban là xây dựng kế hoạch để loại bỏ hoàn toàn gian lận và thanh toán sai quy định trong vòng 6 tháng. Chỉ riêng điều này được kỳ vọng sẽ tiết kiệm cho ngân sách đến con số nghìn tỷ USD.
Việc theo dõi tiến trình hoạt động của DOGE sẽ là điều cần thiết trong thời gian tới, đặc biệt khi nó hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi lớn trong cấu trúc và quy trình làm việc của các cơ quan liên bang.
Sự minh bạch và trách nhiệm sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu cuối cùng: một chính phủ nhỏ gọn hơn nhưng hiệu quả hơn.
Tổ chức và hoạt động của DOGE
DOGE sẽ hoạt động như một tổ chức bên ngoài chính phủ, không cần sự phê duyệt của Thượng viện để đi vào hoạt động. Điều này cho phép Musk và Ramaswamy có thể nhanh chóng thực hiện các cải cách mà không bị ràng buộc bởi các quy trình hành chính phức tạp.
Nhưng đổi lại, DOGE sẽ không thể tự mình thực thi việc cắt giảm hay cải cách, mà phải thông qua Quốc hội hay các cơ quan chính phủ khác.
Hai vị tỷ phú cam kết rằng mọi hoạt động của Ủy ban sẽ được công khai trực tuyến để bảo đảm tính minh bạch tối đa, đồng thời khuyến khích người dân đóng góp ý kiến về cách chi tiêu của chính phủ.
E. Musk cũng đã đề xuất việc tạo ra một “bảng xếp hạng” nhằm liệt kê những khoản chi tiêu “kém sáng suốt” từ tiền thuế của người dân. Điều này không chỉ nhằm tăng cường trách nhiệm mà còn tạo ra áp lực đối với các nhà lập pháp trong việc xem xét lại các khoản chi tiêu của họ.
Những mục tiêu mà DOGE đặt ra được đánh giá là đầy tham vọng, nhằm cải cách toàn diện bộ máy hành chính liên bang Mỹ. Mặc dù có nhiều tiềm năng để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ và giảm thiểu lãng phí ngân sách, nhưng tính khả thi của các kế hoạch này vẫn còn nhiều nghi vấn.
Sự thành công hay thất bại của DOGE sẽ phụ thuộc vào khả năng thuyết phục Quốc hội, cũng như sự chấp nhận từ phía công chúng đối với những thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của chính phủ.
Cắt giảm và tái cấu trúc
DOGE chỉ ra rằng, sẽ có nhiều cơ quan liên bang có thể bị xóa bỏ hoàn toàn hoặc tái cấu trúc. Bộ Giáo dục là một trong những mục tiêu tiềm năng mà D. Trump từng yêu cầu giải thể, để chuyển quyền kiểm soát giáo dục về cho các tiểu bang.
Vừa hay, E. Musk cũng nhiều lần bày tỏ thái độ không thiện cảm với Bộ Giáo dục. Khả năng rất cao bộ này sẽ nằm trong tầm ngắm của DOGE ngay từ đầu.
Tỷ phú Ramaswamy đề xuất Bộ Tư pháp trong danh sách cần xem xét lại hoặc loại bỏ, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc tranh cãi về vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật.
Cục Rượu - Thuốc lá - Súng và Chất nổ (BATFE) có thể bị cắt giảm hoặc xóa bỏ, theo gợi ý của Ramaswamy. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ thuộc diện phải cải tổ hoặc giảm quy mô do những chỉ trích về cách thức hoạt động của nó trong đại dịch COVID-19.
Thậm chí, các cơ quan như Bộ An ninh nội địa hay Bộ Quốc phòng cũng có thể đối mặt với việc giảm quy mô.
Hiện tại, mới chỉ có các đề xuất và gợi ý, chưa có một danh sách chính thức nào về các cơ quan sẽ bị xóa bỏ hay cắt giảm. Tuy nhiên, xét theo mục tiêu của DOGE là cắt giảm chi phí và cắt giảm thủ tục hành chính, dựa trên một số tiêu chí như mức chi tiêu và tổng số nhân viên của từng cơ quan, có thể có một vài dự đoán.
Bộ Giáo dục, Bộ Năng lượng, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh nằm trong số các cơ quan trả lương cao nhất, trung bình hơn 130.000 USD/người/năm.
Các bộ An ninh nội địa, Tư pháp, Cựu chiến binh có mức lương trung bình hơn 100.000 USD/người/năm. Về số nhân viên, có những bộ có tổng số hàng trăm nghìn lao động, như Bộ Cựu chiến binh, Quốc phòng, An ninh nội địa, Tư pháp, Tài chính. Đây sẽ là những mục tiêu DOGE để mắt tới.
Những thách thức và hoài nghi
Mặc dù mục tiêu của DOGE rất tham vọng, nhưng nhiều chuyên gia và nhà phân tích đã bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của các kế hoạch này.
Bà Elaine Kamarck - một cựu quan chức trong chương trình cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Mỹ vào những năm 90 của thế kỷ XX - cho rằng, DOGE không có quyền lực thực sự để thực hiện các thay đổi lớn mà chỉ có thể cung cấp lời khuyên cho Nhà Trắng.
Ngoài ra, việc cắt giảm ngân sách lên tới 2.000 tỷ USD sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua, đặc biệt là khi ngân sách chi tiêu tùy ý cho năm tài khóa 2024 dự kiến chỉ khoảng 1.900 tỷ USD.
Các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe, vốn là những lĩnh vực chi tiêu lớn nhất, cũng rất khó để điều chỉnh mà không cần thay đổi luật pháp.
DOGE có thể gặp phải sự phản đối rộng rãi trong khối 2 triệu nhân viên các cơ quan liên bang - đối tượng có nhiều khả năng bị mất việc bởi DOGE. E. Musk đã cam kết rằng dù có cắt giảm biên chế, những người lao động bị ảnh hưởng có thể nhận được hỗ trợ tài chính tương đương mức lương trong 2 năm.
Tuy nhiên, chỉ hỗ trợ bằng tiền rõ ràng là chưa đủ. Hơn nữa, việc cắt giảm lượng lớn nhân viên công vụ cũng gây ra lo ngại về sự gián đoạn dịch vụ công.
Ngân hàng đầu tư JP Morgan tỏ ra không mấy tin tưởng vào tương lai của DOGE, vì nhìn nhận ủy ban này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chi tiêu của Chính phủ cũng như giảm bớt thủ tục hành chính.
Lý thuyết nghe có vẻ ổn, nhưng thực tế sẽ rất khác. Trở ngại chính mà JP Morgan nêu lên là việc DOGE nằm ngoài Quốc hội, trong khi Quốc hội là cơ quan kiểm soát chi tiêu của Chính phủ Mỹ. Như vậy rất rõ ràng là DOGE không có quyền thực hiện công việc mà nó được giao.
Báo cáo của JP Morgan viết: “về hiệu quả của Chính phủ, Tổng thống đắc cử D. Trump dự kiến theo đuổi một chương trình nghị sự ủng hộ việc giảm bớt thủ tục hành chính”.
Đường lối này tạo thuận lợi cho DOGE, chưa kể Đảng Cộng hòa của Tổng thống D. Trump nhiệm kỳ tới nắm cả 2 viện của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng DOGE vẫn không phải là người quyết định.
Các đối thủ chính trị của ông D. Trump tất nhiên không bỏ qua cơ hội này để công kích. Bên cạnh việc khẳng định mục tiêu cắt giảm ngân sách tới 2.000 tỷ USD là bất khả thi, các đối thủ tập trung tấn công mạnh mẽ vào Elon Musk và Ramaswamy.
Họ cho rằng 2 ông này tham gia vào cơ cấu quyền lực có thể dẫn đến việc sử dụng quyền lực không đúng cách hoặc tạo ra những quyết định không hợp lý, dựa trên cảm hứng cá nhân hơn là dựa trên dữ liệu và phân tích thực tế.
Với mục tiêu minh bạch các chi tiêu của Chính phủ, DOGE đương nhiên cũng phải minh bạch hoá tối đa các hoạt động của nó. Tuy nhiên, các đối thủ của ông
D. Trump không muốn tin tưởng điều đó, mà vẫn cho rằng cơ quan này chỉ là công cụ để D. Trump và E. Musk thực hiện các chính sách theo ý muốn riêng mà không phải chịu trách nhiệm trước người dân.
Thậm chí, có chỉ trích cho rằng DOGE chỉ là một chiêu trò chính trị nhằm thu hút sự chú ý của công chúng: việc tập trung vào cải cách bộ máy hành chính có thể khiến người dân quên đi những vấn đề lớn hơn như tình hình kinh tế, an ninh quốc gia và các vấn đề xã hội.
Trong nhiệm kỳ trước, trong bối cảnh không có nhiều sự ủng hộ tại Quốc hội, Tổng thống D. Trump từng cố gắng xóa bỏ một số cơ quan chính phủ, nhưng chưa thành công.
Tuy nhiên trong lịch sử, có những cái tên khá quen thuộc như FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm), NOAA (Cục Quản lý khí quyển và đại dương), CFIUS (Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ) đã trải qua những lần chuyển giao, tái cấu trúc rất mạnh, và dù không bị xóa bỏ hoàn toàn nhưng cũng không còn như ban đầu. Với DOGE, chúng ta hãy chờ xem./.