Truyền thông chính trị trong thời đại công nghệ số
Vũ Thanh VânCông nghệ dẫn dắt
Trong kỷ nguyên số, công nghệ là nền tảng, động lực, tác nhân đồng thời là môi trường của truyền thông chính trị. Ngay từ thập niên 60 của thế kỷ XX, nhà nghiên cứu truyền thông Marshall McLuhan (Canada) đã lập luận rằng, các công nghệ truyền thông mới ra đời có khả năng thay đổi truyền thống và định hình lại đời sống xã hội. Ông đưa ra nhận định này khi chứng kiến quá trình phát triển của báo chí từ báo in đến truyền hình. Trong 4 thập niên 60, 70, 80 và 90, truyền hình trở thành phương tiện truyền thông chính trị phổ biến và hiệu quả, giúp các chính trị gia và các đảng chính trị chinh phục con tim và trí óc của công chúng.
Nhận định của Marshall McLuhan đến nay vẫn còn giá trị khi chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và hàng loạt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế tăng cường... Sự xuất hiện của những công nghệ mới đòi hỏi các chính trị gia, đảng chính trị đổi mới phương thức và nội dung tiếp cận công chúng nếu không muốn bị thua cuộc. Đòi hỏi này càng trở nên bức thiết khi công chúng trẻ trở thành nhóm cử tri đặc biệt quan trọng, có thể quyết định thành công hay thất bại của chính trị gia, đảng chính trị.
Nếu như trong phương thức truyền thông chính trị truyền thống, việc tiếp cận đông đảo công chúng là mục tiêu quan trọng nhất, thì truyền thông chính trị trong kỷ nguyên số đề cao tính hướng đích và trúng đích. Điều này có nghĩa là, truyền thông chính trị cần tiếp cận được công chúng phù hợp bằng phương thức phù hợp, chứ không phải là tiếp cận được bao nhiêu công chúng. Sự hạn chế về nguồn lực thời gian, con người, tài chính,... càng đòi hỏi hoạt động truyền thông chính trị đi vào thực chất, coi trọng chất lượng, hiệu quả hơn số lượng.
Nhà nghiên cứu truyền thông Hikmet Tosyali (Thổ Nhĩ Kỳ) trong bài viết Truyền thông chính trị trong kỷ nguyên số: Thuật toán và robot cho rằng, công nghệ là yếu tố tạo nên nền tảng cho sự thay đổi của truyền thông trong suốt chiều dài lịch sử của con người. Các dữ liệu analog và thông tin dạng lời nói, chữ viết hoặc hình ảnh ngày nay được thể hiện ở định dạng số nhờ những bước tiến của công nghệ. Mạng xã hội trở thành một phương tiện truyền thông chính trị đặc biệt quan trọng do tính phổ biến của nó và khả năng thu thập dữ liệu lớn.
Một mặt, mạng xã hội giúp các nhà chính trị, đảng chính trị nhanh chóng tiếp cận công chúng mục tiêu, đặc biệt là công chúng trẻ. Mạng xã hội cũng giúp quá trình thu thập các dữ liệu lớn về đặc điểm nhân khẩu học, nội dung yêu thích, hành vi tương tác, thậm chí xu hướng chính trị của công chúng trở nên thuận lợi hơn. Các dữ liệu lớn này sẽ được khai khác, phân tích để xác định những thông tin cốt lõi, mang tính quy luật về công chúng, từ đó giúp nhà chính trị, đảng chính trị trả lời được các câu hỏi: công chúng có những đặc điểm cơ bản nào? Có thể tiếp cận công chúng bằng phương thức nào, với thông điệp gì, vào thời gian nào...?
Mặt khác, mạng xã hội làm dấy lên lo ngại về việc lộ thông tin cá nhân, khai thác dữ liệu cá nhân một cách tinh vi, bí mật mà công chúng không hề hay biết. Tự thân mạng xã hội không xấu, nhưng hành vi sử dụng cho những mục đích thiếu lành mạnh đã nhuốm độc môi trường truyền thông xã hội. Vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng của Facebook liên quan đến Cambridge Analytica - một công ty tư nhân chuyên về khai thác dữ liệu, môi giới và phân tích dữ liệu với truyền thông chiến lược chuyên dụng cho quá trình bầu cử - là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh về nguy cơ này. Trong vụ việc này, dữ liệu cá nhân của khoảng 87 triệu người sử dụng Facebook đã bị khai thác bất hợp pháp để gây ảnh hưởng đến ý kiến của cử tri.
Lợi hại đan xen
Công nghệ và truyền thông xã hội đã giúp các chính trị gia và các đảng chính trị đến gần hơn với công chúng mà không nhất thiết phải thông qua vai trò trung gian của các cơ quan báo chí. Trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ứng cử viên Đảng Dân chủ Barack Obama đã thành công trong việc sử dụng mạng xã hội để kêu gọi sự ủng hộ tài chính, vận động tranh cử và thu hút cử tri. Sử dụng khoảng 15 mạng xã hội khác nhau, ông B. Obama đã truyền đi thông điệp về khát vọng và khả năng thay đổi nước Mỹ, truyền cảm hứng cho hàng triệu cử tri trẻ. Việc sử dụng mạng xã hội cùng các phương tiện truyền thông truyền thống, như báo in, truyền hình đã giúp thể hiện chân dung một chính trị gia trẻ trung, giàu sức sống.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là người hay sử dụng mạng xã hội để truyền đi thông điệp chính trị đến cử tri và những người ủng hộ. Thẳng thừng gọi các cơ quan báo chí lớn của Mỹ như CNN là nơi phát tán tin giả, ông D. Trump sử dụng Twitter để trực tiếp truyền thông với công chúng, đưa ra những thông điệp bộc trực, khác hẳn các tổng thống khác trong lịch sử của nước Mỹ. Theo thống kê của hãng tin CNN, ông D. Trump bắt đầu sử dụng Twitter từ tháng 5-2009. Trong gần 12 năm, ông đã đăng khoảng 57.000 thông báo, bao gồm 8.000 lần trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và hơn 25.000 lần trong thời gian làm tổng thống. Nhà Trắng thậm chí coi các phát ngôn của ông D. Trump trong thời gian làm tổng thống trên Twitter là tuyên bố chính thức.
Nếu như việc sử dụng mạng xã hội của ông B. Obama trở thành hình mẫu cho các chính trị gia trên thế giới, thì cách sử dụng mạng xã hội của ông D. Trump lại gây tranh cãi. Điều này cho thấy tính hai mặt của mạng xã hội trong truyền thông chính trị hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức, mục đích của người dùng. Tự thân mạng xã hội không tốt hay xấu, mà hành vi của người sử dụng sẽ định nghĩa tính chất của nó. Nếu như các chính trị gia, đảng chính trị sử dụng công nghệ và mạng xã hội để truyền đi những thông điệp tích cực, họ sẽ lan tỏa năng lượng tích cực đến công chúng, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh tế và xã hội.
Buike Oparaugo - Đại học Bách khoa Sokoto (Nigeria) - cho rằng, cuộc cách mạng số đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống chính trị - xã hội, mở rộng không gian cho công chúng tham gia vào các sinh hoạt chính trị, nâng cao trách nhiệm giải trình của các chính trị gia và đảng chính trị. Ông khẳng định: “các công nghệ truyền thông mới được cho là có tác động to lớn đến khả năng của công chúng trong việc tiếp cận thông tin, tài liệu của chính phủ; nội dung, phương thức của các chiến dịch chính trị; thái độ, xu hướng của cử tri; nỗ lực truyền bá thông điệp của các nhà vận động và con đường xây dựng chương trình nghị sự”.
Trong kỷ nguyên truyền thông số, công chúng bị phân tán, chia nhỏ, xé lẻ trong ma trận thông tin, trong cuộc cạnh tranh giành sự chú ý của các chủ thể khác nhau. Sự chú ý của công chúng không chỉ là một trạng thái tinh thần mà còn là một nguồn lực xã hội. Các chính trị gia và đảng chính trị sử dụng mọi phương tiện, công nghệ để giành lấy sự chú ý của công chúng, từ đó chuyển hóa thành thiện cảm, sự ủng hộ và trung thành với đường lối, quyết sách của mình. Tuy nhiên, điều này càng trở nên khó khăn hơn khi môi trường truyền thông nói chung và môi trường mạng xã hội nói riêng bị ô nhiễm bởi phát ngôn thù ghét, tin giả, thông tin sai trái, thù địch, xấu độc...
Tính chất phân cực của truyền thông chính trị trong kỷ nguyên số ngày càng trở nên rõ nét và sâu sắc. Không phải lúc nào, hoạt động truyền thông chính trị cũng truyền đi những thông điệp tích cực, lành mạnh, hướng tới những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Trong một số trường hợp, truyền thông chính trị đưa ra những thông điệp tranh cãi, gây chia rẽ, thậm chí kích động thù ghét và bạo lực. Những nỗ lực truyền thông chính trị tích cực có thể bị cản trở bởi môi trường thông tin hỗn loạn do những đối tượng xấu chủ ý tạo ra. Chính vì thế, trong kỷ nguyên số, công nghệ dù vô cùng mạnh mẽ, ưu việt nhưng không phải là câu trả lời cho mọi vấn đề. Truyền thông chính trị đầu tiên và trước hết phải xuất phát từ mục đích, khát vọng phục vụ công chúng, phụng sự nhân dân. Khi đó, công nghệ mới trở thành công cụ hữu hiệu để lan tỏa những thông điệp và giá trị tốt đẹp cho xã hội./.
(HSSK 472: 10/6/2022)