21/11/2024 | 20:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Các đơn vị hành chính đặc biệt của nước Mỹ

Gia Ngọc
Các đơn vị hành chính đặc biệt của nước Mỹ Một góc Thủ đô Washington, Mỹ_Ảnh: TL
Mỹ là quốc gia có cơ cấu tổ chức hành chính khá rạch ròi: lớn nhất là liên bang, gồm các tiểu bang (state), dưới đó là các quận (hạt - county) rồi tới các thành phố. Tuy nhiên, đất nước này vẫn có khá nhiều ngoại lệ, cho phép tồn tại nhiều đơn vị hành chính đặc biệt không theo phân cấp như trên.

Đặc khu Columbia

Với diện tích 177km2, đặc khu Columbia không phải là một tiểu bang và không có đại diện có quyền biểu quyết tại Quốc hội Mỹ, nhưng cư dân của đặc khu có thể tham gia bầu cử Tổng thống Mỹ và có 3 phiếu đại cử tri.

Đặc khu này nằm ngoài khu vực thẩm quyền của bất kỳ tiểu bang nào. Nó có tình trạng chính trị đặc biệt: Theo Khoản 1 Đoạn 8 trong Hiến pháp Mỹ, nó nằm dưới thẩm quyền trực tiếp của Quốc hội Mỹ. Đặc khu được thành lập từ phần đất nhượng lại của các tiểu bang Maryland và Virginia cho chính phủ liên bang, và đúng ra nó được chia 2 quận với 2 thành phố độc lập. 

Tuy nhiên, phần đất của Virginia (mang tên quận Alexandria, ngày nay là quận Arlington và một phần thành phố độc lập Alexandria) đã được trả lại cho tiểu bang vào năm 1846. Phần còn lại gồm 3 thực thể là thành phố Washington, thành phố Georgetown và quận Washington được nhập thành một theo một đạo luật năm 1871. Georgetown chính thức bị xóa bỏ theo một đạo luật khác năn 1895.

Quốc hội Mỹ có đặc quyền thực hiện chủ quyền đối với đặc khu Columbia. Dù vậy, Đạo luật Tự trị đặc khu Columbia đã trao quyền tự trị có giới hạn cho thành phố. Thành phố có thể bầu lên một thị trưởng và một hội đồng thành phố. Ngoài việc thiếu đại diện tại Quốc hội, đặc khu này hoạt động như mọi thành phố độc lập khác của Mỹ, nên nó được coi là tương đương quận.

Với những ai thấy cái tên đặc khu Columbia (District of Columbia) là xa lạ, thì có thể dùng cái tên được biết đến nhiều hơn: Washington D.C (2 chữ cái D.C chính là viết tắt District of Columbia - đặc khu Columbia).

Biệt khu cho người bản địa Mỹ

Đây cũng là đơn vị hành chính đặc biệt và riêng biệt của Mỹ. Theo luật liên bang, các bộ lạc người bản thổ Mỹ là các dân tộc có chủ quyền. Điều này có nghĩa là quyền pháp lý của họ tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào quyền pháp lý của chính phủ liên bang và chính quyền tiểu bang. Tuy nhiên, theo định nghĩa về chủ quyền bộ lạc (tribal sovereignty) thì họ không thể hoạt động bên ngoài quyền lực của liên bang, mặc dù họ được miễn nhiễm đối với những luật lệ của tiểu bang.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, những thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ và các nhóm người bản thổ Mỹ chỉ là những hiệp ước. Những hiệp ước này hiện nay được xem là luật nội địa, bất kể tên của chúng là gì. Kể từ lúc thông qua Đạo luật Dawes năm 1887, không có hiệp ước mới nào được thực hiện với người bản thổ Mỹ. 

Đạo luật Dawes, còn gọi là Luật Phân đất, cho phép chính quyền phân chia đất thuộc khu dành cho người da đỏ thành các phần nhỏ và chia lại cho các cá nhân người bản xứ. Mỗi chủ gia đình được chia khoảng 160 mẫu Anh, đồng thời được trao quyền chối bỏ bộ lạc của mình. Đạo luật này trên thực tế đã làm giảm diện tích đất sở hữu của người bản xứ xuống gần một nửa, đồng thời gây nhiều tác hại về mặt xã hội với cộng đồng người da đỏ. Luật này bị bãi bỏ vào năm 1934.

Hiện nay còn khoảng 210 biệt khu dành cho người da đỏ bản xứ, với tổng diện tích hơn 225km2, chiếm hơn 2% diện tích toàn liên bang. Tuy nhiên ở Mỹ có tới 550 bộ lạc được chính phủ công nhận, có nghĩa là hơn 300 bộ lạc không có đất riêng, ngược lại có một số bộ lạc lại có tới 2 khu đất. 

Biệt khu lớn nhất có diện tích tương đương bang Tây Virginia. Phần lớn luật pháp trong các biệt khu chiếu theo luật liên bang hoặc luật tiểu bang, nhưng do các bộ lạc được duy trì chủ quyền nên không cần hoàn toàn khớp với luật lệ chung.

Các tiểu bang không có quận

Bang Louisiana không có đơn vị hành chính quận (county) như các bang khác, thay vào đó là các giáo khu (parish) được xem tương đương với county.

Bang Alaska có các đơn vị hành chính trực thuộc là borough chứ không phải các county. Tại bang hoang vu nhất nước Mỹ này có diện tích khá lớn đất đai được gọi là “unorganized borough” (tạm dịch là quận phi tổ chức), là toàn bộ vùng đất không thuộc về các borough có chính quyền. 

Diện tích của vùng đất này lên tới 837.000km2, tức là gần nửa diện tích bang Alaska, lớn hơn diện tích bất kỳ bang nào còn lại của Mỹ, và lớn hơn tổng diện tích của 16 bang nhỏ nhất cộng lại. Tuy gọi là khu vực phi tổ chức, nhưng vùng đất này vẫn có hơn 77.000 người sinh sống, và có 3 thành phố là Bethel, Unalaska và Valdez. Năm 1970 Cục Điều tra dân số Mỹ chia khu vực phi tổ chức thành 11 vùng điều tra dân số, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là các đơn vị hành chính đúng nghĩa.

Thành phố không thuộc quận và thành phố nhiều quận

Thông thường, các thành phố ở Mỹ là đơn vị hành chính dưới quận (county). Tuy nhiên cũng có những thành phố không thuộc quận nào, như Baltimore - thành phố độc lập và lớn nhất bang Maryland, Carson City ở bang Nevada và St. Louis - thành phố lớn thứ nhì bang Missouri. Ba thành phố này đều tương đương với quận.

Ngược lại, thành phố lớn nhất nước Mỹ - New York - lại bao gồm trong nó tới 5 county: Brooklyn (hay King county), Bronx, Queens, Manhattan (hay New York county) và Richmond (đảo Staten). Mỗi quận này về danh nghĩa đều tương đương như 62 quận của bang New York, tuy nhiên quyền lực thực tế không được như vậy, do phần lớn quyền đều tập trung cho chính quyền thành phố.

Ngoài ra, phần đất thuộc Công viên quốc gia Yellowstone, nằm trong tiểu bang Montana, từng được Cục Điều tra dân số công nhận là tách biệt khỏi bất cứ quận nào, tuy nhiên tiểu bang Montana lại công nhận phần đất này nằm trong các quận lân cận. Hiện nay, khu vực này không còn được xem là đơn vị tương đương quận./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện