07/04/2025 | 08:48 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỷ phú ASEAN thăng tiến vùn vụt

Gia Ngọc
Tỷ phú ASEAN thăng tiến vùn vụt Tỷ phú Li Xiting, Singapore_Ảnh: SCMP
Từ một “vùng trũng”, đến nay số lượng tỷ phú của các nước ASEAN đã tiệm cận Ấn Độ, mức độ giàu có của các tỷ phú cũng tăng lên nhanh chóng nhờ vào sự phát triển kinh tế và công nghệ rất mạnh mẽ.

Số lượng tỷ phú tăng hơn 50%

Đến năm 2024, theo danh sách của Forbes, Singapore đang dẫn đầu ASEAN về số lượng tỷ phú với 39 tỷ phú, tiếp theo là Indonesia với 35 tỷ phú, Thái Lan với 26 tỷ phú. 

Theo cập nhật thời gian thực của Forbes, hiện tại Singapore có 45 tỷ phú, Indonesia còn 31 tỷ phú, Thái Lan còn 21 tỷ phú, Malaysia có 19,tổng số tỷ phú của ASEAN hiện là 114.

Không chỉ gia tăng số lượng, tổng giá trị tài sản của các tỷ phú tại các quốc gia Đông Nam Á cũng đã tăng lên đáng kể. Tại Indonesia, tổng tài sản của các tỷ phú đã tăng từ khoảng 150 tỷ USD lên hơn 250 tỷ USD chỉ trong vài năm gần đây. Đây là sự tăng trưởng rất ấn tượng, bởi cách đây 10 năm, vào năm 2015 Đông Nam Á chỉ có 70 tỷ phú, cũng theo Forbes. 

Trong số này, Indonesia có 17 tỷ phú, Singapore có 16 và Thái Lan có 15. Như vậy các nước Indonesia, Singapore đều đã tăng gấp đôi số lượng tỷ phú. 

Về tài sản, năm 2015 tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á được cho là ông Chearavanont của Thái Lan với 21,5 tỷ USD (không có báo cáo chính thức vào thời điểm này), thì năm 2024 người giàu nhất là tỷ phú Prajogo Pangestu của Indonesia đã có tài sản ước tính 43,3 tỷ USD.

Sự lớn mạnh của tầng lớp cực giàu nói chung, các tỷ phú nói riêng ở Đông Nam Á được giải thích là kết quả của sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong thập niên qua, trong đó dẫn đầu là các ngành công nghệ, bất động sản. ASEAN cũng được đánh giá là khu vực có môi trường đầu tư khá thuận lợi, các chính sách hỗ trợ đầu tư thu hút.

Những gương mặt tiêu biểu

Singapore luôn được coi là mảnh đất phát triển năng động nhất của ASEAN, dẫn đầu về số lượng tỷ phú trong nhóm. Điều này không lạ bởi Singapore là nước có môi trường kinh doanh thân thiện, hệ thống luật pháp rõ ràng, là một trong những trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu thế giới, có nền kinh tế đa dạng và luôn đi tiên phong trong những ngành nghề đang là xu hướng của thế giới. 

Những cái tên nổi bật ở Singapore là Li Xiting - nhà sáng lập và Chủ tịch Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế, anh em Robert Ng và Philip Ng sở hữu tập đoàn bất động sản Far East Organization, Goh Cheng Liang - nhà sáng lập Wuthelam Holdings trong ngành sơn và hóa chất công nghiệp, Kwek Leng Beng - Chủ tịch tập đoàn khách sạn đa quốc gia Hong Leong, Eduardo Saverin - nhà đầu tư mạo hiểm và là người đồng sáng lập Facebook.

Indonesia, tuy đứng sau Singapore về số lượng tỷ phú, nhưng là quê hương của người được xếp vị trí giàu nhất Đông Nam Á hiện tại: tỷ phú Pangestu. Tập đoàn Barito Pacific do ông sáng lập hoạt động trong nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, đồn điền, dầu khí, than đá, khai thác vàng và năng lượng địa nhiệt, là một trong những tập đoàn lớn nhất Indonesia. 

Cũng như khá nhiều tỷ phú ở Đông Nam Á, vị tỷ phú giàu số 1 khu vực này dù sinh ra ở Indonesia nhưng có gốc gác Quảng Đông, Trung Quốc. Các tỷ phú Indonesia được hưởng những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thị trường nội địa rộng lớn với gần 300 triệu dân.

Sau Singapore và Indonesia, Thái Lan cũng luôn nằm trong top đầu các nước có nhiều tỷ phú ở Đông Nam Á. Một nhân vật nổi tiếng trên chính trường, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, từng là tỷ phú giàu nhất Thái Lan trước khi chuyển nhượng phần lớn quyền sở hữu tài sản cho những người thân. 

Thái Lan có nền công nghiệp sản xuất phát triển mạnh mẽ, một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới, đặc biệt trong ngành ô tô và điện tử. Ngoài ra, du lịch Thái Lan cũng nổi tiếng thu hút du khách. 

Mặc dù có không ít biến động, thậm chí xảy ra đảo chính, nhưng Thái Lan vẫn duy trì sự ổn định cần thiết cho phát triển kinh tế. Số lượng tỷ phú của nước này tuy dao động nhưng vẫn luôn có trên 20 tỷ phú, theo Forbes.

Một cái tên đáng chú ý trong giới tỷ phú Đông Nam Á là Phạm Nhật Vượng. Tỷ phú người Việt tuy có quy mô tài sản còn khá nhỏ so với những người giàu nhất Đông Nam Á (6,7 tỷ USD, so với 43,3 tỷ USD của Pangestu), nhưng thời gian ông xây dựng đế chế kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, y tế, giáo dục, ô tô,... của mình lại khá ngắn. 

Tính từ thời điểm các doanh nghiệp lẻ của ông Vượng hợp nhất thành Vingroup tới nay mới chỉ khoảng 20 năm, trong khi ông Pangestu đã bắt đầu Barito Pacific gần nửa thế kỷ. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, ông Phạm Nhật Vượng có thể còn thăng tiến xa hơn nữa trong top 500 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Khẳng định vị thế trong nền kinh tế

Nhóm người siêu giàu ở Đông Nam Á, với khối tài sản ngày càng khổng lồ, đang khẳng định vai trò ngày càng lớn của họ trong nền kinh tế khu vực. Barito Pacific, Vingroup, Djarum Group, Charoen Pokphand Group,... đều là những cỗ máy động lực cho kinh tế mỗi quốc gia, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.

Sự thành công của các tỷ phú là một trong những yếu tố tạo nên sức hút đầu tư nước ngoài vào ASEAN. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước ASEAN đã tăng từ 117,6 tỷ USD năm 2014 lên 224,2 tỷ USD vào năm 2022. Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dòng vốn FDI đã nhanh chóng phục hồi và tiếp tục tăng trưởng. 

ASEAN thường xuyên nằm trong top 5 điểm đến thu hút FDI lớn nhất thế giới, cạnh tranh với các khu vực như Trung Quốc và Mỹ. Dòng vốn đầu tư đi kèm công nghệ từ các nước giàu đã giúp ASEAN phát triển nhanh chóng nhiều ngành công nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm dịch vụ có giá trị cao. 

Điều này thể hiện qua cơ cấu ngành của nhóm tỷ phú: ban đầu hầu hết tỷ phú đều đi lên từ bất động sản, nhưng hiện tại nhóm ngành công nghệ đang tăng lên mạnh mẽ.

Tuy không có số liệu chính xác về tỷ trọng trong nền kinh tế, nhưng một điều khá chắc chắn là tầm quan trọng của các tập đoàn như VinGroup, Barito Pacific, Charoen Pokphand Group, Far East Organization đối với các nền kinh tế Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore là rất lớn. Không chỉ vậy, các tỷ phú hầu hết đều thể hiện rất tích cực vai trò xã hội của mình, đặc biệt là những hoạt động từ thiện, đóng góp cho cộng đồng, hỗ trợ giáo dục, y tế.

Dù vẫn có những lo ngại về sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, hoặc nguy cơ các tỷ phú sử dụng ưu thế sức mạnh dẫn đến tình trạng độc quyền, lũng đoạn kinh tế, nhưng về cơ bản sự lớn mạnh của nhóm tỷ phú, người siêu giàu ở Đông Nam Á vẫn là chỉ báo tích cực của nền kinh tế. 

Nó cũng chứng minh tính đúng đắn của các chính sách khuyến khích khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển thành động lực chính, quan trọng nhất trong tất cả các nền kinh tế ASEAN./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện

Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau