AI có nguy cơ “nhấn chìm” ngành dệt may và xã hội Bangladesh
Thanh Nam
Một báo cáo cho thấy, những cải tiến công nghệ trong ngành sản xuất đồ may sẵn của Bangladesh đã dẫn đến việc cắt giảm 30,58% số lượng công ăn việc làm vào cuối năm 2024.
Nghiên cứu của Quỹ Lao động Bangladesh (BLF) cho thấy, bất chấp những lợi ích kinh tế và hiệu quả rất cao do tự động hóa mang lại, làn sóng AI có nguy cơ “nhấn chìm” ngành dệt may và xã hội Bangladesh.
Điều này đặc biệt đúng đối với một số nhóm nhân khẩu học nhất định, bao gồm lao động nữ, nhân viên lớn tuổi, người có trình độ học vấn thấp và những cá nhân kém kỹ năng tay nghề.
Nhu cầu “chuyển đổi công bằng”
Nghiên cứu có tên “Đánh giá quá trình chuyển đổi công nghệ trong ngành may mặc của Bangladesh và tác động của nó đến người lao động” đã xem xét những tiến bộ công nghệ trong ngành may mặc của Bangladesh và tác động của nó đến lực lượng công nhân, được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 8 - 10-2024.
Nghiên cứu này sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, thực hiện các cuộc khảo sát có sự tham gia của 429 công nhân thuộc Thủ đô Dhaka và các tỉnh, thành phố Gazipur và Narayanganj.
Nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tập trung vào các chiến lược “chuyển đổi công bằng” nhằm bảo đảm các tiến bộ công nghệ không gây ra tình trạng đối xử bất công và ảnh hưởng tới cơ hội cho những người lao động bị mất việc do những thay đổi này.
Khái niệm “chuyển đổi công bằng” đã được nhấn mạnh trong phần tóm tắt của nghiên cứu như là một vấn đề bức thiết trong xã hội Bangladesh hiện nay.
“Thê thảm” ngành sản xuất áo len
Trong số các phân ngành khác nhau của “cường quốc dệt may” Bangladesh, các chuyên gia đặc biệt chú ý tới mức giảm mạnh nhất về lao động, ở mức 37,03% trên mỗi dây chuyền sản xuất trong phân ngành sản xuất áo len.
Xếp thứ hai là các nhà máy may dệt, với mức cắt giảm 27,23% lực lượng lao động. Khi xem xét kỹ hơn từng công đoạn sản xuất, người ta thấy công đoạn cắt có mức giảm lao động cao nhất là 48,34%, trong khi công đoạn may có mức giảm nhẹ hơn là 26,57%.
Tại cuộc thảo luận diễn ra tháng 1-2025 về nghiên cứu này, thành viên Ủy ban hỗ trợ Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may và xuất khẩu Bangladesh (BGMEA) Miran Ali cho biết: “nếu chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này, hiệu quả làm việc của người lao động sẽ cao hơn mức hiện tại. Chúng ta nên nỗ lực cải thiện tình trạng kém hiệu quả này để người lao động không phải chịu hậu quả. Ngành công nghiệp dệt may không nên áp dụng tự động hóa hoàn toàn mà chỉ nên triển khai một phần, điều này có thể giúp cải thiện năng suất, sức khỏe và sự an toàn của người lao động”.
Tuy nhiên trong vấn đề này, quan điểm của một số quan chức Chính phủ Bangladesh lại có phần khác biệt. Báo Dhaka Tribune dẫn lời Bộ trưởng Lao động và Việc làm Bangladesh Shafiquzzaman khẳng định: “để nâng cao hiệu quả của người lao động, việc áp dụng công nghệ mới là bắt buộc. Chúng tôi đang có kế hoạch thúc đẩy việc làm thông qua phát triển công nghệ. Chúng tôi sẽ thực hiện các chính sách cần thiết để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với sự phát triển công nghệ phục vụ nhu cầu công nghiệp. Để ngăn chặn tình trạng mất việc làm do làn sóng tự động hóa, chúng ta có thể thiết lập chiến lược nâng cao năng lực của người lao động thông qua các chương trình đào tạo phù hợp để thích ứng với công nghệ mới”.
Bộ trưởng Shafiquzzaman cũng lo lắng: “chúng ta phải bảo vệ ngành sản xuất đồ may sẵn trong ít nhất 20 năm tới, còn ngược lại, nền kinh tế Bangladesh sẽ không thể duy trì sức tăng trưởng bền vững”.
Một số bất ổn về chính trị, cũng như khó khăn khách quan toàn cầu cũng đang tác động tiêu cực tới ngành dệt may Banglades. Cuối năm 2024, nhà sản xuất hàng may mặc hàng đầu nước này là Beximco được cho là đã sa thải 40.000 công nhân tại 15 cơ sở may mặc với lý do thiếu đơn đặt hàng cho các nhà máy may mặc và dệt may phục vụ xuất khẩu.
Định hình lại kinh tế toàn cầu
Sự chuyển đổi mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay, được thúc đẩy bởi AI, dường như vượt qua mọi cuộc cách mạng trong quá khứ, mở ra những chân trời khả năng mới. AI không đơn thuần là một tiến bộ công nghệ mà còn là lực lượng đang định hình lại nền kinh tế, xã hội và thị trường lao động trên toàn cầu.
Sự phát triển của AI đang làm thay đổi sâu sắc xu hướng việc làm toàn cầu. Một báo cáo được công bố vào tháng 7-2024 của Viện McKinsey Global nhấn mạnh, hiện có khoảng 50% số công việc có thể được tự động hóa bởi AI. Và đến năm 2030, có tới 800 triệu việc làm trên toàn cầu có thể bị thay thế bởi tự động hóa.
Các quốc gia như Bangladesh, vốn trước đây phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ, đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi tự động hóa phá vỡ cơ cấu việc làm vốn hỗ trợ nền kinh tế của họ. Tại quốc gia này, thị trường lao động phụ thuộc rất nhiều vào các ngành may mặc, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Chỉ riêng ngành may mặc đã sử dụng gần 4 triệu lao động, trong đó 80% là phụ nữ.
Khi công nghệ tự động hóa và sản xuất hiện đại ngày càng phổ biến, nhiều công nhân này có thể mất việc làm. Một nghiên cứu của hãng kiểm toán và bảo hiểm PwC dự đoán rằng trong 2 thập niên tới, 20 - 30% số việc làm ở Bangladesh có thể bị đe dọa do AI và tự động hóa.
Nền kinh tế phi chính thức, nơi sử dụng 85% lực lượng lao động của Bangladesh, đặc biệt dễ bị tổn thương. Nếu tự động hóa phát triển quá nhanh, nó có thể dẫn tới khủng hoảng xã hội. Để giảm thiểu rủi ro này, điều cần thiết là phải cải cách hệ thống giáo dục để phù hợp với thị trường việc làm đang thay đổi.
Các trường đại học phải ưu tiên AI, robot, điện toán đám mây và an ninh mạng như những lĩnh vực chính để phát triển kỹ năng. Ngoài ra, chính phủ và các tổ chức tư nhân phải triển khai các chương trình đào tạo mở rộng để giúp người lao động thích nghi với công nghệ mới./.
Các bài cũ hơn



