21/09/2024 | 07:45 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Những đánh giá đáng chú ý từ học giả quốc tế

Hoài Vũ
Những đánh giá đáng chú ý từ học giả quốc tế Các học giả Jonathan D. London, TS. Andrew Wells-Dang và chuyên gia Lucas Myers (từ trái sang)_Ảnh: TL
Những ý kiến đánh giá, phân tích khách quan về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của giới chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực hợp tác của 2 nước và những tín hiệu tích cực cho tương lai.

Bắt đầu mở ra một chương mới

Học giả Jonathan D. London - chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Leiden (Hà Lan) - nhận định rằng, đối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy nỗ lực hiện thực hóa tiềm năng kinh tế, tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thoát bẫy thu nhập trung bình, hướng đến đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia. Đối với Hoa Kỳ, mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam giúp mở rộng trao đổi thương mại, đồng thời tạo cơ hội mở rộng hợp tác an ninh với đất nước mang dáng dấp của một quốc gia tầm trung trong khu vực. Đối với khu vực và thế giới, việc 2 nước nâng cấp quan hệ sẽ tạo nhiều cơ hội cho các hợp tác đa phương trong khu vực nhằm thúc đẩy một trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên luật lệ.

Nâng cấp quan hệ vào năm 2023 được xem là một thời khắc lịch sử đối với Việt Nam và Hoa Kỳ, đúng vào thời điểm 2 nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013 - 2023), TS. Andrew Wells-Dang - chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á, Viện Hòa bình Hoa Kỳ - nhận định. Đây là thành quả đáng trân trọng của 50 năm hàn gắn và hợp tác để đưa 2 nước từ cựu thù đến mức độ hợp tác cao nhất như hiện nay. Sự phát triển này cho thấy, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn ra phức tạp và bất định, hợp tác chặt chẽ vì hòa bình và ổn định vẫn là ưu tiên hàng đầu của 2 nước.

Về thành tựu cụ thể, GS. Carl Thayer - chuyên gia cao cấp tại Đại học New South Wales (Australia) - khẳng định, hợp tác kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, là điểm sáng trong quan hệ 2 nước thời gian qua. Mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được coi là một phần quan trọng của cấu trúc kinh tế sau đại dịch COVID-19 trong nền kinh tế 2 nước. Quỹ đạo tăng trưởng ổn định của quan hệ song phương kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 cho thấy khả năng hình thành một mối quan hệ đối tác đáng tin cậy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Bên cạnh lĩnh vực hợp tác kinh tế, GS. Carl Thayer cũng nhận định, về chính trị - ngoại giao, tần suất tăng lên đối với các chuyến thăm và điện đàm giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của 2 nước trong nửa đầu năm 2023 đặt nền tảng nhất định cho việc nâng cấp quan hệ song phương chính thức lên mức cao nhất.

Khẳng định Việt Nam đang trở thành một đối tác quan trọng chủ chốt của Hoa Kỳ, chuyên gia SD Pradhan - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Ấn Độ - nhấn mạnh, Việt Nam chiếm vị trí trung tâm trong chính sách tái cân bằng và chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á là minh chứng rõ nét cho lập luận trên. Vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam xuất phát từ 2 lý do: 1- Việt Nam đã có những cải cách cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh có nguồn vốn đầu tư nước ngoài; 2- Việt Nam đang ở vị trí chiến lược về chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là gần trung tâm của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Chuyên gia Lucas Myers của Trung tâm Wilson (Mỹ) đánh giá, tăng cường hợp tác với Việt Nam giúp Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy xu hướng đầu tư ở các nước thân thiện tại khu vực Đông Nam Á, tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng về công nghệ. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp của Mỹ, từ Tập đoàn công nghệ Apple đến Tập đoàn công nghệ Intel đã tiến sâu hơn vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sử dụng tối đa công suất của nhiều nhà máy ở Việt Nam.

Theo một số học giả, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ không phải là sự chuyển hướng trong hoạt động đối ngoại. Các học giả quốc tế và khu vực đều tin tưởng Việt Nam vẫn sẽ kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, thực hiện nguyên tắc “bốn không”, cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, không “chọn bên”.

 Khi đặt sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong tổng thể quan hệ song phương của Việt Nam với các nước, bà Melissa Conley Tyler - chuyên gia của Viện Lowy (Australia) - nhận định, Việt Nam quan tâm đến cả việc duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc và tích cực hợp tác với các cường quốc tầm trung khác. Việt Nam đang thực hiện hiệu quả chiến lược cân bằng quan hệ với các nước lớn và có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia trong khu vực tham khảo.

Khuôn khổ quan hệ mới, cơ hội hợp tác mới

Có thể thấy, việc nâng cấp quan hệ song phương đã mở ra một chương mới để Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác sâu rộng trong tương lai. Tiềm năng hợp tác lớn, nền tảng quan hệ vững chắc là 2 yếu tố then chốt để đạt được những thành tựu mới, đúng như sự kỳ vọng của cộng đồng chuyên gia, học giả quốc tế.

Thứ nhất, khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có những điểm mới đáng chú ý. GS. Carl Thayer nhận định, tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện phản ánh cấu trúc của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013, bao gồm 9 lĩnh vực hợp tác, với việc làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực vốn có, đồng thời bổ sung thêm một lĩnh vực hợp tác mới. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn diện dựa trên đổi mới là “nền tảng cốt lõi và nguồn động lực trong quan hệ song phương”.

Thứ hai, cơ hội hợp tác giữa 2 nước ngày càng đa dạng do phạm vi của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mở rộng cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, ưu tiên và cũng là cơ hội lớn nhất đối với Việt Nam trong thời gian tới là hợp tác về công nghệ chất lượng cao và tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Học giả David Dapice - giảng viên kinh tế tại Trường Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ) - đề xuất, Việt Nam và Hoa Kỳ nên tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và sản xuất chip, bao gồm đầu tư vào trung tâm điện toán đám mây ở Việt Nam, cũng như những giải pháp tăng cường an ninh mạng mà Mỹ có thế mạnh.

Hầu hết các học giả đều thừa nhận vị trí chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của khu vực và sự phát triển về nhân lực của Việt Nam trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng nguồn lực để tranh thủ tối đa cơ hội hợp tác trong tương lai.

Thứ ba, bên cạnh các mục tiêu cụ thể, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ có thể hướng đến mục tiêu lâu dài hơn. TS. Jonathan Stromseth - chuyên gia Viện Brookings (Mỹ) - tin rằng, quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ không chỉ toàn diện bởi những lĩnh vực hợp tác, mà còn đi theo hướng tham vọng hơn, hướng đến các mục tiêu chung dài hạn, như thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khuyến khích quản lý kinh tế minh bạch ở tiểu vùng sông Mekong và giải quyết thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng tại Đông Nam Á, cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Thứ tư, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tại tiểu vùng sông Mekong là một điểm sáng mới trong quan hệ song phương, giúp Việt Nam đạt được nhiều lợi ích. Chuyên gia Brian Eyler - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Viện Stimson (Mỹ) - nhận định, với khuôn khổ đúng đắn, quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ có thể thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và kết cấu hạ tầng, đồng thời cải thiện đáng kể khả năng phục hồi khí hậu tại khu vực./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện