21/11/2024 | 23:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thăng trầm những tiếp xúc đầu tiên

Đình Hùng
Thăng trầm những tiếp xúc đầu tiên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển sâu rộng, hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực_Ảnh minh họa
Để nâng cấp quan hệ 2 nước lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một chặng đường dài với không ít thăng trầm, trong đó phải kể đến những tiếp xúc đầu tiên giữa hai bên.

Theo những cứ liệu lịch sử được ghi lại, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mối quan hệ bang giao gần 300 năm qua, kể từ giai đoạn đầu Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được thành lập (năm 1776). Vào những năm 1784 - 1789, Đại sứ Hoa Kỳ ở Pháp Thomas Jefferson đã liên hệ với triều Nguyễn để xin giống lúa thơm xứ Nam Kỳ về trồng tại quê hương. Ông cũng là người chấp bút bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và sau này trở thành tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ (năm 1801).

Tiếp đó, năm 1803, thuyền trưởng John Briggs là người Mỹ đầu tiên đưa tàu mang quốc kỳ Hoa Kỳ tới Việt Nam để thu thập thông tin về giống lúa thơm xứ Nam Kỳ, đồng thời tìm hiểu về nguồn cung ứng các sản phẩm nông nghiệp của xứ nhiệt đới, như đường cho thị trường Mỹ. Chuyến tàu của thuyền trưởng J. Briggs cũng mở đầu cho các tàu buôn khác của Mỹ tới Việt Nam sau này, như tàu Franklin do thuyền trưởng John White chỉ huy (năm 1819) cập cảng Vũng Tàu; các tàu Marmion, Aurora và Beverli từng ghé cảng Vũng Tàu và Đà Nẵng trong giai đoạn 1820 - 1840 với mục đích tìm hiểu, thúc đẩy thương mại. Năm 1832, Phái bộ Ngoại giao của Chính phủ Hoa Kỳ chính thức tới Đại Nam, nhằm đặt vấn đề giao thiệp chính thức với phía Việt Nam, thế nhưng cuộc tiếp xúc không đạt kết quả.

Năm 1858, thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng xâm lược nước ta, sau đó từng bước chiếm đóng 6 tỉnh Nam Kỳ và tiến công ra Bắc Kỳ, khiến triều đình nhà Nguyễn buộc phải ký kết các hòa ước nhượng bộ nhiều yêu sách cho thực dân Pháp. Trong bối cảnh đó, triều đình nhà Nguyễn chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở bên ngoài để chấn hưng đất nước và chống họa xâm lăng của thực dân Pháp. Bùi Viện (1839 - 1878), khi đó là một viên quan của triều đình nhà Nguyễn, được Vua Tự Đức cử sang Mỹ với tư cách “đại sứ đặc mệnh toàn quyền” để tìm cách gây dựng mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Năm 1873, từ cửa biển Thuận An ở Kinh đô Huế, Bùi Viện ra Bắc và đến Hương Cảng (Trung Quốc) lúc đó đang là nhượng địa của Anh, đồng thời là đầu mối giao thông nối châu Á với thế giới phương Tây. Tại đây, Bùi Viện tiếp xúc với một viên lãnh sự Hoa Kỳ. Biết mong muốn của Bùi Viện, viên lãnh sự viết thư giới thiệu cho Bùi Viện để ông sang Mỹ. Bùi Viện đã đi qua Yokohama (Nhật Bản) để đáp tàu sang Mỹ. Tới San Francisco (Mỹ), Bùi Viện tiếp tục phải lưu lại ở đây 1 năm mới gặp được Tổng thống Mỹ thứ 18 Ulysses Grant (nhiệm kỳ 1868 - 1876). Thời điểm này, Pháp và Mỹ đang mâu thuẫn trong cuộc chiến ở Mexico, vì thế Mỹ thể hiện ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp xâm lược. Thế nhưng, do Bùi Viện không mang theo quốc thư nên hai bên không đạt được cam kết chính thức. Vì vậy, ông phải quay trở về Việt Nam báo cáo tình hình với Vua Tự Đức. Được triều đình phong làm Chánh sứ, năm 1875, ông có mặt tại Mỹ lần thứ hai. Cầm trong tay quốc thư của Vua Tự Đức, song quan hệ giữa Mỹ và Pháp lúc này được cải thiện và Mỹ đã khước từ cam kết giúp Việt Nam chống thực dân Pháp.

Một số tư liệu lịch sử cũng ghi nhận, trước khi Bùi Viện mang sứ mệnh “đại sứ” triều đình đến Mỹ, đã có một người tên là Trần Trọng Khiêm cũng từng lưu lạc và đặt chân đến đất Mỹ. Trần Trọng Khiêm (1821 - 1866) là một trong những chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Đồng Tháp (Việt Nam) vào giữa thế kỷ XIX. Ông cũng được xem là người Việt đầu tiên đến Mỹ. Khi còn trẻ, từ quê hương Phú Thọ, ông làm nghề buôn bán gỗ ở Bạch Hạc (Việt Trì) rồi đến Phố Hiến (Hưng Yên) làm việc cho các tàu buôn nước ngoài. Năm 1849, ông đặt chân đến nước Mỹ và làm một số nghề để kiếm sống, như đào vàng, làm báo... Sau đó, ông theo tàu buôn từ Mỹ về Hương Cảng (Trung Quốc), rồi từ Hương Cảng quay trở về Định Tường (Nam Kỳ) để khai hoang lập nghiệp. Năm 1866, ông hy sinh trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ.

Có thể nói, đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai, trong bối cảnh đất nước ta nằm dưới chế độ thực dân phong kiến, còn Mỹ là một quốc gia mới giành độc lập và đang phát triển nhanh mạnh trên con đường trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới, Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những mối liên hệ bang giao ban đầu. Tháng 11-2000, khi thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton trong bài nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề cập đến câu chuyện cây lúa năm xưa. Ông nhấn mạnh, kể từ giai đoạn đầu Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được thành lập, Hoa Kỳ đã vươn qua biển cả để tìm bạn hàng và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mà Hoa Kỳ tiếp xúc. Một trong những bậc tiền bối lập quốc của Hoa Kỳ - Thomas Jefferson - đã tìm cách nhập giống lúa thơm từ Việt Nam về trồng tại trang trại của ông ở Virginia vào 200 năm trước. Đây có thể coi là thông tin sớm nhất về sự quan tâm của người dân Mỹ đối với Việt Nam.

Ngày 11-7-1995, đánh dấu “quả ngọt” sau một quãng thời gian dài quá trình thương lượng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ gặp nhiều chông gai, trở ngại xuất phát từ cuộc chiến khốc liệt đã kết thúc. Khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain gọi đây là “quyết định đòi hỏi sự can đảm”.

Do bị tác động bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả việc chưa thực sự thấu hiểu nhau, cũng như sự chi phối của bối cảnh chủ nghĩa thực dân bành trướng, việc thúc đẩy thông thương, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm tháng tiếp xúc đầu tiên không đạt kết quả, song chính những tiếp xúc đầu tiên đó đã cho thấy những mối “nhân duyên” nhất định từ trong lịch sử, bất chấp khoảng cách về địa lý, để từ cựu thù, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được những bước tiến quan trọng tiến tới chính thức bình thường hóa quan hệ và ngày càng vun đắp mối bang giao trong gần 30 năm qua./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện