Điểm mấu chốt giúp mở cánh cửa quan hệ
Tường Linh
Khởi nguồn trong quan hệ hợp tác 2 nước
Sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (năm 1973) và sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, trong hơn 2 thập niên tiếp theo (1975 - 1995), quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bị đóng băng và luôn trong trạng thái cực kỳ căng thẳng. Thế nhưng theo thời gian, mối quan hệ đó từng bước chuyển đổi, từ đối đầu sang đối thoại, từ đối tượng sang đối tác, rồi phát triển thành quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện. Những kết quả này có được là nhờ nỗ lực của cả hai phía, trước hết là việc từng bước hóa giải hận thù, xây dựng lòng tin, bắt tay nhau giải quyết hậu quả chiến tranh trên tinh thần xây dựng.
Dưới thời các Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Ronald Reagan, George W. Bush, bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ gần như bế tắc mà một trong những trở ngại là vấn đề tù nhân và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) vốn chi phối mạnh chính trường Mỹ. Ngay sau Hiệp định Paris được ký kết, 590 tù binh Mỹ, bị bắt ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã được trao trả. Tuy nhiên, vào thời điểm kết thúc chiến tranh Việt Nam, vẫn còn 1.973 quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ được coi là mất tích ở Việt Nam. Nhiều thông tin bịa đặt về việc Việt Nam vẫn còn giam giữ các quân nhân Mỹ, cũng như các cáo buộc Hà Nội chưa có sự hợp tác đầy đủ trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích đã cản trở việc 2 nước bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, với truyền thống nhân ái, bao dung, yêu chuộng hòa bình, vượt lên nỗi đau của chính mình, chỉ 2 tuần sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) để chủ trì giải quyết vấn đề tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA). Trong thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam tiếp xúc với chính quyền và Liên đoàn các gia đình MIA Mỹ để trao đổi về vấn đề MIA. Tính đến năm 1988, Việt Nam đã đơn phương tìm kiếm và trao trả cho phía Mỹ 302 bộ hài cốt có thể liên quan đến MIA. Bất chấp việc một bộ phận chính giới Mỹ mang nặng hội chứng chiến tranh, phản đối mọi bước đi với Việt Nam dù có lợi cho việc giải quyết vấn đề MIA, chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi MIA là vấn đề nhân đạo, chia sẻ mất mát với những gia đình MIA Mỹ, không gắn với bất kỳ điều kiện chính trị nào.
Chính nhờ nỗ lực thiện chí của Việt Nam, ngày 25-9-1988, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được thống nhất chung, chính thức tổ chức đợt hoạt động hỗn hợp đầu tiên kéo dài 10 ngày, điều tra 7 vụ MIA tại 6 tỉnh phía Bắc. Đến năm 1991, Văn phòng MIA Mỹ được thành lập, trở thành cơ quan đầu tiên của chính quyền Hoa Kỳ tại Hà Nội sau chiến tranh. Tính đến nay, sau 35 năm triển khai các hoạt động hỗn hợp, 2 nước đã hoàn tất 150 lượt hoạt động hỗn hợp, tiến hành 160 đợt trao trả hài cốt, góp phần bàn giao 734 trường hợp quân nhân Mỹ mất tích sau chiến tranh. Trong quá trình hợp tác đó, chuyên viên hai bên đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh tính mạng của 9 cán bộ Việt Nam và 7 chuyên viên Mỹ trong vụ tai nạn trực thăng MIA ngày 7-4-2001 khi đang triển khai hoạt động hỗn hợp tại tỉnh Quảng Bình.
Nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề MIA đã trở thành khởi nguồn trong quan hệ hợp tác 2 nước, tạo điều kiện để Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại Việt Nam vào ngày 3-2-1994, tiến tới 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 12-7-1995.
Thành công về quan hệ giữa các nước từng đối đầu trong quá khứ
Từ hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích, đến nay hợp tác giữa hai bên trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh đã mở rộng sang lĩnh vực rà phá bom mìn, đặc biệt là tẩy độc môi trường nhiễm dioxin tại Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu chính sách (IPS) có trụ sở ở Washington DC, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen vào năm 2000 - chuyến thăm đầu tiên của một quan chức quân đội cấp cao của Mỹ tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 - đã đưa đến nhận thức của Mỹ về trách nhiệm với hậu quả chất độc da cam và bom mìn chưa nổ.
Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ hơn 206 triệu USD cho các chương trình rà phá bom mìn, vật liệu nổ ở Việt Nam; giáo dục về nguy cơ bom mìn, vật liệu nổ và hỗ trợ nạn nhân; hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia. Từ năm 2013 đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các phương pháp quản lý và công nghệ mới trong khắc phục hậu quả bom mìn. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tiến hành rà phá bom mìn trên diện tích gần 500.000ha. Dự kiến giai đoạn 2023 - 2028, hai bên sẽ hợp tác hoàn thành mục tiêu rà phá tiếp khoảng 350.000ha diện tích đất bị ô nhiễm.
Hàng loạt dự án khắc phục hậu quả do chất độc da cam đã được triển khai, trong đó phải kể tới việc hoàn thành dự án tẩy độc dioxin tại Sân bay Đà Nẵng; tiếp tục triển khai dự án tẩy độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa; dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam; dự án truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh...
Hợp tác trong vấn đề MIA cũng mở rộng sang tìm kiếm quân nhân Việt Nam hy sinh và mất tích trong chiến tranh. Tháng 7-2021, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến nay, phía Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam hơn 30 bộ hồ sơ về bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh, cùng nhiều kỷ vật chiến tranh. Cuối năm 2022, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ khởi động Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VWAI) nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ pháp y, phát triển năng lực quản lý và phân tích dữ liệu, đồng thời đào tạo nhân viên pháp y cho Việt Nam. Nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam để giúp tìm kiếm các địa điểm nơi đơn vị của họ chôn cất binh lính Việt Nam trong chiến tranh.
Sau 28 năm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh được đánh giá là một nền tảng trong quan hệ 2 nước, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa 2 nước, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực quan trọng khác. Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) vào tháng 7-2015 nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “cách đây 20 năm, có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào mà 2 nước Việt Nam và Mỹ có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay. Trong suốt chặng đường 20 năm qua, quan hệ giữa 2 nước đã phát triển năng động, liên tục và ngày càng sâu rộng, trải qua nhiều dấu mốc phát triển quan trọng. Đó là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân 2 nước với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Đó cũng là thí dụ thành công về quan hệ giữa các nước từng đối đầu trong quá khứ, có thể chế chính trị khác nhau, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác của thời đại”./.