20/09/2024 | 21:36 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thời tiết cực đoan và những thảm họa


Trong khi người dân nhiều quốc gia châu Á, như Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam,... đang phải trải qua những tuần nắng nóng gay gắt với nhiệt độ có nơi ghi nhận lên tới 44 - 450C, một số nước ở khu vực phía Nam châu Phi cũng phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài; thì các trận mưa lớn lại đang tàn phá nhiều quốc gia Đông Phi, trong đó riêng trận mưa lũ xảy ra tại Tanzania ngày 25-4 đã cướp đi mạng sống của ít nhất 155 người, làm 230 người bị thương...

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), không riêng năm nay mà hàng chục năm trở lại đây, những hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện với tần suất ngày càng cao và gay gắt hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Tốc độ gia tăng dân số, tình trạng đô thị hóa nhanh, môi trường suy thoái và đặc biệt là biến đổi khí hậu,... là những “thủ phạm” chính khiến các đợt nắng nóng, hạn hán, những trận mưa lớn, lũ lụt cũng như các cơn bão nhiệt đới xuất hiện thường xuyên, khó lường, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và của, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, sinh kế của hàng chục triệu người... Rất nhiều sự kiện thời tiết cực đoan trở thành thảm họa đối với con người. Bởi vậy, việc giảm thiểu những rủi ro đó trở thành vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt trên phạm vi toàn cầu.

I. THỜI TIẾT VÀ NHỮNG HIÊN TƯỢNG THỜI TIẾT CỰC ĐOAN

Một số khái niệm liên quan

Thời tiết

Theo định nghĩa của Tổ chức Khí tượng thế giới, thời tiết là trạng thái của khí quyển tại một thời điểm cụ thể, được xác định bởi các yếu tố khí tượng khác nhau như nhiệt độ, lượng mưa, áp suất khí quyển, gió và độ ẩm...

Khác với thời tiết, khí hậu là thuật ngữ mô tả các trạng thái thời tiết từng xảy ra tại một nơi nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Trạng thái đó được mô tả qua các điều kiện thời tiết trung bình ở một địa điểm cụ thể, trong thời gian dài, thường là nhiều năm hoặc nhiều thập niên. Theo quy định của WMO, thời gian chuẩn để xác định được giá trị trung bình của các biến thiên trên là 30 năm.

Thời tiết cực đoan

Nếu thời tiết là một trạng thái khí quyển nói chung, thời tiết cực đoan là một hiện tượng thời tiết có những đặc điểm bất thường về cường độ, địa điểm, thời gian hoặc phạm vi ảnh hưởng. Đây có thể là bất kỳ sự kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc bất thường nào xảy ra ngoài các mô hình thông thường hoặc một sự kiện thời tiết xảy ra với cường độ cao trong quá trình lưu thông thông thường của nó. Tác động bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan được khuếch đại bởi cường độ, thời gian và phạm vi không gian ngày càng tăng.

Các hiện tượng cực đoan liên tiếp xảy ra có thể làm tăng tác động lên trên mức dự kiến thông thường đối với một hiện tượng thời tiết cực đoan riêng lẻ. Chẳng hạn như không khí ấm lên có thể chứa nhiều hơi nước hơn và làm tăng cường độ của các đợt mưa lớn; mưa lớn xảy ra có thể kéo theo hiện tượng lũ quét, lở đất, làm tăng khả năng tàn phá khu vực bị ảnh hưởng...

Thảm họa thời tiết

Trong cuộc sống, con người luôn phải đối mặt với những hiểm họa - một sự kiện hoặc hiện tượng không bình thường có thể đe dọa đến tính mạng con người, tài sản, cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội và môi trường. 

Đó có thể là những hiểm họa tự nhiên như bão, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, động đất, sóng thần...; cũng có thể là những hiểm họa do chính con người gây ra như ô nhiễm môi trường, rò rỉ khí độc, chiến tranh, khủng bố,... hay những hiểm họa do tác động bởi các hoạt động của con người như chặt phá rừng, đốt rừng để sản xuất làm gia tăng tốc độ phát thải khí nhà kính, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng làm thay đổi, ngăn chặn dòng chảy của nước sông/suối... 

Trong đó, những hiểm họa tự nhiên (thời tiết) thường nguy hiểm nhất.

Khi những hiểm họa này gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng hoạt động của một cộng đồng hoặc xã hội, tạo ra tổn thất và tác động về con người, vật chất, kinh tế và môi trường, người ta gọi đó là thảm họa. 

Thảm họa nói chung và thảm họa thời tiết nói riêng dù có thể gây ra những ảnh hưởng ngay lập tức và trong phạm vi nhất định, nhưng hậu quả để lại thường lan rộng và có thể ảnh hưởng trong thời gian dài, thường vượt quá khả năng đối phó của cộng đồng bị ảnh hưởng.

Theo Khung Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai giai đoạn 2015 - 2030, thảm họa được phân loại dựa trên quy mô tác động, tần suất và thời gian xảy ra, gồm:

- Thảm họa quy mô nhỏ: là loại thảm họa chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương và cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng bị ảnh hưởng.

- Thảm họa quy mô lớn: thảm họa ảnh hưởng đến xã hội cần có sự hỗ trợ của quốc gia hoặc quốc tế.

- Thảm họa thường xuyên và không thường xuyên: phụ thuộc vào xác suất xảy ra và thời gian tái diễn của một thảm họa nhất định, cũng như tác động của nó. Tác động của các thảm họa thường xuyên có thể được tích lũy hoặc trở thành mãn tính đối với một cộng đồng hoặc xã hội.

- Thảm họa khởi phát chậm: là thảm họa xuất hiện dần dần theo thời gian. Các thảm họa xảy ra chậm có thể liên quan đến các vấn đề như hạn hán, sa mạc hóa, mực nước biển dâng...

- Thảm họa xảy ra đột ngột: là thảm họa gây ra bởi một sự kiện nguy hiểm xảy ra nhanh chóng hoặc bất ngờ, ví dụ như mưa, bão, giông lốc, lũ quét...

Những hiện tượng thời tiết cực đoan

Bão nhiệt đới

Bão nhiệt đới là một vùng gió xoáy, có đường kính tới hàng trăm ki-lô-mét, hình thành trên vùng biển nhiệt đới. Dù có thể khác nhau về tốc độ, kích thước và cường độ, nhưng bão nhiệt đới được xem là mối nguy hiểm tự nhiên nguy hiểm thứ hai sau động đất. 

Bão nhiệt đới thường gây ra nhiều mối nguy hiểm như gió cực mạnh, mưa lớn, nước dâng và lũ lụt, sét và lốc xoáy. Khi những mối nguy hiểm này tương tác với nhau, chúng có thể làm tăng đáng kể mức độ nguy hiểm và đe dọa mà một cơn bão nhiệt đới có thể gây ra.

Biến đổi khí hậu không chỉ liên quan đến khả năng xuất hiện các cơn bão lớn ngày càng tăng, mà còn trực tiếp làm tăng sức tàn phá của chúng.

Lốc xoáy

Lốc xoáy là một cột không khí quay, kéo dài từ đáy của một đám mây tích tụ và thường được nhìn thấy dưới dạng phễu ngưng tụ tiếp xúc với mặt đất và/hoặc kèm theo bụi hoặc mảnh vụn lưu chuyển trên mặt đất.

Cường độ của cơn lốc xoáy có thể được ước tính từ mức độ thiệt hại gây ra bằng thang đo Fujita nâng cao.

Lũ lụt

Lũ lụt là một phần của sự biến đổi tự nhiên về tốc độ dòng chảy và mực nước của sông, gây ra hiện tượng nước tràn vào vùng đất thường khô ráo. Lũ lụt thường là kết quả của mưa lớn hoặc mưa liên tục vượt quá khả năng hấp thụ của đất và khả năng dòng chảy của sông, suối và vùng ven biển. 

Lũ lụt cũng có thể hình thành bởi giông bão, lốc xoáy, gió mùa, tuyết tan... Các trận lũ phổ biến nhất là lũ quét, lũ tuyết tan, lũ ven biển và lũ sông. Trong đó, lũ quét là hiện tượng xảy ra bất ngờ ở vùng sông suối, ven núi, dòng chảy xiết cực mạnh kéo theo bùn đất đá lên nhanh có thể càn quét nhiều thứ trên đường đi của chúng. 

Đây được xem là loại lũ bất ngờ là nguy hiểm nhất.

Sạt lở đất

Sạt lở đất thường xảy ra ở vùng núi dưới tác động của mưa lũ và dòng chảy mạnh. Sạt lở đất có thể đạt tốc độ trên 50km/h và có thể chôn vùi, nghiền nát hoặc cuốn theo người, đồ vật và các tòa nhà.

Sóng nhiệt

Sóng nhiệt là khoảng thời gian thời tiết nóng bất thường có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, trong đó nhiệt độ tối đa và tối thiểu cao bất thường ở một địa điểm. Nhiều rủi ro tương tác với các đợt sóng nhiệt (nắng nóng) như hạn hán, hỏa hoạn, lũ quét và ô nhiễm không khí gây ra những tác động phức tạp đối với con người và thiên nhiên.

Trái ngược với sóng nhiệt là hiện tượng sóng lạnh. Đây là khoảng thời gian thời tiết lạnh rõ rệt và bất thường, đặc trưng bởi sự giảm mạnh và đáng kể nhiệt độ không khí gần bề mặt trên một khu vực rộng lớn và tồn tại dưới ngưỡng nhất định trong ít nhất 2 ngày liên tiếp trong mùa lạnh.

Hạn hán

Hạn hán là giai đoạn thời tiết khô bất thường, đặc trưng bởi sự thiếu hụt lượng mưa kéo dài dưới một ngưỡng nhất định trên một khu vực rộng lớn và kéo dài hơn 1 tháng. Đây là một mối nguy hiểm tự nhiên liên quan đến thời tiết, có thể ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là sản xuất lương thực.

II. MỐI QUAN HỆ NHÂN - QUẢ

“Thủ phạm chính” gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan

Theo thống kê của WMO, trong 50 năm qua, số lượng các sự kiện thời tiết cực đoan trên thế giới đã tăng gấp 5 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng đáng lo ngại này là do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phân tích của các nhà khoa học cho thấy, sự biến đổi khí hậu tự nhiên (ví dụ như hiện tượng El Nino) có thể gây ra các tác động thời tiết và khí hậu cực đoan, nhưng biến đổi khí hậu tự nhiên như hiện nay cũng đang dẫn đến những thay đổi về tần suất, cường độ, phạm vi không gian và thời gian của các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan. 

Chẳng hạn, sự tuần hoàn của các luồng khí trong bầu khí quyển góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt xảy ra, khi không khí ấm hơn từ các vùng cận nhiệt đới lan ra các khu vực khác thông qua các luồng khí này.

Tuy nhiên, ngoài biến đổi khí hậu tự nhiên, biến đổi khí hậu do con người gây ra mới được xem là “thủ phạm chính” làm tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng cực đoan phức tạp kể từ những năm 50 của thế kỷ XX. 

Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu do con người gây ra đã ảnh hưởng đến nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan như nắng nóng, lượng mưa lớn, hạn hán và bão nhiệt đới,... ở mọi khu vực trên toàn cầu.

Nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu là hoạt động đốt các loại nhiên liệu thải khí carbon (CO2) như than đá, dầu mỏ, khí đốt... Khí thải carbon làm tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất, gây hiệu ứng nhà kính. Sự nóng lên này khiến nước từ đại dương bốc hơi nhiều hơn làm băng ở 2 cực tan nhanh hơn, gây mưa nhiều, trở thành nguyên nhân gây ra bão, lũ. 

Nước bốc hơi nhanh còn làm nhiều khu vực bị mất cân bằng độ ẩm, gây thiếu nước, hạn hán, cháy rừng... Những biến đổi này gây ra sự thay đổi về thời tiết, khiến thời tiết có những biểu hiện cực đoan trong thời gian dài trên phạm vi toàn thế giới.

Những diễn biến chưa từng có trong lịch sử và dự báo đáng lo ngại

Tại Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của IPCC, cơ quan này nhận định, sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan là chưa từng có trong lịch sử quan sát được và sẽ gia tăng cùng với sự nóng lên toàn cầu.

Theo IPCC, kể từ những năm 50 của thế kỷ XX, nhiệt độ cực đoan đã trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên hầu hết các vùng đất liền. Các đợt nắng nóng diễn ra với tần suất dày hơn, thường bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Nhiệt độ trên 400C và thậm chí 500C đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng diễn ra thông qua chu trình nước - bầu không khí ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn - khiến tần suất và cường độ của các trận mưa lớn tăng lên kể từ những năm 50 và điều này dự kiến sẽ tiếp tục. 

IPCC cho biết, các hiện tượng mưa cực đoan hàng ngày được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 7% khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 10C. Trên thực tế, đã có rất nhiều ví dụ về lượng mưa trong 1 tháng, thậm chí nhiều tháng rơi trong vài giờ hoặc vài ngày, gây ra lũ lụt tàn khốc khiến nhiều người thiệt mạng như đã thấy ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ trong vài năm qua.

Đồng thời, sự nóng lên toàn cầu ngày càng tăng cũng được dự báo sẽ làm tăng diện tích đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ bão nhiệt đới dữ dội (cấp 4 - 5) dự kiến cũng sẽ tăng trên quy mô toàn cầu, làm tăng tính dễ bị tổn thương của dân số ven biển. 

Theo IPCC, có một số bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến đường đi của các cơn bão nhiệt đới, đặc biệt là ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương.

Ngoài ra, báo cáo của IPCC cũng cho biết, chúng ta đang phải chứng kiến nhiều thảm họa phức tạp hơn; khả năng xảy ra lũ lụt kép (nước dâng do bão, lượng mưa cực lớn và/hoặc dòng chảy sông) đã tăng lên ở một số địa điểm và sẽ tiếp tục gia tăng do mực nước biển dâng cùng lượng mưa lớn hơn. 

Các đợt nắng nóng và hạn hán đồng thời có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn, kèm theo nguy cơ cháy rừng...

Những hậu quả không thể coi nhẹ

Nhiều tổn thất về người và của

Theo một thống kê của WMO, 50 năm qua, đã có hơn 11.000 thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước được báo cáo, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế khoảng 3.640 tỷ USD.

Trong đó, hạn hán là hiện tượng thời tiết cực đoan cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong 50 năm qua, đặc biệt là ở châu Phi. Từ năm 1970 đến năm 2019, hạn hán khiến khoảng 650.000 người thiệt mạng. Ngoài ra, sự gia tăng tần suất, cường độ và thời gian hạn hán làm tăng rủi ro đối với an ninh lương thực, có thể gây thiệt hại từ 6 - 8 tỷ USD mỗi năm.

Ước tính, riêng đợt hạn hán xảy ra vào năm 1983 ở Ethiopia và Sudan đã dẫn đến cái chết của khoảng 450.000 người.

Cũng theo thống kê, bão, đặc biệt là bão nhiệt đới, là hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra số thương vong nặng nề thứ hai và gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong 50 năm qua, đặc biệt là ở châu Á. Trong thời gian này, 1.945 cơn bão nhiệt đới đã cướp đi mạng sống của trên 779.000 người; đồng thời gây thiệt hại kinh tế 1.400 tỷ USD - trung bình có 43 người chết và thiệt hại 78 triệu USD mỗi ngày. 

Cho đến nay, những thảm họa “kỷ lục” vẫn được “ghi” cho cơn bão nhiệt đới đã giết chết 300.000 người ở Bangladesh vào năm 1970 và bão Katrina đổ bộ vào Mỹ năm 2005 gây tổn thất lên tới 163,61 tỷ USD.

Tương tự, lũ lụt cũng được xem là mối nguy hiểm tự nhiên nguy hiểm nhất, bởi loại hình thời tiết cực đoan này có thể gây ra sự tàn phá trên diện rộng, tấn công nhiều khu vực trên thế giới, dẫn đến nhiều thiệt hại về người và tài sản. 

Tính chung từ năm 1994 đến 2013, lũ lụt đã ảnh hưởng đến gần 2,5 tỷ người trên toàn thế giới và gây thiệt hại hơn 40 tỷ USD mỗi năm. Điều đáng chú ý là biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ lũ lụt, đồng thời tác động của chúng càng trở nên trầm trọng hơn do những thay đổi trong việc sử dụng đất, sự suy thoái hệ sinh thái và áp lực dân số gia tăng ở các khu vực dễ bị lũ lụt.

Trong 50 năm qua, bão nhiệt đới chiếm 17% tổng số các thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước; đồng thời gây ra 1/3 số ca tử vong (38%) và thiệt hại kinh tế (38%). Còn lốc xoáy giết chết trung bình khoảng 100 người mỗi năm và gây tổn thất to lớn về tài sản do khả năng tàn phá khủng khiếp của nó.

Trong khi đó, sóng nhiệt dữ dội có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế. Theo một nghiên cứu vào năm 2022, chỉ riêng ở châu Âu, ước tính có hơn 60.000 người chết vì nhiệt độ tăng cao. 

Ngoài ra, các đợt nắng nóng cực độ gia tăng, nhất là ở các thành phố, còn làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, hạn chế chức năng của kết cấu hạ tầng quan trọng; đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây nhiều bất lợi cho hoạt động sản suất nông nghiệp, làm suy giảm đa dạng sinh học...

Dù ở một thái cực hoàn toàn trái ngược với sóng nhiệt, sóng lạnh cũng gây ra nhiều tác động bất lợi đối với sức khỏe con người, như làm tăng nguy cơ tử vong và được xem là nguy cơ dẫn đến sự gia tăng các căn bệnh về hô hấp, xương khớp, sa sút trí tuệ...

Những hậu quả lâu dài

Không chỉ gây ra những nguy hiểm tức thời, các sự kiện thời tiết cực đoan nói chung, thảm họa thời tiết nói riêng còn để lại không ít hậu quả lâu dài về kinh tế - xã hội qua sự phá hủy hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, y tế cũng như các hoạt động kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp... 

Sự khắc nghiệt của thời tiết trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng lương thực, di cư cũng như sự bất ổn kinh tế - xã hội.


“Lát cắt” 2023

Theo báo cáo mới nhất của WMO, năm 2023, các sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra khá bất thường, có chiều hướng tăng cao hơn trước kia và những hậu quả để lại cũng đáng báo động. Trên toàn cầu, 399 sự kiện thiên tai được ghi nhận đã làm 86.473 người chết (cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm trong 5 năm qua là 10.000 người), ảnh hưởng tới 93,1 triệu người và gây thiệt hại khoảng 250 tỷ USD. 

Ước tính, 76% tổng số thiệt hại là do các sự kiện thời tiết cực đoan. Trong đó, các thảm họa thời tiết trở nên trầm trọng hơn do nhiệt độ cực cao do 2023 là năm nóng nhất kể từ khi các phép đo nhiệt độ được bắt đầu. Các cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại nặng nề như bão Doksuri đổ bộ vào Trung Quốc hồi tháng 7 gây thiệt hại khoảng 25 tỷ USD, bão Otis đổ bộ vào bờ biển Mexico làm thiệt hại khoảng 12 tỷ USD...

Theo Văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (UNDRR), vào năm 2020, ước tính trên toàn cầu có khoảng 30 triệu người phải di dời do các thảm họa liên quan đến thời tiết. 

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 kết hợp với các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra những tác động tàn khốc, khiến 2,3 tỷ người không được tiếp cận đầy đủ với lương thực, đẩy hàng trăm triệu người lâm vào cảnh đói nghèo. Đây được xem là những thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

III. MỘT SỐ THẢM HỌA TỰ NHIÊN TỒI TÊ NHẤT ĐẦU THẾ KỶ XXI

Bão Katrina tại Mỹ năm 2005

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, bão Katrina là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất từng tấn công “xứ sở cờ hoa” và gây chết người nhiều nhất kể từ thảm họa bão Hồ Okeechobee xảy ra vào tháng 9-1928. Katrina cũng là một trong những cơn bão mạnh nhất tác động đến bờ biển Hoa Kỳ trong suốt 100 năm qua.

Ngày 29-8-2005, siêu bão Katrina đã đổ bộ vào Mỹ với sức gió giật 205km/giờ đã gây hậu quả kinh hoàng tại 5 bang ven Vịnh Mexico, trong đó hứng chịu tàn phá nặng nề nhất là bang Louisiana với khoảng 1.300 người chết. 

Thành phố New Orleans - thủ phủ của bang này - hầu như bị mưa bão và nước biển dâng nhấn chìm với 4/5 diện tích ngập nước. Ngoài ra, khoảng 40 - 50km bờ biển bang Mississipi bị xóa sổ.

Ước tính ít nhất 273.000 người mất nhà cửa, hơn 1 triệu người phải di dời do hậu quả của bão Katrina. Cơn bão cũng đã phá hủy một khu vực rộng khoảng 235.000km2, tương đương 50% diện tích nước Pháp và bằng diện tích của Romania; làm ít nhất 1.830 người thiệt mạng và tổng thiệt hại vật chất lên tới 163,61 tỷ USD. 

Mặc dù tính đến hết năm 2015, chính quyền Mỹ đã chi tổng cộng hơn 70 tỷ USD từ ngân sách liên bang để hỗ trợ các bang bị ảnh hưởng khôi phục hạ tầng và kinh tế sau bão, nhưng đến nay những “di chứng” của cơn bão này vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Bão Nargis tàn phá Myanmar năm 2008

Bão Nargis là một xoáy thuận nhiệt đới mạnh bắt nguồn từ Vịnh Bengal (Đông Bắc Ấn Độ Dương) đổ bộ vào miền Nam Myanmar ngày 2-5-2008, trở thành cơn bão nguy hiểm nhất trong lịch sử quốc gia này.

Với sức gió trên 200km/giờ, cơn bão đã quét qua vùng đồng bằng Irrawaddy của Myanmar. Các trận mưa lớn kèm theo cũng khiến mực nước sông Irrawaddy dâng cao, gây lũ lụt và sạt lở đất, tàn phá thảm khốc vùng đất rộng trên 30.000km2, làm chết 90.000 người và hơn 56.000 người mất tích. Dù khu vực bị tàn phá chỉ tương đương 5% diện tích của Myanmar, nhưng thiệt hại là rất lớn, vì khu vực cơn bão đi qua là nơi cư ngụ của gần 14 triệu người, tức khoảng gần 1/4 tổng số dân của quốc gia nằm trong danh sách những nước nghèo nhất khu vực này.

Theo ước tính, ngoài việc gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, đây còn là cơn bão gây chết chóc nhiều thứ 8 trong lịch sử thế giới.

Hạn hán nghiêm trọng tại Đông Phi năm 2011 - 2012

Từ tháng 7-2011 đến giữa năm 2012, một đợt hạn hán đã ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Đông Phi. Theo đánh giá, đây là đợt hán hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm tại khu vực này, khiến châu lục vốn được xem là nghèo đói nhất thế giới càng trở nên khó khăn hơn. 

Lượng mưa giảm mạnh trong thời gian này khiến mùa màng thất bát và vật nuôi bị chết, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng tại Somalia, Djibouti, Kenya và Ethiopia, đe dọa cuộc sống của hơn 10 triệu người, đẩy “lục địa đen” vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Theo Liên hợp quốc, tại Nam Somalia, tình trạng hạn hán đã khiến 30% số trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng và mỗi ngày cứ 10.000 trẻ thì có 4 em chết vì thiếu ăn; đồng thời buộc một lượng lớn người dân Somalia phải tị nạn sang các nước láng giềng như Kenya và Ethiopia, dù các quốc gia này cũng gặp khó khăn không kém.

Không chỉ tại Mỹ, trong thời gian này, nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng phải hứng chịu những đợt lạnh kỷ lục. Chẳng hạn như tại Nga, ngày 12-2, lượng tuyết rơi phá kỷ lục theo ngày của năm 1973 đã chôn vùi nhiều con đường ở thủ đô nước này, làm gián đoạn giao thông, trì hoãn các chuyến bay khi nhiệt độ rơi xuống âm 150C... 

Trong khi đó, nước Anh ghi nhận nhiệt độ lạnh nhất trong vòng 25 năm ở Braemar, Aberdeenshire tối 10-2, khi nhiệt độ rơi xuống âm 230C; tại London, một số phần của sông Thames đã bị đóng băng...

Bão mùa đông tại Mỹ năm 2021

Giữa tháng 2-2021, trận bão mùa đông với những diễn biến “chưa từng thấy” đã tấn công nước Mỹ. Bão ảnh hưởng đến 25 bang và khiến hơn 1/3 lục địa Hoa Kỳ có nhiệt độ dưới 00C vào ngày 15-2; các bang như Alabama, Oregon, Oklahoma, Kansas, Kentucky, Mississippi và Texas buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong đó, Texas phải hứng chịu thời tiết lạnh tồi tệ nhất.

Vốn được biết tới với những sa mạc và những đợt nóng khắc nghiệt, nhưng cơn bão mùa đông này khiến nhiều nơi ở Texas rơi xuống âm 180C và bị phủ lớp băng dày.

Căn cứ vào tác động đối với nông nghiệp và kinh tế, trận bão lạnh đột ngột này được đưa vào danh sách “những sự kiện thời tiết hàng tỷ USD” của năm 2021 do phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, thời gian kéo dài và tính nghiêm trọng.

Đợt nắng nóng tồi tệ ở Trung Quốc năm 2022

Năm 2022, một đợt nắng nóng ở Trung Quốc kéo dài hơn 70 ngày (từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8), trở thành đợt nắng nóng kỷ lục tồi tệ nhất nước này.

Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc, nhiệt độ trung bình trên toàn đất nước vào tháng 8 cao hơn 1,20C so với mức hằng năm. Trong khi đó, lượng mưa trung bình giảm 23%, xuống 82mm - mức thấp thứ ba kể từ khi các kỷ lục bắt đầu được thống kê vào năm 1961.

Nhiệt độ khắc nghiệt gây ra hạn hán trên diện rộng khiến nhiều con sông ở Trung Quốc, bao gồm cả một số vùng của sông Dương Tử, bị khô cạn, ảnh hưởng đến thủy điện, làm gián đoạn lưu thông đường thủy và buộc các công ty lớn phải tạm ngừng hoạt động. 

Nắng nóng dai dẳng và hạn hán cũng gây ra cháy rừng và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước và nguồn cung cấp điện ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, miền Đông và Trung Tây Tạng.

Theo Bộ quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, đợt nắng nóng “khắc nghiệt nhất” này đã gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 2,73 tỷ nhân dân tệ, ảnh hưởng đến 5,5 triệu người.

Lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan năm 2022

Từ giữa tháng 6 đến tháng 8-2022, lượng mưa kỷ lục đã đổ xuống Pakistan. Vào tháng 8, lượng mưa lớn hơn bình thường từ 5 đến 7 lần. Cộng với việc sông băng tan nhanh do nhiệt độ cao, mưa lớn liên tiếp đã gây là tình trạng lũ lụt dữ dội vào cuối tháng 8, nhấn chìm 1/3 diện tích đất nước, gây thiệt hại trên diện rộng cho nền kinh tế và lĩnh vực sản xuất lương thực, ảnh hưởng đến ít nhất 33 triệu người (tương đương khoảng 15% dân số), làm thiệt mạng khoảng 1.700 người và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo ước tính, thảm họa này gây thiệt hại trực tiếp trên 15 tỷ USD - con số khổng lồ so với quy mô GDP của đất nước Pakistan và đẩy hơn 9 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói...

IV. GIẢM THIỂU RỦI RO - NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẦN THIẾT

Từ tầm nhìn đến hành động

Với mục tiêu xây dựng một thế giới có khả năng chống chịu tốt hơn trước những hậu quả kinh tế - xã hội của thời tiết cực đoan nói riêng và thiên tai nói chung, ngày 18-3-2015, tại Hội nghị thế giới lần thứ ba của Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai tổ chức ở thành phố Sendai (tỉnh Miyagi, Nhật Bản), các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Khung Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai giai đoạn 2015 - 2030. Đây là thỏa thuận lớn đầu tiên trong chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, với 7 mục tiêu toàn cầu và 4 ưu tiên hành động.

Cụ thể, Khung Sendai kêu gọi cần có những hành động tập trung trong và giữa các ngành của các quốc gia ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu trong 4 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm:

Ưu tiên 1: hiểu biết về rủi ro thiên tai. Theo đó, quản lý rủi ro thiên tai cần dựa trên sự hiểu biết về rủi ro thiên tai ở tất cả các khía cạnh về tính dễ bị tổn thương, năng lực, mức độ phơi nhiễm của con người và tài sản, đặc điểm của mối nguy hiểm và môi trường.

Ưu tiên 2: tăng cường quản lý rủi ro thiên tai. Quản lý rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia, khu vực, toàn cầu là rất quan trọng để quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai ở tất cả các lĩnh vực và bảo đảm sự gắn kết giữa các khuôn khổ luật pháp, quy định, chính sách công của quốc gia và địa phương rằng, bằng cách xác định vai trò và trách nhiệm, hướng dẫn, khuyến khích và khuyến khích khu vực công, tư nhân hành động, giải quyết rủi ro thiên tai.

Ưu tiên 3: Đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai để phục hồi. Đầu tư công và tư nhân vào phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai thông qua các biện pháp công trình và phi công trình là rất cần thiết để nâng cao khả năng phục hồi kinh tế, xã hội, y tế, văn hóa của con người, cộng đồng, quốc gia và tài sản của họ cũng như môi trường. 

Đây có thể là động lực thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và tạo việc làm. Những biện pháp này có hiệu quả về mặt chi phí và là công cụ để cứu sống, ngăn ngừa, giảm thiểu tổn thất cũng như bảo đảm phục hồi, phục hồi hiệu quả.

Tháng 1-2005, 168 chính phủ đã thông qua Khung hành động Hyogo - kế hoạch 10 năm (2005 - 2015) nhằm giúp thế giới an toàn hơn trước các mối nguy hiểm tự nhiên, giảm đáng kể tổn thất do thiên tai về sinh mạng, tài sản, xã hội, kinh tế, môi trường của các cộng đồng và quốc gia trên thế giới.

Ưu tiên 4: tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai để ứng phó hiệu quả và để “xây dựng lại tốt hơn” trong quá trình phục hồi, phục hồi và tái thiết. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, cần phải tăng cường công tác phòng chống thiên tai để ứng phó hiệu quả hơn, bảo đảm sẵn có năng lực để phục hồi hiệu quả. Thảm họa cũng chứng minh rằng giai đoạn phục hồi, phục hồi và tái thiết cần được chuẩn bị trước thảm họa là cơ hội để “xây dựng lại tốt hơn” thông qua việc tích hợp các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai...

Một số giải pháp trọng tâm

Cảnh báo sớm, tăng khả năng thích ứng

Theo WMO và các cơ quan Liên hợp quốc, để thực hiện những mục tiêu toàn cầu và 4 ưu tiên hành động trong Khung Sendai, các quốc gia cùng cộng đồng quốc tế cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các hệ thống cảnh báo sớm, bảo đảm mọi người trên Trái đất đều được bảo vệ.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, việc cải tiến các hệ thống cảnh báo sớm đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do các sự kiện thời tiết cực đoan, thảm họa. Sự phát triển của siêu máy tính, công nghệ vệ tinh, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo điều kiện thúc đẩy những bước đột phá về khả năng dự báo; sự xuất hiện của các dịch vụ phù hợp với người dùng như cảnh báo trên điện thoại di động và ứng dụng thời tiết có thể đến được cả những vùng sâu vùng xa,... không chỉ giúp con người chủ động thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn cung cấp thông tin, hỗ trợ thiết thực cho việc thích ứng với những diễn biến bất lợi của khí hậu, thời tiết.

Vì vậy, hiện nay phần lớn các kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu đều xác định hệ thống cảnh báo sớm là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là ở các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Trong thời gian này, WMO đang đẩy mạnh hợp tác với UNDRR và Quỹ Toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện Sáng kiến Cảnh báo sớm về rủi ro khí hậu (CREWS) nhằm cứu mạng sống, sinh kế thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận các cảnh báo sớm và thông tin rủi ro cho người dân ở các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. 

Các dự án bao gồm cải thiện cảnh báo về các mối nguy hiểm như lũ lụt ở các quốc gia từ Afghanistan đến Niger, truyền thông và nhận thức tốt hơn về bão nhiệt đới, bão ở vùng Caribe, Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường năng lực của các dịch vụ khí tượng thủy văn quốc gia để chuẩn bị và đưa ra những dự báo, cảnh báo này...

Ủy ban Thích ứng toàn cầu (GCA) cho rằng, việc cảnh báo trước 24 giờ về một cơn bão hoặc đợt nắng nóng có thể làm giảm 30% thiệt hại; một khoản chi 800 triệu USD cho các dịch vụ cảnh báo sớm ở các nước đang phát triển có khả năng ngăn ngừa thiệt hại từ 3 đến 16 tỷ USD mỗi năm.

Phát huy sức mạnh của sự hợp tác

Có thể nói, những thách thức về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan là quá lớn để bất kỳ quốc gia nào có thể giải quyết một mình. Do vậy, cộng đồng quốc tế đều cho rằng, việc phát triển quan hệ đối tác chính là chìa khóa trong lĩnh vực này, mà Cơ chế điều phối WMO chính là ví dụ điển hình. 

Cơ chế này cung cấp cho các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo những dịch vụ mới để tối ưu hóa các hành động ứng phó khẩn cấp trước các sự kiện có tác động lớn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trong khi đó, cộng đồng nghiên cứu quốc tế cũng đang nỗ lực tăng cường hợp tác giữa các dịch vụ khí tượng, khu vực tư nhân, giới học thuật và người dùng để bảo đảm rằng các dự báo là chính xác, kịp thời, dễ tiếp cận, hữu ích. 

Hay cơ chế Đối tác hành động sớm thông báo rủi ro (REAP) cũng tập hợp được nhiều bên liên quan trong các lĩnh vực khí hậu, nhân đạo, hỗ trợ phát triển, để cùng nhau hướng tới mục tiêu giúp 1 tỷ người an toàn hơn trước thảm họa vào năm 2025, thông qua việc triển khai các giải pháp cải thiện hệ thống quản lý rủi ro toàn diện, đồng thời huy động cam kết, hỗ trợ về tài chính cũng như triển khai các hệ thống cảnh báo sớm và hành động sớm hiệu quả, lấy con người làm trung tâm...

V. VIỆT NAM: CHỦ ĐỘNG GIẢM THIỂU RỦI RO

Đối mặt nhiều nguy cơ

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, gió mùa, trải dài trên 15 độ vĩ Bắc; có hệ thống sông suối khá dày đặc, chế độ dòng chảy được phân thành 2 mùa rõ rệt (mùa lũ và mùa kiệt); bờ biển dài trên 3.260km, chia cắt bởi 114 cửa sông đổ ra biển. 

Với địa hình đa dạng cùng những đặc điểm về khí hậu đó, ngoài những thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta thường xuyên phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai, chủ yếu là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, gió mạnh trên biển, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển...

Trước đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra có quy luật theo mùa, nhưng những năm gần đây lại xuất hiện quanh năm và ngày càng khốc liệt (đã xuất hiện 1.799 trận thiên tai trong giai đoạn 2016 - 2020, với 20/21 loại thiên tai cơ bản, trừ sóng thần). 

Trong đó, bão xuất hiện nhiều với cường độ mạnh, diễn biến phức tạp (giai đoạn 2016 - 2020 có 66 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; riêng năm 2017 xảy ra 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới). 

Hiện tượng mưa lớn cũng xảy ra thường xuyên gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; lũ lịch sử liên tiếp xuất hiện tại các vùng, miền, một số nơi đạt mức lịch sử hoặc tương đương mức lịch sử, gây ngập lụt trên diện rộng và kéo dài. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên tại các tỉnh miền núi gây thiệt hại lớn về người, tài sản. 

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp. Ngoài ra, nắng nóng gay gắt, rét đậm, rét hại, dông, lốc, sét và mưa đá cũng xảy ra thường xuyên...

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 30 năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở nước ta đã cướp đi sinh mạng của 500 người mỗi năm. Thiệt hại kinh tế do thiên tai hằng năm lên tới khoảng 1 - 1,5% GDP cả nước, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

5 nguyên tắc chỉ đạo

Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ 5 nguyên tắc chỉ đạo, đó là:

1. Chủ động trong phòng ngừa; kịp thời, hiệu quả trong ứng phó; khắc phục khẩn trương, khôi phục, tái thiết bền vững và xây dựng lại tốt hơn.

2. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình; chú trọng quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, kết hợp phát huy kinh nghiệm truyền thống.

3. Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai trên phạm vi cả nước; địa phương chủ động bố trí nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi người dân có trách nhiệm và tự giác thực hiện biện pháp phù hợp để phòng, chống, giảm thiểu rủi ro cho chính mình theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

4. Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với tự nhiên, hạn chế tác động tiêu cực vào tự nhiên, không làm tăng rủi ro và phát sinh thiên tai mới.

5. Phòng chống thiên tai phải thực hiện theo phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phù hợp với cấp độ rủi ro thiên tai; đồng thời bảo đảm thực thi cam kết quốc tế về phòng chống thiên tai mà Việt Nam tham gia, ký kết

Chủ động giảm thiểu rủi ro

Sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực chống chịu với các hiểm họa thiên nhiên và giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo và tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện; tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn; chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được cải thiện; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân ngày càng được phát huy, góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Để đáp ứng những đòi hỏi của công tác quản lý rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới, năm 2021, Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Trước đó, năm 2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Kế hoạch quốc gia thích ứng với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030 cũng đã được ban hành.

Cùng với đó, năm 2022, Thủ tướng chính phủ ban hành, phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 (theo Quyết định số 342/QĐ-TTg) và Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia (theo Quyết định số 1651/QĐ-TTg).

Theo đó, Việt Nam xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân; thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, phát huy mọi nguồn lực và trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. 

Quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững. Công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện theo hướng quản lý, phòng ngừa rủi ro theo lưu vực, liên vùng, liên ngành. 

Nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phải tính đầy đủ các tác động của thiên tai, hạn chế làm gia tăng rủi ro thiên tai. 

Phòng chống thiên tai trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm truyền thống và thúc đẩy hợp tác quốc tế.../.

Duy Anh - Thành Nam - Khôi Nguyên - Tiến Thắng - Công Minh (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ