Thời cơ, thách thức và sự cân nhắc
Nguyễn Thị Thanh VânTS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Mục tiêu, lợi ích và thách thức
Thứ nhất, về mục tiêu và lợi ích của Hoa Kỳ khi nâng cấp quan hệ với Việt Nam.
Xét về vị trí chiến lược và thế trận có được từ nội lực đất nước, vị thế quốc tế và các phương diện Việt Nam tạo lập được thời gian qua, Hoa Kỳ đã xem Việt Nam là một trong những nhân tố mới, then chốt trong tổng thể chính sách của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thông qua việc nâng cấp quan hệ, Hoa Kỳ có thể đạt được những lợi ích, như:
1- Lợi ích về kinh tế. Kinh tế là một động lực chính thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm qua. Việt Nam - thị trường 100 triệu dân - đang phát triển năng động, có môi trường đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân công lao động giá rẻ và ngày một chất lượng,... có thể là đối tác kinh tế đáng kể mà lâu nay Mỹ chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác. Vì vậy, Mỹ cần không gian hợp tác lớn hơn, chặt chẽ hơn để thúc đẩy các lợi ích kinh tế tại Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác với Mỹ về phương diện kinh tế những năm qua cũng là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhằm tối ưu hóa thành quả quan hệ đạt được trong thời gian gần đây.
2- Cùng với kinh tế, thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ cũng là lĩnh vực mà Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Mỹ. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Arab Saudi) về số du học sinh đến Mỹ học tập. Mỹ cũng xác định Việt Nam là đối tác mạnh về khoa học - công nghệ với không gian hợp tác vô cùng lớn. Bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cộng đồng khoa học - công nghệ và hệ thống doanh nghiệp khoa học - công nghệ 2 nước cộng tác với nhau chặt chẽ hơn để thúc đẩy lợi ích của mỗi bên, cùng nhau giải quyết những vấn đề, thách thức chung như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học về biển, công nghệ thông tin và truyền thông, y tế.
3- Về duy trì tương quan lực lượng tại khu vực, Mỹ có động cơ chiến lược là bảo đảm an ninh, hòa bình, trật tự, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam cần sự ủng hộ quốc tế trước những tranh chấp trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh, an toàn hàng hải, bảo vệ các lợi ích kinh tế chiến lược tại khu vực. Do đó, hai bên có thể dễ dàng thống nhất về quan điểm hợp tác.
4- Hợp tác quốc phòng, an ninh là lĩnh vực nhạy cảm, đòi hỏi sự tin cậy cao. Những bước đi trong thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ thời gian qua của Việt Nam là điều bình thường trong quan hệ quốc tế, và là điểm tương đồng trong lợi ích của cả Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thứ hai, nhận diện rõ những cơ hội của Việt Nam khi nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ.
Sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, nhất là 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, Việt Nam đã có một vị thế khác trong hệ thống hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với một khuôn khổ quan hệ bao quát nhất từ trước đến nay với những nguyên tắc và nền tảng khá vững vàng, có cả bề rộng lẫn chiều sâu, trên cả bình diện song phương, đa phương, khu vực, toàn cầu. Nền tảng quan hệ hội tụ được những yếu tố để tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất hơn. Việt Nam đã và đang đồng thời đàm phán để ký các hiệp định thương mại tự do với đa số các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới và có đủ cơ sở để hoàn thành thực thi 16 hiệp định thương mại tự do trong năm 2023. Trong 16 hiệp định đã và sẽ tham gia, Việt Nam sẽ có mối quan hệ sâu rộng với 80 quốc gia, trong đó có hầu hết thành viên của G-20, để trở thành mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết rộng lớn. Khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ có cơ hội để giành thế chủ động trong quan hệ đối ngoại, thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm cao mới hiệu quả, ổn định hơn.
Thứ ba, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách của Việt Nam trên tất cả các phương diện. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ diễn ra ngày càng gay gắt và đến nay đã chuyển sang giai đoạn mới quyết liệt hơn về mức độ, toàn diện hơn về lĩnh vực. Vì vậy, sự cạnh tranh giữa các nước lớn này có thể tạo thêm khó khăn cho các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam, trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn trong theo đuổi chiến lược cân bằng.
Việc triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ sẽ là “cơ hội” lớn để các lực lượng thù địch, chống phá lợi dụng thúc đẩy, truyên truyền làn sóng “bài Hoa”, “thoát Trung”, tác động đến chính trị nội bộ và dư luận xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cân nhắc những tác động tới quan hệ với Nga. Quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc đang ở mức độ căng thẳng nhất trong khoảng 50 năm qua và thế giới đang phân tuyến một cách sâu sắc. Vì vậy, cần tính toán đến mặt chiến lược dài hạn trong điều kiện Việt Nam còn có nhiều phương án để thu hút các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Một số đề xuất, kiến nghị
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có tầm quan trọng to lớn, nhưng cần đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam với khu vực và các nước lớn khác. Phát triển quan hệ với Hoa Kỳ trên nguyên tắc nền tảng là tôn trọng độc lập chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, các mặt hợp tác lấy lợi ích hai bên làm nền tảng cho mối quan hệ lâu dài. Nhìn nhận rõ “đối tượng” và “đối tác” trong quan hệ với Hoa Kỳ, trong đó các mặt thuộc về “đối tác” là hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ,... cần thúc đẩy hơn nữa, tranh thủ thời cơ để gia tăng thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả. Trên phương diện “đối tượng”, cần kiên trì đấu tranh, không để mất cảnh giác, chủ động đấu tranh chống lại các thế lực phản động chống phá đường lối, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Xử lý thỏa đáng mối quan hệ với Hoa Kỳ theo hướng “thực chất”, thúc đẩy hợp tác có lợi cho Việt Nam, nhất là về kinh tế.
Việt Nam cần phải có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ khi nhận viện trợ, đặc biệt là liên quan đến những dự án dân sinh ở các địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc quan tâm nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khách quan về kịch bản “cách mạng màu” tại Việt Nam.
Trong các cơ chế hợp tác của khu vực, Việt Nam cần chú ý khi Hoa Kỳ tham gia vào các cơ chế khu vực sẵn có, mang tính khách quan như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Sáng kiến hạ nguồn Mekong. Cần khẳng định rằng, việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam không phải là dựa vào mối quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ để thay đổi, Việt Nam cần hết sức thận trọng, khéo léo, lựa chọn khía cạnh phù hợp trong việc hợp tác tham gia giải quyết các thách thức liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển, đảo, an ninh hàng hải./.