Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc về phát triển kinh tế tư nhân - hàm ý cho Việt Nam
Bùi Đức TriệuPGS, TS, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội

Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, quá trình phát triển doanh nghiệp tư nhân (DNTN) bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX, chia ra nhiều giai đoạn. Tuy nhiên đến những năm 80, 90 mới thực sự là thời kỳ DNTN, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, vươn lên trong xây dựng năng lực công nghệ và đổi mới vững mạnh, thể hiện qua việc nhiều công ty và tập đoàn tư nhân của Hàn Quốc nắm giữ bản quyền với những công nghệ then chốt trong phát triển công nghệ thế giới, như DRAM, CDMA...
Hằng năm, doanh thu từ phí bản quyền công nghệ mà các công ty và tập đoàn quốc tế khác trên thế giới phải trả cho các công ty Hàn Quốc góp một phần không hề nhỏ vào doanh thu của công ty Hàn Quốc và GDP quốc gia.
Đến năm 1996, Hàn Quốc đã có hơn 2.000 phòng nghiên cứu của các công ty được thành lập. Đặc trưng của giai đoạn này là thực lực của DNTN nổi lên với vai trò đầu tàu trong đổi mới và phát triển công nghệ ở Hàn Quốc, dần đẩy lùi và thay thế vị trí dẫn đầu của chính phủ. Phương pháp đổi mới công nghệ được đa dạng hóa từ bắt kịp các nước đi trước nhờ bắt chước kỹ thuật và công nghệ sang bắt kịp nhờ đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý là trong giai đoạn này, Chính phủ Hàn Quốc giảm bớt những can thiệp vào thị trường cũng như sự phát triển của DNTN, tự do hóa nền kinh tế và điều phối những chiến lược phát triển định hướng đổi mới sáng tạo có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Giai đoạn từ năm 2000 trở lại đây, Hàn Quốc có bước tiến đáng kể về khoa học - công nghệ. Theo đó, nền hành chính quốc gia cũng phải đổi mới, hoàn thiện và là mạng lưới kết nối khu vực tư nhân với nhà nước. Sự tương tác giữa nhà nước với thị trường và khu vực tư đã tạo ra sự biến đổi và khuếch tán công nghệ mới.
Doanh nghiệp tư nhân từ tập trung thương mại hóa những công nghệ của nước ngoài và bắt chước các công ty đi trước trên toàn cầu đã trở thành lực lượng tham gia và dẫn dắt phát triển công nghệ thế giới trong một vài lĩnh vực.
Năm 2002, tỷ lệ nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng góp từ DNTN chiếm 74% tổng năng lực R&D của cả nước - cao hơn nhiều so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Chính nhờ chính sách phát triển DNTN ở Hàn Quốc đã tạo động lực cho nền kinh tế nước này phát triển, trở thành thành viên của các nước OECD khá sớm.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Sự phát triển của DNTN tại Trung Quốc kể từ năm 1978 phần lớn là kết quả của những gì có thể được gọi là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nhà nước. Không giống như một số nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, ở Trung Quốc, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đóng góp một phần nhỏ cho sự phát triển của DNTN.
Thay vào đó, các công ty tư nhân đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các DNNN. Sự dịch chuyển này được tạo điều kiện bởi 3 yếu tố: thứ nhất, Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc dần dần mở ra không gian trong đó các DNTN có thể hoạt động; thứ hai, các DNTN có năng suất trung bình cao hơn nhiều so với các DNNN, tạo ra mức lợi nhuận cao hơn so với tài sản của họ.
Các DNTN đã tái đầu tư những lợi nhuận này, dẫn đến một tốc độ tăng trưởng mà cuối cùng các DNNN không thể sánh được; thứ ba, theo thời gian, các DNTN đã có thể vay số tiền ngày càng tăng từ các ngân hàng và cũng có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
|
Quan điểm của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đối với các DNTN cũng cởi mở hơn, có những cách quan trọng hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân. Ban đầu, các tài liệu chính thức thậm chí không đề cập khu vực tư nhân mà thừa nhận khu vực ngoài nhà nước (bao gồm các công ty tập thể) là một thành phần quan trọng của nền kinh tế do nhà nước thống trị.
Năm 1999, trong một sửa đổi Hiến pháp, khu vực ngoài nhà nước đã được nâng cấp thành một thành phần thiết yếu của nền kinh tế hỗn hợp.
Yếu tố thứ nhất đánh dấu sự ra đời của các DNTN là vào dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2001), Chủ tịch Giang Trạch Dân đã mời các DNTN tham gia, dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong thành phần đảng viên, kết nạp thêm các doanh nhân tư nhân giàu có.
Yếu tố thứ hai tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển của các DNNN là các DNTN đã hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các DNNN, đặc biệt là được đo bằng lợi nhuận trên tài sản.
Yếu tố thứ ba tạo điều kiện cho sự phát triển của các DNTN là sự gia tăng tiếp cận của các công ty này đối với tín dụng ngân hàng và vốn, được huy động thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thị trường chứng khoán trong nước và bán trái phiếu.
Hệ thống ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước, ban đầu hướng hầu hết tất cả tín dụng vào các DNNN.
Điều này bắt đầu thay đổi khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX chính thức cho phép thành lập các hợp tác xã tín dụng đô thị.
Mạng lưới này phát triển nhanh chóng và đến năm 1995, các hợp tác xã này đã trở thành nguồn tín dụng chính cho các công ty tư nhân nhỏ. Cuối cùng, các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhận ra rằng các DNTN có lợi nhuận cao đáng tin cậy hơn các DNNN thua lỗ, đã chuyển phần lớn hơn tín dụng doanh nghiệp cho các DNTN.
Câu chuyện tương tự trong thị trường chứng khoán, nơi phát hành công khai IPO là của DNNN. Theo thời gian, cơ cấu dần thay đổi. Vào năm 2017, có 37 DNTN được IPO, so với 31 DNNN thực hiện IPO năm này.
Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
Trước tiên, cần thay đổi quan điểm và nhận thức về vai trò của DNTN, thực sự coi DNTN là một động lực quan trọng, là đầu tàu dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân trong sự phát triển kinh tế; tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, chú ý cân đối lợi ích giữa DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DNTN.
Cần xác định và hiểu rõ rằng, cơ chế, chính sách luôn đóng vai trò tối quan trọng và quyết định tới sự phát triển của DNTN, trên cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Từ đó, Chính phủ, trong quá trình xây dựng chính sách cho khu vực DNTN, cần đặt DNTN vào vị trí trung tâm và thực sự lấy lợi ích của DNTN làm trọng tâm; đồng thời, các cơ chế, chính sách khác cũng tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Cần luôn bảo đảm 4 yếu tố trong hoạch định và ban hành chính sách:
1- Tạo thuận lợi trong môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển;
2- Duy trì tính ổn định trong cơ chế, chính sách;
3- Minh bạch, đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế;
4- Minh bạch, đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong cùng một thành phần kinh tế.
Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp thông qua một số ưu đãi về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách hành chính và chính sách truyền thông khởi nghiệp.
Về lựa chọn định hướng phát triển đối với DNTN: tập trung nguồn lực nhà nước để hình thành một số tập đoàn tư nhân lớn mạnh hay tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, nhà nước đã có sự hậu thuẫn đặc biệt để hình thành nên những tập đoàn tư nhân lớn nhưng bước đầu phát triển theo định hướng của nhà nước và có sự dẫn dắt của nhà nước để đi theo đúng quy luật của thị trường.
Các tập đoàn tư nhân lớn, vững mạnh có vai trò đầu tàu đối với khu vực KTTN và từ đó, tạo ra sức bật lớn đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
Doanh nghiệp nhà nước không nên tham gia toàn bộ chuỗi giá trị mà cần tạo ra một dư địa lớn để DNTN tham gia. Các DNTN hoàn toàn có thể lớn mạnh, thậm chí lấn át khu vực kinh tế nhà nước trong các ngành, nghề không nhạy cảm và trọng yếu đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Về phát triển vốn đầu tư mạo hiểm: vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước là không thể thiếu, tuy nhiên, để Quỹ Đầu tư mạo hiểm hoạt động hiệu quả, cần phải làm rõ cơ chế, quy định về vận hành, vai trò quản lý, giám sát của nhà nước đối với công tác điều hành, thực hiện đầu tư và tiêu chuẩn nhận ưu đãi về vốn vay từ Quỹ Đầu tư mạo hiểm đối với doanh nghiệp.
Ban hành cơ chế, chính sách và quy định cụ thể nhằm khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với nhà nước để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.
Coi trọng phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ để có giải pháp phát triển các doanh nghiệp này một cách đúng đắn, kịp thời và phù hợp. Coi việc phát triển hệ thống vườn ươm công nghệ là nhiệm vụ rất quan trọng đối với Việt Nam trong những năm tới.
Đây chính là công cụ đòn bẩy quan trọng trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp bằng khoa học - công nghệ, thương mại hóa công nghệ và thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ, liên kết khoa học với sản xuất; qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp khởi nghiệp một cách bền vững trong dài hạn.
Cần có chính sách đào tạo doanh nhân, phát triển nguồn nhân lực, trong đó đẩy mạnh, đa dạng hóa, hiện đại hóa các mô hình đào tạo doanh nhân. Liên kết mạng lưới các học viện, cơ sở đào tạo doanh nhân nhằm chung tay xây dựng thế hệ doanh nhân tài năng./.
Các bài cũ hơn



