29/05/2025 | 19:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

AI - những kỳ vọng quá mức

Gia Ngọc
AI - những kỳ vọng quá mức AI có thể là giải pháp hỗ trợ đắc lực trong y tế nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người_Ảnh minh họa
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang là tâm điểm của mọi sự chú ý, từ giới chuyên môn đến đông đảo công chúng, từ các doanh nghiệp cần ứng dụng đến những nhà đầu tư tìm kiếm kênh sinh lời. Chính sự chú ý quá lớn này, trong nhiều trường hợp, đã gây ra kỳ vọng quá mức so với năng lực thực tế của AI hiện tại.

Cerviray AI và “mối đe dọa” thay thế bác sĩ

Giải pháp tầm soát ung thư cổ tử cung Cerviray AI được quảng cáo rộng rãi với độ chính xác lên đến 98% trong phát hiện ung thư giai đoạn sớm. AI này được đưa vào ứng dụng và thử nghiệm tại nhiều bệnh viện ở Đông Nam Á và một số bệnh viện tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). 

Tại Bệnh viện phụ sản Tâm Phúc, AI trình diễn khả năng phân tích hình ảnh cổ tử cung chỉ trong 5 giây. Cerviray AI được quảng cáo tại rất nhiều hội chợ công nghệ và triển lãm y tế trong những năm 2023 - 2024. Aidot - đơn vị phát triển Cerviray AI - kỳ vọng giải pháp có thể giải quyết được vấn đề thiếu hụt cơ sở y tế ở các vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, các nghiên cứu tổng hợp trên tạp chí khoa học Nature chỉ ra rằng, dù AI có độ nhạy cao (96,3%) và độ đặc hiệu (93,3%, quy trình chẩn đoán vẫn cần sự xác nhận từ bác sĩ chuyên khoa do những hạn chế trong dữ liệu huấn luyện và rủi ro thiên vị. 

Kết quả xét nghiệm ung thư cổ tử cung đạt độ chính xác 98% chỉ đạt được khi kết hợp với kết quả xét nghiệp pap smear, chứ không phải kết quả độc lập từ AI.

Nhưng do những quảng cáo quá mức, thiếu minh bạch, thổi phồng sản phẩm do áp lực cạnh tranh (Cerviray AI cạnh tranh với CerviCare AI), nhiều cơ sở y tế đã kỳ vọng quá mức vào giải pháp này. 

Một số bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí ở Hàn Quốc, kỳ vọng Cerviray AI có thể thay thế xét nghiệm HPV và sinh thiết, dẫn đến bỏ qua các bước xác nhận quan trọng. Quảng cáo về khả năng “chẩn đoán từ xa” không thể thành hiện thực vì vẫn cần có bác sĩ vận hành và phân tích hình ảnh, chứ riêng AI không thể hoạt động độc lập.

Tại một bệnh viện của Việt Nam, Cerviray AI từng đưa ra kết quả dương tính giả với 5% trường hợp do dữ liệu được huấn luyện chủ yếu từ phụ nữ Hàn Quốc - không đại diện cho đặc điểm cổ tử cung của phụ nữ Đông Nam Á.

Chiến dịch marketing Cerviray AI như một phép màu đã tạo ra thành công thương mại cho đơn vị phát triển nó. Nhưng việc triển khai ồ ạt giải pháp hóa ra lại tạo thêm gánh nặng cho mạng lưới y tế cơ sở. Các phòng khám ở Nhật Bản quá tải vì số người đến khám xác nhận kết quả. 

Thái Lan tiêu tốn 2,5 triệu USD triển khai thí điểm Cerviray AI tại 10 tỉnh nhưng không cải thiện tỷ lệ phát hiện ung thư, do thiếu nhân lực y tế đủ trình độ phân tích kết quả.

Không chỉ Cerviray, nhiều công cụ AI trong y tế khác cũng từng được kỳ vọng vượt mức như vậy. Các nền tảng như ChatGPT hay các chatbot y tế được quảng cáo có thể tư vấn sức khỏe, chẩn đoán bệnh, hỗ trợ bệnh nhân tự chăm sóc không cần bác sĩ, nhưng hóa ra có đến 20% số câu trả lời của AI tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho bệnh nhân như khuyến nghị tự dùng thuốc, hoặc bỏ qua dấu hiệu bệnh nặng (theo nghiên cứu của Đại học Stanford, Mỹ). 

Công nghệ ghi chú tự động bằng AI Whisper của OpenAI từng ghi sai thông tin bệnh nhân, thậm chí bịa ra nghề nghiệp hoặc lý do mắc bệnh mà bệnh nhân không hề đề cập. Các ứng dụng AI ở Mỹ từng được kỳ vọng thay thế bác sĩ đọc phim X-quang đạt hiệu quả thấp, bỏ sót tổn thương nếu ca bệnh hiếm hoặc dữ liệu AI không đầy đủ.

Các trường hợp trên đều cho thấy AI có thể là giải pháp hỗ trợ đắc lực trong y tế, nhưng kỳ vọng nó thay thế hoàn toàn con người ở thời điểm này vẫn là quá lạc quan.

AI tự lái xe vẫn cần thêm thời gian để đủ an toàn

Xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk (Mỹ) được quảng cáo có công nghệ “tự lái hoàn toàn” Autopilot/Full Self-Driving (FSD). Công nghệ này thực tế đạt cấp độ 2, tức là có thể hỗ trợ lái, nhưng cách đặt tên và marketing khiến người dùng hiểu rằng xe có thể tự lái 100%.

Tháng 4-2024, tại Washington, một chiếc Model S đâm vào xe máy, gây tai nạn chết người khi đang ở chế độ FSD trong khi lái xe đang sử dụng điện thoại. Dữ liệu từ Tesla xác nhận Autopilot đã kích hoạt, nhưng không phát hiện được xe máy. Trước đó, tháng 7-2022, một chiếc Model 3 cũng đâm vào phía sau xe máy, gây chết người. Dữ liệu cũng cho thấy Autopilot không phát hiện xe máy di chuyển cùng làn.

Cơ quan An toàn giao thông cao tốc Mỹ (NHTSA) ghi nhận Autopilot liên quan đến 467 vụ va chạm và 13 ca tử vong, chủ yếu do hệ thống không cảnh báo kịp khi tài xế mất tập trung, hoặc xử lý sai tình huống phức tạp. 

Không chỉ Tesla, dịch vụ taxi tự lái Robotaxi Cruise cũng gặp vấn đề nghiêm trọng khi đâm vào người đi bộ và kéo lê 6m. Chiếc xe nhận diện được chướng ngại vật, nhưng không dự đoán được hướng di chuyển của người đi bộ sau va chạm. Vụ này khiến bang California (Mỹ) cấm Cruise hoạt động, và công ty phải thu hồi 950 chiếc xe.

Dù được quảng cáo hoành tráng, xe tự lái bằng công nghệ AI chỉ thể hiện tốt trên đường cao tốc thẳng, không xử lý tốt trong điều kiện giao thông đông đúc phức tạp, đặc biệt trong môi trường đô thị có nhiều tình huống bất ngờ, và cũng không hoạt động hoàn hảo trong điều kiện thời tiết cực đoan. 

Hệ thống hầu như không hiểu được quan hệ nhân - quả, không có trực giác để xử lý các tình huống mà nó chưa từng thấy, nên dẫn đến dự đoán kém chính xác.

Sự khác biệt quá lớn giữa kỳ vọng và thực tế khiến Tesla và Cruise phải chịu nhiều thiệt hại do các vụ kiện tụng, án phạt lên đến hàng trăm triệu USD. Đồng thời, các công ty này cũng bị buộc phải minh bạch năng lực thực, công khai các rủi ro, phân loại rõ ràng công nghệ hỗ trợ lái và tự lái. 

Với việc NHTSA yêu cầu phải giám sát chặt chẽ tài xế hơn (như theo dõi mắt và tay tài xế) trên các xe có FSD cho thấy, công nghệ tự lái bằng AI vẫn chưa an toàn.

AI - coi chừng một cú “nổ bong bóng” chứng khoán

Năm 2024, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến sự sụt giảm 1.000 tỷ USD trong một ngày khi các công ty công nghệ như Nvidia và Microsoft không đạt doanh thu kỳ vọng. Goldman Sachs cảnh báo nhiều startup AI gọi vốn dựa trên “câu chuyện” hơn là sản phẩm thực. 

Đến tháng 2-2025, sự xuất hiện của DeepSeek (một nền tảng AI Trung Quốc được quảng cáo là hiệu quả và rẻ hơn 90% so với các mô hình của Mỹ) khiến Nasdaq 100 mất 3% giá trị, Nvidia mất 600 tỷ USD vốn hóa chỉ trong một ngày.

Capital Economics dự đoán “bong bóng” AI sẽ vỡ vào năm 2026, do lãi suất tăng và định giá quá cao. Goldman Sachs dự báo đầu tư vào AI có thể đạt 200 tỷ USD toàn cầu vào năm 2025. Tỷ trọng AI chiếm tới 2,5 - 4% GDP Mỹ. Do đó, trường hợp “bong bóng” vỡ, hậu quả sẽ không chỉ giới hạn trong các công ty công nghệ mà sẽ xảy ra đổ vỡ dây chuyền.

Dòng tiền lớn đổ vào các startup AI do kỳ vọng rất lớn vào công nghệ tiên phong, nhưng không phải startup nào cũng tốt. Rất nhiều startup gọi vốn mà chưa có sản phẩm thương mại rõ ràng. 

Infection AI đã huy động hơn 1,3 tỷ USD từ Microsoft, Nvidia, Reid Hoffman nhưng rồi sản phẩm chatbot Pi không đạt kỳ vọng, công ty phải sa thải 70% nhân sự và bán lại cho Microsoft. 

Một số công ty như C3.ai, Palantir,... bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) yêu cầu dừng dự án để rà soát, các công ty AI niêm yết khác phải công khai những rủi ro liên quan đến dữ liệu, đạo đức, khả năng kiểm soát thuật toán. Các rủi ro cả về kinh doanh, công nghệ và pháp lý này, kết hợp với việc nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ lớn. 

Chỉ cần xuất hiện một vài dấu hiệu bất lợi, các nhà đầu tư buộc phải bán tháo cổ phiếu để trả nợ, đồng thời xuất hiện sự dịch chuyển dòng tiền từ AI sang các khu vực an toàn hơn, làn sóng bán tháo lớn với cổ phiếu AI sẽ được kích hoạt.

Việc kỳ vọng vào một công nghệ đang bùng nổ như AI là dễ hiểu và hợp lý, nhưng các trường hợp kỳ vọng quá mức như trên cho thấy, vẫn nên giữ một thái độ bình tĩnh và khách quan hơn với AI./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện