Kiều bào Thành phố Hồ Chí Minh: Son sắt niềm tin, hướng về nguồn cội, dựng xây quê hương
VŨ THỊ HUỲNH MAIChủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh

Những dấu ấn nổi bật
Trong tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hơn 80% đang định cư tại các quốc gia công nghiệp phát triển - những trung tâm hàng đầu về kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo toàn cầu.
Riêng TPHCM, ước tính có khoảng 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có mối liên hệ mật thiết với Thành phố. Đặc biệt, đến nay đã có khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài từ nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Australia, Canada, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Áo, Singapore,... trở về hợp tác, làm việc dài hạn tại Thành phố.
Trong năm tài khóa 2024, lượng kiều hối chuyển về Thành phố đạt 10,03 tỷ USD, tương đương khoảng 260.000 tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2012 - 2024, tổng lượng kiều hối chuyển về Thành phố thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế và công ty kiều hối ước đạt hơn 77 tỷ USD, tăng trưởng trung bình từ 3% đến 7% mỗi năm.
Trên cơ sở đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố hiện giao Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì triển khai Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030” với mục tiêu vận động, nắn dòng kiều hối vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Trong lĩnh vực thương mại, hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư đang hoạt động tại Thành phố với tổng số vốn hơn 45.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cộng đồng hàng triệu doanh nhân người Việt tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 80 hội đoàn người Việt tại 39 quốc gia có liên hệ với Thành phố đã tích cực tham gia kết nối, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Các doanh nghiệp và hội đoàn này đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện cuộc vận động đưa hàng hóa của TPHCM tiếp cận thị trường quốc tế thông qua hệ thống phân phối của người Việt Nam ở nước ngoài.
Mỗi năm, trung bình có khoảng 500.000 lượt người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài (chưa kể những trường hợp còn giữ quốc tịch Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam) trở về qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM.
Con số này chiếm một phần đáng kể trong tổng số khoảng hơn 4 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Thành phố hằng năm, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành hàng không và du lịch địa phương.
Bên cạnh việc phát huy kinh tế, Thành phố đặc biệt chú trọng gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các hoạt động như “Trại hè thanh thiếu niên kiều bào”, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tặng sách tiếng Việt,... được triển khai thường xuyên.
Nổi bật là công trình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Điểm hẹn kiều bào” ra mắt năm 2024, trở thành nơi gặp gỡ, kết nối và gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc trong cộng đồng người Việt toàn cầu.
Với vai trò ngày càng rõ nét, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một phần máu thịt của dân tộc, mà còn là nguồn lực chiến lược góp phần đưa TPHCM phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với thế giới.
Kinh nghiệm quý sau nửa thế kỷ
Gắn bó bền chặt với cộng đồng người Việt xa quê trong suốt chặng đường 50 năm, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ chí Minh đã không ngừng đổi mới, vun đắp niềm tin, từ đó đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, làm nền tảng vững chắc cho công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới.
Thứ nhất, đa dạng hóa các hình thức thu hút nguồn lực trí thức của người Việt Nam ở nước ngoài. Việc kết hợp linh hoạt giữa các chương trình gặp gỡ trực tiếp và hình thức hội nghị trực tuyến đã giúp mở rộng kênh kết nối, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào chia sẻ ý tưởng, đóng góp trí tuệ cho quê hương, giúp họ duy trì cuộc sống ổn định tại nước sở tại.
Thứ hai, Thành phố rất chú trọng công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua các cuộc gặp gỡ, kết nối với đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào, Thành phố đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Thứ ba, triển khai hiệu quả việc kết nối đồng bộ giữa chính quyền Thành phố với các hội đoàn và đội ngũ trí thức kiều bào thông qua việc ký kết các Biên bản Ghi nhớ hợp tác và xây dựng nền tảng phối hợp bền vững. Những hoạt động này đã thắt chặt mối quan hệ giữa Thành phố và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng trong việc vận động, thu hút các nhà khoa học kiều bào về nước hợp tác, nghiên cứu và làm việc lâu dài tại Thành phố.
Thứ tư, thực hiện chính sách khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân kiều bào. Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng, mà là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đồng hành cùng quê hương. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, biểu dương học sinh, sinh viên là con em kiều bào cũng góp phần nuôi dưỡng tình cảm gắn bó và giữ gìn mối liên kết bền chặt với thế hệ trẻ kiều bào.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống thông tin kết nối kiều bào. Thông qua các kênh truyền thông hiện đại như trang thông tin điện tử và bản tin “Kiều bào với quê hương”, kiều bào có thể dễ dàng tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Đây không chỉ là cầu nối thông tin, mà còn là nền tảng để phát huy hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM.
Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Thời gian tới, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” song hành với việc xây dựng đội ngũ cán bộ “dám tiên phong đột phá, dám đổi mới sáng tạo” đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của Thành phố. Cụ thể:
Một là, phối hợp các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài triển khai kết nối các hội đoàn, tổ chức kiều bào trong các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy và tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; giao lưu văn hóa, thể thao tạo cơ hội cho việc huy động nguồn lực từ kiều bào, đồng thời giúp nâng cao hình ảnh và sự hiểu biết của quốc tế về đất nước, TPHCM.
Hai là, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư trung tâm dữ liệu, trụ sở nghiên cứu, sản xuất tại Thành phố, hướng đến hình thành hạ tầng lưu trữ, tính toán đạt chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn xanh.
Đặt hàng các nhiệm vụ khoa học cụ thể cho đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào triển khai theo nhu cầu thực tiễn của sở, ngành, viện nghiên cứu và trường đại học.
Đồng thời, tổ chức các hội thảo, sự kiện kết nối trí thức Việt kiều trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, vi mạch - bán dẫn, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực phát triển bền vững cho Thành phố.
Ba là, chủ động tạo nguồn thu ngoại tệ bền vững thông qua cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất, hạ tầng, xã hội, văn hóa, giáo dục và môi trường.
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống phân phối của kiều bào theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động và triển khai Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối đến năm 2030”.
Bốn là, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh dành riêng cho kiều bào tại Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh và trên không gian mạng để kiều bào tìm hiểu về giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh và tạo cầu nối để kiều bào kết nối, giao lưu, học hỏi và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc./.
Các bài cũ hơn



