18/05/2024 | 22:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Văn hóa tranh cử trên truyền thông của các chính trị gia

Vũ Thanh Vân
Văn hóa tranh cử trên truyền thông của các chính trị gia Tranh luận trên truyền hình giữa giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ, Richard Nixon và John F. Kennedy ở thành phố New York, năm 1960_Ảnh: AP
Văn hóa tranh cử trên truyền thông là yếu tố tạo nên sự khác biệt, quyết định thành - bại của các ứng cử viên trong bầu cử. Truyền thông không chỉ khắc họa hình ảnh ứng cử viên như phần nổi của tảng băng, mà còn chỉ báo về chiều sâu văn hóa của họ.

Thể hiện hình ảnh

Báo chí và mạng xã hội được coi là những công cụ tranh cử quan trọng của các chính trị gia, đặc biệt là ở Mỹ. Khả năng thể hiện bản thân trên truyền thông và thu hút công chúng luôn là một trong những yếu tố tạo nên thành công của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ. 

Mặc dù khó có thể chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa yếu tố truyền thông và kết quả bầu cử, nhưng cũng không thể phủ nhận mối quan hệ này. Cuộc tranh luận trên truyền hình năm 1960 giữa 2 ứng cử viên John F. Kennedy và Richard Nixon là cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ. 

Phong cách xuất sắc, tự tin của John F. Kennedy trên truyền hình giúp ông chinh phục cử tri, giành thắng lợi sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống cùng năm.

Đánh giá về sự thể hiện của 2 ứng cử viên trong cuộc tranh luận này, nhà nghiên cứu báo chí Joseph C. Spear (Mỹ), trong cuốn sách Tổng thống và báo chí cho rằng: “khi hội đồng bắt đầu đưa các câu hỏi, R. Nixon có xu hướng giữ thế phòng thủ, trả lời nhát một và lãng quên lượng công chúng khổng lồ sau máy quay. 

Ngược lại, J. F. Kenedy tỏ ra bình tĩnh, tự chủ, điềm đạm và chắc chắn. Với bất kỳ câu hỏi nào, J. F. Kenedy đều hướng câu trả lời của mình vào hàng triệu người Mỹ đang theo dõi chương trình trong phòng khách nhà họ. 

Đó là một thảm hoạ khủng khiếp đối với R. Nixon. Trong cuộc tranh luận thứ hai, thứ ba và thứ tư, R. Nixon cố gắng sửa đổi phong cách thể hiện của mình trong cuộc tranh luận đầu tiên nhưng đã quá muộn”.

Phong cách thể hiện tự chủ, đầy bản lĩnh trong các cuộc tranh luận truyền hình cũng giúp ứng cử viên Barack Obama giành được cảm tình của cử tri, đặc biệt là các cử tri trí thức, cử tri da màu và cử tri trẻ. Theo nghiên cứu của Hãng điều tra dư luận Gallup (Mỹ), sau cuộc tranh luận trên truyền hình thứ ba giữa Barack Obama và Mit Romney ngày 22-10-2012, có 56% số cử tri Mỹ đánh giá ông B. Obama thể hiện tốt hơn ông Mit Romney.

Có thể nói, sự xuất hiện trên truyền hình cho biết rất nhiều điều về một chính trị gia như phong cách thời trang, khả năng hùng biện, kiến thức nền và hiểu biết chuyên sâu, khả năng ứng biến... 

Tất cả những yếu tố ấy đều được bao hàm trong văn hóa tranh cử. Sự kiện Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Prabowo Subianto giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia tháng 2-2024 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng truyền thông, nhất là truyền thông xã hội để tranh thủ cảm tình, thu hút lá phiếu của cử tri.

Điệu nhảy “gemoy” có phần vụng về, hài hước của ông Prabowo trên mạng xã hội TikTok đã gây sốt, tạo thiện cảm với nhóm cử tri trẻ. Là từ tiếng lóng chỉ người mập mạp, “gemoy” là điệu nhảy mô phỏng một số động tác võ thuật của Indonesia, phù hợp với vẻ ngoài thấp đậm của ông Prabowo. 

Điệu nhảy góp phần tạo nên hình ảnh một chính trị gia hài hước, thân thiện, trái ngược ấn tượng có phần lạnh lùng, khuôn mẫu về Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Những video về điệu nhảy của ông Prabowo xuất hiện và được lan truyền trên mạng xã hội TikTok - hiện có khoảng 125 triệu người dùng ở Indonesia, trong đó phần lớn là giới trẻ. Những video này cho thấy không khí vui nhộn, sôi động trong các cuộc tranh cử của ông tại những địa điểm đông người, khiến người xem cảm giác giống như một buổi biểu diễn. 

Ông Prabowo còn xuất hiện trên Facebook và Instagram với hình ảnh ôm chú mèo cưng và sử dụng hình ảnh hoạt hình mũm mĩm, ngây thơ như một em bé. 

Tất cả những nỗ lực này truyền tải hình ảnh đáng yêu, gần gũi đồng thời cho thấy cách tiếp cận phi truyền thống trong việc chinh phục cử tri. Các ứng cử viên thường trau chuốt hình ảnh để tạo ra phong thái đạo mạo, điềm đạm, già dặn.

Chiều sâu văn hóa

Diện mạo, hình ảnh của các chính trị gia trên truyền thông là biểu hiện bên ngoài mà công chúng có thể nhận biết tức thời. Trong khi đó, phong cách ứng xử, sự khéo léo, tinh tế trong việc sử dụng và xuất hiện trên truyền thông mới cho thấy trình độ hay chiều sâu văn hóa của ứng cử viên. 

Trong rất nhiều trường hợp, chiều sâu văn hóa không chỉ là kết quả của quá trình rèn luyện cá nhân, trải nghiệm và bản lĩnh chính trị của ứng cử viên, mà còn là sự dàn dựng của đội ngũ các chuyên gia tư vấn tranh cử. 

Những hình ảnh, tuyên bố hoặc quyết định đầy chủ ý của các ứng viên sau đó sẽ trở thành chủ đề hấp dẫn được báo chí đưa tin, phân tích và công chúng quan tâm.

Ngày 11-8-2020, ứng viên Tổng thống Joe Biden tuyên bố chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm đối tác tranh cử cho vị trí Phó Tổng thống. Bà Kamala Harris 55 tuổi là người da màu, có cha là người Jamaica và mẹ là người Ấn Độ. 

Quyết định này ngay lập tức nhận được đánh giá tích cực của tờ New York Times và các tờ báo có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ. Bà Harris được cho là sẽ mang lại làn gió mới cho chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden, giúp ông có thêm sự ủng hộ của nhóm cử tri da màu, củng cố thế dẫn trước của ông so với ứng viên Donald Trump. 

Sâu xa hơn, quyết định này cho thấy sự rộng lượng, tâm thế lớn của ông Joe Biden vì trong chiến dịch tranh cử nội bộ của Đảng Dân chủ, bà Harris là đối thủ cạnh tranh của ông Joe Biden, từng chỉ trích ông Joe Biden gay gắt.

Trước đó, chính ông Barack Obama cũng có cách ứng xử tương tự với ông Joe Biden. Trong cuộc tranh cử nội bộ của Đảng Dân chủ năm 2008, là đối thủ của ông B. Obama, ông Joe Biden xúc phạm ông B. Obama khi bình luận ông B. Obama là ứng cử viên Mỹ gốc Phi “nói năng rõ ràng, sáng sủa và sạch sẽ đầu tiên”. 

Khi nhận được đề cử của Đảng Dân chủ làm ứng viên tổng thống, ông B. Obama bỏ qua tranh chấp trước đó và chọn ông Joe Biden làm ứng viên liên danh cho vị trí phó tổng thống. Cách ông B. Obama bổ nhiệm bà Hilary Clinton - đối thủ từng cạnh tranh quyết liệt trong cuộc vận động tranh cử làm Ngoại trưởng cũng cho thấy tâm thế của một chính trị gia lớn. 

Những sự kiện này đều được mổ xẻ, xem xét trên nhiều phương diện khác nhau trên truyền thông, trước hết giúp thu hút sự chú ý của công chúng và sau đó xây dựng sự cảm mến, tín nhiệm của cử tri.

Văn hóa tranh cử trên truyền thông cũng gắn liền với việc tranh thủ sự ủng hộ của báo chí - truyền thông. Nếu ứng viên nhận được sự ủng hộ của các cơ quan báo chí - truyền thông, nỗ lực tranh cử sẽ càng thuận lợi với những thông tin báo chí tích cực. 

Ngược lại, nếu ứng viên làm mất lòng các cơ quan báo chí - truyền thông, chiến dịch tranh cử chắn chắn sẽ đối diện với những thông tin tiêu cực. Vì lý do này, các ứng cử viên luôn chú ý xây dựng mối quan hệ thiện cảm với báo chí hoặc ít nhất không gây xích mích với các nhà báo. Các chính trị gia nếu không thể khiến báo chí làm bạn, tốt nhất đừng biến báo chí thành kẻ thù.

Ứng cử viên Donald Trump là một biệt lệ khi ông đối đầu với báo chí Mỹ với những phát ngôn thẳng thừng cho rằng, báo chí là “sự sỉ nhục”, “đưa tin giả, sai sự thật và kinh tởm” và các phóng viên là “những kẻ không trung thực”. 

Ông đã đặt một loạt các cơ quan báo chí và nhà báo vào thế đối đầu không khoan nhượng. Trong bài bình luận Mối quan hệ trắc trở của D. Trump với báo chí năm 2017, nhà báo Marvin Kalb nhận định: “việc đưa tin về D. Trump cho thấy sự phản ánh chính xác về một ứng viên giờ đã trở thành tổng thống. Việc đưa tin này có thể được mô tả là tiêu cực nhưng vấn đề nằm ở tổng thống, ở lời nói, hành động và chính sách của ông ấy, chứ không phải ở việc báo chí đưa tin những điều đó”.

Cử tri ngày càng có học thức, tiếp cận thông tin đa chiều và đòi hỏi các ứng cử viên có năng lực. Đây là một phần tất yếu của quá trình dân chủ hóa, minh bạch hóa hoạt động chính trị. 

Các ứng cử viên vì thế ngày càng phải đáp ứng những đòi hỏi cao hơn của cử tri, bao gồm đòi hỏi về phẩm chất chính trị, năng lực hành động, mà những yếu tố này thể hiện rất rõ qua văn hóa tranh cử của ứng cử viên trên truyền thông./.

1 April 2024