05/10/2024 | 22:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hệ thống kiểm soát quyền lực trong bộ máy chính trị Nhật Bản

Lâm Phong
Hiến pháp Nhật Bản ban hành năm 1946, có hiệu lực năm 1947 khác với văn bản trước đó ở 2 điểm cơ bản, đó là: nguyên tắc chủ quyền và duy trì Nhật Bản là quốc gia hòa bình, dân chủ. Sự khác biệt này định hình hệ thống phân quyền trong bộ máy chính trị của Nhật Bản. Nhật hoàng là biểu tượng của nhà nước và sự đoàn kết của nhân dân, quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Các cơ quan trong bộ máy chính trị Nhật Bản có vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm soát quyền lực lẫn nhau, bảo đảm sự vận hành của hệ thống chính trị tại “đất nước Mặt trời mọc”.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Nhật Bản ở Thủ đô Tokyo, ngày 17-1-2022_Ảnh: Kyodo

Hệ thống lập pháp và hành pháp

Hiến pháp Nhật Bản quy định sự phân chia quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiện nay, Nhật hoàng có vai trò chính trong việc bổ nhiệm thủ tướng - người được Quốc hội (Kokkai) chỉ định trước đó, bổ nhiệm chánh án Tòa án Tối cao (Saikô Saibansho), triệu tập các phiên họp của Quốc hội, ban hành luật và hiệp ước, trao các giải thưởng danh dự cấp nhà nước. Các hoạt động trên đều có sự tư vấn và chấp thuận của nội các (naikaku).

Quyền lập pháp được trao cho Quốc hội, được bầu phổ thông và bao gồm 2 viện. Hạ viện (Shugiin - Chúng nghị viện) được ưu tiên hơn Thượng viện (Sangiin - Tham nghị viện) trong các vấn đề thông qua luật, kiểm soát ngân sách và phê duyệt hiệp ước với các quốc gia bên ngoài. Quyền hành pháp được trao cho nội các, được tổ chức và đứng đầu bởi thủ tướng, mặc dù nội các chính thức được bổ nhiệm bởi Hạ viện. Nếu Hạ viện thông qua nghị quyết bất tín nhiệm hoặc từ chối thông qua bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ, nội các phải từ chức, trừ khi Hạ viện bị giải tán trong vòng 10 ngày sau hành động đó. Về cơ cấu, ngoài văn phòng thủ tướng, nội các còn bao gồm các bộ và cơ quan chính phủ. Các văn phòng của chính quyền trung ương đều nằm trong và xung quanh quận Kasumigaseki (trung tâm Thủ đô Tokyo). Cơ quan Hiến pháp độc lập, có tên Hội đồng Kiểm toán, chịu trách nhiệm kiểm toán hằng năm các tài khoản của tiểu bang. Hiến pháp Nhật Bản hiện hành thiết lập nguyên tắc tự trị cho các đơn vị công cộng địa phương. Một số quyền lực đáng kể được trao cho các hội đồng địa phương (được bầu bằng cách bỏ phiếu công khai trực tiếp) cũng như các quan chức điều hành các hội đồng này. Những vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động, giáo dục, phúc lợi xã hội và y tế, bảo tồn và phát triển đất đai, phòng, chống thiên tai và kiểm soát ô nhiễm do các cơ quan quản lý địa phương giải quyết.

Nhật Bản được chia thành 47 tỉnh, thành - được biết đến với tên gọi phân cấp là “đô - đạo - phủ - huyện”, 43 trong số đó là “ken” (huyện); phần còn lại bao gồm Tokyo được gọi là “to” (đô), Hokkaido được gọi là là “do” (đạo), Osaka và Kyoto được gọi là “fu” (phủ). Giữa các đô, đạo, phủ và huyện hiện nay không có phân biệt về mặt quyền hạn hành chính. Các đơn vị hành chính này được quản lý bởi các thống đốc và hội đồng. Các tỉnh chia nhỏ hơn nữa thành các bộ phận nhỏ, bao gồm: “shi” (thành phố), “machi” hoặc “cho” (thị trấn), “mura” hoặc “son” (làng). Tất cả đơn vị chính quyền địa phương này đều có người đứng đầu (thị trưởng, trưởng làng) và các hội đồng riêng. Ngoài ra, thành phố có dân số trên 500.000 người có thể được coi là “shitei toshi” (thành phố được chỉ định). Các thành phố được chỉ định được chia thành “ku” (phường), mỗi phường có 1 người đứng đầu và 1 hội đồng, trong đó, người đứng đầu phường do thị trưởng đề cử và hội đồng phường do cư dân bầu chọn. Số lượng các thành phố này tăng đều, kể từ năm thành phố đầu tiên (Yokohama, Osaka, Nagoya, Kyoto và Kobe) được đặt tên vào giữa những năm 50 của thế kỷ XX. Riêng Thủ đô Tokyo có 23 phường đặc biệt, những người đứng đầu các phường này được cư dân bầu chọn. Các phường đặc biệt này được thành lập sau khi tỉnh đô thị thành lập vào năm 1943, phân định thành phố Tokyo với các thành phố, thị trấn khác tạo nên tỉnh đô thị.

Hệ thống tư pháp

Tại Nhật Bản, cơ quan tư pháp hoàn toàn độc lập với cơ quan hành pháp và lập pháp của Chính phủ. Hệ thống tư pháp gồm 3 cấp, đó là: Tòa án Tối cao; 8 tòa án cấp cao (phúc thẩm); 1 tòa án quận; tòa án gia đình ở mỗi tỉnh. Ngoài ra, tại các địa phương có nhiều tòa án “nhanh” (không chính thức) xét xử các vụ án đối với một số tội nhẹ, hoặc những tội liên quan đến khoản tiền nhỏ. Ngoài những vụ án nhỏ đó, các tòa án quận và tòa án gia đình là tòa án sơ thẩm xét xử các vụ án thông thường, ngoại trừ các vụ án được xét xử sơ thẩm tại tòa án cấp cao. Tòa án Tối cao bao gồm 1 chánh án và 14 thẩm phán khác. Chánh án do Nhật hoàng bổ nhiệm theo sự chỉ định của nội các, trong khi các thẩm phán khác do nội các bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án Tối cao có thể được xem xét lại trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia, đầu tiên là vào thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử sau khi họ được bổ nhiệm, sau đó là vào cuộc tổng tuyển cử 10 năm một lần sau đó. Một hệ thống luận tội cũng tồn tại; tòa án luận tội bao gồm các thành viên của Hạ viện và Thượng viện. Tòa án Tối cao là cơ quan xét duyệt cuối cùng, và các phán quyết của Tòa án Tối cao đặt ra tiền lệ cho tất cả các quyết định cuối cùng trong việc thực thi công lý. Tòa án Tối cao cũng thực hiện quyền giám sát tư pháp, cho phép tòa án xác định tính hợp hiến của bất kỳ luật, mệnh lệnh, quy định hoặc hành động chính thức nào. Các thẩm phán tòa án cấp dưới được nội các bổ nhiệm từ danh sách những người do Tòa án Tối cao đề cử. Nhiệm kỳ bổ nhiệm là 10 năm và được phép bổ nhiệm lại. Theo quy định của pháp luật, tất cả các thẩm phán của tòa án cấp dưới phải nghỉ hưu ở tuổi 70.

Tiến trình bầu cử

Mọi công dân Nhật Bản từ 20 tuổi trở lên có quyền bầu cử phổ thông. Các thành viên của Hạ viện phải từ 25 tuổi trở lên, độ tuổi tối thiểu đối với những người trong Thượng viện là 30. Số ghế cho mỗi khu vực bầu cử của Quốc hội được xác định chủ yếu dựa trên dân số ở mỗi khu vực vào năm 1947, song được điều chỉnh do sự gia tăng dân số ở các khu vực bầu cử. Trong vài thập niên tiếp theo, sự phân bổ dân số của Nhật Bản có sự thay đổi nhiều đến mức giá trị của 1 phiếu bầu ở 1 khu vực nông thôn dân cư thưa thớt có thể gấp 5 lần so với 1 phiếu bầu ở khu vực đô thị. Việc phân bổ lại phiếu bầu được thực hiện vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, phần nào khắc phục sự mất cân bằng này. Vào năm 1994, luật giảm quy mô của Hạ viện xuống còn 500 ghế đã được thông qua. Năm 2000, số ghế Hạ viện giảm xuống còn 480. Việc giảm số ghế tương tự cũng được thực hiện tại Thượng viện, với số lượng giảm từ 252 ghế xuống còn 247 ghế vào năm 2000 (có hiệu lực từ năm 2001), sau đó là 242 ghế vào năm 2004. Các thành viên của Hạ viện được bầu với nhiệm kỳ 4 năm, có thể kết thúc sớm nếu Hạ viện bị giải tán. Đất nước Nhật Bản được chia thành 300 khu vực bầu cử để bầu ra 1 thành viên Hạ viện tại các khu vực này, trong khi các thành viên Hạ viện còn lại được bầu từ các khu vực bầu cử lớn dựa trên đại diện theo tỷ lệ. Các thành viên của Thượng viện được bầu theo nhiệm kỳ 6 năm, với một nửa số thành viên được bầu 3 năm một lần. Với cấp địa phương, người đứng đầu các đơn vị chính quyền địa phương, chẳng hạn như tỉnh, thành phố, phường đặc biệt, thị trấn và làng, được bầu bởi cư dân địa phương.

Như vậy, thông qua hệ thống bầu cử, phân quyền, phân cấp từ trung ương tới địa phương, hệ thống chính trị của Nhật Bản thực hiện tốt quy trình kiểm soát quyền lực qua lại, bảo đảm hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp vận hành hiệu quả với tính dân chủ được đề cao. Những điều này được thể hiện qua quy trình bầu cử Thượng viện, Hạ viện, bầu nội các, quyền của Hạ viện (nơi có nhiều đại diện của nhân dân nhất) đối với việc bất tín nhiệm hay giải tán nội các. Ngoài ra, việc kiểm soát quyền lực của nhân dân đối với hệ thống chính trị được thể hiện rõ qua quy định bầu cử trực tiếp ở các cấp, đặc biệt là ở hội đồng địa phương - nơi người dân đóng góp ý kiến và kiểm soát quyền lực nhà nước một cách rõ rệt nhất./.