Niềm tin soi sáng mọi chặng đường
NGUYỄN CAO SIÊNG
Ngày đầu giải phóng - ánh sáng từ niềm tin
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố Sài Gòn - Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) phải đối mặt với thực tế ngổn ngang: 70% số thanh niên thất nghiệp; 20% số học sinh, sinh viên chưa vào trường lớp; vấn đề dân tộc, tôn giáo, sắp xếp, quản lý phường, xã vô cùng phức tạp...
Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, những cuộc cải cách kinh tế cũ chưa phù hợp tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh; lạm phát tăng cao, có lúc lên đến 740%. Nguy hại hơn, sự sa sút, khủng hoảng ngày càng trầm trọng về kinh tế - xã hội đã kéo theo sự khủng hoảng lòng tin trong nhân dân. Công nhân bỏ nhà máy, xí nghiệp; công chức rời công sở; giáo viên bỏ trường học, nhiều người dân ngậm ngùi rời Thành phố, tạo làn sóng “thuyền nhân” vượt biên di tản...
Trước muôn vàn gian khó, nhưng với niềm tin sắt đá vào lý tưởng cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền đã tiếp thêm năng lượng cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, trí thức, thanh niên xung phong,... ở lại, hoặc tình nguyện trở về Thành phố bắt tay tái thiết. Chỉ 5 năm đầu sau giải phóng (1975 - 1980), hàng trăm nghìn lượt thanh niên Thành phố đã tích cực tham gia các chiến dịch kinh tế mới, góp phần khôi phục hạ tầng, phát triển sản xuất.
Những cứ liệu đó chính là minh chứng cho tinh thần bất khuất: tinh thần Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lòng Thành phố, từng xóm lao động, từng con hẻm nhỏ đều bừng sáng khí thế dựng xây.
Những lớp học tình thương, trạm y tế dã chiến, hợp tác xã thủ công nghiệp,... mọc lên khắp nơi. Mỗi người dân, dù là công nhân, trí thức, hay người “buôn gánh bán bưng” đều chung một khát vọng: xây dựng thành phố này thành biểu tượng của đổi mới và hồi sinh.
Bằng niềm tin - không phải trừu tượng, mà là cụ thể, sống động và hành động - TPHCM đã bước qua những tháng năm thử thách đầu tiên, đặt nền móng vững chắc cho sự bứt phá kỳ diệu trong giai đoạn đổi mới sau này.
Vị thế “người mở đường” trong công cuộc đổi mới
Khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, TPHCM đã khẳng định vai trò tiên phong, là nơi khởi phát nhiều đột phá táo bạo, mở lối cho nền kinh tế đất nước chuyển mình.
Trong bối cảnh cơ chế thị trường còn mới mẻ, hệ thống thể chế pháp lý chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, Thành phố đã chứng tỏ bản lĩnh của một đô thị dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, mô hình khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp vốn còn gây tranh cãi đã được các quận, huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi mạnh dạn áp dụng.
Thành phố cũng là địa phương tiên phong thực hiện khoán quản trị trong doanh nghiệp nhà nước, từng bước tháo gỡ cơ chế “xin - cho”, mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị sản xuất. Những đổi mới này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, mà còn tạo tiền đề cho việc hình thành Luật Doanh nghiệp sau này.
Không dừng lại ở đó, Thành phố chủ động hỗ trợ tiểu thương, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể phát triển. Chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Tân Định,... trở thành biểu tượng cho tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của người dân. Từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Thành phố là nơi đầu tiên trong cả nước xây dựng và vận hành các khu chế xuất, khu công nghiệp theo chuẩn quốc tế. Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) ra đời năm 1991 đã mở đường cho dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào nước ta mạnh mẽ. Từ đó, hàng chục khu công nghiệp khác lần lượt được triển khai, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia.
Không chỉ là “đầu tàu” kinh tế, Thành phố còn là nơi đi đầu trong cải cách hành chính, tài chính, quản lý đô thị. Thí điểm mô hình “một cửa liên thông”, ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, xây dựng đô thị thông minh,... là những minh chứng cho tinh thần đổi mới không ngừng nghỉ.
Năng động, sáng tạo, nghĩa tình và luôn đặt niềm tin vào tương lai - đó là cốt cách giúp Thành phố không ngừng bứt phá. TPHCM không chỉ là biểu tượng của một đô thị hiện đại mà còn là “người mở đường” vững vàng trên hành trình phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.
Trong gian khó, niềm tin càng bền chặt
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi cả nước chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, TPHCM phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Lạm phát có thời điểm lên đến 3 con số, chênh lệch giàu nghèo, tệ nạn xã hội gia tăng nhanh chóng...
Không né tránh thực tế, Thành phố đề ra những chính sách đột phá trong quản lý kinh tế, kiểm soát giá cả, phát triển an sinh xã hội, đồng thời phát động nhiều phong trào giữ gìn trật tự đô thị, chăm lo người nghèo,... đạt nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo của Thành phố.
Thử thách khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại của TPHCM phải nhắc đến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vào năm 2021. Biến chủng Delta lan nhanh, gây tổn thất chưa từng có: hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn gia đình lâm vào cảnh khó khăn, hệ thống y tế quá tải, kinh tế tê liệt, các hoạt động xã hội bị gián đoạn nghiêm trọng.
Thành phố từng ngày trải qua nỗi đau và mất mát, nhưng cũng chính trong thời khắc đen tối đó, ngọn lửa niềm tin và tinh thần đoàn kết đã bừng lên mãnh liệt.
Từ những “ATM gạo” giữa lòng thành phố, bếp ăn 0 đồng ở từng ngõ phố, đến các chuyến xe nghĩa tình len lỏi khắp hẻm nhỏ, hàng nghìn y bác sĩ, tình nguyện viên từ các tỉnh, thành phố khẩn trương chi viện và hình ảnh những chiến sĩ áo xanh, áo trắng thức trắng đêm vì dân đã vẽ nên một bức tranh TPHCM đầy tình người.
Chính quyền Thành phố đã khéo léo huy động mọi nguồn lực xã hội, vận hành các “trạm y tế lưu động”, “trung tâm oxy”, mô hình “tổ dân phố chống dịch”,... mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác cứu chữa và hỗ trợ nhân dân.
Và rồi, TPHCM đã đứng dậy với một tốc độ phục hồi đáng kinh ngạc. Chỉ sau 1 năm, kinh tế Thành phố đã tăng trưởng trở lại 9,03% (năm 2022), thu hút gần 4 tỷ USD vốn FDI, lượng khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ, đời sống người dân từng bước ổn định.
Những lễ hội văn hóa - nghệ thuật sôi động trở lại, dòng người nô nức ở các tuyến phố, trung tâm thương mại, chợ truyền thống như một minh chứng sống động cho niềm tin vào sự hồi sinh.
Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định, dù trong gian khó, niềm tin của người dân đối với Đảng bộ và chính quyền Thành phố vẫn luôn là cột trụ vững vàng, nguồn năng lượng tái tạo sức mạnh, đưa Thành phố tiếp tục sứ mệnh “đầu tàu” trên hành trình xây dựng một Việt Nam phát triển, hiện đại và nhân văn.
Đô thị đổi mới - niềm tin vào một tương lai hiện đại, nhân văn
Từ một thành phố từng gánh chịu những tàn phá nặng nề sau chiến tranh, trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, TPHCM hôm nay đã vươn mình trở thành đô thị hiện đại, năng động và đầy khát vọng vươn xa.
Những con đường cao tốc kết nối liên vùng như TPHCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Chơn Thành; Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được mở rộng; tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi vào hoạt động,... là những minh chứng rõ nét cho tầm vóc mới của thành phố mang tên Bác.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi từng là vùng đất lầy hoang hóa - đang dần thành hình một trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai, với những tòa cao ốc hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ và các nhà đầu tư chiến lược đổ về ngày càng đông. TPHCM không chỉ tái thiết đô thị, mà còn tái định hình tư duy phát triển: từ phục hồi sau chiến tranh đến kiến tạo một tương lai bền vững.
Bước vào kỷ nguyên số và hội nhập sâu rộng, Thành phố xác định rõ mục tiêu trở thành trung tâm tài chính - công nghệ - giáo dục - đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Một trong những bước đi chiến lược là phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông, nay là thành phố Thủ Đức. Với hệ sinh thái gồm trường đại học, khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và khởi nghiệp, nơi đây được kỳ vọng trở thành “thung lũng Silicon” của Việt Nam.
Thành phố đặt niềm tin vào trí tuệ của thế hệ trẻ, vào lực lượng doanh nhân khởi nghiệp bản địa, vào khát vọng “vượt lên chính mình” không chỉ để phát triển, mà còn để dẫn dắt sự phát triển.
Song song với phát triển hạ tầng và kinh tế, Thành phố luôn đặt con người làm trung tâm của đổi mới. Các chính sách cải cách hành chính như mô hình “chính quyền đô thị”, cơ chế “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và “số hóa dữ liệu dân cư” đang dần đem lại trải nghiệm hành chính minh bạch, tiện lợi cho người dân.
Nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai như “Cổng 1022”, “Ứng dụng Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh”, nền tảng phản ánh hiện trường,... không chỉ giúp chính quyền gần dân hơn mà còn góp phần nâng cao sự hài lòng, củng cố niềm tin vào bộ máy công quyền phục vụ.
Thành phố hôm nay đang chuyển mình với khí thế mới, tiềm lực mới. Một đô thị không chỉ mang khát vọng lớn, mà còn sở hữu nền tảng con người nhân văn, trí tuệ và đoàn kết.
Trong hành trình hướng tới tương lai, chính niềm tin vào đổi mới một cách toàn diện, bền vững và nhân bản sẽ tiếp tục là nguồn lực lớn nhất đưa TPHCM tiến xa, xứng đáng với vai trò “đầu tàu”, lan tỏa động lực phát triển cho cả nước./.
Các bài cũ hơn



