18/05/2024 | 20:53 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng ở Nga

Nguyễn Sơn
Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối trong xã hội Nga. Các nghiên cứu cho thấy, vấn nạn đó chỉ có thể giảm thiểu và loại bỏ nếu tăng cường kiểm soát quyền lực. Kế hoạch quốc gia chống tham nhũng hiện nay đang từng bước làm được điều đó.

Ngày 16-8-2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua Kế hoạch chống tham nhũng quốc gia giai đoạn 2021 - 2024_Ảnh: Reuters

“Không bôi trơn thì khỏi lăn bánh”

Theo pháp luật Liên bang Nga hiện hành, tham nhũng là hành vi đưa và nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và vị trí công tác xâm hại lợi ích hợp pháp của xã hội và nhà nước nhằm mục đích vụ lợi dưới dạng tiền mặt, tài sản hoặc các dịch vụ vật chất cho mình hoặc thể nhân/pháp nhân thứ ba. Nạn tham nhũng từ lâu đã nhức nhối trong xã hội Nga, thể hiện trong những câu tục ngữ như “không bôi trơn thì khỏi lăn bánh”, “tòa thì thẳng nhưng quan tòa lại cong”... Nó cũng được đề cập trong các tác phẩm văn học, từ cổ điển như tác giả Gogol và Pushkin đến đương đại như tác giả Zhvanetsky và Bykov. Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) luôn xếp Nga ở mức độ có tham nhũng cao. Năm 2015, Nga bị xếp thứ 119 trên tổng số 167 quốc gia được TI khảo sát. Các cuộc khảo sát dư luận xã hội trong nước cũng cho thấy, người dân không hiếm khi đụng chạm với nạn tham nhũng và phần lớn cho rằng tham nhũng là một vấn nạn cần triệt bỏ khỏi đời sống xã hội.

Nhiều vụ việc tham nhũng ở Nga thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Năm 2001, Bộ trưởng Tư pháp Valentin Kovaliev bị kết án 9 năm tù vì nhiều lần nhận hối lộ. Năm 2011, vụ các sòng bạc lậu ở ngoại ô Moscow được cho là do chính các công tố địa phương bảo kê, nhưng sau 2 năm điều tra, tất cả các đương sự đều vô tội. Năm 2016, Giám đốc điều hành công ty dầu lửa Rosneft Igor Sechin tố cáo Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Aleksei Uliukaev đòi công ty ông chi 2 triệu USD hối lộ dẫn đến việc vị bộ trưởng bị bắt. Công việc kinh doanh của nữ tỷ phú Elena Baturina cũng khiến dư luận xôn xao do bà kinh doanh bất động sản trong phạm vi thành phố Moscow, nơi chồng bà - Yuri Luzhkov - làm thị trưởng.

Loại hình tham nhũng thường thấy ở giới thượng lưu chính trị là kiếm lợi từ các dự án đầu tư lớn dưới hình thức thông thầu và chỉ định thầu, mua sắm, đầu tư công với giá cao vọt, cho vay từ những quỹ an sinh xã hội rồi không thu hồi được các khoản vay. Ở tầng nấc thấp hơn, tham nhũng thường xảy ra trong các ưu đãi thuế, bán rẻ nhà đất công và tài nguyên, kiểm soát và bảo kê kinh tế ngầm, nâng đỡ và thăng chức các nhân viên yếu kém, đổi tội danh và xử kịch sàn khung hình phạt cho các vi phạm pháp luật, bảo kê các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm chất lượng thấp, hỗ trợ trốn thuế và thông quan, gian lận tuyển sinh và mua, bán bằng cấp giả, tổ chức các cuộc thanh kiểm tra doanh nghiệp phiền phức tới mức đối tượng buộc phải đưa hối lộ.

Chú trọng kiểm soát từ bên trong

Phần lớn các chuyên gia pháp lý Nga cho rằng, mức độ tham nhũng cao là do thể chế chưa hoàn thiện; các luật, quy định chưa rõ ràng và các nhân viên của bộ máy quan liêu lợi dụng kẽ hở đó để gây khó dễ cho người dân, mức độ minh bạch thấp, quyền tiếp cận thông tin của người dân bị hạn chế. Nhiều ý kiến còn cho rằng, mức độ tham nhũng cao còn do lương công chức, viên chức thấp so với khu vực tư nhân, nhà nước can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế, các dịch vụ công độc quyền, thiếu sự tham gia xã hội hóa của tư nhân. Từ đó, các chuyên gia thống nhất 4 phương thức để giảm thiểu tham nhũng. Một là, tinh giảm bộ máy nhà nước đến mức tối ưu, giải thể các cơ quan nhà nước không còn lý do để tồn tại hoặc thường có biểu hiện tham nhũng. Hai là, chặt chẽ hóa các quy định của luật khiến không thể diễn giải luật theo nhiều cách hiểu khác nhau. Ba là, tạo lập các cơ chế kinh tế cho phép công chức, viên chức nâng cao thu nhập bảo đảm xã hội mà không vi phạm các quy định pháp luật. Bốn là, tăng cường vai trò của thị trường, cạnh tranh và xử phạt để giảm lợi nhuận kỳ vọng do tham nhũng xuống thấp tới mức các bên không còn thiết tha với tham nhũng.

Các chuyên gia cũng thống nhất vai trò quan trọng của việc kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, bao gồm kiểm soát từ bên trong bộ máy quan liêu và từ bên ngoài bộ máy. Từ bên trong, phải tạo lập các cơ chế vận hành nội bộ và khuyến khích công chức, viên chức với các tiêu chuẩn làm việc rõ ràng và cơ chế kiểm tra, kiểm soát gắt gao đến từng công chức, viên chức; trong đó đặc biệt lưu ý đến các cơ chế tự động, tự kiểm. Từ bên ngoài, đó là các cơ chế kiểm soát không phụ thuộc trực tiếp vào nhánh hành pháp: hệ thống tư pháp độc lập và hiệu quả; hệ thống thông tin minh bạch, ý kiến dư luận và báo chí.

Thoạt nhìn, có vẻ như các biện pháp kiểm soát từ bên ngoài giúp ngăn ngừa tham nhũng tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế ở nước Nga cho thấy, chính các biện pháp kiểm soát từ bên trong mới ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả nhất. Các quy định chống tham nhũng từ bên trong thường rất dễ xung đột với các quyền tự do cá nhân (của công chức, viên chức) được ghi nhận trong Hiến pháp, thành thử cần giám định kỹ lưỡng các quy định đó trước khi đưa vào sử dụng.

Độ mở của các cơ quan công quyền và nhân viên của các cơ quan ấy là một điều kiện quan trọng cho việc kiểm soát quyền lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, cần có những biện pháp bổ sung để bảo vệ thông tin mật và thông tin cá nhân, vốn rất dễ bị kẻ xấu khai thác, lạm dụng.

Bên cạnh các biện pháp kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, việc nâng cao các bảo đảm xã hội cho công chức, viên chức cũng rất quan trọng. Không chỉ nâng mức tiền lương, việc cung cấp bảo hiểm y tế cao cấp, tín dụng mua bất động sản, quyền lợi khi về hưu tốt cho họ cũng góp phần không nhỏ trong việc ngăn ngừa tham nhũng: họ sợ mất những thứ đó khi tham nhũng bị phát giác và do đó, sẽ ngần ngại hơn khi có ý định tham nhũng.

Các biện pháp đáng chú ý

Năm 2008, Tổng thống Dmitri Medvedev ký Sắc lệnh Kế hoạch quốc gia chống tham nhũng. Đó là văn kiện hệ thống mang tính cương lĩnh, được điều chỉnh bởi tổng thống 2 đến 3 năm một lần. Kế hoạch hiện nay được Tổng thống Vladimir Putin ban hành năm 2021, bao gồm các biện pháp đáng chú ý sau:

Thứ nhất, bảo vệ người tố cáo. Chánh công tố liên bang tăng cường các biện pháp bảo vệ người tố cáo khỏi các hành động trả thù, trù úm, xâm phạm lợi ích của họ từ người bị tố cáo.

Thứ hai, điều tiết các xung đột lợi ích. Chính phủ liên bang phải có biện pháp ngăn ngừa xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý các doanh nghiệp đó.

Thứ ba, nâng cao tính minh bạch. Tạo lập ngân hàng dữ liệu thống nhất có độ mở cao về tài sản và thu nhập của công chức, viên chức; ghi nhận kịp thời các thay đổi về tài sản, những thu nhập bất thường và quà tặng giá trị của họ; không bỏ sót các bất động sản và tài khoản nước ngoài của họ; mở cho báo chí và các cá nhân quan tâm tiếp cận dễ dàng những thông tin này.

Thứ tư, đẩy mạnh giáo dục chống tham nhũng. Biện pháp này được mở rộng bằng những buổi hội thảo thường xuyên và bất thường sâu rộng; đưa học phần chống tham nhũng thành môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo ngành quản lý nhà nước và chính quyền địa phương; tạo thái độ không khoan nhượng của toàn xã hội đối với hành vi tham nhũng; nghiên cứu tăng cường tính hiệu quả của công tác chống tham nhũng.

Thứ năm, luật hóa hoạt động vận động hành lang để kiểm soát các hành vi tác động đến quyền lực một cách minh bạch, công bằng.

Việc kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kế hoạch quốc gia chống tham nhũng đã tác động tích cực đến tình trạng tham nhũng ở Nga. Các khảo sát của Công ty kiểm toán Anh quốc Ernst & Young và Công ty tư vấn quốc tế PricewaterhouseCoopers đều ghi nhận tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh của Nga giảm đi rõ rệt. Theo thư ký khoa học của Viện Dự báo kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Dmitri Kubalin, kết quả đó là nhờ quyền lực đang được kiểm soát, hệ thống tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật đang từng bước được hoàn thiện./.