16/10/2024 | 01:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Năng lượng tái tạo


Chiếm gần 20% tổng sản lượng năng lượng toàn cầu, việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và trong tương lai, mà còn là lựa chọn tất yếu để tránh những tác động tồi tệ từ tình trạng biến đổi khí hậu, hiện thực hóa mục tiêu giảm gần một nửa lượng phát thải ròng vào năm 2030 và bằng 0 vào năm 2050. Với sự sẵn có, mức giá rẻ cùng sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ và việc mở rộng khả năng tiếp cận..., năng lượng tái tạo cũng sẽ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của các quốc gia, cộng đồng và từng gia đình; đồng thời tạo ra ngày càng nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh mới.
Mặc dù vậy, việc sử dụng, phát triển năng lượng tái tạo đã và đang phải đối mặt với không ít thách thức về kinh tế, chính sách..., đòi hỏi mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế phải có những giải pháp tổng thể phù hợp, khả thi.

I. Năng lượng tái tạo


Năng lượng

Năng lượng là gì?

Trong vật lý, năng lượng là đại lượng đặc trưng cho khả năng sinh công của vật, là số đo liên quan đến chuyển động vật chất, gồm cả các hạt cơ bản và từ trường.

Theo cách hiểu thông dụng, năng lượng là khả năng làm biến đổi về trạng thái hoặc thực hiện công năng, tác dụng lên một hệ vật chất. Xã hội có thể phát triển được như hiện nay là do con người đã học được cách biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác và sử dụng nguồn năng lượng này để làm việc. Chẳng hạn như thực phẩm một người ăn có chứa năng lượng và cơ thể một người dự trữ năng lượng này cho đến khi người đó sử dụng nó làm động năng trong quá trình làm việc hoặc giải trí. Năng lượng hóa học dự trữ trong than đá, khí đốt tự nhiên và động năng của nước chảy trong sông suối có thể được chuyển đổi thành năng lượng điện, từ đó có thể được chuyển đổi thành ánh sáng và nhiệt... Trong công nghiệp, năng lượng giúp vận hành các loại máy móc thiết bị, sử dụng cho hệ thống chiếu sáng, sản xuất, phân phối hàng hóa...

Khi đề cập đến năng lượng, chúng ta thường nghĩ ngay đến năng lượng điện. Tuy nhiên, điện chỉ là một loại năng lượng thứ cấp hữu ích được sản xuất từ các nguồn năng lượng sơ cấp và hiện chỉ chiếm 1/5 tổng lượng năng lượng tiêu thụ toàn cầu.

Các nguồn năng lượng

Nếu không tính tới các nguồn năng lượng để duy trì sự tồn tại và phát triển của cơ thể sống, hiện nay có nhiều nguồn năng lượng đang được sử dụng. Các nguồn năng lượng này được phân ra thành 2 loại: năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo.

- Năng lượng không tái tạo: bao gồm than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, uranium... Đây là những nguồn năng lượng không tái tạo được và sản lượng có giới hạn. Ví dụ dầu mỏ, than phải mất hàng trăm triệu năm mới được hình thành.

Một số cột mốc đáng chú ý

- Năm 1876, Giáo sư William Grylls Adams (Anh) và các học trò đã chứng minh việc sử dụng các tế bào selen để khai thác các tia từ Mặt trời để tạo ra điện, từ đó thúc đẩy việc nghiên cứu năng lượng Mặt trời.

- Năm 1882, nhà máy thủy điện đầu tiên trên thế giới đã đi vào hoạt động trên sông Fox (Wisconsin, Mỹ).

- Năm 1888, Charles F. Brush phát minh ra chiếc cối xay gió đầu tiên được sử dụng để tạo ra điện tại một trang trại ở Cleveland, Ohio (Mỹ).

- Năm 1905, nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein hoàn thiện “hiệu ứng quang điện”, nghiên cứu cách các tế bào ánh sáng mang các dạng năng lượng mạnh có thể được khai thác để cung cấp năng lượng. Năm 1921, Einstein giành được giải Nobel Vật lý cho công trình nghiên cứu này.

- Năng lượng tái tạo: bao gồm năng lượng Mặt trời, gió, thủy năng, năng lượng sinh khối, địa nhiệt... Đây là các loại năng lượng có nguồn gốc từ các nguồn tự nhiên có sẵn ở xung quanh chúng ta, được bổ sung với tốc độ cao hơn mức tiêu thụ và có thể hồi phục trong thời gian ngắn.


Năng lượng tái tạo - nguồn năng lượng mới?

Mặc dù được xem là nguồn năng lượng của tương lai, nhưng trên thực tế, năng lượng tái tạo đã được sử dụng ngay từ thời kỳ đầu của nền văn minh nhân loại, khi con người sử dụng sức mạnh của Mặt trời, gió và nước cho rất nhiều mục đích khác nhau, từ những việc đơn giản nhất như phơi quần áo, lương thực... Vào những năm 3500 Trước công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã biết sử dụng gió để vận hành thuyền buồm. Tiếp đó, người Hy Lạp và La Mã cổ đại sử dụng máy bơm nước chạy bằng sức gió để tưới cho cây trồng; người Trung Quốc và Ba Tư cổ đại sử dụng guồng nước để xay ngũ cốc... Đến những năm 200 Trước công nguyên, guồng nước được sử dụng khá phổ biến tại châu Âu. Vào khoảng năm 635, cối xay gió đã xuất hiện trên khắp các vùng rộng lớn của Trung Đông, Trung Á và cho tới 10 thế kỷ sau, các cối xay gió đã trở thành một hình ảnh phổ biến tại châu Âu.

Tương tự, các kỹ thuật cốt lõi của năng lượng Mặt trời cũng đã được thực hành qua nhiều thế hệ và đến năm 1860, hệ thống năng lượng Mặt trời hoàn thiện đầu tiên trên thế giới được phát minh bởi nhà đầu tư người Pháp Augustin Mouchot...


II. Phát triển năng lượng tái tạo và những kỳ vọng


Lựa chọn cho hiện tại và tương lai

Việc phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua, nhất là những năm gần đây, đã tạo bước ngoặt quan trọng trong phát triển hệ thống năng lượng toàn cầu. Điều đó bắt nguồn từ những lợi thế, cũng như hiệu quả to lớn mà nguồn năng lượng này mang lại.

Nguồn năng lượng sẵn có

Theo ước tính của Liên hợp quốc, hiện nay khoảng 80% dân số toàn cầu (khoảng 6 tỷ người) sống ở các quốc gia nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch. Việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia khác khiến họ trở nên dễ bị tổn thương trước các cú sốc và khủng hoảng địa - chính trị.

Ngược lại, các nguồn năng lượng tái tạo có sẵn ở tất cả các quốc gia và tiềm năng của chúng vẫn chưa được khai thác hết. Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) ước tính rằng, 90% điện năng trên thế giới có thể và sẽ đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Như vậy, năng lượng tái tạo mang đến một giải pháp thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu, cho phép các quốc gia đa dạng hóa nền kinh tế và bảo vệ họ khỏi sự biến động khó lường về giá của nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, tạo việc làm mới và xóa đói, giảm nghèo.

Nguồn năng lượng rẻ hơn

Năng lượng tái tạo thực sự là lựa chọn năng lượng rẻ nhất ở hầu hết các nơi trên thế giới hiện nay. Giá cho các công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm nhanh chóng. Từ năm 2010 đến năm 2020, chi phí sản xuất điện từ năng lượng Mặt trời đã giảm tới 85%, trong khi chi phí năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi đã giảm lần lượt 56% và 48%.

Xu thế giá giảm làm cho năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn, nhất là đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi chiếm phần lớn mức gia tăng nhu cầu sử dụng điện. Theo dự báo, điện giá rẻ từ các nguồn tái tạo có thể cung cấp 65% tổng nguồn cung cấp điện của thế giới vào năm 2030; đồng thời có thể khử 90% lượng carbon của ngành điện vào năm 2050, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu.

IEA cho biết, mặc dù chi phí điện Mặt trời và điện gió dự kiến sẽ vẫn cao hơn vào năm 2022 và 2023 so với mức trước đại dịch do giá hàng hóa và vận chuyển hàng hóa nói chung tăng cao, nhưng khả năng cạnh tranh của chúng vẫn bảo đảm do giá khí đốt và than đá tăng cao hơn.

Tốt cho sức khỏe hơn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 99% số người dân trên thế giới hít thở không khí vượt quá giới hạn an toàn. Mỗi năm, trên thế giới có hơn 13 triệu ca tử vong do các nguyên nhân môi trường có thể tránh được, bao gồm cả tình trạng không khí ô nhiễm.

Mức độ ô nhiễm bụi mịn và các chất có hại trong không khí chủ yếu bắt nguồn từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Năm 2018, ô nhiễm không khí từ nhiên liệu hóa thạch đã gây thiệt hại 2.900 tỷ USD chi phí kinh tế và sức khỏe. Do đó, việc chuyển sang khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng sạch không chỉ giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà còn góp phần giảm tình trạng ô nhiễm không khí, từ đó bảo đảm sức khỏe con người.

Tạo việc làm tốt hơn

IEA ước tính, mỗi USD đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể tạo ra số việc làm gấp 3 lần so với ngành nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 sẽ dẫn đến sự gia tăng tổng thể về việc làm trong ngành năng lượng: trong khi khoảng 5 triệu việc làm trong sản xuất nhiên liệu hóa thạch có thể bị mất vào năm 2030, khoảng 14 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng sạch, dẫn đến mức tăng ròng 9 triệu việc làm.

Ngoài ra, các ngành liên quan đến năng lượng sẽ cần thêm 16 triệu lao động, chẳng hạn như để đảm nhận các vai trò mới trong sản xuất xe điện và các thiết bị siêu tiết kiệm năng lượng hoặc trong các công nghệ tiên tiến như hydro. Điều này có nghĩa là tổng cộng hơn 30 triệu việc làm có thể được tạo ra trong các công nghệ năng lượng sạch, hiệu quả và ít khí thải vào năm 2030.

Ý nghĩa kinh tế

Năm 2020, khoảng 5.900 tỷ USD đã được sử dụng để hỗ trợ cho ngành nhiên liệu hóa thạch, thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, giảm thuế và giải quyết những thiệt hại về sức khỏe, môi trường mà không được tính vào chi phí của nhiên liệu hóa thạch.

Để so sánh, khoảng 4.000 tỷ USD mỗi năm cần được đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo cho đến năm 2030 để cho phép chúng ta đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Mặc dù chi phí trả trước có thể gây khó khăn cho nhiều quốc gia có nguồn lực hạn chế, nhiều quốc gia sẽ cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để thực hiện quá trình chuyển đổi này; nhưng việc đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn sẽ mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như riêng việc giảm ô nhiễm và tác động khí hậu có thể tiết kiệm cho thế giới tới 4.200 tỷ USD mỗi năm. Hơn nữa, các công nghệ năng lượng tái tạo hiệu quả, đáng tin cậy có thể tạo ra một hệ thống ít bị ảnh hưởng bởi các cú sốc thị trường hơn, đồng thời cải thiện khả năng phục hồi và bảo đảm an ninh năng lượng.

Kỳ vọng mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Theo IEA, những lo ngại về an ninh năng lượng trong thời gian gần đây đã thúc đẩy các quốc gia chú trọng việc phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời và gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, vốn có giá tăng đột biến. Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 2.400 gigawatt (GW) trong giai đoạn 2022 - 2027, tương đương với toàn bộ công suất điện của Trung Quốc hiện nay.

Báo cáo Renewables 2022 - ấn bản mới nhất của IEA về lĩnh vực năng lượng cũng nhận định, mức tăng trưởng dự kiến này sẽ giúp năng lượng tái tạo chiếm hơn 90% lượng điện mở rộng toàn cầu trong 5 năm tới, vượt qua than đá để trở thành nguồn điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025.

Cụ thể, tại châu Âu, nơi các chính phủ và doanh nghiệp đang tìm cách nhanh chóng thay thế khí đốt của Nga, lượng công suất năng lượng tái tạo được bổ sung trong giai đoạn 2022 - 2027 được dự báo sẽ cao gấp đôi so với 5 năm trước đó, do sự kết hợp của các mối lo ngại về an ninh năng lượng và tham vọng khí hậu.

Ngoài châu Âu, việc điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo trong 5 năm tới còn được thúc đẩy bởi Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ - những nước đang thực hiện các chính sách cải cách thị trường để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo kết quả của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 gần đây, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa công suất năng lượng tái tạo mới được bổ sung trên toàn cầu trong giai đoạn 2022 - 2027. Trong khi đó, Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đã cung cấp hỗ trợ mới và tầm nhìn dài hạn cho việc mở rộng năng lượng tái tạo ở Mỹ.

Xét về nguồn phát, quang điện Mặt trời quy mô tiện ích và năng lượng gió trên bờ sẽ là những lựa chọn rẻ nhất để phát điện mới ở phần lớn các quốc gia trên thế giới. Trong đó, công suất điện Mặt trời toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp gần 3 lần trong giai đoạn 2022 - 2027, vượt qua than đá và trở thành nguồn công suất điện lớn nhất trên thế giới. Việc lắp đặt các tấm pin Mặt trời trên mái nhà dân cư và thương mại sẽ tăng tốc, giúp người tiêu dùng giảm hóa đơn tiền điện.

Trong khi đó, công suất năng lượng gió toàn cầu cũng tăng gần gấp đôi trong giai đoạn dự báo, với các dự án ngoài khơi chiếm 1/5 mức tăng trưởng. Tính chung, năng lượng gió và Mặt trời sẽ chiếm hơn 90% công suất năng lượng tái tạo được bổ sung trong vòng 5 năm tới...

Theo IEA, sự tăng trưởng năng lượng tái tạo nhanh hơn trong giai đoạn tới sẽ đưa thế giới đến gần hơn với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và mang lại cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C.


III. Một số quốc gia với việc phát triển năng lượng tái tạo


Mỹ: Đi tiên phong, đầu tư rất lớn

Trong những năm qua, Chính phủ Mỹ đã đầu tư rất lớn cho việc phát triển năng lượng tái tạo, trở thành một trong những nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới và đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Sau sự tăng trưởng chưa từng có của năng lượng gió và Mặt trời do chi phí thấp và các chính sách của tiểu bang, hiện nay, năng lượng tái tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống năng lượng của Mỹ, đặc biệt trong sản xuất điện (năm 2018, năng lượng tái tạo chiếm 17% sản lượng điện). Trong 10 năm kể từ năm 2008, nguồn cung cấp năng lượng tái tạo tại nước này đã tăng 50% và tỷ trọng của nguồn năng lượng này trong tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp (TPES) tăng từ 5% lên 8% vào năm 2018; đồng thời chiếm 9% tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng (TFC). Mặc dù gió và Mặt trời đang phát triển nhanh chóng nhưng nguồn năng lượng tái tạo chính trong cung cấp năng lượng sơ cấp vẫn là năng lượng sinh học và chất thải, tiếp theo là thủy điện. Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của năng lượng sinh học là từ việc sử dụng nhiên liệu sinh học rắn trong sản xuất điện, ngành giấy và bột giấy; nhiên liệu sinh học (xăng ethanol, dầu diesel sinh học) trong giao thông vận tải. Hiện Mỹ là nhà sản xuất xăng sinh học lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng toàn cầu.

Để đạt được những kết quả này, nhiều công cụ chính sách ở cấp liên bang và tiểu bang để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo cũng được thực hiện, trong đó có chính sách tín dụng thuế đầu tư (ITC). Cụ thể, theo Đạo luật Chính sách năng lượng năm 2005, việc lắp đặt năng lượng Mặt trời ở quy mô dân cư, thương mại được hỗ trợ tín dụng thuế đầu tư 30%. Sau năm 2021, các khoản tín dụng thuế dân cư giảm xuống 0%, trong khi các dự án quy mô thương mại và tiện ích sẽ giảm xuống 10%. Luật cũng thay đổi tiêu chuẩn của các dự án từ những dự án đang phục vụ sang những dự án bắt đầu xây dựng, cho phép nhiều dự án đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng.

TỪ năm 1978, Mỹ đã thông qua Đạo luật CHÍnh sách điều tiết tiện ích CÔNg cộng (PURPA) nhằm thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế (bao gồm năng lượng tái tạo) và thiết lập thị trường minh bạch cho các nhà sản xuất điện từ năng lượng tái tạo; hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh với sự tham gia của các nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tập trung nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong đó, Bộ Năng lượng (DOE) chủ trì nhiều hoạt động R&D trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (bao gồm năng lượng Mặt trời, gió, nước và địa nhiệt) tập trung vào các công nghệ giúp điện tái tạo có chi phí cạnh tranh với các nguồn phát điện khác.

Nghiên cứu “Triển vọng năng lượng tái tạo” do Cơ quan Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) thuộc DOE dự báo, đến năm 2050 nước này có thể sản xuất ra 80% điện năng từ năng lượng tái tạo bằng công nghệ hiện có, bao gồm turbine gió, điện quang Mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, địa nhiệt và thủy điện.

Trung Quốc: Lĩnh vực ưu tiên để phát triển công nghiệp công nghệ cao

Từ năm 2006, Trung Quốc thông qua Luật Năng lượng tái tạo nhằm phát triển các nguồn năng lượng lượng gió, Mặt trời, nước, sinh khối, địa nhiệt và năng lượng đại dương. Năng lượng tái tạo cũng trở thành lĩnh vực ưu đãi phát triển năng lượng theo luật này. Hơn nữa, việc nghiên cứu và phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo được xem là lĩnh vực ưu tiên để phát triển công nghiệp công nghệ cao trong chương trình quốc gia. Theo Luật Năng lượng tái tạo, Hội đồng Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện và quản lý tổng thể việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo ở cấp quốc gia, từ việc đưa ra các mục tiêu trung và dài hạn đến việc chuẩn bị các kế hoạch quốc gia để thực hiện những mục tiêu này. Các tiêu chuẩn cho công nghệ năng lượng tái tạo cũng được thiết lập bởi các cơ quan tiêu chuẩn hóa của Hội đồng Nhà nước.

Năm 2016, Kế hoạch 5 năm phát triển năng lượng tái tạo (2016 - 2020) đã được Tổng cục Năng lượng quốc gia thông qua, với các mục tiêu chính là: tăng tỷ trọng năng lượng phi hóa thạch trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 15% vào năm 2020 và 20% vào năm 2030; tăng công suất điện tái tạo được lắp đặt lên 680GW vào năm 2020; tăng công suất điện gió lắp đặt lên 210GW; dẫn đầu đổi mới công nghệ năng lượng tái tạo; hỗ trợ hơn nữa sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo ở Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong lĩnh vực này.

Sách trắng về phát triển năng lượng của Trung Quốc cũng xác định ưu tiên hơn nữa cho phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu “dẫn đầu” về phát điện quang điện, thúc đẩy việc sử dụng nhiệt Mặt trời, các dự án nước nóng tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ công cộng, đồng thời thực hiện các dự án thí điểm sưởi ấm bằng năng lượng Mặt trời; phát triển và sử dụng năng lượng gió trên quy mô lớn; thúc đẩy sự phát triển xanh của thủy điện; phát triển năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt và năng lượng biển phù hợp với điều kiện địa phương; đồng thời cải thiện toàn diện tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo...

Thông qua sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhu cầu năng lượng không ngừng tăng cao của Trung Quốc trong những năm qua ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đã tăng lên đáng kể (năm 2019, tỷ lệ sử dụng năng lượng gió trung bình toàn quốc đạt 96%, tỷ lệ sử dụng phát điện quang điện đạt 98% và tỷ lệ sử dụng năng lượng nước ở các lưu vực sông lớn đạt 96%.

Theo tính toán, từ năm 2019 đến năm 2024, Trung Quốc chiếm tới 40% tổng công suất năng lượng tái tạo mở rộng trên toàn cầu, tập trung vào điện Mặt trời và gió trên bờ. Trong cùng thời kỳ, Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm gần một nửa mức tăng trưởng quang điện phân tán toàn cầu, vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để trở thành nước dẫn đầu thế giới về công suất lắp đặt vào năm 2021. Trung Quốc cũng sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu về sản xuất nhiên liệu sinh học.

Ấn Độ: An ninh năng lượng được cải thiện nhờ năng lượng sạch

Ấn Độ có nền kinh tế đang phát triển nhanh, đã chứng kiến nhu cầu năng lượng tăng nhanh khi đất nước tiếp tục đô thị hóa và lĩnh vực sản xuất phát triển. Để đáp ứng nhu cầu này, bên cạnh việc bảo đảm nguồn năng lượng không tái tạo, Chính phủ Ấn Độ đã không ngừng nâng cao khả năng cung cấp thông qua một loạt cải cách thị trường năng lượng và tích hợp một tỷ lệ cao các nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện. Theo đánh giá, an ninh năng lượng của Ấn Độ đã được cải thiện thông qua việc đầu tư lớn vào năng lượng sạch. Trong giai đoạn 2016 - 2018, tỷ trọng điện Mặt trời và điện gió đã tăng gấp đôi trong cơ cấu sản xuất điện, từ 4% lên 8%.


Ấn Độ đã hoàn thành vượt mức cam kết đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh COP 21 - Paris qua việc nâng công suất điện từ nhiên liệu phi hóa thạch lên 40% - trước gần 9 năm so với cam kết, trong đó tỷ lệ năng lượng Mặt trời và gió trong cơ cấu năng lượng của Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, điện tái tạo tại Ấn Độ đang phát triển với tốc độ nhanh hơn so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác, với công suất bổ sung mới đang trên đà tăng gấp đôi vào năm 2026.

Hiện Chính phủ Ấn Độ đang tiếp tục tập trung vào việc cung cấp năng lượng an toàn, giá cả phải chăng và bền vững, đồng thời đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng và giảm ô nhiễm không khí tại địa phương. Cụ thể, nước này đặt mục tiêu đáp ứng 50% nhu cầu điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.


IV. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo - yêu cầu và giải pháp


Cộng đồng quốc tế thống nhất cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng toàn cầu sang năng lượng tái tạo để tạo bước đột phá trong việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Tại buổi công bố Báo cáo Hiện trạng khí hậu toàn cầu cách đây 1 năm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nhấn mạnh 5 hành động quan trọng để thúc đẩy quá trình này.

Đưa công nghệ năng lượng tái tạo trở thành công ích toàn cầu

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, để công nghệ năng lượng tái tạo trở thành công ích toàn cầu, dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho những người giàu có, điều cần thiết là phải loại bỏ các rào cản đối với việc chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ, bao gồm cả việc loại bỏ rào cản về quyền sở hữu trí tuệ.

Các công nghệ thiết yếu như hệ thống lưu trữ pin cho phép năng lượng tái tạo, như năng lượng Mặt trời và gió, được lưu trữ và giải phóng khi mọi người, cộng đồng và doanh nghiệp cần điện. Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho biết, các công nghệ này sẽ giúp tăng tính linh hoạt của hệ thống năng lượng do khả năng độc đáo của chúng là hấp thụ, giữ và tái tạo điện một cách nhanh chóng. Hơn nữa, khi kết hợp với máy phát điện tái tạo, công nghệ lưu trữ pin có thể cung cấp điện đáng tin cậy và rẻ hơn trong các lưới điện đơn lẻ và cho các cộng đồng không có lưới điện ở các địa điểm xa xôi.

Cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu đối với các cấu phần và nguyên liệu thô

Nguồn cung cấp các cấu phần và nguyên liệu cho năng lượng tái tạo là rất cần thiết. Vì vậy, việc tiếp cận rộng rãi hơn đối với tất cả các vật liệu này, từ các khoáng chất cần thiết để sản xuất turbine gió và mạng lưới điện cho đến xe điện, sẽ là chìa khóa giúp ngành năng lượng tái tạo phát triển ổn định, bền vững.

Theo ông Guterres, cần có sự phối hợp quốc tế để mở rộng và đa dạng hóa nguồn lực sản xuất trên toàn cầu. Đặc biệt, cần có những khoản đầu tư lớn hơn để bảo đảm một quá trình chuyển đổi công bằng - từ đào tạo kỹ năng, R&D của con người đến những động lực để xây dựng chuỗi cung ứng thông qua các thực hành bền vững vì hệ sinh thái và văn hóa lâu dài.

Tạo “sân chơi công bằng” cho các công nghệ năng lượng tái tạo

Trong khi hợp tác và điều phối toàn cầu là chìa khóa, các khuôn khổ chính sách trong nước cũng phải được cải cách để hợp lý hóa và theo dõi nhanh các dự án năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân.

Công nghệ, năng lực và quỹ cho chuyển đổi năng lượng tái tạo từng tồn tại, nhưng cần có các chính sách và quy trình để giảm thiểu rủi ro thị trường cũng như cho phép và khuyến khích đầu tư. Bao gồm việc hợp lý hóa các quy trình lập kế hoạch, cấp phép và quản lý, đồng thời ngăn ngừa tắc nghẽn trong cung ứng - sản xuất. Nếu cần có thể xây dựng các Khu năng lượng tái tạo chuyên dụng (REZ).

Các đóng góp quốc gia rất quan trọng và mang tính quyết định, nhằm cắt giảm lượng khí thải và thích ứng với khí hậu. Mục tiêu năng lượng tái tạo là kìm chân mức tăng nhiệt độ không quá 1,50C, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện toàn cầu phải tăng từ 29% như hiện nay lên 60% vào năm 2030. Cần có các chính sách rõ ràng và minh bạch, thu hút sự hỗ trợ của công chúng, tận dụng tối đa các hệ thống truyền tải năng lượng hiện đại... Đây là chìa khóa thúc đẩy sự hấp thụ của các công nghệ năng lượng gió và năng lượng Mặt trời.

Chuyển trợ cấp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo

Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch là một trong những rào cản tài chính lớn nhất đối với tiến trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vừa không hiệu quả lại thiếu công bằng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tại các nước đang phát triển, khoảng một nửa nguồn lực công được chi để hỗ trợ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch mang lại lợi ích cho 20% dân số giàu nhất. Do vậy, việc chuyển trợ cấp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo không chỉ cắt giảm lượng khí thải mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm, sức khỏe cộng đồng tốt hơn và bình đẳng hơn, đặc biệt là cho những người nghèo và các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Tăng đầu tư gấp 3 vào cho năng lượng tái tạo

Theo Liên hợp quốc, cần ít nhất 4.000 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào năng lượng tái tạo cho đến năm 2030, để cho phép chúng ta đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Không chỉ không cao bằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch hằng năm, mà khoản đầu tư này còn có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Chỉ riêng việc giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến khí hậu đã có thể tiết kiệm cho thế giới tới 4.200 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Nguồn vốn không thiếu nếu không nói là có sẵn. Tuy nhiên, theo ông Guterres điều cần thiết là cam kết và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là từ các hệ thống tài chính toàn cầu, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương cho đến các tổ chức tài chính công và tư khác. Các tổ chức này cần điều chỉnh danh mục cho vay của mình theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.

Theo lời của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, “năng lượng tái tạo là con đường duy nhất dẫn đến an ninh năng lượng thực sự, giá điện ổn định và cơ hội việc làm bền vững”.


V. Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam


Một số kết quả tích cực

Trong những năm qua, tại Việt Nam, việc phát triển năng lượng tái tạo đã sớm được chú trọng thực hiện theo những định hướng tại Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24-10-2003, của Bộ Chính trị về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2007, của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 25-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược hướng đến việc khuyến khích, huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân cho phát triển năng lượng tái tạo để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá cả hợp lý cho mọi người dân; đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tăng nguồn cung cấp năng lượng trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cũng theo Chiến lược này, giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam tập trung xây dựng các chương trình phát triển hệ thống điện độc lập từ năng lượng tái tạo và điện quy mô gia đình cho khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện, năm 2030 hầu hết các hộ dân nông thôn được sử dụng nguồn năng lượng sạch, hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư phát triển nhà máy phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo nối lưới khả thi về kinh tế. Thực hiện hỗ trợ trên cơ sở cạnh tranh, bảo đảm nguồn điện có chi phí hợp lý được huy động vào hệ thống và phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo cho mục đích dài hạn. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển một số loại hình công nghệ năng lượng tái tạo hiện chưa khả thi về mặt kinh tế, trên cơ sở thí điểm có chọn lọc nhằm đánh giá khả năng khai thác, hoàn thiện công nghệ, định hình thị trường và phát triển nguồn lực. Tập trung nguồn lực cho nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, đầu tư khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu của các nguồn năng lượng tái tạo cho mục đích dài hạn.

Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ hoạt động đầu tư, nghiên cứu, phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho mục đích sử dụng nhiệt. Chính phủ hỗ trợ giai đoạn đầu một phần chi phí để khuyến khích lắp đặt và phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo cho sản xuất và sử dụng nhiệt có hiệu quả, bền vững trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định để đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Để phát triển và sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học, Chiến lược cũng xác định tăng cường nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển; điều tra, quy hoạch vùng phát nhiên liệu sinh học và phát triển các dự án nhiên liệu sinh học thí điểm để sử dụng thay thế một phần nhu cầu xăng, dầu toàn quốc. Hỗ trợ đầu tư các dự án thí điểm sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ 2 và thế hệ 3, sử dụng nguyên liệu không phải là lương thực...

Thực hiện các định hướng chiến lược này, trong những năm qua, việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến năm 2020, năng lượng tái tạo chiếm hơn 15% tổng năng lượng sơ cấp tại Việt Nam. Riêng lĩnh vực sản xuất điện, tính đến hết năm 2020, tổng công suất thủy điện ở nước ta đạt trên 21.000MW, điện Mặt trời đạt 16.428MW (gồm cả điện Mặt trời mái nhà), điện gió đạt 538MW và điện sinh khối đạt 326MW. Nếu không tính thủy điện, riêng công suất các nguồn điện gió, Mặt trời và sinh khối đã chiếm 15,5% công suất nguồn của toàn hệ thống điện Việt Nam.

Những định hướng lớn trong giai đoạn mới

Trên cơ sở đánh giá, tổng kết 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24-10-2003 và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2007; ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết số 55 là ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Trong đó, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, với mục tiêu cụ thể là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% - 20% vào năm 2030 và đạt 25% - 30% vào năm 2045.


Trên cơ sở Nghị quyết số 55-NQ/TW và trong bối cảnh thực hiện Cam kết của Việt Nam tại COP-26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, để ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng trên toàn thế giới..., Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Dự thảo đã đề xuất những định hướng cụ thể về chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và Mặt trời cho phát điện, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sử dụng năng lượng mới như hydro, amonia,... nhằm hạn chế tối đa phát thải CO2 trong không khí.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và Mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Đối với thủy điện, bên cạnh việc huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có, Việt Nam sẽ tập trung phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng. Có chiến lược hợp tác phát triển thủy điện gắn với nhập khẩu điện năng dài hạn từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển điện gió và điện Mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành hợp lý. Khuyến khích phát triển điện Mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Đối với điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn, khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối...

Ngoài ra, Nghị quyết cũng xác định một giải pháp quan trọng khác cho vấn đề này, đó là tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo... Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.../.

Thành Nam - Tiến Thắng - Công Minh - Khôi Nguyên (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ