21/11/2024 | 17:11 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động


Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động Ông Phạm Quang Thanh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội - trao hỗ trợ xây dựng Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên công đoàn Công ty TNHH Terumo Việt Nam_Ảnh: Ngọc Ánh
Chăm lo cho đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn Việt Nam đặc biệt quan tâm thực hiện với đổi mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021, của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

75% kinh phí công đoàn để chăm lo cho người lao động ở cơ sở

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 24-10, trong phần giải trình, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở 75% để chăm lo cho người lao động.

Thực tế cho thấy, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm 1957 khi có Luật Công đoàn đến nay. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như thăm hỏi, ốm đau, quà tết, quà sinh nhật..., hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao.

Bên cạnh các hoạt động chăm lo dịp tết nguyên đán; thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời lúc đoàn viên, người lao động ốm đau, không may gặp nạn, hoàn cảnh khó khăn, các cấp công đoàn còn góp phần quan trọng để đoàn viên, người lao động có nơi ở khang trang qua chương trình Mái ấm Công đoàn.

Chị Lê Thị Tươi - đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Terumo Việt Nam (Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) - là một trong rất nhiều đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được tổ chức công đoàn hỗ trợ xây dựng Mái ấm Công đoàn.

Gia đình đoàn viên Lê Thị Tươi có hoàn cảnh rất khó khăn, hai vợ chồng chị đều là công nhân, tổng thu nhập được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này nhiều khi không đủ để trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng và 3 con nhỏ đang độ tuổi đi học, thường xuyên ốm đau.

Trước khi được hỗ trợ kinh phí xây dựng Mái ấm Công đoàn, gia đình chị Tươi ở trong căn nhà nhỏ, diện tích 32m2 đã xuống cấp, tường nhà bong tróc nấm mốc, trần nhà thấm dột. Cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, bất tiện. 

Gia đình chị Tươi luôn mong ước có một căn nhà mới khang trang, kiên cố để gia đình yên tâm sinh sống, tuy nhiên, điều kiện kinh tế chưa cho phép.

Thấu hiểu hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, Ban chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Terumo Việt Nam đề xuất công đoàn cấp trên tổ chức khảo sát thực tế và hỗ trợ kinh phí xây dựng Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên Lê Thị Tươi, đồng thời, phối hợp với gia đình chị Tươi thiết kế, lập dự toán kinh phí xây dựng và tổ chức giám sát trong quá trình xây dựng Mái ấm Công đoàn...

Trên cơ sở đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội quyết định hỗ trợ đoàn viên Lê Thị Tươi 40 triệu đồng để xây dựng Mái ấm Công đoàn. 

Ngoài ra, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty TNHH Terumo Việt Nam cũng như người thân trong gia đình chị Tươi có những sự hỗ trợ rất thiết thực về cả vật chất lẫn tinh thần.

Từ những sự hỗ trợ trên cùng với một khoản tiền tích lũy được, gia đình chị Tươi đã bắt đầu khởi công xây dựng Mái ấm Công đoàn tại xóm Mé, thôn Bảo Tháp, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh. 

Sau gần 3 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, quá trình xây dựng an toàn tuyệt đối, đảm bảo chất lượng. Đón nhận sự hỗ trợ từ tổ chức công đoàn, chị Tươi cho biết chính sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức công đoàn là nguồn động lực để gia đình chị quyết định xây dựng ngôi nhà cho riêng mình. 

Giờ đây, ở trong ngôi nhà khang trang, chị sẽ yên tâm lao động sản xuất. Chị chia sẻ, không chỉ mình chị mà cả gia đình đều nhớ đến công đoàn khi ở trong ngôi nhà mới...

Nghị quyết về chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII đã xây dựng và ban hành Nghị quyết về Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

Ban chấp hành khóa XIII thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến chăm lo phúc lợi có thời điểm chưa thực sự chủ động, hiệu quả; số lượng đoàn viên, người lao động được chăm lo phúc lợi chưa đạt như mong muốn; các hoạt động tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại, thương lượng tập thể, các thỏa thuận hợp tác chưa mang lại nhiều phúc lợi thiết thực; phúc lợi từ cơ sở vật chất của tổ chức công đoàn ít về số lượng, chưa phong phú về hình thức, ưu đãi; công tác kiểm tra, giám sát về chăm lo phúc lợi chưa thường xuyên, còn ít về số lượng...

Một trong những nguyên nhân là chưa có các chính sách chăm lo phúc lợi tổng thể, ổn định, dài hạn; nguồn lực tài chính dành cho công tác chăm lo phúc lợi chưa tập trung, còn dàn trải; chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong chăm lo phúc lợi.

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII khẳng định, trong bối cảnh mới, điều tổ chức công đoàn đặc biệt quan tâm là mong muốn ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc an toàn, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, được thụ hưởng nhiều hơn nữa chính sách phúc lợi từ Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn của đoàn viên, người lao động. Chính vì vậy, Nghị quyết về Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động xây dựng mục tiêu và giải pháp cụ thể.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp là từ quá trình triển khai thực tế phát hiện, đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội và phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

Trong đó, tập trung vào các nội dung như nhà ở; tiền lương; việc làm, thị trường lao động; thiết chế văn hóa, thể thao; giáo dục, đào tạo, đào tạo lại; an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các chính sách đối với lao động làm việc trong các ngành nghề công việc đặc thù, nặng nhọc, độc hại, lao động là nữ, trẻ em...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn tạo nguồn lực cho chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. 

Quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, tránh thất thoát nguồn tài chính công đoàn chi cho công tác chăm lo phúc lợi.

Tập trung nguồn lực tài chính, nhất là nguồn tài chính công đoàn tích lũy để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà khách, cơ sở giáo dục, đào tạo, văn phòng, trung tâm tư vấn pháp luật, trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động,... của tổ chức công đoàn; thực hiện các chính sách chăm lo phúc lợi dài hạn.

Nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Quốc gia về việc làm, Tổ chức Tài chính vi mô của tổ chức công đoàn. Đổi mới phương thức huy động nguồn lực thực hiện chăm lo phúc lợi theo hướng linh hoạt, huy động nguồn lực xã hội, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động và từ các nguồn tài chính hợp pháp khác...

Xây dựng, triển khai các chính sách ổn định, dài hạn chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động

Những chính sách được công đoàn xây dựng, triển khai gồm chính sách hỗ trợ đoàn viên về nhà ở, cụ thể hỗ trợ xây dựng, mua nhà, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ thuê nhà tại các thiết chế công đoàn và nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư xây dựng.

Chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động khi gặp khó khăn nhằm hỗ trợ khi bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ dịp tết nguyên đán; hỗ trợ trong các trường hợp đột xuất khác.

Đối với đoàn viên, người lao động bị giảm thời giờ làm việc, mất việc làm có chính sách hỗ trợ khi bị giảm thời giờ làm việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động do tác động của khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác.

Chính sách hỗ trợ nghỉ dưỡng, nghỉ mát cho đoàn viên, người lao động với việc hỗ trợ đi tham quan, nghỉ dưỡng tại các thiết chế của tổ chức công đoàn hoặc do công đoàn tổ chức khi đạt thành tích xuất sắc hoặc có sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác và hoạt động công đoàn; bị tai nạn lao động; mắc bệnh nghề nghiệp; sau khi điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc do biến cố đột xuất khác.

Chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức sẽ hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao nhận thức tự bảo vệ quyền lợi và an toàn cá nhân; hỗ trợ khi gặp hoàn cảnh khó khăn...

Để tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới, đa dạng các hoạt động chăm lo phúc lợi như: “Tết Sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, “Chuyến xe Công đoàn”, “Chuyến tàu Công đoàn”, “Tấm vé nghĩa tình”...

Nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý, phát triển nguồn vốn các chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức công đoàn, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phòng, chống “tín dụng đen” trong đoàn viên, người lao động.

Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động dành nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, người lao động còn khó khăn, các đối tượng lao động yếu thế, lao động trong ngành nghề công việc đặc thù như: lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nữ mang thai, có con dưới 6 tuổi, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; quan tâm chăm lo cho cha, mẹ, vợ, chồng, con đoàn viên, người lao động...

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo nguồn lực để chăm lo phúc lợi tốt hơn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác chăm lo phúc lợi.../.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030:

Xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức công đoàn chăm lo phúc lợi theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn, thu hút đông đảo người lao động gia nhập công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030:

- 100% số đoàn viên được thông tin đầy đủ về các chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn.

- 100% số đoàn viên được thăm, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khăn, được thụ hưởng chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn hoặc công đoàn phối hợp tổ chức.

- 100% số liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trên 50% số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Chợ Tết Công đoàn” với hình thức phù hợp.

- Phấn đấu dành ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn chi cho hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

- 100% số cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cấp trên cơ sở được giao làm công tác chăm lo phúc lợi được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chăm lo phúc lợi.

- Phấn đấu trên 80% số cuộc đối thoại có nội dung về phúc lợi tốt hơn quy định của pháp luật; ít nhất 50% số thỏa ước lao động tập thể do tổ chức công đoàn ký kết hoặc tham gia ký kết được xếp loại chất lượng đạt loại B trở lên.

Tầm nhìn đến năm 2045:

Hệ thống chính sách, nguồn lực của tổ chức công đoàn chăm lo phúc lợi được xây dựng, phát triển toàn diện, bao phủ 100% số đoàn viên, đáp ứng phần lớn các nhu cầu cơ bản của đoàn viên, người lao động, trở thành một phần của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện theo định hướng, mục tiêu, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước