21/09/2024 | 07:50 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Mối quan hệ hợp tác mang lại thịnh vượng cho cả hai nước

Anh Thư
Mối quan hệ hợp tác mang lại thịnh vượng cho cả hai nước Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng, Việt Nam có vai trò là một “điểm nhấn” trong chuỗi cung ứng, ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực và toàn cầu_Ảnh: tapchicongthuong.vn
Có thể nói, 10 năm qua là thập niên sáng nhất trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Hợp tác giữa 2 nước đã được thúc đẩy ngày càng sâu sắc hơn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, tới ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng, y tế, văn hóa và giáo dục.

Thương mại và đầu tư - trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Trao đổi thương mại là một điểm sáng đặc biệt trong quan hệ giữa 2 nước, khi tổng giá trị thương mại hai chiều đã tăng tới gần 140 tỷ USD (năm 2022). Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất sang Hoa Kỳ.

Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đang đầu tư vào thị trường Việt Nam, như Coca Cola, Intel, Amazon, Google... Tập đoàn Amkor Technology (có trụ sở ở Arizona) đã xây dựng nhà máy bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh và dự kiến đưa vào sản xuất thử vào cuối năm 2023. Đây cũng là nhà máy lớn nhất của tập đoàn này trên toàn cầu. Tháng 5-2023, Tập đoàn Công nghệ Marvell đã công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tháng 3-2023, đại diện hơn 50 công ty, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin, khoa học, tới nông nghiệp, y tế,... đã sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hằng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức. Đại diện các doanh nghiệp tham gia phái đoàn đều cho rằng, Việt Nam là một thị trường đầu tư cởi mở, Chính phủ Việt Nam rất linh hoạt và đã có những điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 Có nhiều yếu tố làm nên sức hút của thị trường Việt Nam, trong đó đặc biệt là thế mạnh về môi trường đầu tư và nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Marc Knapper - nhấn mạnh rằng, Việt Nam có vai trò là một “điểm nhấn” trong chuỗi cung ứng, ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực và toàn cầu. Việc Hoa Kỳ gia tăng đầu tư và mong muốn nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam là biểu hiện cho thấy niềm tin của Hoa Kỳ đối với vai trò và tiềm năng phát triển thịnh vượng của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần tìm được chỗ đứng tại thị trường Mỹ “siêu cạnh tranh”, điển hình như Tập đoàn Vinfast. Tháng 11-2021, 2 dòng xe điện VinFast VF e35 và VF e36 đã “trình làng” ở Los Angeles Auto Show - một trong những triển lãm ô tô nổi tiếng nhất. Mỹ là thị trường khó tính, đòi hỏi cao, nhưng có tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đối với các ngành hàng nông sản, dệt may... Với việc nâng tầm mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác về thương mại, đầu tư sẽ tiếp tục được mở rộng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Cùng hướng tới tương lai thịnh vượng và phát triển bền vững

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng tầm lên Đối tác chiến lược toàn diện mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho cả 2 nước.

Việc Hoa Kỳ có những nỗ lực vượt bậc, thậm chí chưa có tiền lệ, thay đổi cả lịch trình hoạt động đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden để ông có thể đến Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua cho thấy, Hoa Kỳ đặt niềm tin vào Việt Nam như một đối tác sáng giá và ngày càng nổi bật trong khu vực. Đầu năm 2022, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố “Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời”, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác với New Zealand, Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác để đạt được các mục tiêu chung. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink khẳng định, Việt Nam giữ vai trò trung tâm và quan trọng thiết yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này.

Ngoài chiến lược xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau đại dịch COVID-19, Mỹ cũng đang đẩy mạnh chiến lược giảm thiểu rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước đối tác thân thiện. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 7-2023) cũng khẳng định, chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước đối tác thân thiện nhằm gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế Mỹ trước mọi tác động, rủi ro như xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhờ đó bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ cần tăng cường năng lực ứng phó trước mọi thách thức, không chỉ cho quốc gia này, mà còn cho cả những đối tác mà Mỹ cho là “thân thiện” với mình, trong đó có Việt Nam. Còn theo Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột, cạnh tranh cùng nhiều rủi ro khó lường khác, Mỹ rất cần những điểm đến tin cậy để đầu tư và bảo đảm sản xuất và Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là một trong những điểm đến đáng tin cậy đó.

Việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện cũng được giới phân tích đánh giá là một thành công của nền ngoại giao Hoa Kỳ, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc diễn ra gay gắt nhằm định hình một trật tự thế giới mới. Tờ The Financial Times (Anh) bình luận rằng, Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mình nên đã rất kiên trì và tích cực ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen khẳng định rằng: “sự phát triển bền vững là mục tiêu chung của cả Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi tin tưởng vào tương lai mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng. Và tôi mong chờ vào các cơ hội hợp tác để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa 2 nước Hoa Kỳ - Việt Nam”.

Về phía mình, Việt Nam có cơ hội và điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ với Hoa Kỳ đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn, tạo dựng lòng tin vững chắc giữa hai bên, thúc đẩy sự hợp tác lâu dài, nâng cao hình ảnh quốc gia, đồng thời góp phần duy trì một khu vực ASEAN và rộng lớn hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định. Theo Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về Việt Nam và châu Á tại Học viện Quốc phòng Australia, trường Đại học New South Wales (Australia) - quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tăng cường uy tín của Việt Nam trong khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ cùng với việc Việt Nam có quan hệ chiến lược với cả 5 quốc gia là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tạo cho Việt Nam một khuôn khổ để phát triển quan hệ ổn định lâu dài với những nước có vai trò quan trọng trên thế giới, đồng thời cũng mang lại cho đất nước một thế trận đối ngoại vững chắc hơn trong thời gian tới. Các bước triển khai bài bản và có “lớp lang” tạo nên thế chân kiềng, giúp Việt Nam ở vào vị thế mở hơn, linh hoạt hơn và có dư địa để phát triển quan hệ với tất cả các đối tác trên thế giới.

Làm sâu sắc hơn quan hệ với Hoa Kỳ cũng thể hiện rõ sự đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo, tìm ra cách làm mới, mở rộng trên các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới, trên cơ sở “giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn” như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, đó cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam vẫn kiên trì triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế mà Đảng đã đề ra. Tận dụng hiệu quả tiềm năng này, Việt Nam có thể là một trường hợp tham khảo về cách phát triển quan hệ hiệu quả với các cường quốc, ngay cả khi giữa các quốc gia đó có sự cạnh tranh gay gắt./.