18/05/2024 | 20:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sự thống nhất giữa tư duy và hành động - nét đặc sắc trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh

Phạm Văn Minh* - Nguyễn Hồng Nguyên**
* TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - ** TS, Học viện Kỹ thuật quân sự
Sự thống nhất giữa tư duy và hành động - nét đặc sắc trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến cuộc sống nhân dân, tôn trọng ý kiến và phát huy quyền làm chủ của nhân dân_Ảnh: TL
Trong di sản văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, tư duy và hành động, tư tưởng chính trị và hành vi chính trị luôn thống nhất chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Người không chỉ nêu lên những tư tưởng chính trị tiến bộ mà còn quyết tâm và từng bước hiện thực hóa nó trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sự thống nhất giữa mục tiêu, lý tưởng cách mạng với quyết tâm, hành động đấu tranh giải phóng dân tộc

Là một người yêu nước và thương dân sâu sắc, sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than khổ cực trước sự xâm lược và áp bức, bóc lột dã man của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai, Hồ Chí Minh sớm đau cùng với nỗi đau của dân tộc. 

Vì thế, mong muốn, hoài bão lớn nhất của Người là đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Không dừng lại ở mong muốn, khát vọng, Hồ Chí Minh quyết tâm tìm mọi cách, vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả để hiện thực hoài bão, lý tưởng đó. 

Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Gần 1/3 thế kỷ, Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp các châu lục để tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng.

Khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, cũng chính Hồ Chí Minh là người đã “mở đường” và “dẫn đường” đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cách mạng và đoàn kết nhân dân thành lực lượng to lớn, cùng với phương pháp cách mạng khoa học, phù hợp với thực tiễn, Hồ Chí Minh đã đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đến thắng lợi. 

Như vậy, sau gần 35 năm kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa được tư tưởng, mong muốn, khát vọng của mình là giải phóng dân tộc. Đây là minh chứng rõ nét cho tính nhất quán, sự thống nhất giữa tư duy chính trị và hành động chính trị trong văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh.

Sự thống nhất giữa tư duy và hành động trong xây dựng, kiến tạo xã hội dân chủ mới vì nhân dân

 Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và giai cấp, truyền thống với hiện đại, cá nhân và cộng đồng, xã hội với tự nhiên với mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột và bất công, tiến tới một xã hội dân chủ mới mà ở đó dân là chủ và dân làm chủ. 

Hồ Chí Minh khẳng định dứt khoát: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Người giải thích thêm: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. 

Rõ ràng, trong chế độ xã hội dân chủ mới, Hồ Chí Minh đã đặt nhân dân vào vị trí trung tâm, lấy lợi ích của nhân dân là mục tiêu cao nhất để xây dựng xã hội.

Để thực hiện mục tiêu đó, Hồ Chí Minh xác định không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. 

Tức là giành được độc lập dân tộc rồi phải tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản) và sau đó xây dựng xã hội cộng sản. Bởi theo Người, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới. 

Người nhấn mạnh mục đích của chủ nghĩa xã hội là: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”.

Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, Hồ Chí Minh cho rằng phải xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để, là hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc, là đạo đức, là văn minh để lãnh đạo cách mạng và phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.

Đồng thời, theo Người, phải xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Người khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. 

Vì thế, “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh từng bước hiện thực hóa những tư tưởng chính trị của mình. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng kiểm nghiệm và chứng minh, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Dân chủ nhân dân ra đời đến nay, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. 

Bản thân Hồ Chí Minh cùng toàn thể cán bộ, đảng viên đều quyết tâm hy sinh, phấn đấu, tận tâm, tận lực phục vụ, cống hiến, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Đây là tính ưu việt, điểm khác nhau căn bản về bản chất giữa đảng cách mạng chân chính, nhà nước dân chủ nhân dân với các đảng và nhà nước bóc lột khác. Đó cũng chính là sự thống nhất giữa tư tưởng chính trị và hành vi chính trị trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh.

Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi đạo đức của người cán bộ cách mạng

Thống nhất giữa tư tưởng và hành vi đạo đức của người cán bộ cách mạng trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh tạo nên một phong cách làm việc mới. Hồ Chí Minh đã nêu lên vị trí, vai trò, những chuẩn mực cơ bản, cũng như những nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng rèn luyện. 

Theo Người, đạo đức cách mạng là cái gốc, cái nền tảng của người cách mạng. Chuẩn mực cơ bản của nó là trung thành với nước, hiếu với dân; yêu thương nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế thủy chung trong sáng.

Người chỉ rõ: “Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”. 

Đây chính là điều cao quý, thiêng liêng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện suốt đời để trở thành những người cán bộ cánh mạng chân chính. Đó cũng là điều sung sướng, vẻ vang nhất của người cách mạng.

Hồ Chí Minh không chỉ nêu lên những chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, học tập mà suốt cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Người đã nêu tấm gương sáng ngời, mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. 

Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. 

Đúng như nhà sử học Helen Tourmer khái quát: “hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, Triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”.

Sự thống nhất giữa tư duy và hành động, lý luận và thực tiễn, nói và làm đã trở thành nét đặc sắc trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Nét đặc sắc đó là sự mẫu mực của văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay cần học tập, noi theo. 

Việc xây dựng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay không chỉ nhằm giữ vững và phát huy những giá trị văn hóa đó trong đời sống chính trị hiện tại mà còn là việc làm thiết thực trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hiện nay./.

1 April 2024