Ẩm thực du ký - Bài 3: Đến Quảng Châu tận hưởng bữa tiệc “Mãn - Hán toàn tịch”
Phó Đức AnNhiều câu tục ngữ được lưu truyền trong dân gian đã cô đọng những hiểu biết sâu sắc của người xưa về cuộc sống và cách diễn giải sinh động về đặc điểm vùng miền Trung Hoa. Trong đó, “Ăn ở Quảng Châu, mặc ở Tô Châu, chơi ở Hàng Châu, chết ở Liễu Châu”.
Chỉ vẻn vẹn 16 chữ giống như một bức tranh lịch sử sống động, cô đọng nét quyến rũ văn hóa và lối sống độc đáo của 4 thành phố cổ của Trung Quốc. Những câu chuyện có thật và trí tuệ dân gian đằng sau nó vẫn còn hấp dẫn cho đến ngày nay.
Quảng Châu - “thủ đô thương mại” nghìn năm tuổi, tỉnh lỵ Quảng Đông - luôn nổi tiếng với nền văn hóa ẩm thực phong phú và đầy màu sắc. “Ăn ở Quảng Châu” không phải là một ý tưởng thiếu căn cứ mà bắt nguồn từ truyền thống ẩm thực sâu sắc của người dân địa phương và nền văn minh biển cởi mở, bao dung.
Kể từ thời nhà Đường và nhà Tống, Quảng Châu đã là điểm khởi đầu quan trọng của “Con đường tơ lụa” trên biển. Các nguyên liệu và gia vị từ khắp nơi trên thế giới tập trung về đây. Cùng với đất và nước bồi dinh dưỡng của vùng Lĩnh Nam, kiến tạo nên ẩm thực Quảng Đông với kỹ năng nấu nướng tinh tế, đặc sắc và rất nhiều chủng loại.
Từ những món ăn vặt trong văn hóa trà buổi sáng như há cảo tôm, xíu mại, đến cơm niêu, cháo nồi sành chợ đêm đến những món danh bất hư truyền như gà luộc, ngỗng quay, thịt lợn nướng, tất cả đều là những món ăn vặt trong văn hóa trà buổi sáng, phản ánh sự hiểu biết và theo đuổi độc đáo của người dân Quảng Châu.
Mọi người đến Quảng Châu không chỉ được thưởng thức những món ăn ngon mà còn cảm nhận được niềm đam mê cuộc sống và bầu không khí nhân văn sâu sắc trong ẩm thực.
Ẩm thực Quảng Đông là 1 trong 4 nền ẩm thực truyền thống của Trung Quốc và là 1 trong 8 hệ ẩm thực lớn có nguồn gốc từ Trung Nguyên. Ẩm thực Quảng Đông dựa trên kinh nghiệm lâu đời của bách gia trăm họ, với kỹ thuật nấu ăn đa dạng và nhiều nguyên liệu độc, lạ.
Về cách nấu, xào và chiên nhanh là những phương pháp chính, cũng như hầm, áp chảo, quay, chú trọng vào vị, thanh nhưng không nhạt, tươi nhưng không thô, mềm nhưng không sống, nhiều dầu nhưng không béo ngậy.
Hội đồng giám khảo của Liên đoàn Ẩm thực Trung Quốc và thế giới đã bình tuyển cho Quảng Châu 2 danh hiệu “Ăn ở Quảng Châu - thủ đô ẩm thực Trung Quốc” và “thủ đô ẩm thực quốc tế”. Được biết, đây là thành phố đầu tiên trên thế giới giành được 2 danh hiệu này và cũng là lần đầu tiên Quảng Châu giành được danh hiệu thành phố ẩm thực của ngành ăn uống.
Theo báo cáo, “thủ đô ẩm thực quốc tế” cần đáp ứng 2 yêu cầu đánh giá: thứ nhất, nó phải đạt được chất lượng toàn diện. Bình chọn món ăn từ hơn 60 quốc gia và khu vực trên thế giới thì món ăn Quảng Châu đứng đầu về chất lượng. Thứ hai, là có nhiều nhà hàng. Dữ liệu cho thấy ở Quảng Châu có hơn 30.000 nhà hàng, quán ăn, đứng đầu thế giới về số lượng nhà hàng.
Các bạn đến Quảng Châu, chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “những quán ăn ngon Quảng Châu” là tìm được địa điểm của các nhà hàng đã được những thực khách bình chọn. Trong số các cửa hàng được bình chọn của Tripadvisor có “Quảng Châu đại tửu gia” (Guangzhou Restaurant). Đây là nhà hàng mà tôi thường lui đến. Đến đây ăn là biết được ẩm thực Quảng Đông, biết được tinh hoa ẩm thực Trung Hoa.
Quảng Châu đại tửu gia được thành lập vào năm 1935, địa chỉ số 2, phố Wenchang South, Quảng Châu, tức nằm ở giữa phố đi bộ Shangxiajiu. Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhà hàng đã trải qua nhiều thay đổi từ cá thể đến công tư hợp doanh và cuối cùng phát triển thành một danh thiếp ẩm thực nổi tiếng ở Quảng Châu, quy tụ những đầu bếp nổi tiếng tạo ra những món ăn thường ngày danh giá như gà Wenchang, gà Maotai, bánh bao súp thịt cua và chân vịt nhồi..., đồng thời làm ra những bữa tiệc kinh điển lừng danh như “Mãn - Hán toàn tịch” (hay đại tiệc cung đình Mãn - Hán), “Yến tiệc Ngũ Triều” và “Quốc Yến Nam Việt”...
Bữa tiệc “Mãn - Hán toàn tịch” là một bữa tiệc huyền thoại, cũng là bữa tiệc lớn nhất tại Trung Quốc, quy tụ đầy đủ các món ăn từ khắp các vùng miền lãnh thổ. Bữa đại tiệc này được tạo ra nhằm hóa giải mối hận thù giữa 2 dân tộc Mãn và Hán trong lịch sử xa xưa.
Trong suốt triều đại nhà Thanh (1644 - 1911), Trung Hoa nằm dưới quyền cai trị của người Mãn Châu đến từ phương Bắc. Từ đây, một cuộc xung đột sắc tộc giữa người Hán và người Mãn diễn ra sâu sắc.
Hoàng đế Khang Hy khi đó nhận ra rằng để củng cố quyền lực của mình, cần thống nhất các dân tộc lại với nhau. Vì vậy, vào ngày sinh nhật thứ 66 của mình, Hoàng đế Khang Hy tổ chức một đại yến tiệc triều đình Mãn - Hán, hay còn gọi là “Mãn - Hán toàn tịch”. Bữa tiệc này được tổ chức trọn 3 ngày với 6 bữa tiệc, quy tụ đầu bếp và các món ăn đến từ khắp mọi nơi trong nước.
Tại thời điểm đó, Trung Hoa đã là một đế quốc rộng lớn bao gồm nhiều dân tộc và chư hầu. “Mãn - Hán toàn tịch” mang đến những công thức nấu ăn tinh xảo cũng như các món ăn thượng hạng từ các khu vực.
Rất nhiều món ngon vật lạ được săn lùng từ khắp núi thẳm rừng sâu. Sau đó, mang trở lại triều đình, để những đầu bếp nơi đây chiên, xào, hấp, luộc, nướng, om, hầm... Trong bữa tiệc này, những người tham dự có thể thưởng thức hơn 300 món ăn đặc sắc.
Bữa đại tiệc bao gồm 6 buổi tiệc trong 3 ngày với tổng cộng 320 món, trong đó có 196 món chính và 124 món ăn nhẹ. Tùy theo cách đếm số món, ít nhất cũng phải có 108 món. Đại tiệc được chia ra tiệc trong cung và ngoài cung dành cho vua và các đại thần cấp bậc khác nhau.
Các món ăn chính có thể kể đến: bánh trứng, cá hồi nướng, thăn bò sốt dầu hào, lợn sữa nguyên con, bướu lạc đà hấp ruột cá, lưỡi cá chép với chân gấu, cháo tổ yến, trứng tôm và canh hến, vây cá mập và cua hầm, mì râu rồng, cháo hạt sen, tôm xiên nướng, nấm hương với hạt thông, chim cút, gà lôi, gà gô, ngỗng, gà sao, công, thiên nga, sếu, ốc xà cừ áp chảo, bào ngư với hoa quế, lợn rừng, gân hươu với nấm trắng, mực ống, san hô, hải sâm...
Sau khi bữa tiệc kết thúc, Hoàng đế Khang Hy cũng đạt được mục tiêu của mình. “Mãn - Hán toàn tịch” trở thành một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng góp phần giúp Hoàng đế Khang Hy trở thành một trong những vị vua được kính trọng và trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc
Tuy nhiên, “Mãn - Hán toàn tịch” tại các nhà hàng bây giờ đã tinh giảm và cô đọng lại chỉ có 8 món chính đựng trong 8 bát ô tô to đùng. Ăn hết 8 món này cũng đủ biết được mùi vị sơn hào hải vị mà nhà vua Khang Hy từng thưởng thức trong bữa tiệc lịch sử năm nao./.
Còn nữa