21/11/2024 | 16:50 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bất ngờ ở Cần Giờ

Nguyễn Tri Thức
Bất ngờ ở Cần Giờ Một góc Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nhìn từ tháp quan sát_Ảnh: Thanh Hải
Đến Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều, nhưng mãi tới tận một ngày của tháng cuối năm 2020, tôi mới có dịp chạm chân vào đất Cần Giờ - “ốc đảo xanh” trong lành của đô thị sầm uất, lớn nhất nước. Tuy thời gian không nhiều, chưa thể tận thấy ngóc ngách, tường tận Cần Giờ, nhưng cũng đủ để có nhiều bất ngờ với những cung bậc cảm xúc khác nhau...

Đã không ít lần đi trên những con phà, từ Bắc tới Nam, từ trước đến nay, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi đi phà ở thành phố sôi động nhất cả nước. Háo hức, tôi trèo lên tầng 2, lên cả tầng trên buồng lái phà 2 đầu, thảnh thơi ngắm nhìn bên là đô thị nhấp nhô, chật chội, cao vút nhà tầng bên là bạt ngàn màu xanh trong lành. Gió từ sông Soài Rạp lồng lộng thổi. Cảm giác thật khác lạ, tươi mới, cả lúc chiều sang tưng bừng nắng cũng như đêm về lấp lánh ánh đèn đô hội, loang loáng mặt nước sông mênh mông rộng lớn.

1. Sát bên lề đường Rừng Sác ở ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại, dịch vụ, du lịch - Đầu tư và Xây dựng Cần Giờ Tương Lai khá quy mô, với khoảng sân rất rộng phía trước “khu liên hợp” nhà xưởng, văn phòng, nhà hàng... Giám đốc Huỳnh Văn Thanh giới thiệu khái quát, Hợp tác xã có 32 thành viên, vốn điều lệ 8 tỷ đồng, bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh từ tháng 7-2019. Hợp tác xã đã xây dựng 1 cơ sở chế biến các loại cá khô công suất 2 tấn/ngày, 1 cơ sở chế biến tổ chim yến công suất 3kg/ngày, 3 điểm trưng bày giới thiệu và kinh doanh sản phẩm. Tổng đầu tư khoảng hơn 4 tỷ đồng...

Hơn 1 năm hoạt động, Hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với 100 hộ dân sản xuất nông sản “sạch”, những người nuôi trồng thủy, hải sản đặc sản của huyện Cần Giờ như tôm sú, tôm thẻ, cua, cá bóp, cá dứa... Vài năm trở lại đây, việc nuôi trồng thủy, hải sản ở Cần Giờ phát triển mạnh mẽ, bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, cũng xuất hiện những thách thức đáng kể, nhất là về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá cả thấp. Thế nên, chính quyền địa phương đã vận động, tổ chức cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản liên kết thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, tổ chức tập huấn, hội thảo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Thực ra, Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai mới thành lập, nhưng gốc rễ đã có từ lâu, bởi tiền thân của nó chính là Tổ hợp tác Cầu Bà Chín (thành lập năm 2012, với 9 tổ viên, diện tích sản xuất 12,1ha chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Trước định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của huyện Cần Giờ, vấn đề về tạo dựng chuỗi liên kết trong cung ứng vật tư nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ để cung cấp sản phẩm sạch, xanh, chất lượng phục vụ người tiêu dùng được xem là mục tiêu hàng đầu. Thế nên, Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai được thành lập nhằm phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc tạo nên chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm chất lượng, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP mà người tiêu dùng đang hướng tới. Hiện tại, hợp tác xã duy trì thường xuyên khoảng 20 lao động, thu nhập bình quân 7,5 triệu hơn 9 triệu đồng/người/tháng, tuỳ công việc và có tăng ca hay không. Đấy là chưa kể những lao động nhàn rỗi lúc cao điểm, những lao động tại các hộ gia đình có liên kết với hợp tác xã...

Bí thư huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng khẳng định rằng, việc xây dựng mô hình gắn kết giữa các khâu như ở Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai, có Nhà nước hỗ trợ được huyện xác định làm một trong những giải pháp tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, không chỉ nuôi trồng, có thể vừa sản xuất, du lịch, dịch vụ. “Chỉ có chuyển đổi theo hướng đó mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như toàn huyện. Cái khó là nhân rộng các mô hình đó”, ông Dũng nói.

Tất nhiên, khó khăn khi tổ chức lại sản xuất là dễ hiểu, bởi nó gắn liền với việc giải quyết chuỗi tiêu thụ sản phẩm với số lượng, giá cả ổn định, giải quyết việc làm, xây dựng thương hiệu, hợp tác làm ăn. Giám đốc Huỳnh Văn Thanh cho biết, trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 khiến việc xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhưng hợp tác xã đã xây dựng được 3 sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) là tổ yến, xoài cát, khô cá dứa và chờ được thẩm định. Nhiều sản phẩm đặc sản của Cần Giờ đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn, kể cả những siêu thị khó tính, hướng tới sẽ xuất khẩu sang thị trường khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn khác, có thể nhận rõ, biết trước, nhưng thay đổi cũng không phải nhanh chóng, bởi ngay cả mô hình kinh tế tập thể, chỉ nghe nhắc đến nhiều người đã không mấy mặn mà. Thế nên, phải chứng minh bằng hiệu quả, và việc này thì Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai đang dần khẳng định được. Hay như việc vay vốn cũng không dễ dàng. “Hầu hết các tổ chức tín dụng từ chối cho vay vì chưa có tài sản thế chấp, mặt bằng chưa được Nhà nước cho thuê mà phải thuê của hộ gia đình thời gian ngắn (5 - 9 năm) trong khi lại phải đầu tư lớn nên rất khó khăn. Nếu được thuê đất công, giảm chi phí thuê đất, có thể tái đầu tư nhanh hơn”, ông Thanh trăn trở.

Về việc duy trì chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiêu chí của hợp tác xã là từ đầu vào đến đầu ra phải bảo đảm chất lượng, cam kết đáp ứng về giá, sản lượng. “Giá phải cao hơn thị trường, luôn luôn như vậy nên người dân rất đồng tình, hài lòng. Chúng tôi hiện hợp tác với khoảng 100 hộ nuôi tôm, 20 hộ nuôi cá dứa..., nhưng mới bao tiêu được khoảng 10% thôi, vì đầu ra còn hạn chế. Khi đầu ra ổn định, các doanh nghiệp liên kết với nhau sẽ bao tiêu cho bà con hết, với mức giá cao hơn thị trường”, ông Thanh cho biết và nói rằng, “sẽ có lịch thu mua với bà con cụ thể để tháng nào cũng có sản phẩm, không bị quá tải đầu vào”. Ông Nguyễn Văn Chính - Phó Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ - cho biết, huyện có 16 hợp tác xã, đa ngành nghề nhưng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản là chính. Đời sống bà con nói chung cũng ổn, khi có hợp tác xã sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất hữu cơ sạch hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.


2. Lần đầu đến Cần Giờ, thời gian khá eo hẹp, nhưng chúng tôi vẫn muốn đi lang thang huyện đảo. Những đầm, hồ nuôi tôm, cá mênh mông. Những con đường đi qua Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thênh thang, phóng khoáng, hai bên đường lau nở trắng đẹp mê mải. Khi đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (còn gọi là Rừng Sác), đi lòng vòng trên những con đường bê tông dẫn vào các khu nhà, đài quan sát cảm giác thật nhẹ nhõm, như được đắm mình trọn vẹn với thiên nhiên trong lành. Đi bộ theo hình xoáy trôn ốc, trên những bậc thang sắt và bám chắc vào tay vịn một cách hết sức cẩn trọng, chúng tôi cũng leo tới đỉnh chòi quan sát cao vút. Cảm giác thật thích thú, hào sảng, nhưng cũng run run bởi độ cao và sự rung lắc nhất định khi gió thổi. Phóng tầm mắt về bốn phía thấy mênh mông rừng ngập mặn ngút ngàn màu xanh, phủ bóng xuống những dòng sông, kênh đào, mương, lối đi trong rừng...

Cần Giờ là huyện ven biển, nằm về phía Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm huyện là thị trấn Cần Thạnh, cách trung tâm Thành phố khoảng 50km, chiều dài từ Bắc xuống Nam của huyện là 35km, từ Đông sang Tây là 30km, có hơn 20km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, có các cửa sông lớn của các con sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 70.445,34ha, chiếm 1/3 tổng diện tích toàn thành phố. Huyện Cần Giờ bao gồm thị trấn Cần Thạnh và 6 xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và Thạnh An.

Rõ ràng là Cần Giờ có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng ở Cần Giờ chưa thật nhiều, trừ những ngày cuối tuần. Khu du lịch sinh thái Cần Giờ đã được hình thành, với nhiều hoạt động, sản phẩm thú vị cho du khách như tham quan như khám phá đầm dơi, đi thuyền trên sông, đùa nghịch với đàn khỉ, thăm sân chim, tìm hiểu về hệ động, thực vật rừng ngập mặn... Mỗi địa điểm, sản phẩm là một đặc trưng, điểm nhấn, sự thu hút khác nhau, nhưng phải kể đến Khu du lịch Vàm Sát (xã Lý Nhơn) với khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, rất thích hợp cho những người muốn tránh cái ồn ào, náo nhiệt, chật chội của chốn phồn hoa đô hội để có những phút thảnh thơi thư giãn đắm mình với thiên nhiên hoang sơ, bình yên đến nao lòng.

Nhưng Cần Giờ còn có không ít điểm đến thú vị, hấp dẫn mà nhiều người chưa biết rõ. Ví như xã đảo Thạnh An với các loại hải sản ngon nức tiếng mà giá cả hết sức bình dân, những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn, con đường đá giữa biển độc đáo - điểm check-in “sống ảo” mê hoặc của không chỉ các bạn trẻ. Cũng thích “sống ảo”, du khách có thể đến điểm check-in nổi tiếng không kém khác là cầu Nam Hải - địa điểm nổi tiếng nhất của Phương Nam Pearl Resort...

Tất nhiên, đến Cần Giờ, bạn không thể chỉ “sống ảo”, mà còn có thể tìm hiểu, khám phá cuộc sống phóng khoáng, thuần phác, đôn hậu của người dân nơi đây. Bạn cũng rất nên bố trí thời gian để đến chợ hải sản Hàng Dương, nơi được coi là “thiên đường hải sản”, với vô số loại hải sản tươi sống, giá rất bình dân. Điểm đặc biệt là tại chợ có dịch vụ chế biến hải sản tại chỗ, phục vụ du khách đem về hoặc mang theo ngồi nhâm nhi, thưởng thức, tận hưởng với bao la biển cả. Mà nhắc đến biển ở Cần Giờ, phải nhớ ngay đến bãi biển 30-4 với bãi biển cát đen đẹp nhất Việt Nam vô cùng hoang sơ, tĩnh tại...

3. Gần đây, thông tin về Cần Giờ dường như nóng hơn, thu hút sự chú ý của không chỉ người dân Thành phố Hồ Chí Minh bởi những thông tin đầy hấp dẫn liên quan đến sự đổi thay, phát triển. Đó là Cầu Cần Giờ nối huyện đảo với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được khởi công vào năm 2022, kinh phí xây dựng hơn 5.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Là huyện Cần Giờ thuộc vùng trọng điểm đầu tư của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Là việc công bố quy hoạch khu đô thị lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh đã được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt và điều chỉnh phê duyệt. Thế nên, giá đất ở Cần Giờ cũng tăng chóng mặt, mà nhiều người đùa như thật rằng, “sờ vào thì nóng bỏng tay”...

Tôi cũng băn khoăn như không ít người rằng, liệu khi không còn huyện đảo, Cần Giờ có còn giữ được sự trong lành, bình yên, có còn là “lá phổi xanh của thành phố”? Thế nhưng, Bí thư Lê Minh Dũng trấn an rằng, dù dự án đô thị lấn biển có được phê duyệt, điều chỉnh, triển khai thì cũng cố gắng tối đa để không ảnh hưởng đến tính nguyên trạng của huyện, nhất là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều bất ngờ với Cần Giờ nữa, về hình hài, vóc dáng khu đô thị lấn biển, về sự phát triển kinh tế của người dân, về sự nhộn nhịp, tấp nập du lịch, dịch vụ. Và, cả một “đô thị thông minh, hiện đại, dịch vụ cao với rất nhiều tiện ích tuyệt vời khác”, như một mục tiêu mà dự án lấn biển đặt ra.

Bất chợt nhớ lúc nhìn trên tháp quan sát ở Rừng Sác, mới thấy mênh mông Cần Giờ, ngút ngàn màu xanh rừng ngập mặn. Mới chợt nhớ ra là diện tích của Cần Giờ chiếm 1/3 tổng diện tích toàn thành phố. Thế nên, ngay cả trong tương lai, khi cây cầu bắc qua sông Soài Rạp đi vào hoạt động, khu đô thị lấn biển Cần Giờ rõ hình hài, các hoạt động kinh tế - xã hội nhộn nhịp hơn thì Cần Giờ vẫn được cơ bản giữ nguyên hiện trạng, sinh thái không thể bị phá vỡ, vẫn nguyên lành “lá phổi xanh”, “ốc đảo xanh” ngay ở thành phố lớn nhất cả nước, để nhiều người khi đến Cần Giờ vẫn ngỡ ngàng đầy thích thú./.

30 August 2023