21/11/2024 | 16:30 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sau lũ lụt tàn phá, là câu chuyện tình người

Quốc Hồng
Sau lũ lụt tàn phá, là câu chuyện tình người Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hiện trường Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) thăm hỏi đồng bào và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn_Ảnh: Q.H
Trời vẫn mưa xối xả, bất ngờ một tiếng nổ lớn vang như sấm động, dòng nước đen đặc từ phía đỉnh núi cao đổ xuống san phẳng những ngôi nhà sàn vững chãi và những tràn ruộng bậc thang sắp chín vàng. Phút chốc, cả một thôn người Tày, với 37 nóc nhà, hơn 100 người chết và mất tích, tất cả trở thành bình địa trắng...

Lũ quét san phẳng Làng Nủ

Sáng ngày 11-9, khi chúng tôi có mặt ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, trời vẫn mưa không ngớt. Trước mắt là một bình địa ngổn ngang cột nhà, chăn chiếu mắc lại những gốc cây, téc nước, gỗ ván và cả những chiếc xe máy chỏng chơ trong bùn đất. Giữa bãi bùn đất đen đặc, một chiếc máy xúc chìm sâu, chỉ còn cái cần gầu như cố nhô lên khỏi lớp bùn đặc, đen kịt.

Nỗi sợ hãi xen lẫn bất ngờ dường như vẫn còn hiện trên gương mặt thất thần, vì may mắn còn sống sót, bà Hoàng Thị Bốn - 51 tuổi, người dân tộc Tày - kể: sáng sớm ngày 10-9, trời còn tờ mờ chưa sáng hắn, bà vùng dậy ra xem ruộng lúa cạnh suối. 

Chưa kịp nhìn rõ ruộng, bất ngờ một tiếng nổ vang lên như sấm động, nhìn lên phía trên ngọn núi đầu Làng Nủ thấy rung chuyển, bà vội chạy lên chỗ gò đất cao. Chỉ ít phút sau, tiếng nổ thứ hai vang lên kèm theo dòng thác lũ đen đặc cuốn theo cây cối, nhà cửa, gà lợn,... ầm ầm lao xuống phía hạ du. Bà Bốn đứng chết trân nhìn những người đang trôi dưới dòng lũ quét kêu cứu mà đành bất lực...

Ông Hoàng Văn Diệp - Trưởng thôn Làng Nủ - cho hay: thôn Nủ trước đây gồm 2 thôn (thôn Nủ 1, thôn Nủ 2), năm 2022 sáp nhập lại thành một. Vùng bị sạt lở, vùi lấp là Nủ 2 với 37 hộ dân, số lượng 158 khẩu. Toàn thôn có 167 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày. Con suối Nủ như một vạch kẻ giữa chia xóm Nủ 2 thành hai phần, hai bên là hai con đường chạy song song: đường nội bộ thôn Nủ 2 nằm giữa thung lũng, với bề mặt bằng phẳng hình thành nên cánh đồng màu mỡ. 

Làng Nủ là thôn cuối của xã Phúc Khánh, điểm cuối là núi Voi cũng là điểm tiếp giáp phân mốc của 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, bên này là huyện Bảo Yên, bên kia là huyện Lục Yên. Khi “quả bom nước”, do mưa lớn kéo dài tích tụ phía trên núi Voi vỡ tung thì hàng triệu mét khối nước kèm theo đất đá sập xuống vùi lấp, san phẳng cả thung lũng trù phú, bình yên bao đời nay. Sức tàn phá của lũ quét thật kinh hoàng, không thể ngờ chỉ sau một đêm cả Làng Nủ đã bị xóa sổ như chưa từng có người ở...

Tổ ấm trước đây của anh Thới ở phía bên kia cánh đồng, đối diện xóm 37 nhà bị lũ cuốn. Căn nhà cũ bị sạt ta luy dương do hoàn lưu bão số 3 nên trước ngày xảy ra lũ quét tàn khốc, anh đưa vợ con sang nhà mẹ đẻ ngủ nhờ. Đêm định mệnh 9-9, anh Thới lại ngủ ở nhà cũ để trông coi tài sản, đồ đạc. Sáng hôm sau, khi nghe tiếng ầm ầm như nổ mìn phá đá, anh chạy ra khỏi nhà thì chỉ thấy mênh mông bùn nước. Suối cuồn cuộn chảy, đá lăn lẫn cột nhà va vào nhau khùng khục. Trận lũ quét tàn khốc đã lấy đi những người mà anh yêu thương nhất là mẹ già, vợ và 3 đứa con nhỏ.

Cùng thôn với anh Thới, anh Hoàng Ngọc Điệp đến buổi chiều 10-9 mới về đến nhà. Anh Điệp đi làm ở thành phố Lào Cai, mấy ngày trước lũ dữ không liên lạc được với gia đình nên liều chạy xe máy băng qua hàng chục đám bùn đất sạt lở để về nhà. 

Đến đầu Làng Nủ, anh Điệp bủn rủn chân tay khi nhìn thấy căn nhà thân thương của mình trước đây chỉ còn là đống bùn đất. Anh mất cả 5 người thân, chỉ còn 1 đứa cháu thoát chết, đầy mình thương tích đang nằm Bệnh viện đa khoa Bảo Yên điều trị.

May mắn thoát chết trong trận lũ quét kinh hoàng, nhưng anh Hoàng Văn Nhầm (sinh năm 1998) bị thương rất nặng. Anh được đưa tới bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương, gãy xương chậu, không thể cử động được. Lúc tỉnh dậy trong bệnh viện, người đầu tiên anh hỏi là vợ và các con. Nhưng khi nhận được câu trả lời, nước mắt anh cứ ứa ra, chảy dài trên gò mà. Rồi anh bật khóc nức nở “vợ và 3 đứa con em chết hết cả rồi, giờ em biết sống sao đây”!

Đau đớn nhất có lẽ là anh Hoàng Văn Thợi, chứng kiến anh gục xuống bên thi thể người thân được lực lượng cứu hộ tìm thấy mà không ai cầm được nước mắt. 11 người thân của anh Thợi, trong đó có 1 người già và 6 trẻ nhỏ, đã nằm xuống sau trận lũ quét kinh hoàng nhất mấy mươi năm qua ở đây.

Trận lũ quét kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 52 người, làm bị thương 16 người, mất tích 14 người. Cả Làng Nủ chỉ còn sót lại 2 ngôi nhà ở ven rìa dòng lũ quét. Tất cả trở thành bình địa ngập tràn bùn đất, củi rác... Đau xót đến tận cùng!

Tứ bề sạt lở đất, gây tổn thất sinh mạng và phá hủy hạ tầng

Đứng giữa sân Nhà văn hóa Làng Nủ mịt mù mưa xối để chỉ huy các lực lượng quân đội, công an, dân quân đang hành quân cấp tốc vào hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nghẹn ngào: “chưa bao giờ thấy Lào Cai bị nặng đến thế, thiên tai cường độ mạnh, xảy ra trên diện rộng, hầu như khắp các địa phương trong tỉnh”.

Dù đã chuẩn bị kỹ, chủ động phương tiện và lực lượng phòng, chống bão số 3 nhưng hoàn lưu bão xảy ra rất nhanh, cường độ mạnh khiến cả tỉnh Lào Cai “tứ bề” sạt lở, lũ quét, lũ ống. 

Hướng phía Tây, ngay khi hoàn lưu bão số 3 tràn tới Lào Cai, thị xã du lịch Sa Pa bị lũ quét, sạt lở đất “thổi bay” cả bản Hòa Sử Pán 1 của đồng bào Mông sinh sống bao đời, làm 6 người thiệt mạng và 9 người mất tích. Các xã Bản Khoang, Ngũ Chỉ Sơn, Trung Chải, Hoàng Liên, Tả Phìn,... liên tiếp sạt lở vùi lấp nhà ở và mất người. Tổng cộng Sa Pa bị 9 người chết, hàng trăm ngôi nhà sập đổ. 

Ngược lên phía Bắc, huyện biên giới Bát Xát bị cuồng phong bão số 3 càn quét nặng các xã Mường Vi, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ, Trịnh Tường và A Lù, làm 15 người chết, 2 người mất tích, 10 người bị thương. Nặng nề nhất là xã giáp biên giới A Lù, sạt lở đất sáng ngày 9-9 vùi lấp 2 gia đình, cướp đi 7 sinh mạng, ở thôn Phìn Chải 2. Hơn 700 ngôi nhà ở Bát Xát bị sập đổ, hư hại, đến ngày 17-9 vẫn còn 4 thôn bị cô lập do đường sá bị phá hủy, chia cắt.

Hướng phía Đông, tôi nhớ khi nhận được hung tin từ Bí thư Huyện ủy Bắc Hà báo qua điện thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Xuân Trường lặng đi, chực rơi nước mắt khi các nhà báo đang phỏng vấn ông tại hiện trường lũ quét Làng Nủ. Trong ngày 10-9, lúc 1 giờ đêm khối đất đá lớn bất ngờ sụp xuống đè trúng nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đông Nam Á ở xã Bản Cái làm 5 công nhân và giám đốc điều hành nhà máy tử vong; đến 10 giờ trưa cả 1 quả đồi đã “no nước” mưa mấy ngày trời trôi tuột xuống vùi lấp 8 nhà dân ở thôn Nậm Tông, làm 18 người chết và mất tích. 

Rồi ở Si Ma Cai, Mường Khương là những địa bàn biên giới, núi cao rất khó khăn nhưng dồn dập lũ quét, sạt lở đất càng chồng chất thêm nỗi đau mất người; hạ tầng, tài sản của người dân bị phá hủy, thiệt hại nặng nề.

Hướng chính diện, ngay tại thành phố Lào Cai, lũ trên thượng nguồn sông Hồng đổ về như chực nhấn chìm tất cả. Lũ lên cao đến 86,97m, trên mức báo động 3 là 3,47m, cao nhất trong 53 năm trở lại đây, cao hơn lũ tháng 8-1971 là 0,12m) nước tràn ngập các đường phố, nhấn chìm nhà cửa, cuốn trôi tài sản, làm mất nước, mất điện, cô lập giao thông đi lại của người dân các phường, xã dọc theo sông Hồng, gây thiệt hại nặng nề.

Theo thống kê, tính đến ngày 17-9, hoàn lưu bão số 3 đã làm 88 người đã thiệt mạng, 85 người mất tích, và 70 người khác bị thương (10 trường hợp bị thương nặng). Về lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 2.800ha đất nông nghiệp đã bị ngập úng và hư hại, 7.500 hộ gia, trong đó một nửa bị thiệt hại nghiêm trọng nhà ở, tài sản, hoa màu... Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy, với địa hình núi cao, khe sâu, bị chia cắt mạnh như Lào Cai thì việc xảy ra thiên tai nằm trong dự đoán, hầu như năm nào cũng có lũ quét, dông lốc, sạt lở đất nhưng năm nay Lào Cai oằn mình chịu đựng bão số 3, thiệt hại vượt ngoài tính đếm thông thường. 

Nỗi đau khắc sâu nhất trong tâm khảm người Lào Cai và cả nước là đã mất hàng trăm nhân mạng; cả 7/9 huyện, thị xã, thành phố bị thiên tai cướp đi con người. Nỗi đau sẽ còn rất lâu mới nguôi ngoai...

Chung tay lan tỏa yêu thương, sớm ổn định cuộc sống

Ngay sau khi lũ quét xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Xuân Trường cùng lãnh đạo huyện Bảo Yên đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là bộ đội, công an, dân quân và thanh niên khẩn trương, bằng mọi cách tìm kiếm người mất tích. 

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai chỉ đạo thực hiện nguyên tắc: tìm kiếm, cứu hộ song song với công tác phòng ngừa, bảo đảm an toàn; nắm chắc tình hình tại cơ sở, địa phương để có phương án tổ chức triển khai khắc phục hiệu quả. Trước mắt, ưu tiên tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có nạn nhân tử vong và bị thương; bảo đảm hệ thống điện, thông tin liên lạc, giao thông và nước sạch cho người dân vùng lũ quét, sạt lở đất.

Ở sân sàn đất nhà ông Hoàng Văn Vạn còn sót lại sau lũ quét, chúng tôi gặp binh nhất Trần Văn Tuấn - chiến sĩ Trung đoàn 98 - vừa hạ ba lô xuống đã vội mặc quần cộc, áo phao, đeo xẻng công binh sau lưng rồi chạy nhanh theo đồng đội dàn đội hình hàng ngang tìm kiếm trên bãi bùn đất mênh mông, mưa vẫn tuôn xối xả trên đầu. 

Ngay sau khi hành quân đến hiện trường lũ quét Làng Nủ, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 316 của Quân khu 2; 80 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn cảnh sát cơ động số 4, Trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lào Cai, Bộ đội Biên phòng Lào Cai và lực lượng dân quân tự vệ đã tham gia tìm kiếm các nạn nhân của trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ và các địa phương khác ở Lào Cai. 

Bất chấp nắng mưa, ngổn ngang gỗ đá, mảnh vỡ, đinh sắt cột nhà,... chìm nổi giữa bùn đất và dòng nước lũ đặc quánh còn đọng lại, họ dầm mình dưới bùn đặc, dấn thân sâu dưới dòng nước lũ, chạy đua với thời gian để sớm đưa những nạn nhân “trở về”...

Cũng ngay trong ngày hôm sau, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có mặt tại Làng Nủ. 

Khuôn mặt đanh lại, sạm mưa gió, Thủ tướng Phạm Minh Chính cầm gậy chống xuống bùn lội bộ trên những thân cây, tảng đá còn mắc lại để ra giữa hiện trường gặp những người lính đang dầm mình dưới bùn nước tìm kiếm nạn nhân. 

Tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, Thủ tướng động viên, an ủi người dân đang ngóng chờ bộ đội tìm kiếm người thân, tài sản còn sót lại. Chứng kiến sự tàn khốc, đau thương của người dân Làng Nủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo tỉnh Lào Cai và các bộ, ngành trong đoàn công tác tập trung nguồn lực nhanh nhất, tốt nhất để xây dựng lại Làng Nủ cho người dân, bảo đảm an toàn, giao thông và sinh kế trước ngày 31-12-2024. Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Thủ tướng cấp 150 tỷ đồng giúp nhân dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Ở các địa phương khác của tỉnh Lào Cai, lực lượng công an, bộ đội và dân quân tự vệ, thanh niên xung kích cùng hơn 200 sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai làm nòng cốt giúp nhân dân chạy lũ, tránh sạt lở, di dời đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả bão số 3, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Giữa những ngày đau thương do thiên tai ập xuống càng sáng rõ thêm và ấm áp tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Những đoàn xe đủ loại, từ Cà Mau, Bình Dương, Long An, Đắc Nông, Phú Yên đến Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Phú Thọ,... mang theo lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, vật dụng sinh hoạt nối tiếp nhau đến Làng Nủ, Cốc Lầu, Nậm Lúc, A Lù,... giúp đồng bào Lào Cai vượt qua cơn hoạn nạn. 

Biết bao doanh nghiệp và hội nhóm nghề nghiệp không tên đã tự nguyện cùng nhau đưa máy xúc đến Bắc Hà để thông đường tới những bản làng bị cô lập, đưa hàng tiếp tế đến người dân. Một nhóm các thợ sửa đồ điện tử tự nguyện đến Bảo Yên khôi phục các vật dụng bị hư hỏng miễn phí tại nhà cho bà con vùng bị ngập nặng sớm ổn định cuộc sống thường nhật, bắt tay vào sản xuất kinh doanh.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai, đến ngày 17-9, Ban vận động cứu trợ tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của hơn 5.600 tập thể, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với số tiền số tiền hơn 242,6 tỷ đồng; trong đó Quỹ cứu trợ Trung ương là 180 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm là hơn 62,6 tỷ đồng. 

Tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận tiền mặt và thông qua tài khoản là 7,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận từ hơn 300 đoàn ủng hộ gồm nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, ước giá trị khoảng 24 tỷ đồng.

Cả nước đang chung tay, đồng sức đồng lòng hướng về Lào Cai biên cương Tổ quốc. Ai cũng muốn làm việc có ích nhất trong lúc này để giúp bà con ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, để vơi đi nỗi đau cho những người đã nằm xuống vì lũ dữ... 

Tôi tin, câu chuyện về cơn bão số 3 không chỉ là câu chuyện của sự tàn phá. Nó còn là câu chuyện của tình người, của sự đồng lòng và tinh thần kiên cường không khuất phục. Vết thương của núi rừng rồi sẽ lành lại, tình người, tinh thần đoàn kết sẽ mãi là lớp “phù sa” để nảy nở những mầm sống tươi tốt hơn.../.

25 September 2024