21/09/2024 | 12:48 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chuyện nam sinh khiếm thị đỗ 6 trường đại học

Vũ Toàn
Chuyện nam sinh khiếm thị đỗ 6 trường đại học Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng (thứ hai bìa trái) và Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh chúc mừng Đỗ Nam Khánh_Ảnh CTV
Khi em cất tiếng khóc chào đời, đôi mắt trẻ thơ đã không bình thường. Sau 3 lần phẫu thuật, chứng bệnh khiếm thị của em trở nên nặng. Bằng nghị lực sống bền bỉ, em từng bước vượt mọi trở ngại, trở thành đảng viên trẻ trước khi đỗ 6 trường đại học. Đó là Đỗ Nam Khánh, học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, trú tại tổ dân phố 5, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Hai mẹ con khiếm thị

Khánh bị khiếm thị trong cảnh mẹ mình cũng bị khiếm thị nên tuổi thơ của cậu bé tật nguyền luôn được bà ngoại chăm nom. Năm 2009, lên 3 tuổi, đứng trước màn hình tivi nhưng chỉ nghe tiếng chứ không nhìn thấy gì, Khánh liền níu áo bà, thủ thỉ: “bà ơi, bà chữa mắt cho sáng để cháu được đi học”. 

Thương đứa cháu ngoại đầu tiên đến rơi nước mắt, bà Nguyễn Thị Lương đưa Khánh ra bệnh viện ở Hà Nội. Bác sĩ khám cho Khánh rồi cho biết “gia đình đưa cháu ra chậm quá”. Lần đầu tiên Khánh được phẫu thuật thay nhân mắt.

Từ lớp 1 đến lớp 4, chỉ thấy lờ mờ nên ngoài việc phải đeo cái kính nhiều độ dày cộp, Khánh còn mang thêm một cái đèn tích điện mới nhận thấy nét chữ. Nhưng từ lớp 5 đến lớp 6, đôi mắt của Khánh hoàn toàn không thể nhìn thấy gì. 

Khánh kể: “hồi đó, em viết vất vả lắm, chữ nào cũng xiêu vẹo. Em nghĩ, phải trình bày với thầy hiệu trưởng để được trường, lớp tạo điều kiện, thay đổi cách học. Ví như, khi làm bài kiểm tra, thay vì viết ra giấy, em xin được trả lời trực tiếp với giáo viên”.

Năm lên lớp 7, mắt Khánh bị mù hẳn nên phải ra Hà Nội phẫu thuật lần hai, thế nhưng vẫn không hy vọng gì. Khánh bắt đầu học chữ nổi, học cách sử dụng điện thoại có phần mềm dành riêng cho người khiếm thị. Chỉ cần vài thao tác bằng tay, đưa điện thoại lên tai là Khánh có thể nghe và tương tác được, kể cả tin nhắn. 

Còn vi tính thì Khánh học thuộc bàn phím và sử dụng thành thạo như điện thoại. Khánh bảo, thuộc bàn phím rồi nhưng không dễ sử dụng thành thạo ngay. Vì thế, khi “gõ” xong một đoạn thì dừng lại để kiểm tra lỗi chính tả. Nếu viết sai, máy tính sẽ đọc từng ký tự, giúp mình chỉnh sửa.

Lên lớp 10, Khánh biết phối hợp nhiều phương pháp học tập khác nhau bằng chữ nổi, điện thoại, máy vi tính và trả lời vấn đáp. Kết quả của phương pháp học tổng hợp này giúp Khánh thực hiện tốt các bài thi trắc nghiệm hoặc tự luận trước những câu hỏi kiểu phỏng vấn của giáo viên. Riêng bài nào phải viết thì Khánh gõ trên vi tính. Bài dài quá, Khánh xin về nhà soạn rồi gửi thư điện tử tới giáo viên. 

Ba năm học trung học phổ thông, Khánh liên tục đạt học sinh giỏi của trường, luôn đứng tốp đầu của lớp cùng 4 bạn khác. Kể chuyện về năm học cuối cấp, Khánh chỉ tiếc một lần bị lỡ cuộc thi học sinh giỏi cấp trường do tiếp cận muộn đợt thi học sinh giỏi dành cho học sinh khiếm thị.

Câu chuyện của Khánh đang lắng lại thì người mẹ trẻ vừa từ Hội Người mù thành phố Hà Tĩnh về. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Tình, 39 tuổi. Tuy đôi mắt khiếm thị nhưng dáng nhỏ gọn của chị lộ vẻ nhanh nhẹn. Chị Tình cho hay: “tôi bị khiếm thị nhẹ nên còn có cơ may đỡ đần, nhất là trong việc học tập của con”. 

Mới hay, người mẹ khiếm thị này có thể đi xe đạp chầm chậm để chở con đến trường. Trước giờ đi học, sau khi nghe con đọc thời khóa biểu, mẹ đứng bên bàn soạn sách vở cho con. Chị kể, bất kể trời mưa, nắng chị vẫn đều đặn chở con đến trường. Thi thoảng gặp chỗ đông người, không xử lý kịp, hai mẹ con bị ngã. Ngã rồi cũng quen trong suốt 12 năm trời.

Chị Tình nói: “ngày 25-8, Khánh ra Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhập học thì bà ngoại đi cùng hai mẹ con. Có lẽ, Khánh được ưu tiên ở trong ký túc xá nhưng do ký túc xá ở xa lớp học nên phải đi tìm chỗ ở cách trường vài trăm mét để hai mẹ con có thể đi bộ đến trường. Ổn định chỗ ở thì bà ngoại về, tôi ở lại vừa tìm kiếm việc làm thêm phù hợp với người khiếm thị nhẹ vừa tiếp tục đồng hành với con”.


Thành tích đáng trân trọng

“Ngoài ưu điểm học giỏi từ lớp 1 đến lớp 12, Đỗ Nam Khánh còn vinh dự nhận giấy khen là 1 trong 10 “Gương thanh niên tiêu biểu của thành phố Hà Tĩnh”, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh trao tặng; danh hiệu về “Gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, do Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trao”.

Ông Đoàn Đình Anh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh.


Mơ ước truyền cảm hứng tới cộng đồng

Sáng ngày 20-8, khi chúng tôi đang trò chuyện thì Khánh nhận được giấy thông báo trúng tuyển vào Trường Đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh. Khánh bảo, đây là trường thứ hai gửi thông báo nhập học. Ngoài 2 trường này, Khánh xem kết quả điểm chuẩn các trường đại học tại Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, biết mình còn đỗ 4 trường đại học khác, gồm: Sư phạm 1 Hà Nội, Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, FPT và Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).

Khánh đang vui với kết quả học tập này bỗng nhớ những lần ở lớp chưa thực sự hiểu bài nên về nhà nhờ bà ngoại đọc lại cho nghe. Có những ký hiệu trong môn tự nhiên, bà không đọc được thì Khánh hướng dẫn bà miêu tả. Thế là Khánh hiểu và làm bài tập dễ dàng. Nhiều hôm, Khánh lên mạng tìm tài liệu để nghe các bài giảng của giáo viên và tìm thêm đề bài tập để làm. 

Chính những phương pháp học tập phong phú cùng thành tích học tập và hoạt động xã hội, tư cách đạo đức tốt, đoàn trường giới thiệu Khánh học lớp cảm tình Đảng tại Trung tâm Chính trị thành phố Hà Tĩnh. Đạt kết quả tốt, nên đến cuối cấp, Khánh vinh dự được kết nạp vào Đảng cùng 20 bạn trẻ khác.

Nhắc đến bước ngoặt quan trọng trong đời học sinh, khuôn mặt trẻ măng của Khánh tươi sáng hẳn lên. Khánh vui nói: “việc tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về Đảng để trở thành một đảng viên cũng không phải dễ dàng, muốn là được ngay. Mình phải luôn cố gắng, rèn luyện hằng ngày, đam mê học hỏi giống như việc học văn hóa và công tác xã hội thì mới mong có kết quả mỹ mãn”. 

Nói đoạn, Khánh nhớ về những lời động viên của ông bà ngoại, dì, mẹ và thầy cô đã tiếp thêm sức mạnh, giúp Khánh cởi bỏ tâm lý dễ bị bi lụy Khánh đã được nghe nhiều lời động viên và nhớ nhất là câu “con sẽ làm được miễn là có nghị lực sống”.

Như một lẽ tự nhiên, tất cả những câu chuyện trên đây xuất phát từ tâm trạng trĩu nặng một thời và mơ ước của một nam sinh khiếm thị - mơ ước mang tên “tôi muốn trở thành người truyền cảm hứng tới cộng đồng”. Nghe Khánh bộc bạch, tôi như bị cuốn vào vòng quay cuộc đời của một nam sinh khiếm thị. Người trẻ này, khi thị lực mỗi ngày giảm càng sâu thì từng gặp khó khăn về tâm lý; từng thấy thế giới xung quanh như bị sụp đổ trong màu đen của đôi mắt tật nguyền; từng không dám bước chân ra khỏi căn phòng cá nhân mấy chục mét vuông; từng tự cảm mình là người vô dụng...

“Bây giờ có cơ hội học lên đại học, em sẽ hết sức nỗ lực với hy vọng sẽ gặt hái thêm nhiều kinh nghiệm từ giảng đường. Mơ ước truyền cảm hứng về những trải nghiệm của cuộc đời khiếm thị rồi sẽ được chắp cánh, bay xa”, Khánh nói, ngỡ niềm vui như sáng lên trên đôi mắt “không chịu sáng” của Khánh./.

13 September 2024