Hủy hoại môi trường - tội ác chiến tranh với những hệ lụy khôn lường
Nguyễn Sơn
Di chứng khó phục hồi
“Hủy hoại môi trường trong chiến tranh” là một khái niệm từ rất xưa. Hơn 2.000 năm trước, người Arab đã đổ dầu thô lên những mảnh đất canh tác của kẻ thù để sau đó mảnh đất đó không thể gieo trồng được gì nữa.
Tam Quốc cũng mô tả việc đắp đập, chuyển dòng để gây ngập lụt, nhằm khiến quân địch trong thành “hóa thành cá cả”, hậu quả là hàng vạn người dân bị thiệt hại, ruộng dâu hóa sông hồ, nhà cửa tan hoang.
Tuy nhiên, mãi đến thập niên 60 của thế kỷ XX, khi quân đội đế quốc Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam, vấn đề hủy hoại môi trường trong chiến tranh mới trở nên cấp thiết và thu hút sự quan tâm sâu rộng của cộng đồng quốc tế.
Tháng 8-1961, dưới áp lực của Tổng cục Tình báo Mỹ (CIA) và Lầu năm góc, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã phải đồng ý sử dụng hóa chất diệt cỏ để “làm sạch” thảm thực vật ở chiến trường Việt Nam và Đông Dương.
Các cố vấn Mỹ và chỉ huy chiến trường của Việt Nam Cộng hòa cho rằng du kích “Việt cộng” thường nấp trong những lùm cây bụi cỏ gần đường để giật mìn. Những cánh rừng đa tầng che mắt không quân phát hiện đường hành quân của quân chủ lực Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việc rải hóa chất làm rụng lá (sau này được biết dưới cái tên chất độc da cam) sẽ phát quang địa hình, khiến địch quân không thể hành quân và tiếp cận mục tiêu như mong muốn. Các tờ truyền đơn của chính quyền Sài Gòn khẳng định chất diệt cỏ hoàn toàn không độc hại, bất chấp nhiều công nhân từ nhà máy sản xuất bên Mỹ bị nhiễm độc, mất khả năng lao động và thậm chí để lại di chứng cho con cái họ.
Thoạt đầu, phía Mỹ chỉ sử dụng chất độc da cam giới hạn để phát quang các khu rừng gần Sài Gòn và các tuyến đường dẫn về đô thành. Tuy nhiên, càng sa vào cuộc chiến, quân đội Mỹ càng mở rộng phạm vi sử dụng.
Giai đoạn 1961 - 1971, rừng ngập mặn Cà Mau gần như bị phá vỡ hoàn toàn do bị quân đội Mỹ sử dụng hàng triệu lít chất độc da cam rải xuống. Không chỉ ở miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào cũng phải hứng chịu chất độc da cam, dù với mức độ thấp hơn. Địa điểm bị rải thì thậm chí cả ở phía Bắc giới tuyến phi quân sự phân tách 2 miền. Nhiều người dân trở thành nạn nhân ngay lập tức.
Tuy nhiên, chính quyền Sài Gòn cho rằng đấy là “tuyên truyền cộng sản” và cấm báo chí Sài Gòn đưa tin về các nạn nhân như vậy để không “tiếp tay cho tuyên truyền Việt cộng”.
Theo số liệu của Lầu năm góc, từ năm 1962 đến 1971, khoảng 10% lãnh thổ Việt Nam bị rải tổng cộng 77 triệu lít hóa chất, trong đó có 44 triệu lít chất độc da cam chứa 370kg dioxin. So sánh để có thể hình dung ra hậu quả, có thể chỉ ra vụ nhiễm dioxin ở Seveso (Italia) năm 1976 chỉ với 30kg dioxin lọt ra môi trường mà tác hại của nó kéo dài hơn 20 năm chưa khắc phục được hoàn toàn.
Sau này, Tiến sĩ James Clary - một nhà khoa học quân đội Mỹ - đã công nhận: “khi chúng tôi khởi đầu chương trình sử dụng thuốc diệt cỏ vào những năm 60 của thế kỷ XX, chúng tôi đã ý thức được tiềm năng độc hại của dioxin trong thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, vì hóa chất sẽ được dùng đối với kẻ thù nên không ai trong chúng tôi quá quan tâm”.
Chất độc da cam đã tàn phá hơn 2 triệu héc-ta rừng nhiệt đới, 43% diện tích đất canh tác của Việt Nam. Bên cạnh hàng vạn nạn nhân chất độc da cam mất khả năng lao động và sinh con quái thai, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng ở vùng bị rải thảm khiến từ 150 loài chim rừng chỉ còn lại 18 loài, hệ vi sinh trong đất trồng bị biến đổi sâu sắc, nhiều giống cỏ tự nhiên bị biến đổi đến mức không dùng cho chăn nuôi được.
Trong tự nhiên xuất hiện loài chuột đen tiềm tàng khả năng mang mầm bệnh dịch hạch. Một loài gián còn biến đổi, trở thành tác nhân truyền nhiễm rất mạnh bệnh sốt rét, điều trước đây chỉ ghi nhận ở một số loài muỗi vùng nhiệt đới. Những hố bom rải thảm cấy sâu chất độc vào lòng đất, để lại di chứng lâu dài khó phục hồi cho môi trường Việt Nam và Đông Dương.
Hậu quả tàn khốc
Chất độc da cam là minh chứng lớn nhất và rõ ràng nhất cho tội ác hủy hoại môi trường vì các mục tiêu chiến tranh. Cùng với chất độc da cam, còn những cuộc hủy hoại môi trường khác với những hệ lụy đáng sợ lâu dài.
Năm 1991, trước khi bị đẩy lui, quân đội Iraq đã chủ ý đốt hàng trăm giếng dầu ở Kuwait, tạo nên hàng trăm đám cháy kéo dài suốt 10 tháng, khiến bầu trời khu vực trở nên tối đen đầy khói bụi. Khói lan rộng lên tới hơn 1.000km, mang hàng tỷ hạt bụi dầu và khí độc như SO2, H2S làm giảm chất lượng không khí nghiêm trọng, gây ra bệnh hô hấp cho hàng nghìn người tại Kuwait và các nước lân cận.
Khoảng 4 - 6 triệu thùng dầu cùng hàng triệu mét khối khí gas thải ra mỗi ngày tạo ra các “hồ dầu” khổng lồ trên sa mạc và gây ô nhiễm kéo dài. Dầu tràn và khói bụi kết hợp với cát tạo ra lớp vỏ chai cứng phủ lên khoảng 5% diện tích đất nước, hơn 90% diện tích đất nhiễm dầu vẫn chưa được xử lý kể từ khi kết thúc chiến tranh.
Nhiều loài hoang dã, gia súc và chim di trú chết hàng loạt do khói độc và ô nhiễm dầu; hệ sinh thái sa mạc bị thay đổi sâu sắc, có thể mất nhiều thập niên để phục hồi.
Ở Syria, các bên tham chiến đã chất đống hàng trăm lò tinh chế dầu tạm bợ, đốt nhựa, chất thải và dầu thô, tạo ra mây khói độc hại, thải khí và bụi gây ô nhiễm không khí và nguồn nước nghiêm trọng, phá hoại đất và suy thoái thảm thực vật, làm dịch bệnh lan nhanh do chuột, côn trùng và vi khuẩn từ chất thải vương vãi không kiểm soát.
Nông nghiệp sụt giảm mạnh: đất canh tác giảm 21%, diện tích tưới tiêu giảm 50%; đất canh tác bị sa mạc hóa, nhiễm hóa chất khiến sản lượng lúa mì của nước này giảm gần 50%, nguy cơ nạn đói và khủng hoảng kinh tế là nhãn tiền.
Hủy hoại môi trường, nhất là hủy hoại vì các mục tiêu quân sự là một tội ác không thua kém tội diệt chủng hay tội chống loài người. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Nghị quyết 31/72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 10-12-1976 chưa đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này. Cần định nghĩa tội ác đó một cách rõ ràng và đề ra các biện pháp khả thi để kết tội những kẻ gây ra sự hủy hoại đó.
Một trong những cố gắng để đạt được điều đó là công trình tập thể của nhóm 12 luật sư chuyên về luật quốc tế định danh khái niệm hủy hoại môi trường. Theo họ, thuật ngữ “hủy hoại môi trường” được hiểu là “các hành vi vô nghĩa và bất hợp pháp được thực hiện làm thiệt hại nghiêm trọng, rộng lớn và/ hoặc kéo dài cho môi trường”.
Các tác giả cho biết, khái niệm hủy hoại môi trường không mới, nhưng về mặt pháp lý, nó chưa đủ chặt chẽ để xử lý như xử lý một tội danh. Định nghĩa mới cho phép định danh tội ác này và xử lý hình sự bằng Tòa án Hình sự quốc tế và các tòa án khác có thẩm quyền.
Giáo sư Jonathan Adler của Đại học Case Western Reserve (Mỹ) hy vọng việc định nghĩa chính xác tội danh hủy hoại môi trường có ý nghĩa rất lớn trong việc điều tra và xét xử sau khi tội ác này được bổ sung vào danh mục các tội ác quốc tế, bởi những kẻ thủ ác thường biện bạch rằng họ đã thực hiện hành vi đó vì những mục tiêu tốt đẹp và không ngờ hậu quả lại thành ra như thế.
Song song với việc đấu tranh để đưa tội hủy hoại môi trường vào danh mục các tội ác quốc tế và biến việc điều tra và xét xử trở nên khả thi, cuộc đấu tranh “mềm” của dư luận là vô cùng cần thiết.
Vạch mặt những kẻ hủy hoại môi trường vì mục đính chiến tranh giúp các nhà lãnh đạo thấy rõ hơn tổn thất và chi phí chiến sự sẽ không chỉ là những thiệt hại về người và của “lộ thiên”, mà còn bao gồm những thiệt hại “ngầm” từ việc hủy hoại môi trường trong chiến cuộc, từ đó khiến họ ngần ngại hơn trong việc ra quyết định chiến tranh./.
Các bài cũ hơn




