21/11/2024 | 14:19 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ẩm thực du ký - Bài 1: Hồng Kông - “thiên đường ẩm thực”

Phó Đức An
Ẩm thực du ký - Bài 1: Hồng Kông - “thiên đường ẩm thực” Quán ăn đêm vỉa hè tại phố Miếu, Kowloon, Hồng Kông (Trung Quốc)_Ảnh: P.Đ.A
Một trong những cách để tiếp cận cốt lõi của một nền văn hóa là thông qua cái dạ dày, gọi nôm na là văn hóa ẩm thực. Văn hóa ẩm thực có giá trị biểu tượng phong phú đối với mỗi dân tộc, truyền tải những ý nghĩa văn hóa sâu sắc khác nhau. Phong tục ẩm thực và các món ăn đặc sản của các nơi đều có sức hấp dẫn riêng, phản ánh bề rộng và chiều sâu của văn hóa vùng miền. Chuyên san Hồ sơ sự kiện xin giới thiệu loạt bài viết về văn hóa ẩm thực các nước thông qua ngòi bút và sự trải nghiệm của nhà văn, nhà báo Phó Đức An (Peter Pho).

1. Ẩm thực là một thú vui của đời, nói về ẩm thực đầu tiên tôi nghĩ ngay đến Hồng Kông (Trung Quốc). Đây là “thiên đường ẩm thực” cách chúng ta rất gần. Từ Hà Nội bay Hồng Kông chỉ hơn 1 tiếng. Thành phố Hồ Chí Minh bay Hồng Kông thì mất khoảng 3 giờ đồng hồ. 

Khi viết những lời ca ngợi Hồng Kông, qua quan sát cuộc sống và thói quen hàng ngày, tôi không khó để nhận ra sự đáng yêu của Hồng Kông. Với tôi, điều đáng khen nhất ở Hồng Kông chính là ẩm thực. 

Người ta nói Hồng Kông là “thiên đường ẩm thực” là xứng đáng và danh bất hư truyền. Nơi đây hội tụ những món ngon từ khắp nơi trên thế giới, gần từ Đông Nam Á, xa đến Tây Âu. Đồ ăn Trung Quốc và nước ngoài, chỉ cần bạn nghĩ được ra thì đều có.

Bước trên đường phố Hồng Kông luôn tràn ngập những tiệm ăn, nhà hàng các kiểu với những biển hiệu quảng cáo bắt mắt. Hấp dẫn nhất là những tiệm vịt quay, ngỗng quay, lợn quay. Treo trong tủ kính là những con vịt, con ngỗng quay màu vàng óng hoặc đỏ quạnh hấp dẫn đến chảy nước miếng. 

Đây là những con ngỗng bờm đen nướng than chính hiệu. Họ sử dụng ngỗng bờm đen từ Quảng Đông, ướp theo công thức gia truyền của tiệm và được quay bằng than, mang lại làn da ròn thơm, miếng thịt non chất, vào miệng cảm giác như được nhấm nháp miếng thịt thiên nga đến từ thiên đàng. 

Khi món ngỗng quay đem ra phục vụ thực khách, họ thường rưới lên trên một loại nước sốt bí truyền, có hương vị đặc biệt đậm đà mùi thơm của mỡ ngỗng, nước này mà chan vào cơm ăn thì ngon tuyệt.

Tôi là một Việt kiều Mỹ trở về quê hương sinh sống qua mấy chục năm bôn ba hải ngoại. Mẹ tôi người Việt, bố tôi người Hoa quê ở Thuận Đức, Quảng Đông, Trung Quốc. Nếu nói Thuận Đức là cái nôi tiêu biểu cho ẩm thực Quảng Đông thì Quảng Đông lại chính là cái nôi của ẩm thực Trung Hoa. 

Chính vì có cái gene văn hóa ẩm thực, nên tôi rất đam mê đi tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực bốn phương. Đồng thời, có một thời gian là cộng tác viên cho một tờ báo ở Hồng Kông (Trung Quốc) phụ trách chương mục chuyên về ẩm thực, giới thiệu cho bạn đọc cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn của những món ăn khác nhau trên thế giới qua từng bước chân trải nghiệm khắp nơi của tôi.

Tôi thích sáng sáng mua một tờ báo rồi tìm một cao lâu thưởng trà, ăn dimsum ngắm nhìn không khí tấp nập trong “trà lâu”. Thường ở đây tập trung rất nhiều món điểm tâm độc đáo lưu truyền từ xưa. 

Nếu các vị từng thưởng trà cao lâu, ắt phải nhớ đến những món như há cảo, xíu mại hoặc chân gà hầm tàu xì, sườn hấp tỏi, dạ dày lợn trưng ớt, bánh cuốn, cháo thập cẩm và hàng trăm loại điểm tâm tinh xảo khác. 

Nhiều cao lâu ở Hồng Kông vẫn giữ được lề lối cổ xưa có các chị phục vụ đẩy xe dimsum rao bán từng bàn. Có rất nhiều loại dimsum truyền thống thơm ngon chất lượng.

Tôi rất ấn tượng với món “ngàu chạp” của Hồng Kông mà hình như chỉ dân Hồng Kông mới làm ra được cái vị đặc trưng của món này. Ngàu chạp tức là những nội tạng bò như lòng bò, dạ dày, tim, ruột, gan, phổi, cật... 

Bản thân của nội tạng bò luôn có một mùi hôi đặc trưng nhưng qua chế biến, nó lại thơm ngon đến lạ lùng. Những tiệm “ngàu chạp” đi đến đâu cũng bắt gặp và hầu như tiệm nào cũng đều có chất lượng và hương vị như nhau. 

Các bạn có thể gọi một bát mỳ hoặc phở nội tạng bò, gọi thêm một đĩa ăn thêm các loại nội tạng rồi vừa ăn vừa nhắm mắt thưởng thức và cảm nhận tinh túy trong từng miếng nội tạng đưa vào miệng.

Những món ngon có thể được tìm thấy ở mọi trung tâm mua sắm cao cấp và ở mọi con phố, ngõ hẻm, phong cách đa dạng và đơn giản nên bạn có thể dễ dàng lựa chọn. Nhưng nếu chỉ mô tả đồ ăn ở Hồng Kông thì thực ra tôi chỉ kể lại những điều mà ai cũng đã biết. 

Tuy nhiên, điều truyền cảm hứng cho tôi về “thiên đường ẩm thực” này chính là tinh thần và thái độ của người dân Hồng Kông được phản ánh đằng sau nó.

Vietnam Airlines đã bắt đầu khai thác đường bay Việt Nam - Hồng Kông từ tháng 11-1991. Trải qua gần 33 năm mở đường bay, hãng đã phục vụ hơn 5,7 triệu lượt khách trên hơn 46 nghìn chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Hồng Kông, giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Hồng Kông. Hiện tại, Vietnam Airlines đang khai thác 7 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần từ Hà Nội đến Hồng Kông và 7 chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hồng Kông.

2. Từ một cảng cá nhỏ năm xưa cho đến “thiên đường ẩm thực” nổi tiếng hiện nay, trước hết tôi cho rằng sự chăm chỉ, bền bỉ và kiên trì của người dân Hồng Kông mới là yếu tố quan trọng nhất. 

Trước đây, ở Hồng Kông có rất nhiều quán ăn vỉa hè, quán bán đồ ăn rong, tuy đã dần biến mất nhưng đã đặt nền móng tốt cho một “thiên đường ẩm thực”. Nhiều món ăn trong các quán ăn vỉa hè cũng đã được đưa vào phục vụ trong các nhà hàng ở khách sạn 5 sao. 

Bạn thử nghĩ xem, xào nấu ở các quán ăn ngoài đường giữa mùa hè nóng nực. Đẩy xe bán đồ ăn rong trong tiết trời giá lạnh, sự kiên trì và khắc khổ của họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ẩm thực chất lượng, giá rẻ, hợp khẩu vị và làm cho Hồng Kông trở nên độc đáo hơn. 

Khách du lịch đến Hồng Kông đều tận tâm nếm thử những hương vị độc đáo này, gọi một phần cơm niêu, với một chai bia San Miguel ăn cũng ra cái chất của Hồng Kông.

Người Hồng Kông có tiêu chuẩn làm việc rất cao, kể cả đối với bản thân họ và những người khác. Những người lao động trong ngành ăn uống không ngừng nỗ lực cải tiến, đổi mới về sắc, hương, vị, chất lượng nguyên liệu, vệ sinh môi trường để khách hàng có thể thưởng thức bữa ăn. 

Thực khách bản địa cũng có những yêu cầu cao đối với nhà hàng, nếu có ý kiến gì họ đều tích cực nêu lên hoặc thảo luận trên mạng lưới ẩm thực. 

Một số người có thể cho rằng điều này thật khắc nghiệt, nhưng tôi nghĩ những yêu cầu này đã làm gia tăng sự cạnh tranh trong ngành cung cấp dịch vụ ăn uống và cũng dẫn đến sự tiến bộ không ngừng.

Ngoài ra, văn hóa ẩm thực đa dạng phản ánh sự chấp nhận của Hồng Kông đối với những khác biệt văn hóa khác nhau. Hồng Kông là một thành phố quốc tế, điều này có thể thấy rõ qua văn hóa ẩm thực của thành phố này. 

Hồng Kông có nhiều món ăn từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Mỹ..., thậm chí cả các chế độ ăn uống khác nhau như “stand-up” (ăn đứng), “top-down” (ăn thỏa thích trong thời gian giới hạn)... 

Mong muốn thay đổi và yêu thích sự mới lạ của người Hồng Kông đã dẫn đến việc họ chấp nhận các nền văn hóa nước ngoài khác nhau và biến nơi này thành một thành phố quốc tế ngày nay.

Cuối cùng, giống như bao người dân Hồng Kông, tôi thích đi du lịch. Điều khiến tôi nhớ nhất mỗi lần và thôi thúc quay lại Hồng Kông là đồ ăn ở “thiên đường ẩm thực” này./.

Còn nữa

Chủ đề: Ẩm thực du ký
10 November 2024
MỚI NHẤT