“Rừng luồng Lang Chánh” trong vườn cây bên Lăng Bác
Vũ Toàn
Cả huyện trồng luồng
Ông Lê Văn Phú - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa - còn nhớ, năm 1969 sau khi Bác mất, có 2 sự kiện nổi bật ở huyện miền núi này. Thứ nhất, huyện phát động toàn dân trồng cây, gây rừng như mong muốn trước mỗi mùa xuân về của Bác Hồ.
Cuối năm 1969, hơn 100 cây lim đâm chồi trên quả đồi vốn phủ dày cây tạp rộng 2ha phía sau trụ sở Ủy ban nhân dân huyện, thuộc địa bàn thị trấn Lang Chánh.
“Sau năm 1969, đồi cây tạp đã có tên mới - đồi lim xanh. Đồi lim do cán bộ và nhân dân huyện Lang Chánh trồng, chăm sóc để tưởng nhớ Bác Hồ”, ông Phú nói.
Có đất là trồng luồng “Xã Tân Phú có 2.300ha trong tổng số 15.000ha luồng toàn huyện. Nghề chính của người dân Tân Phú là trồng lúa, chăn nuôi đàn gia súc và trồng luồng. Nhưng luồng là cây kinh tế chủ lực nhất, là cây “đặc sản” không chỉ ở Lang Chánh. Sau 5 - 10 năm là đến mùa thu hoạch luồng, cây luồng được người dân bán về các tỉnh để làm vật liệu xây dựng (giàn giáo, cốp pha, cọc phòng hộ chống sạt lở trong mùa mưa bão). Luồng được các nhà máy chế biến tre luồng nhập để sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ, ván sàn, bàn ghế, làm nhà chòi. Ở Tân Phú, người dân có đất là trồng luồng bởi thu nhập từ cây luồng giúp người dân làm ra đồng tiền để tích luỹ. Nguồn thu từ cây luồng giúp địa phương giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo. Giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Phú chiếm 50%; từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, chỉ còn 2,7% hằng năm. Địa phương chúng tôi đang phấn đấu xóa tỷ lệ hộ nghèo bằng chính những rừng luồng này”. Ông Lê Văn Phú - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phú, huyện Lang Chánh |
Vậy là nhà nhà trồng luồng. Cả huyện trồng luồng (hiện huyện Lang Chánh có 15.000ha luồng). Đây chính là cơ hội để những cánh rừng luồng Lang Chánh “phủ sóng” trên vùng đồi trọc, đồi cây tạp, trở thành những “đồi cây siêng”, phát triển mạnh với một quy hoạch mới về vườn rừng, vườn nhà của bà con dân tộc Mường, Thái và Kinh.
Năm 1990, khi sản phẩm cây luồng trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống người dân nhiều tỉnh, thành phố thì địa bàn huyện Lang Chánh được mệnh danh “thủ phủ luồng”, “vua luồng xứ Thanh”. Đây là những biệt danh độc đáo của giống cây bản địa có cách đây hơn 500 năm ở Lang Chánh và các huyện miền Tây, tỉnh Thanh Hóa.
Chính trong cuộc phát động này, huyện chỉ đạo xây dựng một vườn ươm ở vùng đất tốt nhất để sau khi cây luồng bắt đầu phát triển, huyện sẽ tổ chức di chuyển ra trồng trong vườn cây bên Lăng Bác theo sự phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời điểm đó, ông Hà Viết Hợi - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện và ông Hà Văn Noỏng - Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Tân Lập, xã Tân Phúc - hướng dẫn bà con ở làng Đáy (bản Đáy cũ) của thôn này dồn tâm sức làm vườn ươm.
Các giống cây tốt nhất được chọn lọc từ nhiều đồi luồng của các bản đưa về vườn ươm. Hơn 5 năm sau, lãnh đạo huyện cùng ông Hợi, ông Noỏng phối hợp Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa 20 cây luồng ra trồng trong vườn cây bên Lăng Bác.
Niềm tự hào của người cựu binh
Từ đồi lim xanh, chúng tôi tiếp tục ngồi xe máy đi qua những cánh rừng luồng xanh nhấp nhô bao quanh những bản làng người Thái để vào làng Sơn Thủy (bản Cha Lo cũ) thuộc xã Tân Phúc, tìm gặp ông Lê Ngọc Yền - người cựu binh, thương binh, chủ nhân của hơn 100 cây luồng được trồng trong vườn cây bên Lăng Bác. Đây là dịp những cây luồng mới sẽ thay thế lứa luồng cũ trồng năm 1975.
Lúc này, anh Lê Văn Tùng - kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Lang Chánh, phụ trách địa bàn lâm nghiệp vùng rừng Sơn Thủy - nói: “vườn luồng ông Yền đẹp... nhức mắt. Bây giờ, hễ nhắc đến lứa luồng đẹp nhất là ông Yền lại nhớ đến hơn 100 cây luồng của gia đình ông được trồng trong vườn cây bên Lăng Bác, năm 2014. Niềm vui của ông xen lẫn niềm tự hào về cây bản địa của xứ Thanh. Mới đây, ông vừa ra Hà Nội viếng Bác và đi thăm những cây luồng xanh sắc của mình”.
Khi chúng tôi đến nhà ông Yền, ông đang đi “thăm” bò ở đồi bên. Nói xong, vợ ông đi gọi ông về. Ông Yền đã 76 tuổi nhưng vóc dáng đậm, bước chân mạnh khỏe, đầu đội mũ phớt, hông đeo bao dao mẹo, hệt “dân săn trầm chuyên nghiệp”.
Biết chúng tôi ngạc nhiên, ông đưa bàn tay vạm vỡ, sạm nâu, sửa lại bao dao mẹo ngay ngắn, nói tự tin: “lính trận Sư đoàn 9, Quân khu 7 đây. Bốn lần bị thương liên tiếp vào những năm 1968, 1969, 1970, 1971 ở mặt trận Tây Ninh đây. Năm 1968 đạn xuyên vai trái vào phổi. Năm 1970 đạn lại xuyên vai phải nhưng... ra ngoài. Chiến dịch mùa xuân 1975 kết thúc mới chịu làm cựu chiến binh, thương binh đấy”.
Kể chuyện về hơn 100 cây luồng “nhớ đời” của gia đình mình, ông vui nói: “năm 1974, ông Hòa - Giám đốc Lâm trường Luồng (nay là Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh) - nói với tôi, sắp tới có một đơn vị ở Hà Nội thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cán bộ vào đây đi tìm hàng chục cây luồng tốt và đẹp. Hồi đó, họ đi khảo sát nhiều vườn luồng thuộc 2 xã Giao An và Tân Phú. Ít ngày sau, họ trở lại vườn luồng gia đình tôi kiểm tra kỹ lứa luồng 3 năm tuổi, khi đó thân cây to bằng chuôi cán dao. Họ kiểm tra đi, kiểm tra lại trong 2 ngày để đánh giá chất lượng cây luồng; luồng có sâu, có mọt không. Sau cùng, họ kiểm tra chất đất”.
Nghe đến đây, ông Phú nhắc đến ông Hà Văn Bằng, hồi ấy là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phúc (nay làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh) cùng đi với đoàn cán bộ nêu trên.
Khi “ưng ý” 30 bụi luồng, mỗi bụi từ 3 - 4 cây, đoàn cán bộ bàn bạc để “trả thù lao” là công chăm sóc cho gia đình ông Yền rồi thuê dân bản đào bộ suốt một tuần mới xong. Những gốc luồng được bọc ni lông và buộc dây cẩn thận trước khi di chuyển ra xe để vận chuyển ra Hà Nội.
“Hôm trồng 30 bụi luồng này, họ mời tôi ra xem. 30 bụi luồng được chia đều trồng trong 2 vườn cây bên Lăng Bác. Trong 2 vườn cây này chỉ có giống luồng đến từ huyện Lang Chánh. Từ đó đến nay, tôi đã 7 lần ra thăm thú những cây luồng. Đẹp lắm. Mát mắt, mát ruột lắm”, ông Yền vui nói.
Trong 7 lần ra thăm những cây luồng, lần nào ông Yền cũng tự hào bởi những cây luồng quen thuộc của núi rừng quê mình giờ xanh lên giữa đất trời Thủ đô, tỏa bóng mát về hai bên Lăng Bác.
Lần mới nhất là ngày 22-9-2024, ông Yền đi cùng Ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn. Lần này, ông Yền chưa kịp “khoe” với đồng đội thì các cựu chiến binh đã xúm lại, thay nhau ôm vai ông Yền: “nhìn kìa. Tấm biển ghi hàng chữ rừng luồng Lang Chánh kia kìa”.
Nhắc lại kỷ niệm này, ông Yền không giấu được cảm xúc: “tấm biển thì khiêm nhường. Những cây luồng thì cao xanh vời vợi trong nắng gió Ba Đình. Không vui, không tự hào sao được”.
Cùng với cảm xúc về sự kiện này của ông Yền, ông Phú nói: “không riêng gì ông Yền mà rất nhiều người dân huyện Lang Chánh cũng đã ra Hà Nội viếng Bác rồi rẽ vào hai bên Lăng, thăm những cây luồng mang tên huyện mình. Ai cũng tự hào về cây luồng, về quê hương Lang Chánh của xứ Thanh”./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn





