Kim cương “nuôi dưỡng” các cuộc xung đột tại châu Phi như thế nào?
Thanh Nam
Chủ nghĩa ly khai hậu thuộc địa
Ở những vùng giàu trữ lượng kim cương tại châu Phi diễn ra một nghịch lý khi doanh thu từ khai thác loại đá quý không giúp cải thiện cuộc sống người dân. Họ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của việc khai thác và lạm dụng lao động.
Chủ tịch Hội đồng Kim cương châu Phi M’Zee Fula Ngenge cho biết, kim cương có một lịch sử xung đột do “lòng tham, chủ nghĩa ly khai hậu thuộc địa, cũng như sự xói mòn trách nhiệm của khu vực công và năng lực quản lý của chính phủ”.
Vào năm 2012, phần lớn phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor tập trung vào vai trò của cái gọi là “kim cương xung đột” trong việc tài trợ cho quân nổi dậy ở các khu vực xung đột.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc định nghĩa “kim cương xung đột” là “kim cương có nguồn gốc từ các khu vực do các lực lượng hoặc phe phái kiểm soát chống lại các chính phủ hợp pháp và được quốc tế công nhận và được sử dụng để tài trợ cho hành động quân sự chống lại các chính phủ đó hoặc vi phạm các quyết định của Hội đồng Bảo an”.
Nguồn kim cương này thường ở dạng “thô”, nghĩa là chúng mới được khai thác và chưa được cắt giũa. Vào thời kỳ cao điểm của cuộc nội chiến ở Sierra Leone, ước tính “kim cương xung đột” chiếm khoảng 4% sản lượng kim cương toàn cầu.
Cựu Tổng thống Charles Taylor bị cáo buộc trang bị vũ khí cho các nhóm phiến quân và khủng bố dân thường trong suốt cuộc nội chiến Liberia kéo dài cả thập niên để đổi lấy những viên kim cương thô được tuồn ra ngoài cho ông trong những lọ mayonnaise rỗng. Ông bị kết tội hỗ trợ phiến quân, nhưng một thẩm phán đã phán quyết rằng các công tố viên đã không chứng minh được ông là người chỉ huy các phiến quân.
“Những viên đá bẩn thỉu”
Trong phiên tòa, siêu mẫu người Anh Naomi Campbell đã được triệu tập làm nhân chứng cho bên công tố. Naomi Campell khai trước tòa rằng cô đã nhận được một món quà là “những viên đá trông bẩn thỉu” từ 2 người đàn ông sau bữa tối do Tổng thống Nam Phi khi đó là Nelson Mandela tổ chức vào năm 1997.
Phía công tố lập luận rằng những viên đá đó chính là “kim cương máu” - một món quà cá nhân từ cựu Tổng thống Taylor đầy quyền lực khi đó. Lời khai mâu thuẫn với lời khai của Taylor rằng ông chưa bao giờ chạm vào những viên đá quý đã gây ra xung đột.
Ngoài những người vô tội bị cuốn vào các cuộc xung đột do hoạt động buôn bán này gây ra, hàng nghìn nam giới, phụ nữ và trẻ em ở các quốc gia như Sierra Leone bị bắt làm nô lệ để khai thác kim cương. Họ thường bị buộc phải sử dụng các phương pháp thô sơ, tàn bạo như đào bùn hoặc sỏi dọc bờ sông bằng tay không. Sau đó, mớ vật liệu thu nhặt về sẽ được tách ra bằng cách sử dụng các lưới sàng cầm tay.
Vào cuối năm 2011, một nhóm môi trường quốc tế lớn đã rút khỏi cái gọi là “Quy trình Kimberley” (KPCS) được thiết kế để bảo đảm rằng kim cương không có nguồn gốc từ các khu vực xung đột. Nhóm môi trường cho biết họ đã từ chối “xác định và xử lý mối liên hệ đã rành rành giữa kim cương, bạo lực và chế độ chuyên chế”.
Quy trình Kimberley bắt đầu khi các quốc gia sản xuất kim cương Nam Phi họp tại Kimberley (Nam Phi) vào tháng 5-2000, để thảo luận về các cách ngăn chặn việc buôn bán kim cương xung đột và bảo đảm rằng việc mua bán kim cương không tài trợ cho xung đột và bạo lực.
Điều này dẫn đến một thỏa thuận giữa Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), chính phủ của 74 quốc gia, Hội đồng Kim cương thế giới - đại diện cho ngành công nghiệp - và một số nhóm môi trường có liên quan.
Họ đã thành lập Chương trình chứng nhận Quy trình Kimberley, theo đó các thành viên được yêu cầu chứng nhận rằng tất cả kim cương thô xuất khẩu đều được sản xuất thông qua các hoạt động khai thác và bán hợp pháp và “không xung đột”.
Mỗi chuyến hàng đều có một chứng chỉ ghi rõ chi tiết về nguồn gốc của kim cương, cách chúng được khai thác, nơi chúng được cắt và đánh bóng, các bên liên quan và điểm đến cuối cùng của chúng. Mục tiêu vạch ra là bảo đảm các thành viên của Quy trình Kimberley không thể giao dịch với những người không phải là thành viên trong quy trình.
Tuy nhiên, theo các nhóm môi trường, vẫn chưa thể chứng minh được khả năng ngăn chặn hoạt động buôn bán này vì thiếu ý chí chính trị giữa các quốc gia thành viên. Ví dụ được các nhóm này đưa ra là Zimbabwe, một trường hợp thử nghiệm cho Quy trình Kimberley, với cáo buộc rằng chế độ của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe khi đó đã hưởng lợi từ việc bán “kim cương máu” mặc dù nước này là thành viên của Quy trình Kimberley.
Các nhóm môi trường đã cáo buộc các mỏ kim cương Marange khổng lồ ở miền Đông Zimbabwe do các tập đoàn do quân đội điều hành. Những tập đoàn này đánh đập hoặc sát hại những người thợ mỏ không khai thác cho họ hoặc không trả tiền hối lộ. Thậm chí, có cả cáo buộc rằng rằng bạo lực cực đoan do quân đội gây ra bao gồm cả vụ thảm sát hàng loạt hàng trăm thợ mỏ bằng trực thăng chiến đấu.
Tuy nhiên, chỉ có 1 hoặc 2 quốc gia thành viên có thể phủ quyết bất kỳ hành động trừng phạt nào đối với hành vi lạm dụng hoặc vi phạm Quy trình Kimberley, nên không có hành động quyết đoán nào dành cho Zimbabwe.
Nhiều nhóm môi trường đã cho rằng, những phiến quân và các đơn vị quân đội đã chiếm đoạt hoạt động thương mại quặng khoáng sản, được sử dụng để sản xuất điện thoại di động và máy tính, từ miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), trong khi khiến người dân địa phương phải chịu các vụ thảm sát, tống tiền và lao động cưỡng bức.
“Khoáng sản xung đột” sau đó được các công ty xuất khẩu rửa sạch vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước khi được các công ty luyện kim quốc tế lớn chuyển đổi thành kim loại tinh chế. Hoạt động của một số thương hiệu tiêu dùng hàng đầu thế giới đang bị giám sát chặt chẽ để tìm bằng chứng liên quan đến hoạt động thương mại bất chính này./.
Các bài cũ hơn




