21/11/2024 | 14:45 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đi tìm tên cho một “liệt sĩ đặc biệt”

Vũ Toàn
Đi tìm tên cho một “liệt sĩ đặc biệt” Ông Hoàng Đức Lạc kể chuyện gian nan đi tìm tên cho “liệt sĩ đặc biệt” mang tên Vương Thúc Tình_Ảnh: V.T
“Liệt sĩ đặc biệt” mang tên Vương Thúc Tình, quê ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những học trò bí mật của Bác Hồ từng tham gia Hồng quân Liên Xô trên tuyến phòng thủ bảo vệ thành phố Moscow, 1941 - 1945. Người đầu tiên đi tìm tên “liệt sĩ đặc biệt” này là ông Hoàng Đức Lạc, 76 tuổi, nguyên Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt - Xô tỉnh Nghệ Tĩnh. Ông Lạc trú tại khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Rong ruổi đi tìm tên cho một “liệt sĩ đặc biệt” vốn là học trò bí mật của Bác Hồ, hy sinh ở nước ngoài, cách đây hơn 83 năm là câu chuyện nhiều thú vị nhưng không hề dễ dàng.

Từ bài báo gây chấn động...

Ngày 9-5-1985, Đài Phát thanh Moscow phát động cuộc thi “Tìm hiểu về Hồng quân Liên Xô nhân dịp 40 năm chiến thắng phát xít Đức”. Khi đó, ông Phan Xuân Thành là cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh, viết bài báo dự thi mang tên “Vương Thúc Tình - chiến sĩ cách mạng Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Moscow, mùa đông 1941”.

Bài báo gây dư luận từ Ban tiếng Việt của Đài Phát thanh Moscow đến các nhà nghiên cứu lịch sử, cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô, bởi trong đội quân hùng mạnh của Hồng quân Liên Xô hồi ấy có một chiến sĩ quốc tế là người Việt Nam tham gia bảo vệ thành phố Moscow. 

Ông Lạc cho hay: “sau bài báo, phía Liên Xô cử 3 đồng chí, gồm Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Xô - Việt, một nhà sử học, một phát thanh viên Đài Phát thanh Moscow sang Việt Nam tìm hiểu thêm câu chuyện bi hùng này”.

Làm việc tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Kim Liên, nhóm công tác phát hiện thêm 4 người khác. Ông Lạc mở hồ sơ đọc cho chúng tôi ghi chép họ và tên cùng bí danh, quê quán của 4 người này: Nguyễn Sinh Thản/bí danh Lý Nam Thanh, Vương Thúc Thoại/bí danh Lý Thúc Chất, Hoàng Thế Tự/bí danh Lý Anh Tạo, Lê Phan Chân/bí danh Lý Phú San.

Trong 4 người này, riêng ông Lê Phan Chân phục vụ trong quân y viện của một đơn vị Hồng quân Liên Xô vùng ngoại ô Moscow. Quê ông ở tỉnh Hà Sơn Bình, qua đời năm 1980 tại Hà Nội, thọ 80 tuổi. 

Ba người còn lại thuộc Trung đoàn quốc tế bộ binh cơ giới đặc biệt (OMCBON) đều có quê ở Làng Sen và Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ông Lạc cho chúng tôi xem bản tài liệu in bằng song ngữ Nga - Việt, ngày 22-12-1986, về Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Chiến binh vệ quốc hạng Nhất cho 5 chiến sĩ “Vì lòng dũng cảm và gan dạ trong các cuộc chiến đấu chống bọn phát xít Đức xâm lược trên tuyến phòng thủ thành phố Moscow”.

Nói đến đây, ông Lạc nêu một thông tin bất ngờ: “trong 4 liệt sĩ ở xã Kim Liên thì liệt sĩ mang tên Vương Thúc Tình - nhân vật chính trong bài báo dự thi của Phan Xuân Thành gây hiệu ứng rộng nhưng gặp “sự cố”. 

Cụ thể, ngày 7-7-1987, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Kim Liên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quân khu 4 và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Lễ truy điệu và trao danh hiệu của Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô và Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia tộc của các liệt sĩ. 

Hôm đó, gia tộc của liệt sĩ mang tên Vương Thúc Tình không có mặt vì “thủ tục xác minh về liệt sĩ manh tên Vương Thúc Tình chưa có kết quả nên tạm dừng lại”.

Liệt sĩ mang tên Vương Thúc Tình là ai?

“Sự cố” của liệt sĩ mang tên Vương Thúc Tình đã được Hội Hữu nghị Việt - Xô tỉnh Nghệ An tìm hướng xác minh bằng cách mở 3 cuộc hội thảo gồm các già làng, bô lão, lãnh đạo xã Kim Liên cùng những nhà nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Nghệ An bàn các nội dung: những học trò của Bác Hồ đã sống, học tập, chiến đấu ở Liên Xô từ năm 1945 trở về trước. 

Đi tìm những chiến sĩ quốc tế Việt Nam tham gia chống phát xít Đức, bảo vệ Moscow giai đoạn 1941 - 1945. Vương Thúc Tình - người chiến sĩ quốc tế Việt Nam tham gia trận chiến đấu bảo vệ Moscow là ai?

Ba cuộc hội thảo đều kết luận: liệt sĩ mang tên Vương Thúc Tình là bí danh của ông Vương Thúc Liễn, quê làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Từ đây, ông Lạc thay mặt tổ nghiên cứu tư liệu của Hội Hữu nghị Việt - Xô tỉnh Nghệ An làm tờ trình gửi Ban Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An (năm 1993); Thủ tướng Chính phủ (năm 2000); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (năm 2001); Hội Hữu nghị Việt - Nga (năm 2001)... 

Thậm chí, năm 1989, ông Lạc đã sang Viện tiếng Nga Puskin học thêm 6 tháng nhằm bổ túc tiếng Nga để phục vụ việc giao tiếp với người Nga trong việc xác minh tên cho liệt sĩ Vương Thúc Tình. Tại Nga, ông đến Đài Phát thanh Moscow nêu nguyện vọng tìm lại bài báo dự thi của ông Phan Xuân Thành, mong tìm thêm chứng cứ khác nhưng không thành.

Từ 3 cuộc hội thảo, Ban Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng truy tặng Huân chương Chiến binh vệ quốc hạng Nhất của Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô và Bằng Tổ quốc ghi công cho gia tộc liệt sĩ Vương Thúc Liễn mang bí danh Vương Thúc Tình, nhưng chưa có kết quả. 

Theo chúng tôi, sở dĩ các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được mong muốn này của gia tộc, địa phương và tỉnh Nghệ An là do chưa có xác minh thật sự khoa học về liệt sĩ Vương Thúc Tình là bí danh của ông Vương Thúc Liễn.

Gặp lại nhân chứng đầu tiên

Chúng tôi tìm gặp ông Phan Xuân Thành tại khối Tân Yên, phường Hưng Bình, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An để tìm hiểu nguồn tư liệu nào giúp ông Thành viết bài báo dự thi, hy vọng tìm thêm tư liệu xác minh thuyết phục về tên thật của liệt sĩ Vương Thúc Tình. 

Ông Thành nhớ lại: “hồi đó, tôi tiếp xúc được bà Phan Thị Cương, con gái cụ Phan Bội Châu, vợ ông Vương Thúc Oánh (1900 - 1974). Bà Cương cho biết, trong cuốn hồi ký ông Oánh viết năm 1962, ghi lại ông Oánh là nhà hoạt động cách mạng chống Pháp, là người dẫn đường, đưa tốp thanh niên yêu nước, gồm: Lê Hồng Phong, Vương Thúc Liễn, Nguyễn Sinh Thản, Vương Thúc Thoại, Hoàng Thế Tự sang hoạt động cách mạng tại Thái Lan”. 

Bà Cương còn thông tin kỹ chi tiết: “ông Vương Thúc Liễn sinh năm 1903 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Cha ông là Vương Thúc Đỗ. Mẹ ông là Hoàng Thị Đàm, là chị em con bác, con chú với Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ. 

Ông Vương Thúc Liễn có bí danh Vương Sĩ. Ông Vương Thúc Liễn có thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ Moscow”.

Chờ tin chính thức về liệt sĩ mang tên Vương Thúc Tình

“Ba liệt sĩ là học trò bí mật của Bác Hồ, từng tham gia Hồng quân Liên Xô, bảo vệ thành phố Moscow giai đoạn 1941 - 1945 nêu trên đã được đưa vào cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Kim Liên, giai đoạn 1930 - 2020 với những dòng chữ ấn tượng: “liệt sĩ, từng hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945”. Tên tuổi 3 liệt sĩ cũng được ghi danh trong bia đá trước Đài Liệt sĩ của xã Kim Liên. Nhiều năm nay chúng tôi đang chờ tin chính thức về liệt sĩ mang tên Vương Thúc Tình là ai, nếu không phải ông Vương Thúc Liễn”.

Ông Lê Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên.

Tại đây, “nút thắt” về người mang tên Vương Thúc Tình như được mở ra khi chúng tôi nhận thấy rằng, rất có thể ngoài bí danh Vương Sĩ, ông Vương Thúc Liễn còn có thêm bí danh khác là Vương Thúc Tình. 

Vì ông Vương Thúc Liễn cũng được ông Vương Thúc Oánh dẫn đường sang Thái Lan hoạt động cách mạng cùng 3 người đã tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Moscow và đã được Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô ghi danh bằng tặng thưởng Huân chương Chiến binh vệ quốc hạng Nhất, như nêu trên. 

Có chăng, do một cái “lỗi” đã xảy ra từ bài báo này là tác giả không viết rõ người mang tên Vương Thúc Tình là tên thật hay bí danh của một người nào khác ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người đó rất có thể là ông Vương Thúc Liễn.

Ngày 14-10, chúng tôi trở lại Ủy ban nhân dân xã Kim Liên gặp nhân chứng cuối cùng là ông Vương Hoàng Lịch, 85 tuổi, cháu gọi ông Vương Thúc Liễn là “ông chú” (cha ông Lịch gọi ông Vương Thúc Liễn là chú ruột). 

Ông Lịch bộc lộ tâm trạng: “tôi là tộc trưởng họ Vương nên nhiều năm nay thờ vọng ông Liễn vào ngày giỗ rằm tháng 5. Mong sao ông chú tôi sớm được công nhận là liệt sĩ để gia tộc họ Vương được truy phong sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô, năm 1987 và Bằng Tổ quốc ghi công như 3 liệt sĩ ở Làng Sen và Hoàng Trù là bà con láng giềng ở quanh đây”./.

10 November 2024