Mênh mang sóng nước Bạch Long Vĩ
Tạ Ngọc Tấn
1. Đón chúng tôi lên tàu Hoa Phượng Đỏ, mấy anh thủy thủ nói vui: “mời các bác lên “chuyên cơ” của Bạch Long Vĩ!”. Nói vui vậy, con tàu Hoa Phượng Đỏ cũng có nét gì đặc biệt như một “chuyên cơ” thật. Đó là vẻ đẹp của con tàu tựa con thiên nga trắng khổng lồ nổi bật trên sắc xanh của nước biển. Đó là sự tiện nghi của con tàu hiện đại đủ chỗ cho hơn 200 hành khách cùng hàng chục tấn hàng hóa. Đó cũng là con tàu cao tốc mới nhất và duy nhất cho đến giờ dành riêng cho huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Sau gần 5 giờ đồng hồ khởi hành từ bến cảng, lướt qua các đảo Cát Bà, Long Châu, vượt qua hơn 70 dặm biển, con tàu Hoa Phượng Đỏ đưa chúng tôi đến Bạch Long Vĩ. Khỏi phải nói sự mừng vui lẫn xúc động của những người lần đầu đặt chân đến Bạch Long Vĩ. Mấy cô gái lần đầu đi biển, mặt còn tái mét vì say sóng, cũng háo hức lần ra phía mũi tàu để được ngắm nhìn hình hài hòn đảo từ khi còn là một dải mờ xanh nơi mặt biển, rồi tíu tít bước lên cầu tầu, tíu tít rủ nhau chụp ảnh ghi lại giây phút đầu tiên bước lên bến tàu của đảo.
Hành trình khám phá hòn đảo với diện tích chỉ khoảng 3 cây số vuông nhưng thật phong phú, sinh động và đầy những ý niệm thiêng liêng theo mỗi bước chân du khách. Có những công trình trên đảo đã để lại dấu ấn thời gian như: đài liệt sĩ, công viên văn hóa, rừng dương, Đền thờ Trần Hưng Đạo, chùa Bạch Long, Phật đài, ngọn hải đăng, hay những công trình vừa mới khánh thành đưa vào phục vụ người dân, như cột điện gió, khu điện Mặt trời, công trình cấp nước ngọt... Đứng trên tháp hải đăng, phóng tầm mắt ra bốn phía để ngắm mênh mang sóng nước, mặt nước với chân mây như hòa lẫn vào nhau một màu khói sóng xanh mờ, hay bước đi trên thềm đá trải ra xa ngoài bờ đảo khi triều xuống, để thấy muôn hình kỳ thú mà sóng biển đã tạo nên trên mặt đá qua những ngàn năm. Mọi công trình nhân tạo hay cảnh vật thiên nhiên nơi đây đều gắn liền với những câu chuyện cảm động về những con người đã gắn bó, cống hiến cho hòn đảo, hay niềm tin yêu, ý chí sắt đá giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Và đằng sau những vật thể hữu hình ấy là cả chiều dài lịch sử, cả chiều sâu huyền thoại của cái núm rốn nhỏ nhoi giữa vịnh biển mênh mang sóng nước, cái vịnh biển đã là một phần máu thịt của đất nước từ thuở khởi sinh, đã đồng hành với dân tộc trong suốt cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước dài lâu. Hơn thế nữa, đằng sau cái tên Bạch Long Vĩ ấy còn là cả gánh nặng lịch sử mà hòn đảo đó gánh vác, để mãi gợi lên nỗi nhớ khôn nguôi về mảnh đất địa đầu bán đảo đã bị cắt rời từ thời đất nước chìm trong đêm đen nô lệ ngoại bang.
Hoàng hôn buông xuống đảo hầu như nhanh hơn trên đất liền. Có lẽ cũng bởi cảm nhận của những người đã quen với cuộc sống thường nhật nơi phố thị. Mấy dẫy phố trên đảo bắt đầu lên đèn, cả đèn đường và đèn trong mỗi căn nhà. Cũng những quầy hàng tạp hóa, những quán ăn. Cũng tiếng cười đùa í ới của trẻ nhỏ, tiếng ồn ào đâu đó quanh những bàn nhậu. Cảnh vật chẳng khác mấy với những thị trấn nhỏ ở trung du hay miền núi. Chỉ khác một điều là ở nơi nào cũng nghe tiếng sóng rì rào của biển cả.
2. Trong cái quán nhỏ chỉ cách bờ biển vài chục bước chân, chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, nâng ly rượu quê, thưởng thức mấy món đặc sản của đảo để được nghe các chủ nhân kể câu chuyện về đảo. Lẫn trong tiếng sóng biển ào ạt xô bờ, câu chuyện về Bạch Long Vĩ có những tích chuyện ly kỳ, linh thiêng về đất với biển nơi đây; có những ngày gian khó của 30 năm trước, khi đội thanh niên xung phong đầu tiên của Hải Phòng đặt chân lên đảo; có những thành quả như mùa hoa thơm, trái ngọt quý báu ban đầu mà người dân trên đảo đã được thu hái; có cả những khó khăn, thách thức vẫn chực chờ trên con đường dựng xây, phát triển của huyện đảo. Riêng Trần Quang Tường - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện - vốn xuất thân từ Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, rất say sưa với câu chuyện về tương lai xây dựng, phát triển của hòn đảo. Anh nói về âu tàu mới sẽ giúp cho thuyền bè của bà con ngư dân có thể tránh trú trong mọi điều kiện thời tiết, về dự án phát triển trang trại điện gió công suất lớn. Anh nói về khai thác tiềm năng giàu có của biển với hơn 1.000 loài sinh vật, về rạn san hô rộng lớn quanh đảo với 94 loài, để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và khám phá vẻ đẹp của biển đảo. Anh nói về nhiều việc cần làm và phải làm bằng được cho hòn đảo thân yêu này. Vẫn biết rằng không phải mọi việc là dễ dàng, nhưng người Bí thư đã có nhiều năm lăn lộn với đảo này vẫn rất tin rằng, trong tương lai không xa, Bạch Long Vĩ sẽ không chỉ là pháo đài vững chắc, vọng gác tiền tiêu, con mắt thức canh cho biển trời Tổ quốc, mà còn là cơ sở sản xuất, dịch vụ nghề cá, là nơi phát triển năng lượng tái tạo từ gió, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn giữa tâm điểm của vịnh Bắc Bộ. Và Bạch Long Vĩ sẽ thực hiện được giấc mơ làm giàu từ biển, làm đẹp lên từ biển.
Trong câu chuyện ồn ào của chúng tôi, có một người phụ nữ luôn lặng lẽ với nụ cười có chiều bẽn lẽn và rất chăm tiếp rượu, tiếp thức ăn cho mọi người. Đó là Nguyễn Thị Bích - Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện đảo. Nể mấy lần mời của khách, Bích cũng kể câu chuyện riêng của mình. Cô kể: “em về Hải Phòng không quen đi xe máy trên phố đông người nên đi vào làn đường dành cho người đi bộ. Mấy anh công an chặn lại hỏi: “sao lại đi xe máy vào làn đường cho người đi bộ?”. Em bảo: “em ở đảo về, thấy làn đường này không có xe máy nên đi vào cho an toàn”. Các anh công an cười bảo: “rất thông cảm nhưng vẫn phải phạt một lần cho nhớ!”. Tôi được biết, 29 năm trước, Nguyễn Thị Bích có mặt trong đội 62 thanh niên Hải Phòng xung phong ra xây dựng đảo. Bắt đầu từ công việc một nhân viên y tế khám bệnh, cấp thuốc và cả việc đỡ đẻ trên đảo, Bích là một trong số không nhiều thanh niên xung phong trụ lại, xây dựng gia đình và trở thành cư dân, những chủ nhân đích thực của hòn đảo.
3. Ở Bạch Long Vĩ có một loài hoa dại với những đài hoa nhỏ xíu mọc ken bên nhau thành những đóa hoa đỏ thắm, e ấp giữa sắc lá xanh. Người dân đảo gọi là hoa ngũ sắc. Khác với loài hoa cùng tên trên đất liền, hoa ngũ sắc trên đảo Bạch Long Vĩ có những bông hoa nhỏ hơn nhưng sắc hoa đậm hơn, trông như những giọt máu thẫm đỏ đọng trên các đài hoa. Có lẽ cái sắc đỏ thẫm của loài hoa ngũ sắc của Bạch Long Vĩ là bởi nắng trời, sương đêm với gió biển mặn mòi đã hun đúc mà nên. Loài hoa ngũ sắc mọc khắp nơi trên đảo, ngay nơi bờ sóng, trên các sườn đồi cho đến dưới bóng rợp của cây rừng. Mùa khô hanh, cây hoa rụng bớt lá, thu mình lại như những bụi cây khô. Mùa mưa đến, những bụi hoa ngũ sắc lại nẩy chồi, xanh lá rồi bung nở những chùm hoa như minh chứng cho vẻ đẹp và sức sống thiên nhiên không bao giờ ngưng nghỉ trên đảo.
Ngồi trên tàu trở về từ Bạch Long Vĩ, nghe tôi nói về loài hoa ngũ sắc trên đảo, cô nhà báo trẻ cứ tiếc mãi là chưa kịp quan sát, tìm hiểu để được tận mắt cảm nhận về loài hoa này. Rồi cô nói với tôi mà như tự hứa với chính mình: “nhưng mà cũng là thêm một lý do để cháu phải trở lại Bạch Long Vĩ sớm hơn!”. Tôi cứ nghĩ, chẳng phải chỉ riêng cô nhà báo, mà cả tôi hay nhiều người khác nữa, ra đến Bạch Long Vĩ một lần đã như phải lòng với đảo. Bởi nhiều điều sâu xa, thầm kín về hòn đảo mà đâu dễ tìm thấy, hiểu ra trong một lần ra đảo. Cũng bởi cái mênh mang sóng nước, mênh mang biển trời của Bạch Long Vĩ ấy dễ làm say đắm lòng người, để ai đã một lần đến đó, không bao giờ có thể quên!./.
Hồ sơ sự kiện số 486+487, ngày 10-1 và 25-1-2023