Chuyện nhặt ở Đài Loan
Tạ Việt Anh
Có 5 hôm mà lượn đủ cả, ở Đài Bắc là Quảng trường Tự Do với Đài tưởng niệm Thống chế Tưởng Giới Thạch, Bảo tàng Cố cung quốc gia, Công viên Địa chất Dã Liễu, phố cổ Cửu Phần leo dốc bở hơi tai, làng cổ Thập Phần thả đèn Khổng Minh ngay trên đường tầu, ăn vặt tại chợ đêm Ximending, Taipei101...
Ở Cao Hùng là đầm Liên Trì, Kinh đô Phật giáo Đài Loan Phật Quang Sơn, Ga tầu điện ngầm Formusa được bầu chọn đẹp nhất toàn cầu... Và ở những nơi đã đi qua, bao trùm tất cả vẫn là những cảm nhận về ẩm thực và con người.
Đồ ăn vặt
Thật ra, cũng như ở những vùng đất giàu truyền thống văn hóa khác, ẩm thực Đài Loan là một đề tài mênh mông. Ngay chuyện trong số những báu vật quốc gia, hay gọi là quốc bảo được trưng bày ở Bảo tàng Cố cung quốc gia Đài Bắc có một miếng thịt kho tầu và một cây cải thảo tạc bằng ngọc quý cũng đã có thể viết cả một câu chuyện dài.
Và chỉ riêng đồ ăn vặt, một khía cạnh của ẩm thực thôi cũng đã có bao nhiêu chuyện. Gõ từ khóa “ăn vặt ở Đài Loan” có ngay khoảng 9.600.000 kết quả trong 0,36 giây. Và cứ 10 bài viết về Đài Loan, có đến 9 bài sử dụng danh xưng “Thiên đường ăn vặt”. Điều thú vị là dù điểm danh tốp 5, 10 hay 15 món ăn vặt hấp dẫn nhất Đài Loan thì trong danh sách không bao giờ thiếu món đậu phụ thối.
Đây cũng là món ăn vặt tôi nếm thử đầu tiên ở khu phố cổ Đài Bắc, trong một đêm vẫn còn những trận gió lạnh và lắc rắc những hạt mưa bởi ảnh hưởng của cơn bão vừa đi qua. Cũng có lẽ bởi vậy mà món đậu phụ thối thêm dậy mùi và tạo cảm giác khá mạnh. Đậu phụ thối là món ăn rất ngon và bổ dưỡng với người Đài Loan, xong mùi vị đặc trưng của nó rất kén người ăn. Vậy mà nhiều người nói ban đầu là ăn thử cho biết rồi lại thành nghiện lúc nào không hay.
Lại nói thêm một chút về chợ đêm Đài Loan. Tương truyền, chợ đêm Đài Loan xuất hiện từ thời nhà Đường, chuyên bán các mặt hàng như vải vóc hay đồ thủ công mỹ nghệ. Theo thời gian, chợ đêm trở thành nét văn hóa đặc trưng của hòn đảo này, phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống và thư giãn.
Và nói đến chợ đêm, không thể không nói đến đồ ăn vặt với những món ăn đi sâu vào cuộc sống hằng ngày của người Đài Loan. Cái thú thưởng thức những đồ ăn vặt như đậu phụ thối, bánh dứa, kem cuộn đậu phộng, kẹo hồ lô, bánh mì quan tài, trà sữa trân châu, tào phớ, nước mận muối,... đã vượt qua phạm vi ẩm thực mà trở thành một nét văn hóa của cư dân hòn đảo này.
Một đặc sản Đài Loan
Xin nói ngay, đặc sản này không lên quan gì đến ẩm thực. Ngay tối đầu tiên đến Đài Bắc, dù đã khá muộn, lại đang bị ảnh hưởng của cơn bão Khanun, các hàng bán đồ ăn vặt ở khu phố cổ Ximending vẫn mở cửa đón du khách. Vốn biết tới khu phố cổ nằm ở trung tâm quận Vạn Hoa này, đoàn chúng tôi đã đặt phòng tại khách sạn nhỏ Tomorow, chỉ cách cổng ra số 6 ga tầu điện ngầm MRT Ximen gần trăm mét.
Đã vậy khách sạn lại có mấy lối vào, đều thông ra những con phố nhỏ xinh của khu phố cổ này. Điều thú vị đầu tiên là tại quán bán trà sữa cùng đồ ăn vặt ngay gần khách sạn, chúng tôi bắt gặp tấm biển nhỏ với dòng chữ tiếng Việt: “Nơi đặt đồ uống”. Sau mới biết là bởi có khá đông du khách Việt Nam đã tới đây, là một trong những đối tượng được quan tâm phục vụ.
Trở lại buổi tối đầu tiên đặt chân tới Đài Bắc hôm ấy, trong tiết trời lành lạnh của những cơn gió và lất phất mưa bay, chúng tôi hòa vào hàng người xếp hang chờ đến lượt mua những miếng cánh gà chiên xôi nóng hôi hổi, những miếng đậu phụ thối chiên ròn có mùi vị đặc biệt mà dễ gây nghiện... Cũng chính trong buổi tối ấy, với sự cảm nhận của tôi, mà chắc không chỉ riêng tôi, xếp hàng cũng là một đặc sản của Đài Loan.
Hà Nội đang mùa đông. Mùa đông Hà Nội thêm hấp dẫn bởi những quán ăn vặt, lại ăn vặt, bánh rán nóng, bánh gối, rồi bánh trôi nước, lục tào xá, chi ma phù,... ấm từng góc phố với bập bùng bếp lửa như gọi, như mời. Mà trong những thức quà đó có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là những bếp ngô nướng.
Lan man về những bếp ngô nướng Hà Nội là để quay về câu chuyện xếp hàng của người Đài Loan. Những bếp ngô nướng ngày đông Hà Nội nhiều khi khá đắt khách. Có lúc tới 4 - 5 người túm quanh bếp than hồng, lép bép tiếng ngô nổ mà chờ đợi, xuýt xoa. Cũng chỉ 3 - 4 người, cũng bếp lửa tỏa hơi ấm trong tiết trời lành lạnh, nhưng ở quầy bán đậu phụ thối chợ đêm Đài Bắc người ta không túm tụm, mà xếp hàng, vui vẻ, bình thản chờ đến lượt mình.
Buổi sáng thường là lúc người ta hay vội vã. Có vội thì người Đài Loan mới ghé những xe đẩy bán quà sáng trên các phố nhỏ. Nhưng dù có vội, mọi người vẫn xếp hàng, chờ đến lượt mình để mua một cái xúc xích gạo, một xuất cánh gà bọc xôi rán, một cốc sữa đậu nành nóng hổi...
Có thể nói mà không sợ quá lời, ở Đài Loan, cứ có 2 người trở lên là xếp hàng. Nghe đâu, người Đài Loan rèn được nếp xếp hàng và cả tính kỷ luật là dưới thời Nhật thuộc. Lại nghĩ suốt trăm năm đô hộ nước ta, cái người Pháp để lại gây ấn tượng nhất là cách pha cà phê...
Vẫn nhớ một lời hẹn
Như đã kể, ngay từ tối ăn vặt đầu tiên, chúng tôi đã gặp một thú vị nho nhỏ, đó là dòng chữ tiếng Việt tại quán bán trà sữa cùng đồ ăn vặt ngay gần khách sạn. Thì ra, những năm gần đây, người Việt ngày càng trở nên đông đúc tại Đài Loan và chấp nhận làm nhiều loại công việc hơn so với các nhóm nhập cư từ nhiều quốc gia khác.
Theo Cơ quan Di trú Đài Loan, 70% trong số 240.000 lao động Việt nhập cư làm việc trong lĩnh vực sản xuất, tiếp đó là giúp việc nhà, phục vụ tại nhà hàng hoặc làm việc tại các công trường xây dựng, tham gia các đội tàu đánh cá. Trước đó, vào năm 2016, chỉ có 171.000 người Việt được ghi nhận sống tại Đài Loan...
Cái tâm trạng đầy xúc cảm khi gặp một người đồng hương, nói tiếng mẹ đẻ ở một miền đất xa lạ khá thú vị. Còn nhớ, tại quán hải sản Tam Diệp, gần Khu công viên địa chất Dã Liễu, Đài Bắc, tôi may mắn gặp Hai Ngọc - một phụ nữ gần 50 tuổi quê huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đang lúng túng tìm rượu bản xứ, chị mách nước bằng giọng vẫn đặc miền Tây: “bác cứ gọi “gượu” Cao Lương, đặc sản Đài Loan đấy”.
Thì ra là đồng hương. Chị bảo lấy chồng Đài Loan sang đây đã 20 năm. Giờ con cái cũng đã trưởng thành. Ở vùng này, có một nhóm những phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan. Ngày lễ, đặc biệt là tết nguyên đán, các gia đình vợ Việt chồng Đài lại tổ chức cho vợ chồng, con cái gặp nhau.
Người Đài Loan cũng ăn tết nguyên đán như Việt Nam nên đó là dịp rất vui. Chị em cũng làm những món Việt đãi nhau, đãi chồng con. Cũng đủ cả bánh tét, thịt kho dưa giá, chả lụa, nem rán. Trước khi chia tay, Hai Ngọc hẹn: “bác cố sang đây đúng dịp tết, cũng vui lắm”.
Lại nói thêm về tết nguyên đán. Ngày 22-12-2023, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận tết nguyên đán (Lunar New Year - ngày đầu tiên năm mới âm lịch) là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên hợp quốc. Vậy là tết nguyên đán, như dân gian hay gọi là tết ta, đã được Liên hợp quốc chính thức công nhận.
Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức ăn tết nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới, những người coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, trong đó có những người dân Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
Và với tin vui đó, tôi lại càng nhớ lời hẹn với Hai Ngọc: sẽ có lần ăn tết ở Đài Loan./.