Từ “cơn sốt săn khỉ” đến bảo tồn động vật hoang dã
Vũ Toàn
Tại Vườn Quốc gia Pù Mát
Khi chúng tôi phản ánh thông tin những “cơn sốt săn khỉ”, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát - cho biết: “mới đây, một số điện thoại số máy lạ gọi tôi, hỏi “Vườn có bán khỉ không?”. Tôi trả lời, cơ sở bảo tồn ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát chỉ có chức năng cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn theo quy định của pháp luật, không có chuyện mua bán khỉ và bất cứ loại động vật nào ở đây. Sau đó, không có cuộc gọi vãng lai nào nữa”.
Chúng tôi muốn biết thêm về những cuộc điện thoại lạ này khiến “cơn sốt săn khỉ” nóng lên, ông Tuấn nhận định: “những cuộc gọi lạ này đến từ một số địa phương phía Nam. Tôi nghi họ “săn khỉ” để bán cho thương lái nước ngoài”.
Trong khi đó, ông Võ Công Tuấn Anh - Trưởng Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Pù Mát - cho hay, từ năm 1997 chỉ có một khu cứu hộ ĐVHD trực thuộc Vườn, thực hiện nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Mãi tới năm 2023, khu cứu hộ được Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định, công nhận là cơ sở bảo tồn ĐVHD nhưng vẫn là một đơn vị trực thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát.
Cơ sở bảo tồn tiếp nhận nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm từ các vụ án buôn bán, vận chuyển ĐVHD do cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện, xử lý và do người dân tự nguyện giao nộp. Nhiều nhất là các loại khỉ (khỉ mốc, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn...) đến voọc đen, voọc xám; vượn đen má trắng; cầy vòi mốc, cầy hương; rùa (rùa hộp trán vàng, rùa răng, rùa núi viền, rùa mỏ vẹt, rùa đất lớn); gấu; hổ và hàng trăm con chim ngoại lai (chim không phân bố tại các vùng rừng Việt Nam).
Ông Anh cho biết thêm một số liệu không nhỏ về động vật bản địa và ngoại lai được tiếp nhận để cứu hộ, bảo tồn trong 5 năm (2020 - 2025) hơn 2.290 con. Số liệu này chứng tỏ cơ sở luôn đảm nhiệm khối công việc lớn, nhưng chỉ có thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Sĩ Quốc và bác sĩ thú y Nguyễn Tất Hà làm việc. Vì nhân lực mỏng nên khi tiếp nhận nhiều ĐVHD để cứu hộ và bảo tồn, Vườn Quốc gia Pù Mát đặt vấn đề với Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam nhờ hỗ trợ.
Tại phòng điều trị cho ĐVHD trong cơ sở bảo tồn, chúng tôi thấy bà Kelsey Skinner - bác sĩ thú y người Nam Phi, vừa được Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam cử vào hỗ trợ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho ĐVHD và điều trị vết thương cho cá thể trăn đất - đang gọt xoài, cam, lựa hạt óc chó, hạt hướng dương để làm kem cho khỉ. Thấy chúng tôi thích thú nhìn, bà Kelsey Skinner dí dỏm: “làm kem này cho khỉ ăn nhằm tăng nguồn thức ăn tự nhiên để con khỉ đỡ nhớ rừng núi”.
Anh Lộc Văn Tạo - người dân tộc Thái, trợ lý nhóm chăm sóc ĐVHD, được Trung tâm bảo tồn ĐVHD biệt phái về giúp cơ sở từ năm 2018 - phiên dịch cho chúng tôi và giải thích thêm: “việc bà Kelsey Skinner đang làm là để tăng thêm phúc lợi cao nhất, tốt nhất cho ĐVHD. Đó cũng là mục đích cuối cùng của công tác bảo tồn ĐVHD đòi hỏi”.
Rời bàn làm kem, bà Kelsey Skinner và bác sĩ thú y Nguyễn Tất Hà gây mê cho con trăn đất nặng hơn 10kg để đưa lên bàn điều trị, cắt những phần hoại tử ở khoang miệng. Bác sĩ Hà cho biết, cá thể trăn bị hoại tử phần miệng từ hôm tiếp nhận. Khi sập bẫy thú trong rừng, miệng nó bị dây thép xiết chặt, lâu ngày vết thương bị hoại tử.
Rời phòng điều trị, bác sĩ Hà vào rừng hái lá cho vượn và khỉ ăn thêm ngoài thức ăn thường ngày. Không có thời gian rỗi, bác sĩ Hà vừa phun nước kỳ cọ chuồng vừa trao đổi với chúng tôi. Là bác sĩ thú y bảo tồn ĐVHD, bác sĩ Hà hiểu và yêu thích công việc làm giàu môi trường tự nhiên để tăng phúc lợi cho những con thú do mình chăm sóc.
“Cơ sở bảo tồn thú quý cũng giống như bệnh viện của con người. Con người vào bệnh viện điều trị khỏe rồi về nhà. Con thú được chăm sóc, điều trị tốt thì tái thả về môi trường tự nhiên”, bác sĩ Hà nói.
Riêng về nguồn ĐVHD được người dân tự nguyện giao nộp với mong muốn “thú rừng được trả về rừng” ngày càng nhiều. Có những câu chuyện thú vị về mong muốn này của người dân.
Bác sĩ Hà kể: “có cụ ông ở huyện Quỳ Châu nuôi một cá thể vượn đã 8 năm. Năm 2013, người con của gia đình này từ Pháp về nhìn chú vượn đen má trắng nhảy nhót trong chuồng sắt, thấy phản cảm nên bàn với bố đem trả cho cơ quan lâm nghiệp để họ thả về rừng. Ông bố đang chần chừ thì người con quyết luôn việc đưa bố sang Pháp ở. Cụ ông định cho người khác nuôi nhưng không yên tâm bằng bàn giao cho Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu. Sau đó, Hạt Kiểm lâm bàn giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát”.
Một hộ dân ở huyện Kỳ Sơn thấy một cá thể khỉ mặt đỏ đang bị mua đi, bán lại, người dân này bỏ tiền ra mua rồi đi hơn 100 cây số, xuống bàn giao cho Vườn kèm theo câu nói: “tôi muốn “phóng sinh” cho con khỉ. Hy vọng con khỉ sớm được Vườn chăm sóc, thả về rừng”...
Tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Chị Lê Thị Bảo Ngọc - nhân viên Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Vũ Quang - cho biết một thông tin khá bất ngờ: “Vườn chưa có cơ sở bảo tồn ĐVHD như ở Pù Mát”. Mới đây, ngày 4-4 Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có quyết định cho thành lập Trạm cứu hộ và phát triển sinh vật. Nghĩa là, toàn bộ công việc cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn từ trước tới nay đều do Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế của Vườn đảm nhận.
Thông tin về những thành quả đạt được của Vườn Quốc gia Vũ Quang rất đáng ghi nhận: trong 5 năm (2020 - 2025), Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp nhận 1.746 cá thể ĐVHD (động vật nguy cấp 899 cá thể, động vật thông thường 847 cá thể). Hiện đã có 1.569 cá thể được chăm sóc và tái thả về môi trường tự nhiên. Đây là con số “khủng” cả về số liệu và tâm sức của “Vườn di sản ASEAN” - nơi phát hiện Sao La - một loài mới có ý nghĩa trong lịch sử sinh học toàn thế giới.
Tại Trạm cứu hộ và phát triển sinh vật (đang hình thành bộ máy hoạt động), chị Bảo Ngọc còn lưu giữ danh sách một số người dân mua lại thú quý của lái buôn để giao nộp vẫn với hy vọng “phóng sinh” cho thú rừng.
Đó là ông Phạm Viết Thắng (thành phố Hà Tĩnh) trong 3 năm (2021 - 2023) mua 81 con rùa hộp trán vàng miền Bắc và rùa cổ sọc. Ông Hoàng Hiệp (thành phố Hà Tĩnh) năm 2021, 2022 mua 9 con kỳ nhông và 1 con trăn đất. Ông Trương Quang Nghĩa (huyện Thạch Hà) năm 2020 mua 1 con khỉ mặt đỏ, 1 con khỉ đuôi lợn. Ông Nguyễn Đức Đan (huyện Nghi Xuân) 2 năm 2023, 2024 mua 2 con trăn đất. Mua xong, tất cả những cá thể ĐVHD này đều được giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Chúng tôi trao đổi thông tin này với ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang - ông vui nói: “4 người dân nêu trên thuộc tốp người dân mua nhiều. Còn danh sách tốp thứ hai dài lắm. Cái tâm của những người dân này là hướng thiện với từng cá thể ĐVHD quý hiếm. Việc làm tốt của họ chứng tỏ công việc cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn ĐVHD đã lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội chứ không riêng gì chúng tôi. Đó là một tín hiệu sáng đẹp đối với Vườn Quốc gia Vũ Quang”.
Riêng về thông tin “cơn sốt săn khỉ” có vào tới Vườn Quốc gia Vũ Quang hay không, ông Kỳ nói: “cũng có một số máy lạ gọi vào máy tôi hỏi mua khỉ. Tôi nghĩ, có lẽ họ “nhầm” địa chỉ vì Vườn của chúng tôi là Vườn Quốc gia, Vườn ASEAN mà”./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn





