Khúc tráng ca trên sóng
Mạnh Thắng
Sau gần 20 phút vượt qua những thử thách, trước mắt tôi hiện ra một công trình kỳ vĩ: dải bê-tông dài hơn 500m, rộng 6,2m vươn mình ra biển khơi như cánh tay thép của người lính, thách thức sóng gió.
Phía sau là vách núi Hải Vân sừng sững, những tảng đá to lớn xếp chồng lên nhau, nhẵn bóng bởi thời gian và sóng biển. Xa xa, thành phố Đà Nẵng hiện lên mờ ảo dưới nắng vàng, như bức tranh hòa quyện giữa thiên nhiên và đô thị.
Kỹ sư Đỗ Sơn Long - người đàn ông mang khuôn mặt sạm nắng và ánh mắt kiên định - giới thiệu với tôi về công trình đê và kè chắn sóng của Cảng Liên Chiểu.
Anh chia sẻ: “đây không chỉ là một công trình kỹ thuật, mà là biểu tượng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, là lá chắn bảo vệ Cảng Liên Chiểu và những con tàu neo đậu sau này”.
Điểm nhấn của dự án là công nghệ “hoa anh đào” - các khối bê-tông đúc sẵn rakuna, một sáng tạo từ Nhật Bản. Với thiết kế 4 cánh cong mềm mại như hoa anh đào, rakuna có khả năng tiêu tán năng lượng sóng, bảo vệ đê trước những cơn sóng thần cao tới 6m. Những khối bê-tông khổng lồ này được ví như những “cọc Bạch Đằng” thời hiện đại, kiên cường chống lại sức mạnh của thiên nhiên.
Anh Long dẫn tôi đi dọc mép đê, giới thiệu về cấu trúc của công trình. Đê chắn sóng được ghép từ các khối bê-tông mác 300, mỗi khối nặng hơn 14 tấn, cao 3m trên mặt nước và chìm 2m dưới đáy biển, tạo thành lớp bảo vệ đầu tiên, hấp thụ lực sóng.
Kè chắn sóng nằm phía ngoài, sử dụng 2 loại khối rakuna nặng 25 tấn: đặt ở khu vực sóng lớn, với cao độ đỉnh +7,0m và chân khối sâu -5,7m. Khối rakuna 12 tấn sử dụng ở khu vực sóng nhẹ hơn, tại đoạn khóa kè dài 100m kéo vào trong cảng. Dưới các khối rakuna là lớp đá hộc 1 - 2 tấn, tạo nền móng vững chắc, chống xói lở đáy biển.
Rakuna được đúc tại trạm trộn bê tông dưới chân đèo Hải Vân, sử dụng ván khuôn độc quyền nhập từ Nhật Bản. Thiết kế 4 cánh cong giúp phân tán lực sóng theo nhiều hướng, giảm áp lực tập trung lên đê - một ưu điểm vượt trội so với khối bê-tông vuông truyền thống. Bề mặt cong của nó hạn chế xói lở đáy biển và tạo điều kiện cho sinh vật biển như tảo, san hô bám vào, hình thành hệ sinh thái nhỏ.
Theo Nghị quyết số 136/2024/QH15, cảng biển Liên Chiểu quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỷ đồng trở lên. Gói thầu thi công xây dựng phần hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 12-2022, dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2025. Liên danh nhà thầu, gồm: Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Phú Xuân - Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO - Công ty Cổ phần xây dựng Xuân Quang kết hợp thi công hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Hiện nay, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công kè và đê chắn sóng cấp đặc biệt có giá trị 663,850 tỷ đồng. Tổng chiều dài khoảng 1.170m, trong đó chiều dài kè chắn sóng 573,4m; chiều dài đê chắn sóng 596,6m; chiều dài đoạn khóa gốc kè 100m. - Cao trình đỉnh đê, kè chắn sóng: +7,0m. - Bề rộng mặt kết cấu tường đỉnh đê, kè: 6,2m. - Mái phía biển: sử dụng khối phủ phá sóng rakuna IV có trọng lượng 25T/khối, cao độ đỉnh khối phủ phá sóng là +7,0m; cao độ chân khối phủ là -5,7m; dưới khối phủ xếp đá 1.2 - 2T. - Mái phía cảng: sử dụng khối phủ phá sóng Rakuna IV có trọng lượng 12T/khối, cao độ đỉnh khối phủ phá sóng là +6,4m; cao độ chân khối phủ là -4,0m; dưới khối phủ xếp đá 0.6 - 1.2T. - Khối bê tông đỉnh đê: sử dụng khối bê tông đúc sẵn mác 300 có kích thước 1,5m x 1,6m x 2,5m; trọng lượng khối 14,1T/khối. Cao độ đáy khối là +2,0m, cao độ đỉnh là +7,0m. |
Trong thời gian này, công trường gần như phải tạm dừng, chỉ có thể bảo trì máy móc và chuẩn bị vật liệu. Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 là “thời điểm vàng” để đẩy nhanh tiến độ, hướng tới mục tiêu hoàn thành giai đoạn A trước ngày 30-8-2025, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhưng thiên nhiên không chỉ thử thách bằng thời tiết. Anh Long kể lại 2 sự cố khiến anh em công trường không thể nào quên. Tháng 8-2023, khi 300m đê vừa hoàn thành, một cơn bão bất ngờ ập đến. Dù đã sơ tán máy móc và sà lan sang Cảng Thọ Quang, đội ngũ kỹ sư chỉ biết bất lực nhìn sóng biển cuốn trôi đoạn đê dài 100m, thiệt hại ước tính 22 tỷ đồng.
“Nhìn mặt đê tan hoang, anh em chỉ muốn khóc. Nhưng rồi lại động viên nhau đứng dậy làm lại”, anh Long nhớ lại, giọng trầm xuống. Đầu năm 2025, một đợt sóng lớn bất ngờ trong đêm kéo đi 50m đường đang thi công dở, gây tổn thất gần 10 tỷ đồng.
Dù nhẹ hơn lần trước, sự cố này vẫn là một cú sốc. “Chúng tôi đùa nhau, làm dã tràng se cát cũng phải xứng với truyền thống Trường Sơn - càng khó càng phải làm”, anh Long nói, nụ cười pha chút cay đắng.
Di chuyển xuống phía cuối con đường, chúng tôi thấy các loại xe vận tải lớn, cầu chuyên dùng ở sà lan và công nhân đang hối hả chạy đua với bụi, với nắng. Cánh tay cẩu khỏe khoắn từ từ thả khối rakuna nặng 12 tấn xuống.
Ngay lập tức, 3 công nhân đỡ lấy khối rakuna rồi phối hợp lái vào vị trí, chèn cạnh thân đường. Kỹ sư Long nói, đây chính là đoạn khóa dài khoảng 100m. Ở đoạn này, sóng đã nhẹ hơn nên chỉ bố trí khối rakuna nặng 12 tấn.
Khi cấu kiện đã được xếp ổn định, kỹ sư Nguyễn Văn Thiện cúi thấp người ngó nghiêng xuống đáy khối rakuna. Lát sau anh đứng dậy và giơ cánh tay phải thẳng lên trời báo hiệu hoàn thành. Dây cẩu được tháo bỏ, cánh tay cẩu lại từ từ di chuyển ra phía ngoài khơi. Công việc thật đơn giản và nhàn hạ.
Tôi nói với kỹ sư Thiện: “làm việc đơn giản thế này thì mấy mà xong”. “Nhìn thế thôi, chứ không dễ đâu các anh ạ!”, Thiện lại gần, bỏ chiếc kính đen xuống rồi giải thích: “trước khi đưa cấu kiện rakuna nặng 25 tấn hoặc 12 tấn vào, một nhân viên kỹ thuật trắc đạc đã dùng máy để đánh dấu tim, cốt. Nhiệm vụ của những công nhân là phải lái để cần cẩu di chuyển nó vào đúng vị trí. Lệch một tí cũng không được”.
Chưa nói xong, kỹ sư Thiện đã lao ra vị trí chỉ huy vì một khối rakuna đang được cẩu đưa đến. Sau vài phút chờ đợi, khi công việc đã xong, kỹ sư Thiện quay lại và nói: “lắp đặt cấu kiện rakuna dưới nước rất mất thời gian. Các công nhân phải mang đồ lặn để đưa rakuna vào đúng vị trí đã xác định. Có lần phải loay hoay mấy chục phút mới thành công”.
Bây giờ chúng tôi mới chú ý kỹ hơn và nhận ra, đây là công việc có nguy cơ mất an toàn cao đòi hỏi phải có sự phối hợp rất ăn khớp từ người móc dây, người điều khiển cẩu trên cabin và người chỉ huy là kỹ sư Nguyễn Văn Thiện. Trong đó, sự hiệp đồng ăn khớp giữa người chỉ huy và lái cẩu vô cùng quan trọng.
Người lái cẩu trong cabin trên sà lan ở cách bờ đến gần 30m. Anh ta phải căng mắt quan sát nắm tay nhỏ bé của người chỉ huy với các ký hiệu đã hiệp đồng trước để mà điều chỉnh cho cẩu sang trái, sang phải hoặc nâng lên, hạ xuống.
Lúc mới đến, do chưa quan sát kỹ, do thấy mọi người làm nhuần nhuyễn quá nên chúng tôi mới đánh giá đó là công việc dễ dàng. Nhìn chúng tôi, anh Thiện cười, lau mồ hôi trên trán và thổ lộ: “công việc rất mệt, nhưng quen rồi. Làm ở đây, không chỉ cần sức mà còn cần cái tâm. Một lần đặt sai, cả đội phải làm lại từ đầu”.
Sự phối hợp ăn ý giữa con người và máy móc, giữa kỹ sư và công nhân, là yếu tố quyết định.
Kết thúc câu chuyện ngắn, kỹ sư Thiện quay người rời đi. Anh nói với trong gió biển: “chúng tôi không thể thi công đêm vì nguy cơ mất an toàn rất lớn”. Đó là lý do đội ngũ những người thợ ở đây làm việc rất cần mẫn. Họ phải tận dụng tối đa thời gian ban ngày để thi công cho kịp tiến độ.
Tôi nhìn những công nhân lặn dưới nước, thân hình nhỏ bé giữa biển cả mênh mông, chợt nghĩ đến hình ảnh những người lính Trường Sơn năm xưa, vượt rừng sâu, bom đạn để mở đường. Hôm nay, họ vẫn mang trong mình tinh thần ấy, nhưng thay vì gùi gạo, vác đạn, họ gùi từng khối bê-tông, vác từng mét khối ý chí ra giữa lòng biển động.
Họ mở những “con đường” mới, không phải trên núi rừng hiểm trở, mà trên mặt sóng cuộn trào, nơi từng khối rakuna như những cột mốc khẳng định chủ quyền và khát vọng vươn khơi của đất nước.
Ánh nắng đổ xuống những tấm lưng ướt sũng nước biển, lấp lánh như những huy chương thầm lặng mà thời gian và sóng gió phong tặng cho những người lính thợ của thời đại hôm nay.
Giữa tiếng gió lồng lộng, tiếng sóng bạc đầu, tôi lắng nghe tiếng máy rì rầm và dường như lẫn trong đó có cả tiếng những trái tim thầm thì với đại dương. Trong lòng biển sâu, giữa lớp bùn nhão và những mảng đá lởm chởm, những bàn tay thô ráp vẫn cặm cụi ghép mảnh ghép đầu tiên cho một công trình mang hình hài tương lai.
Những ánh đèn đội đầu le lói dưới lớp nước đục, tựa những vì sao gan góc giữa đáy trời sóng vỗ. Có người lặn sâu 15 - 20m dưới đáy biển lạnh ngắt, làm việc liên tục trong cái tối mù và áp lực đè nặng lên từng thớ cơ. Mặt mũi ai nấy tái mét khi trồi lên khỏi mặt nước, nhưng ánh mắt thì rực sáng - ánh mắt của những người biết rằng mình đang góp phần dệt nên một khúc tráng ca.
Tôi gặp một người thợ lặn già, da sạm nắng, trên má còn vết sẹo dài. Anh cười, nụ cười đầy nắng gió mà rằng, công việc mà, có hề chi. Giọng anh trầm đục như sóng, nhưng ánh mắt thì trong veo như bầu trời tháng tư.
Đồng đội của anh, những người trẻ hơn, vẫn đang nhịp nhàng thả xuống lòng biển từng “tảng gạch” khổng lồ để dựng lên bức tường chắn sóng, bắt đại dương phục vụ sự phát triển của đất nước.
Liên Chiểu hôm nay không còn chỉ là bãi cát trắng mênh mông, là ngọn gió Lào khô khốc thổi qua như thời chiến. Liên Chiểu bây giờ là một công trường của khát vọng. Những chiếc cần cẩu sừng sững vươn ra biển như những cánh tay của thời đại, dệt lên giữa trùng khơi một dải đất mới - nơi con người và biển cả thôi đối đầu, mà nương tựa, thăng hoa cùng nhau.
Trong cơn gió ràn rạt mặn mòi, tôi nghe như có tiếng gọi vọng từ ngàn trùng: tiếng gọi của những đoàn quân năm xưa, tiếng gọi của những đoàn thuyền vượt sóng, tiếng gọi của đất nước đang vươn mình ra biển lớn. Mỗi chiếc cọc hạ xuống, mỗi tấm ván, mỗi khối bê-tông ghép vào, là một bản tuyên ngôn không lời về sự bền bỉ và khát vọng trường tồn.
Chiều buông trên Liên Chiểu, mặt biển đỏ rực như một ngọn cờ khổng lồ. Trên mặt nước, những người thợ vẫn bám trụ, dáng hình nhỏ bé mà vững chãi, như những cột mốc sống giữa thời gian và sóng gió.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy họ không chỉ đang dựng một bờ kè chắn sóng, mà đang dựng nên một tượng đài bất khuất cho thế hệ hôm nay - những người thợ mang trong tim tinh thần Trường Sơn, mang trong lồng ngực tiếng gọi ngàn đời của Tổ quốc.
Và Liên Chiểu, từ đây, sẽ không chỉ là một địa danh - mà sẽ là một khúc tráng ca mãi ngân vang trên sóng cả./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn





