Không còn là “đỉnh cao hoang vắng”
Mai Nam Thắng
Nhà văn và liệt sĩ là đồng hương, đồng môn và đồng đội Sư đoàn 320. Thượng úy Đàm Vũ Hiệp hy sinh trong khi chỉ huy tiểu đoàn đánh chiếm cao điểm 1015 (Charlie) thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tròn 53 năm sau, cuối tháng 3-2025, khi Quân đoàn 3 tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước truy tặng liệt sĩ Đàm Vũ Hiệp, nhà văn Khuất Quang Thụy cũng vừa nằm xuống ở tuổi 75...
Ký ức từ “đỉnh cao hoang vắng”
Cùng thời gian trên, kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim tài liệu “Vùng đồng đội”, hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Tên phim nói về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 320 trên 2 điểm cao 1015 (Charlie) và 1049 (Delta) trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên đầu năm 1972.
Cuộc chiến đấu trên 2 điểm cao trên đây là bối cảnh của cuốn tiểu thuyết “Đỉnh cao hoang vắng” nổi tiếng của nhà văn cựu chiến binh Khuất Quang Thụy. Trong nhiều lần giao lưu với bạn đọc và trả lời phỏng vấn của báo chí, ông bộc bạch: tôi viết tiểu thuyết này để tưởng nhớ đồng đội của tôi đã hy sinh trong những trận đánh vô cùng khốc liệt trên 2 điểm cao phía Tây sông Pô Kô vào mùa xuân năm 1972. Tôi viết cũng là để trò chuyện với những người còn sống, sau chiến dịch đó... Cuộc chiến đã lùi rất xa rồi, những người lính đã ngã xuống hoặc để lại một phần tuổi xuân trên các chiến trường đều không thể bị lãng quên...
Ngày ấy, 2 cứ điểm 1015 và 1049 là những mắt xích trọng yếu của địch trên tuyến phòng thủ bảo vệ thị xã Kon Tum và các căn cứ của Mỹ - ngụy phía Bắc Tây Nguyên. Đầu năm 1972, khi Sư đoàn 320 của ta đã cơ động lên Kon Tum, địch đã điều những lực lượng dự bị chiến lược mạnh nhất ra tăng cường cho hướng này.
Địch lợi dụng dãy điểm cao trên đỉnh núi Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rinh Rua và sông Pô Kô là những vật cản tự nhiên phía Tây, để bảo vệ Đắc Tô, Tân Cảnh và thị xã Kon Tum. Chỉ riêng tại điểm cao 1049, địch đã đổ xuống đây cả tiểu đoàn dù số 2 thuộc lữ đoàn dù thiện chiến nhất của quân đội Sài Gòn. Kẻ địch ngạo mạn tuyên bố: “bao giờ nước sông Pô Kô chảy ngược thì Việt cộng mới đánh được Đắc Tô, Tân Cảnh...”.
Ngày 3-4-1972, ta nổ súng mở màn chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Tại 2 điểm cao 1015 và 1049 đã diễn ra những cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt của 2 trung đoàn 64 và 52 thuộc Sư đoàn 320. Xóa sổ 2 căn cứ này, quân ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô của địch, tạo điều kiện cho cuộc tấn công đập tan cụm cứ điểm Đắk Tô - Tân Cảnh vào ngày 24-4-1972...
Hàng trăm chiến sĩ ta đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để làm chủ được 2 điểm cao này. Trong đó, riêng Trung đoàn 64 đã có 235 liệt sĩ và 107 thương binh. Xương máu của các anh đã góp phần làm xoay chuyển cục diện chiến trường trường Bắc Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, tạo đà cho chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên tháng 3-1975.
Gần nửa thế kỷ sau chiến thắng kể trên, những cựu chiến binh Sư đoàn 320 khắp mọi miền đất nước đã chắp nối, quyên góp để xây dựng 2 nhà bia tưởng niệm đồng đội trên 2 cao điểm. Khi xem bộ phim “Vùng đồng đội”, được nhìn cận cảnh 2 công trình uy nghi, trang trọng, vững chãi tọa lạc trên những đỉnh cao hơn 1.200m, bốn phía là vực sâu hun hút..., tôi vô cùng ấn tượng.
Phải mất bao ngày đêm mới đưa được ngần ấy khối lượng cát sỏi, xi măng, sắt thép,... từ dưới thung lũng mờ sương kia lên đây, trên cung đường chỉ các phương tiện tự chế của người dân bản xứ mới đi lại được? Phải vận chuyển bao nhiêu can nước mới đủ cho công trình này? Đặc biệt, làm sao đưa được tấm bia đá nặng hàng tấn lên đỉnh đồi trên con đường ngoằn ngoèo cheo leo, nhiều đoạn dốc dựng đứng?
Nỗi ám ảnh của một thương binh
Đại tá Nguyễn Thế Tân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Khi tôi gọi điện nói về ý định của mình, ông Tân đang cùng một số đồng đội về thăm chiến trường xưa, hết tháng 4-2025 mới ra Hà Nội. Ông gợi ý: nếu tìm hiểu về việc xây dựng 2 nhà bia tưởng niệm trên “đỉnh trời” ở Kon Tum, nên gặp trực tiếp ông Lê Mạnh Hải ở Nghệ An. Ông ấy là lính tiểu đoàn vận tải bộ của Sư đoàn 320 hồi đó...
Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông Hải nhập ngũ tháng 5-1971, thuộc biên chế Tiểu đoàn vận tải bộ của Sư đoàn 320. Ông tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Tiếp đó là những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia... Năm 1982, ông chuyển ngành công tác, đến năm 2007 được nghỉ hưu...
Tôi quen biết ông Hải trong cuộc họp mặt truyền thống của gần 800 cựu chiến binh Sư đoàn 320 trong cả nước tại thành phố Vinh, Nghệ An, hồi tháng 7-2022. Từ đó, lần nào gặp ông, câu chuyện cũng xoay quanh những băn khoăn về sự hy sinh khốc liệt của đồng đội mà ông chứng kiến.
Bởi, trong đội hình chiến đấu, lính vận tải bộ các ông là lực lượng luôn phải đi trước, về sau. Đi trước để xác nhận vị trí “kiềng chiến đấu”, lót ổ hậu cần và vị trí tập kết thương binh, liệt sĩ ở tuyến đầu. Về sau để thu dọn trận địa, vận chuyển thương binh và liệt sĩ để cứu chữa và chôn cất.
Suốt cuộc đời quân ngũ của ông Hải chủ yếu được tăng cường lên tuyến trước, bám lưng bộ binh để tiếp đạn và chuyển thương binh, liệt sĩ từ cửa mở về “kiềng chiến đấu”. Bởi vậy, những hành động anh dũng chiến đấu và hình ảnh những người lính trước lúc hy sinh, trong giây phút lâm chung,... luôn ám ảnh tâm trí ông.
Có những trận đánh, bộ đội ta hy sinh hàng trung đội, đại đội; nhiều liệt sĩ phải chôn cất tại khu vực gần trận địa. Có những chiến dịch, những người lính vận tải bộ phải cáng thương suốt ngày đêm, quần áo và đầu tóc thấm máu đồng đội đến khô cứng lại.
Năm 1972, ông Hải đã 3 lần dính thương ở Kon Tum, trong đó 1 lần phải về viện tuyến sau điều trị. Có trận, mặc dù đầu đang quấn băng nhưng ông vẫn cùng một đồng đội bị thương cụt tay đi cáng thương binh, liệt sĩ...
Đội đá xây nhà bia trên... “đỉnh trời”
Sau năm 1975, Sư đoàn 320 đã thành lập Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trên 2 điểm cao 1015, 1049 và Mặt trận Tây Nguyên, nhưng chẳng tìm được bao nhiêu. Đó là lý do khiến các cựu chiến binh như ông Hải luôn đau đáu tâm niệm xây dựng những công trình tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh. Họ đã chắp nối, quyên góp tiền của để thực hiện ý nguyện ấy.
Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên, đã ủng hộ cuốn sổ tiết kiệm 750 triệu đồng, là tiền dành dụm dưỡng già của vợ chồng ông. Ông nói: “tôi sống được đến hôm nay, có gia đình hạnh phúc là nhờ đồng đội đã ngã xuống che chở...”. Đông đảo các thế hệ cựu chiến binh Sư đoàn 320 đều chung suy nghĩ và có nghĩa cử như vị tướng già, kẻ ít người nhiều đóng góp Quỹ nghĩa tình...
Năm 2017, khi dự án xây dựng Nhà bia tưởng niệm tại 2 cao điểm 1015, 1049 của Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 được tỉnh Kon Tum chấp thuận, Ban liên lạc khu vực Nghệ - Tĩnh do ông Hải làm trưởng ban đã xin đảm nhận phần bia đá nguyên khối, đặt mua tận Thanh Hóa, rồi chuyển ra làng nghề đá Ninh Vân ở tỉnh Ninh Bình để tạo hình, từ đó lại chuyển vào Nghệ An để khắc văn bia.
Trước đó, ông Hải đã liên hệ với một doanh nghiệp xây dựng ở tỉnh Kon Tum và chấp nhận mọi đơn giá của họ. Nhưng sau khi khảo sát thực địa, đối tác nhận thấy vị trí đặt bia cheo leo, đường sá khó khăn, khí hậu khắc nghiệt..., nên họ rút lui.
Trước tình hình đó, ông Hải điện về Văn phòng Công ty TNHH Phú Nguyên Hải do ông làm giám đốc, trình bày ý định huy động lực lượng trong công ty vào thực hiện công trình. Toàn thể công ty đều hồ hởi sẵn sàng.
Sau đó ít lâu, tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 73 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2017) của Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 320 khu vực Nghệ - Tĩnh, khi Trưởng ban Lê Mạnh Hải báo cáo về chủ trương xây dựng nhà bia và những khó khăn như đã nêu trên, hàng trăm cánh tay cựu chiến binh đang có mặt đã giơ cao xung phong trở về chiến trường xưa để xây dựng nhà bia tưởng niệm đồng đội.
Tiếp đó, việc lên danh sách những người được lựa chọn đi xây dựng cũng khá “vất vả”, bởi ai cũng nằng nặc quyết tâm tham gia; trong khi “biên chế” chỉ cần khoảng 1 trung đội. Cân nhắc mãi, cuối cùng cũng “chốt” được danh sách 27 người bảo đảm sức khỏe và điều kiện gia đình... Đồng thời, Giám đốc Lê Mạnh Hải còn cử 8 cán bộ công nhân kỹ thuật của công ty vào làm lực lượng nòng cốt để hỗ trợ các cựu chiến binh...
Bấy giờ đang là mùa khô, nhưng đường lên điểm cao là cả “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” vô cùng gian truân. Xe tải 2 cầu chở người nhiều hôm cũng nằm lại giữa đường bởi vì ban lốp. Xe chở vật liệu xuất phát từ xã Rờ Kơi từ lúc 5h sáng, phải quá trưa mới lên tới công trình, mà mỗi thùng xe chỉ chở được tối đa 2m3 vật liệu. Mỗi lít nước để xây dựng và sinh hoạt, đưa được lên đây giá thành tương đương một chai Lavie ngoài thị trường...
Những bao xi măng được gùi bằng vai trần; những thanh thép được ghép thành cáng khiêng; những viên đá được lăn từng bước... Đặc biệt là tấm bia đá nặng hàng tấn cũng được đưa lên đỉnh núi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người lính. Khi tấm bia thứ hai được cẩu đặt đúng vị trí nền móng, Đại tá Nguyễn Thế Tân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 và các cựu chiến binh đã ôm chầm nhau bật khóc...
Vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, được sự phối hợp tận tình của địa phương và Sư đoàn 320 cùng một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn, 2 công trình đã được thi công đúng tiến độ, bảo đảm kỹ thuật và mỹ thuật, đặc biệt là an toàn tuyệt đối.
Một ngày đầu tháng 5-2018, lễ khánh thành 2 nhà bia tưởng niệm trên 2 cao điểm 1015 và 1049 được tổ chức trọng thể. Cố Trung tướng Khuất Duy Tiến khi đó 88 tuổi và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước 92 tuổi (nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên năm 1975) cùng nhiều tướng lĩnh, đông đảo các thế hệ cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 320, thân nhân của các liệt sĩ thuộc sư đoàn; lãnh đạo, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở địa phương đã đến dâng hương, thực hiện các nghi thức tâm linh truyền thống...
Ngày 18-1-2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc Bổ sung Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, thuộc huyện Sa Thầy và huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum vào cụm Di tích Quốc gia đặc biệt. Địa điểm Chiến thắng Đak Tô - Tân Cảnh đã được xếp hạng tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg, ngày 22-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Vậy là 2 điểm cao 1015 và 1049 chót vót chênh vênh không còn là những “đỉnh cao hoang vắng” giữa trùng điệp núi rừng, mà đã trở thành những địa chỉ lịch sử văn hóa đặc biệt của Tây Nguyên và cả nước.
Khi tôi viết bài báo này, ông Lê Mạnh Hải đang ra Hà Nội khám bệnh theo lịch hẹn của Bệnh viện Quân y 108. Thì ra, thời điểm ông làm “chỉ huy” xây dựng 2 nhà bia tưởng niệm trên đây, ông đã phải mang máy tạo nhịp tim, đai thoát vị đĩa đệm và hai chân phải mang tất y khoa vì giãn tĩnh mạch. Vậy mà ông cứ giấu và cứ cố, chỉ vì “so với các đồng đội đã hy sinh, nhiều người hài cốt chưa tìm được, thì tôi còn may mắn hơn nhiều...”./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn





